1. Tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt có truyền thống, lịch sử văn hóa lâu đời. Nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90 km, với vị trí địa lý thuận lợi Ninh Bình trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam Bắc. Ninh Bình có địa hình đa dạng: có đồi núi, sông hồ, đồng bằng, vùng biển, mang đầy đủ sắc thái địa hình Việt Nam thu nhỏ. Ninh Bình có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú và hấp dẫn, trên nền cảnh quan đặc sắc cùng bề dầy lịch sử văn hoá nhân loại (có nhiều di tích khảo cổ có niên đại từ 5.000 đến 30.000 năm cách ngày nay) cũng như lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam. Đặc biệt hơn khi ở thế kỷ X nơi đây đóng vai trò là kinh đô của Nhà nước Đại Cồ Việt, có một nền văn hóa kinh kỳ-đô hội còn tiếp nối vang vọng đến ngày nay. Đặc biệt, khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, du lịch Ninh Bình đã chính thức ghi tên trên bản đồ du lịch thế giới mang đến nhiều cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh. Đó là những lợi thế, tiềm năng to lớn để phát triển du lịch văn hoá, du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa, tạo nên điểm nhấn riêng có ở Ninh Bình.
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ xác định Ninh Bình là một trong các tỉnh nằm trong 6 vùng và 8 khu vực động lực được quy hoạch phát triển không gian du lịch của quốc gia, với điểm nhấn là Quần thể danh thắng Tràng An. Đặc biệt ngày 04/3/2024 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 218/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó xác định mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là: “Lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô, cùng giá trị nổi bật của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An làm nguồn lực và động lực phát triển” và đặt mục tiêu đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng “Đô thị di sản thiên nhiên kỷ, Thành phố sáng tạo”; một trong những trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Đông Nam Á mà Di sản Tràng An là trung tâm.
Với chiến lược xuyên suốt là phát triển du lịch xanh, bền vững; du lịch dựa vào cộng đồng, tôn trọng giá trị tự nhiên, lịch sử văn hóa một cách tối đa cùng với cách làm bài bản, Ninh Bình đang ngày càng khẳng định vị thế, trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách trong và ngoài nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định: Phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày 29/10/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045. Đặc biệt, Nghị quyết đã chuyển hướng chiến lược phát triển, từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”. Tỉnh phấn đấu đến năm 2045, trở thành trung tâm du lịch lớn, nằm trong 10 nhóm điểm đến du lịch hàng đầu các nước và khu vực Đông Nam Á, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 10% GRDP.
Để hoàn thành mục tiêu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 10% GRDP vào năm 2030. Tỉnh Ninh Bình đã và đang triển khai “đa nhiệm vụ”, “đa giải pháp” với quyết tâm, nỗ lực cao nhất. Trong đó: Đẩy mạnh xã hội hóa; huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, mang hàm lượng văn hóa cao; có cơ chế, chính sách để huy động, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch. Tập trung thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu lớn đầu tư các khu dịch vụ du lịch, trung tâm mua sắm, giải trí. Tổ chức nghiên cứu thị trường xúc tiến, quảng bá – liên kết, hợp tác trong và ngoài nước về phát triển du lịch; Tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Phát triển nguồn nhân lực du lịch theo cơ cấu hợp lý, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành…
Kết quả năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã đón trên 6,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 500 ngàn lượt khách quốc tế. Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 6,28 triệu lượt khách, tăng 38,47% so với cùng kỳ năm trước, đạt 83,76% so với kế hoạch năm 2024. Doanh thu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh 6 tháng ước đạt trên 5.937 tỷ đồng, gấp hơn 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 71,96% so với kế hoạch năm 2024. Tỉnh Ninh Bình đứng thứ 6 trên 10 tỉnh, thành phố có lượng khách lớn nhất cả nước.
