Sau 2 năm phải tạm gác mái chèo vì dịch COVID-19, giờ đây, những người lái đò tại các khu du lịch ở Ninh Bình đã trở lại công việc thường ngày, đưa du khách khám phá, thưởng ngoạn vẻ đẹp quê hương.
Những người lái đò chở khách xuôi dòng sông Sào Khê, bắt đầu. hành trình khám phá Tràng An.
Những ngày cuối tuần tại Khu du lịch Tràng An, không khí náo nhiệt, tấp nập ngay từ sáng sớm, hàng dài khách du lịch xếp hàng chờ lên thuyền. Phía ngoài sân, bà Nguyễn Thị Huệ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) cùng một số lái đò vội vã chạy về bến thuyền cho kịp lượt chở khách.
Có kinh nghiệm lái đò tại Tràng An hơn mười năm, bà Huệ hạnh phúc vì "cuộc sống bình thường đã trở lại". Hơn hai năm qua, dịch COVID-19 hoành hành khiến du lịch "đóng băng", những người lái đò như bà thất nghiệp, phải tìm kế sinh nhai khác, người quay lại làm ruộng, người đi phụ hồ, làm thuê…
Ngày được thông báo đi làm trở lại, người phụ nữ 54 tuổi mừng hơn cả đón tết. "Hai năm qua khu du lịch cứ đóng lại mở khiến công việc và thu nhập của lái đò chúng tôi bấp bênh, khó khăn lắm. Giờ thì bình thường mới rồi, khách du lịch đã đông trở lại nên ai cũng vui mừng".
Mỗi chuyến, bà Huệ và các lái đò được trả công 200.000 đồng. Trung bình chở từ 1 đến 2 lượt khách một ngày. Ngoài thu nhập chính, họ còn được khách đi đò bồi dưỡng thêm nên thu nhập hàng tháng rơi vào khoảng 5 đến 6 triệu đồng. "Không quá cao nhưng số tiền kiếm được cũng đủ để chúng tôi trang trải cuộc sống", bà Huệ tâm sự.
Những người lái đò tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh hầu hết đều là phụ nữ trung niên, một số ít là nam giới. Họ là những người nông dân sống nhờ vào nghề chèo đò tại các khu du lịch. Để được lái đò, họ đã phải trải qua một lớp huấn luyện rồi thi kỹ năng, đạt tiêu chuẩn mới được hành nghề.
Là một trong số ít nam giới lái đò tại Tràng An, ông Vũ Văn Quang (61 tuổi, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư) chia sẻ: "Công việc hàng ngày của chúng tôi là đón du khách lên thuyền, hướng dẫn khách ngồi đúng vị trí, mặc áo phao rồi bắt đầu khua mái chèo đưa khách khám phá Tràng An".
Người lái đò không chỉ là người vận chuyển mà còn đóng vai trò một hướng dẫn viên, quảng bá, giới thiệu tới du khách những nét nổi bật như: hang Địa Linh, hang Tối, hang Sáng, hang Đột, hang Đại, hang Nấu rượu, núi Đại Bàng, Yên Ngựa… trên hành trình khám phá Tràng An.
Cũng theo ông Quang, công việc lái đò đòi hỏi sức khỏe tốt bởi họ phải chèo quãng đường dài 15 km trong vòng 3 tiếng đồng hồ; có kiến thức, am hiểu về cảnh đẹp, lịch sử để giới thiệu tới du khách và nhất là phải có kỹ năng chèo thuyền khéo léo.
"Nhiều lúc phải đi qua những hang tối và nhỏ, lối đi chỉ vẻn vẹn vừa chiếc đò nên người lái đò phải điều khiển, luồn lách sao cho con đò đi đúng hướng. Chúng tôi phải lái thật chuẩn để đò không va vào đá, du khách cũng không chạm vào nhũ đá ở trên đầu"...
Dù vất vả nhưng ông Quang vui vì được làm công việc mình thích và có thêm thu nhập lo cho gia đình. "Trải qua thời gian dài thất nghiệp ở nhà, giờ được đi làm thấy mừng lắm. Chỉ mong lượng khách ổn định thế này để anh em chúng tôi có đồng ra đồng vào", người đàn ông tâm sự.
Đường vào Tam Cốc. Ảnh: PV
Ninh Bình nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh và đây là cơ hội tạo công ăn việc làm cho gần 5.000 lao động làm nghề chèo đò tại các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch sinh thái Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch sinh thái Vân Long, Khu du lịch sinh thái Vườn chim Thung Nham, Động Thiên Hà...
Ông Hà Huy Lợi, quản lý khu du lịch động Thiên Hà cho biết, đơn vị hiện có khoảng 20 lái đò làm việc, trong khi trước dịch, con số này là 60. "Dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn tới du lịch, nhiều lái đò không trụ nổi nên chuyển hướng sang công việc khác".
Lái đò tại khu du lịch động Thiên Hà cũng như các khu du lịch khác hầu hết là người dân địa phương, đã am hiểu địa bàn cũng như có kỹ năng chèo đò. Tuy nhiên, trước khi hành nghề, họ đều đã tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch để đáp ứng yêu cầu phục vụ khách du lịch. Các lớp học này do Sở Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức.
Những người lái đò được học về an toàn giao thông đường thủy, kỹ năng đón tiếp khách, giao tiếp và ứng xử trong quá trình phục vụ. Sau khi hoàn thành chương trình tập huấn, họ được Sở Du lịch cấp giấy chứng nhận và bắt đầu công việc.
Ông Lợi cho rằng, những lớp học này rất quan trọng với người lái đò và đơn vị du lịch. Từ kiến thức đã học, người lao động áp dụng vào thực tiễn, tạo môi trường du lịch văn minh, văn hóa, an toàn cho khu du lịch, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.
Theo số liệu từ Sở Du lịch, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh ước đón gần 1,78 triệu lượt khách tham quan, đạt 204,95% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách nội địa là gần 1,76 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt hơn 18 nghìn lượt khách.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn