Với chiến lược xuyên suốt là phát triển du lịch xanh, bền vững; du lịch dựa vào cộng đồng, tôn trọng giá trị tự nhiên, lịch sử văn hóa một cách tối đa cùng với cách làm bài bản, Ninh Bình đang ngày càng khẳng định vị thế, trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước. Tỉnh phấn đấu đến năm 2045, trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong 10 nhóm điểm đến du lịch hàng đầu các nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 10% GRDP.
Đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Ninh Bình được biết đến là nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hấp dẫn như: Danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Vân Long,… Tỉnh còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú... Đây là những tiềm năng, lợi thế lớn, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và thương hiệu riêng cho Ninh Bình.
Phát huy những tiềm năng và lợi thế đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định: Phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày 29/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045. Đặc biệt, Nghị quyết đã chuyển hướng chiến lược phát triển, từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”.
Theo đó, Ninh Bình tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hóa cao, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch bằng sản phẩm độc đáo, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Cùng với phát triển du lịch nội tỉnh, Ninh Bình cũng đẩy mạnh liên kết đầu tư và phát triển du lịch với các trung tâm du lịch như Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM, Hòa Bình; hợp tác tuyến du lịch dự trữ sinh quyển thế giới Khu quần đảo Cát Bà với Quần thể danh thắng Tràng An… 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ước đón 6,28 triệu lượt khách, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước, đạt 83,76% so với kế hoạch năm 2024. Trong đó: Khách nội địa đón 5,58 triệu lượt khách, khách quốc tế đón trên 700 nghìn lượt khách. Doanh thu ước đạt hơn 5.936 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 71,96% so với kế hoạch năm 2024.
Để hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 10% GRDP, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết: Ngành đã và đang triển khai “đa nhiệm vụ”, “đa giải pháp” với quyết tâm, nỗ lực cao nhất. Trong đó: Đẩy mạnh xã hội hóa; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có cơ chế, chính sách để huy động, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tập trung thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu lớn đầu tư các khu dịch vụ du lịch, trung tâm mua sắm, giải trí.
Nghiên cứu thị trường xúc tiến, quảng bá – liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch; Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành…
Phát triển 04 nhóm sản phẩm du lịch chính
Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Ninh Bình sẽ phát triển 04 nhóm sản phẩm du lịch chính: (1) Nnhóm sản phẩm du lịch văn hóa - lịch sử là nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình; (2) nhóm sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; (3) nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các hệ sinh thái biển, rừng, các nguồn khoáng nóng; (4) nhóm sản phẩm du lịch sáng tạo theo tư duy đột phá, có hàm lượng chất xám cao, tiết kiệm tài nguyên.
Phát triển 03 nhóm sản phẩm du lịch phụ trợ: (1) Nhóm sản phẩm chuyên đề về khám phá tự nhiên, lễ hội, ẩm thực; (2) Nhóm sản phẩm liên ngành: Du lịch MICE (gắn với sự kiện hội nghị, hội thảo), du lịch nông nghiệp, du lịch thể thao, du lịch giáo dục, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm phim trường…; (3) Nhóm sản phẩm du lịch liên vùng.
Địa phương tập trung định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, coi chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch là lợi thế cạnh tranh trong tương lai so với các tỉnh, thành lân cận và các đối thủ cạnh tranh. Trong đó, phát triển 03 điểm nhấn chính mang tính đột phá: Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; tổ hợp nghỉ dưỡng du lịch Kênh Gà – Vân Trình; các khu du lịch nghỉ dưỡng trong khu vực Cúc Phương, Vân Long, vùng ven biển Kim Sơn…
“Các điểm nhấn chính này sẽ trở thành đầu tàu, động lực thu hút du khác, định vị hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Ninh Bình; đồng thời từng bước mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm trên cơ sở lan tỏa tới các không gian du lịch còn lại, tạo nên các tuyến du lịch đan xen và liên kết trong tỉnh, liên vùng”, ông Bùi Văn Mạnh cho biết.
Trước mắt, tỉnh tập trung quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững trong đó thực hiện Quy hoạch công viên động vật hoang dã Quốc gia Ninh Bình; Quy hoạch phân khu các khu vực trong khu di sản Tràng An; Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An; Lập, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xây dựng các khu du lịch Vân Long, Cúc phương, hồ Đồng Thái – động Mã Tiên.
Quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ nghiêm các khu vực có giá trị cảnh quan, địa chất địa mạo, tiềm năng phát triển du lịch… Nghiên cứu xây dựng quy hoạch bảo tồn không gian văn hóa kinh đô Hoa Lư xưa tại xã Trường Yên và vùng phụ cận; Không gian văn hóa khu vực sông Bôi, sông Hoàng Long; Quy hoạch phát triển không gian văn hóa làng nghề truyền thống Văn Lâm gắn với hành cung Vũ Lâm, huyện Hoa Lư…
Phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường.
“Ngành sẽ chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết, huy động mọi nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa, con người, phấn đấu xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, điểm đến “An toàn – Thân thiện - Chất lượng – Hấp dẫn”, ông Bùi Văn Mạnh cho biết.
Box: Trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực đã có, trong đó du lịch luôn được xác định là lĩnh vực ưu tiên.
BBT