Đặc biệt với nhiều vẻ đẹp thiên nhiên riêng có, những năm qua, Ninh Bình đã nhiều lần được các tổ chức trong nước và thế giới xếp top cao trong danh sách bình chọn của nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín. Năm 2020, Trips to Discover (Mỹ) điền tên Ninh Bình vào danh sách 14 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á. Năm 2022, Tạp chí Du lịch và giải trí (Mỹ) xếp Ninh Bình vào danh sách 12 địa điểm quay phim đẹp nhất châu Á. Năm 2023, Ninh Bình đoạt Giải thưởng Đánh giá của khách du lịch, là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới. Tạp chí Forbes (Mỹ) bình chọn Ninh Bình là một trong 23 điểm đáng đến nhất thế giới. Mới đây nhất năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong "Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông"; top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới.
2. Thực trạng Thực hiện văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
Văn hóa là nguồn tài nguyên vô giá cho du lịch phát triển. Phát triển du lịch hiện nay phải dựa trên nguyên tắc phát triển bền vững, góp phần bảo vệ và phát huy các giá trị của văn hóa và bảo vệ môi trường sinh thái. Du lịch muốn trở thành điểm hẹn của khách du lịch, chúng ta phải coi trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở các điểm du lịch, lấy con người văn hóa là trung tâm cho phát triển du lịch. Trong mỗi chuyến đi, điều du khách muốn khám phá không chỉ là sự độc đáo của điểm đến, dịch vụ du lịch mà còn quan tâm đến cảnh quan môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và cả văn hóa ứng xử của người dân bản địa. Những yếu tố tưởng chừng đóng vai phụ này lại tác động không nhỏ đến sự hài lòng, việc muốn trở lại hay không của khách. Chính vì vậy, song song với việc đầu tư nâng chất sản phẩm thì tỉnh phải chú trọng hơn nữa khâu xây dựng hình ảnh du lịch theo hướng văn minh, thân thiện. Thực hiện chương trình công tác dân vận năm 2024, Ban Dân vận Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh du lịch; văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn huyện Hoa Lư – địa bàn trọng điểm phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cần thiết để góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Trước hết chúng ta nên hiểu đúng về Văn minh là gì?
Văn minh có nội hàm rất phong phú. Từ điển Chính trị vắn tắt do Nhà xuất bản Tiến bộ (Mát-xcơ-va) và Nhà xuất bản Sự thật đồng ấn hành năm 1988 ghi: Văn minh có 3 cách hiểu như sau: Đồng nghĩa với văn hóa; trình độ, giai đoạn phát triển của nền văn hóa vật chất và tinh thần; giai đoạn phát triển xã hội sau thời đại dã man.
Văn minh theo nghĩa rộng, là tổng hòa các giá trị sáng tạo của nhân loại, bao gồm văn minh vật chất, văn minh tinh thần, văn minh chính trị, văn minh xã hội, văn minh sinh thái…
Văn minh theo nghĩa hẹp, có nội dung về phương diện tinh thần, về tư tưởng, lý luận, đạo đức, văn học, nghệ thuật, giáo dục và khoa học, những sinh hoạt xã hội của nhân loại. Xét cho cùng, tiêu chí của văn minh là sự tiến bộ ở đỉnh cao.
Môi trường du lịch văn minh, hấp dẫn là một trong những yếu tố hàng đầu thu hút du khách. Chính vì vậy, các địa phương có khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đặc biệt chú trọng việc thực hiện nếp sống văn minh, văn minh du lịch nhất là trong ứng xử, giao tiếp với du khách.
Với mục tiêu tạo dựng môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện và hấp dẫn, tháng 3-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Bộ quy tắc bao gồm các quy định mang tính chuẩn mực, nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch, khách du lịch là người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước, người nước ngoài đi du lịch Việt Nam. Trong đó, đối với cộng đồng dân cư, nhất là cộng đồng nơi có các điểm du lịch trọng điểm, các quy tắc ứng xử được quy định khá chi tiết. Chẳng hạn, cộng đồng dân cư cần lịch sự, thân thiện, nói lời hay, cử chỉ đẹp; nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách khi có yêu cầu; xếp hàng theo thứ tự, không chen lấn, xô đẩy khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động nơi công cộng; tôn trọng, giúp đỡ, ưu tiên và nhường đường cho khách du lịch; có ý thức, trách nhiệm bảo vệ cảnh quan và môi trường; giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng; không chèo kéo, đeo bám du khách; không có lời nói, cử chỉ, hành vi thô tục, thiếu văn hóa, khiếm nhã, kỳ thị, phân biệt đối xử với du khách; không xả rác, khạc nhổ, đi vệ sinh bừa bãi, hút thuốc lá ở nơi không được phép; không bán các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã cho khách du lịch...
Ngoài ra, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch cũng đề ra những quy định cụ thể, rõ ràng đối với các đối tượng như cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, lưu trú, vận chuyển, lữ hành, điểm mua sắm, điểm tham quan và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch... Trong đó, đề cao cách ứng xử đúng mực, thân thiện, trách nhiệm và tôn trọng khách du lịch. Tuân thủ pháp luật, chú trọng các yếu tố chuyên nghiệp, thương hiệu và chất lượng trong kinh doanh, nhằm cung cấp các hàng hóa, dịch vụ uy tín, bảo đảm đúng số lượng và chất lượng cho du khách. Đề cao du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa cho du lịch bền vững. Cầu thị, lắng nghe góp ý từ khách hàng và chân thành trong phục vụ khách. Có trách nhiệm với du khách, không để khách chờ đợi quá lâu khi xảy ra sự cố và nếu có sự cố phải “giải thích”, “xin lỗi” và mong được sự “thông cảm” từ phía du khách... Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề còn lại là làm thế nào để hiện thực hóa các quy định ấy vào thực tiễn và biến các quy định trở thành lối ứng xử, hành xử vừa chuẩn mực, vừa tự nhiên. Có như vậy, cái nan đề “văn hóa du lịch” mới mong có được bước chuyển căn bản.
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy Ninh
Bình về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm
2045; Quyết định số 1339/QĐ-UBND ngày 30/11/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Đề án phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045. Sở Du lịch đã chủ động triển khai, phối hợp hiệu quả với các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể của tỉnh tuyên truyền đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tập trung tuyên truyền, giới thiệu tiềm năng du lịch, sản phẩm du lịch, giới thiệu các danh lam thắng cảnh, các khu, điểm, tour du lịch mới và các hoạt động quảng bá hình ảnh Ninh Bình; Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, đặc biệt là người dân ở nơi có khu, điểm du lịch đã nhận thức được tiềm năng thế mạnh về du lịch trong sự phát triển kinh tế địa phương nhằm phát triển du lịch bền vững, tích cực hưởng ứng tham gia tuyên truyền, bảo tồn, gìn giữ, khai thác và phát huy tiềm năng, thế mạnh, bảo vệ Di sản, thực hiện tốt nếp sống văn minh du lịch, ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững theo hướng “tăng trưởng xanh” góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Các sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể của tỉnh thường xuyên tuyên truyền về công tác phát triển du lịch đến cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các tổ chức, cá nhân có liên quan nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của Di sản thế giới, ý nghĩa của việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị Di sản văn hóa cũng như các di tích lịch sử, từ đó ý thức, trách nhiệm trong việc giữ gìn và bảo vệ di sản, nâng cao ý thức, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong hoạt động du lịch. Hằng năm, tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương tự giác, tích cực tham gia bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, giữ gìn an ninh trật tự; thực hiện nếp sống văn minh, ứng xử du lịch lịch sự, thân thiện mang đậm dấu văn hóa của con người vùng đất Cố đô Hoa Lư, tạo sự đồng thuận cao để xây dựng hệ sinh thái kinh doanh du lịch năng động, sáng tạo, cạnh tranh bình đẳng và môi trường du lịch an toàn và hấp dẫn.
