Canh rau sắng cá tràu

Thứ Ba, 24/08/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 4 điểm ( 1 đánh giá )

 Nói đến đặc sản Ninh Bình là nói đến những món ăn dân dã, bình dị như mắm tép Gia Viễn, cơm cháy, thịt dê, rượu Kim Sơn…. Nhưng nơi đây còn được biết đến với những món đặc sản được vua chúa thời xưa thưởng ngự. Một trong số đó chính là canh rau sắng cá tràu.

 

 

Cá tràu hay cá trèo đồi, cá cửng là những cái tên khá xa lạ với thực khách, nhưng nó lại là tên của một loài cá quý rất quen thuộc với người dân Ninh Bình.

Cá tràu thuộc họ cá quả, mình tròn lẳn, sinh sống chủ yếu trong các khe đá. Vào mùa đông, dù nước cạn đến đâu chúng cũng đào sâu hang xuống để sinh sống, ăn loại đất sét và ngủ suốt mấy tháng liền, khi mùa mưa tới thì mới xuất hiện. Chúng chỉ sống ở vùng hang động ngập nước thuộc xã Ninh Hải và Tổng Trường Yên, huyện Hoa Lư với số lượng hạn chế. Cá tràu rất khỏe, có khả năng trườn trên đá để lên những điểm cao hơn như khe nước ven lưng chừng đồi, vì thế chúng còn có tên gọi khác là cá trèo đồi.

Tương truyền, cá tràu đã có từ thời vua Đinh Tiên Hoàng. Xưa kia, người dân kinh thành Hoa Lư mỗi khi bắt được loài cá này đều phải cống nạp cho vua, nếu tự ăn sẽ bị coi là phạm thượng.

Cá tràu được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như cá tràu nướng, cháo cá tràu nhưng đặc sắc và hấp dẫn nhất đó chính là canh rau sắng cá tràu.

Rau sắng, hay còn gọi là rau ngót rừng, được chế biến và nấu như rau ngót, có lá xanh thẫm, bóng mỡ màng. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận vị ngọt, bùi hòa quyện. Mùa rau sắng bắt đầu từ tháng Hai đến hết tháng Ba âm lịch, từ khi trồng đến lúc cho lần thu hoạch đầu tiên phải mất từ 3-4 năm nhưng phải vài năm sau cây mới đạt hiệu suất cao nhất. Rau sắng thường mọc trong rừng sâu, trên những vách núi cao. Càng là những cây mọc trên vách núi cao thì tuổi đời cây càng cao, chất lượng rau càng ngon ngọt lạ thường.

Rau sắng thường được nấu với cá rô, cá quả nhưng đặc trưng nhất vẫn là rau sắng nấu cá tràu vì khi hai nguyên liệu hòa quyện sẽ giữ được vị thơm, săn chắc của thịt cá. Khi nấu canh sắng với cá tràu, người Ninh Bình không cần dùng đến gia vị, bởi chỉ riêng vị ngọt của sắng cũng đủ khiến món ăn vương vấn nơi đầu lưỡi.

Hàng năm người dân vùng đất cố đô vẫn tổ chức lễ hội và làm món canh rau sắng cá tràu để thắp hương tưởng nhớ, cầu mong cho mọi việc ấm êm, mùa màng tươi tốt.

 

Tin cùng chuyên mục