Với mục tiêu xây dựng môi trường văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch, thời gian qua Ninh Bình đã có nhiều giải pháp để phát huy vai trò chủ thể của người dân trong các hoạt động đón tiếp, phục vụ du khách. Qua đó, ngày càng khẳng định thương hiệu điểm đến an toàn, thân thiện của vùng đất di sản. Di sản Quần thể danh thắng Tràng An không chỉ nổi tiếng là nơi có cảnh quan tuyệt đẹp, mà còn là nơi thể hiện nhiều nét văn hóa của người dân địa phương. Tuy nhiên, đã có lúc nạn chèo kéo chụp ảnh, giành khách, và bán hàng rong… của một số người dân đã làm ảnh hưởng tới hình ảnh của khu du lịch. Trong thời gian qua, cuộc vận động xây dựng Tam Cốc- Bích Động trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và an toàn đã được lan tỏa. Hàng nghìn hộ dân đã cùng hành động để xây dựng văn hóa điểm đến, với thay đổi bắt đầu từ thái độ ứng xử với khách du lịch.
Một trong những nét đặc trưng của con người Ninh Bình là thân thiện, hiền hòa, thanh lịch trong giao tiếp ứng xử. Vì thế, việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa này được các cấp, các ngành quan tâm cần thực hiện. Các quy chế quản lý ở các khu điểm du lịch, cũng như việc tổ chức các lớp học tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ đã tập trung vào việc nâng cao trình độ giao tiếp ứng xử, phục vụ khách tham quan chu đáo của người dân, tạo dựng cảnh quan thân thiện. Đến nay, cảnh quan, môi trường, văn hóa, văn minh tại các khu, điểm du lịch di sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thay đổi rõ nét: 100% các khu, điểm du lịch trở thành “điểm đến văn minh, an toàn, thân thiện”. Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình đã xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch và Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 10/7/2017 về thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh.
Để thực hiện mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh các nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh qua các thời kỳ, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 34/2015/QĐ-UBND về Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh đã xếp hạng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Bên cạnh các quy định về bảo vệ, quản lý theo Luật Di sản văn hóa, Quy chế còn quy định rõ các điểm di tích phải có sự đồng thuận của người dân và các hoạt động phải tuân thủ các quy định theo nếp sống văn hóa, văn minh. Việc quảng bá, giới thiệu các di tích cần quan tâm đến việc giáo dục truyền thống và tạo ấn tượng để thu hút khách du lịch đến tham quan di tích.
Đối với thế hệ trẻ, tỉnh Ninh Bình đã có kế hoạch "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình". Thực hiện kế hoạch này, tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo xây dựng các nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong lớp trẻ, thế hệ tương lai của Ninh Bình về văn hóa ứng xử, lối sống, đạo đức trong trường học và nơi công cộng; về thái độ, hành vi, ngôn ngữ chuẩn mực để xây dựng văn hóa ứng xử của từng cá nhân trong cộng đồng. Thực hiện tốt chiến lược đào tạo, xây dựng, bồi dưỡng văn hóa ứng xử nơi công cộng cho học sinh trong các trường học. Khuyến khích học sinh tìm hiểu các giá trị lịch sử của địa phương, hiểu biết nhiều hơn về truyền thống văn hóa của gia đình, cộng đồng và quê hương Ninh Bình.
Tỉnh cũng đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các công sở nhằm xây dựng các cơ quan văn hóa, văn minh, chuyên nghiệp. Nêu cao tinh thần phục vụ người dân và khách đến làm việc hiệu quả, có các chuẩn mực ứng xử trong thi hành công vụ, đồng thời cũng làm gương cho nhân dân trong phong cách phục vụ và thực hiện nhiệm vụ. Trong Bộ quy tắc do UBND tỉnh ban hành, có 6 quy tắc chung quy định thái độ làm việc khi tiếp dân với phong cách thân thiện, nhiệt tình, trách nhiệm và tận tâm. Các quy tắc chi tiết đối với từng nhóm cán bộ trong các hoạt động quản lý, phục vụ cũng đã góp phần định hướng chung cho nhân dân trong phong cách ứng xử nơi công cộng.
Như vậy, có thể thấy, tỉnh đã rất quan tâm đến văn hóa ứng xử nơi công cộng và gắn việc xây dựng hành vi ứng xử nơi công cộng với phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đồng thời giáo dục cho người dân hành vi ứng xử nơi công cộng gắn với xây dựng thương hiệu, hình ảnh địa phương.
Trong định hướng phát triển du lịch, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Ninh Bình, hoạt động tuyên truyền, giáo dục hành vi ứng xử nơi công cộng gắn với xây dựng thương hiệu, hình ảnh địa phương là rất quan trọng. Chính vì vậy, rất cần có chiến lược cụ thể để xác định rõ những bản sắc văn hóa của địa phương, đưa các giá trị bản sắc văn hóa đó vào các nội dung tuyên truyền, giáo dục cho người dân. Trong đó, cần cụ thể từng nội dung phù hợp với từng nhóm tuổi, nhóm nghề nghiệp, nhóm xã hội. Đặc biệt là gắn các nội dung tuyên truyền về bản sắc văn hóa, thương hiệu địa phương với các khóa tập huấn, đào tạo những người phục vụ khách du lịch, bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, người dân tham gia phục vụ du lịch, các em học sinh…
Ban Dân vận Tỉnh ủy đã hướng dẫn UBND cấp huyện chỉ đạo việc rà soát, bổ sung hương ước, quy ước ở khu dân cư, tổ dân phố trong đó có các tiêu chí về xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, quy định về người dân tham gia các hoạt động du lịch; bảo vệ môi trường; xây dựng văn minh du lịch. Có 8/8 Ban dân vận cấp huyện có kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết 07-NQ/TU; đăng ký xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình dân vận khéo trong vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh du lịch và giữ gìn, phát huy các giá trị di sản. Các cơ sở Hội tổ chức 250 buổi tuyên truyền chủ trương của tỉnh về phát triển du lịch, bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử phục vụ cho du lịch, "Du lịch xanh" gắn khai thác với bảo tồn tính đa dạng của hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của tỉnh thu hút trên 25.000 lượt hội viên, phụ nữ tham gia. Hội LHPN tỉnh tổ chức chương trình 'Phiên chợ xanh - bảo vệ môi trường nông thôn” tại khu điểm du lịch bến thuyền Tam Cốc, Bích Động. Sự kiện với chủ đề "Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn" nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích hội viên, phụ nữ và cộng đồng dân cư xây dựng lối sống bền vững, thân thiện với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học bằng cách phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa dùng một lần; tích cực trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng; thực hiện xử lý rác hữu cơ, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, hình thành và duy trì thói quen tốt góp phần bảo vệ môi trường, làm cho thế giới sạch hơn và đất nước phát triển hài hòa, bền vững.
Ngành Du lịch phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng hệ thống các bài thuyết minh làm tài liệu hướng dẫn khách du lịch tại một số khu du lịch trọng điểm; phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Phụ nữ tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các trường đại học, cao đẳng và các doanh nghiệp được giao quản lý khu, điểm du lịch mở các lớp bồi dưỡng nâng cao kỹ năng kiến thức du lịch, ngoại ngữ và phong cách giao tiếp văn minh, lịch sự đối với khách du lịch cho cán bộ, nhân viên, cộng đồng địa phương tham gia vào hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đặc biệt là tại các khu, điểm du lịch thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An: khu tâm linh chùa Bái Đính, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch sinh thái Vân Long…
Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của Ban Dân vận Tỉnh ủy, ngành Du lịch nhằm nâng cao nhận thức và định hướng hành vi, thái độ, cách thức ứng xử văn minh của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, góp phần xây dựng du lịch Ninh Bình trở thành điểm sáng về văn hóa, văn minh và an toàn.
Giai đoạn 2018-2024, ngành du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan đã tổ chức 67 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho gần 9.200 học viên, trong đó: 22 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về du lịch (quản lý cơ sở lưu trú, lễ tân, buồng, bàn...); 25 lớp bồi dưỡng, tập huấn về văn minh du lịch, bảo vệ di sản, du lịch bền vững cho cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch; 20 lớp cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên, người tham gia vận chuyển khách du lịch.
UBND các huyện, thành phố đã tổ chức được 14 lớp tập huấn, trong đó có 02 lớp tập huấn nâng cao kiến thức du lịch cộng đồng bền vững, 11 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể và 01 lớp bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ du lịch gắn với khai thác các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Mường (08 lớp của Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023) cho 858 lượt người tham gia.
Trường Đại học Hoa Lư đã xây dựng Chương trình đào tạo Du lịch, chương trình đào tạo các chuyên ngành Quản trị khách sạn và nhà hàng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Hướng dẫn viên du lịch để tuyển sinh từ năm 2023.
Đặc biệt Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An từ khi được Unesco ghi danh, trở thành thương hiệu thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tỉnh Ninh Bình. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản đã thu được các kết quả tích cực. Các giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản được tôn trọng và gìn giữ; sự phối hợp giữa các sở, ngành, chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn di sản trong bảo tồn Di sản gắn với phát triển du lịch bền vững ngày một chặt chẽ; nhận thức trong cộng đồng về vai trò và tầm quan trọng cua Di sản đã được nâng lên rõ rệt; chất lượng nguồn nhân lực trong quản lý Di sản đáp ứng được các yêu cầu quản lý; hệ thống núi đá, rừng đặc dụng, hệ sinh thái, các di tích khảo cổ học, di tích lịch sử văn hóa được bảo vệ tốt; an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, hạ tầng du lịch được đảm bảo và duy trì; văn hóa, văn minh du lịch đã được nâng cao, công tác phục vụ, đón tiếp khách đã cơ bản đi vào chuyên nghiệp; công tác quảng bá xúc tiến du lịch luôn được chú trọng, các khu, điểm du lịch trong khu Di sản đã thực sự đóng vai trò là hạt nhân thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh.
Du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ, tuy nhiên phần lớn người dân còn thiếu kiến thức và kỹ năng làm du lịch hiện đại và bền vững. Để khắc phục những hạn chế trên, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã tăng cường tuyên truyền phổ biến cho những người làm dịch vụ du lịch về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của tỉnh về phát triển du lịch trong năm 2020 và những năm tiếp theo; các quy định trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Công tác quản lý nhà nước về du lịch không ngừng tăng cường, đổi mới trong đó chú trọng đến công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thăm quan, phát triển các làng nghề truyền thống, sản phẩm truyền thống, sản phẩm (OCOP); công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch...
Du lịch phát triển có những đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, dần khẳng định vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực phát triển. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình được khẳng định khá đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, nhiều năm liền được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và Châu Á.
Từ nhận thức đúng, việc thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương, giao tiếp ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch ngày càng đi vào chiều sâu. Để có được kết quả đó, Sở Du lịch đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội; các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp cùng chung tay chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân về định hướng phát triển du lịch bền vững; các quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Bộ Quy tắc ứng xử văn minh du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của mỗi người để xây dựng hình ảnh thành phố Du lịch.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, ăn uống đều thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, du lịch phát triển theo hướng văn minh, thân thiện. Đến nay, các đám hiếu, đám hỷ được người dân tổ chức gọn nhẹ, không ăn uống linh đình và kéo dài như trước; số lượng nhà hàng, cơ sở lưu trú lớn, đáp ứng nhu cầu từ bình dân đến cao cấp.
Việc thực hiện tốt nếp sống văn minh, văn minh du lịch ở các xã có các khu, điểm du lịch chính là góp phần xây dựng hình ảnh, thương hiệu điểm đến, đồng thời quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của con người. Trong quá trình triển khai, thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, ở mỗi địa phương đều lấy các gia đình văn hóa làm hạt nhân nòng cốt, tích cực, gương mẫu chấp hành quy ước, hương ước cộng đồng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh du lịch.
Hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, đến nay có trên 800 cơ sở lưu trú du lịch, với hơn 10.000 phòng nghỉ, trong đó có trên 40 cơ sở đạt tiêu chuẩn 1-5 sao. Các cơ sở lưu trú du lịch từng bước được đầu tư nâng cấp về cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nên chất lượng dịch vụ ở các cơ sở lưu trú ngày càng được nâng lên, bước đầu đã mang lại sự hài lòng cho khách du lịch.
3. Giải pháp thực hiện nếp sống văn minh du lịch trong thời gian tới
Để từng bước tạo sự chuyển biến tích cực góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với xây dựng nông thôn mới trong thực hiện nếp sống văn minh du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cần quan tâm thực hiện các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thường xuyên, liên tục với các hình thức đa dạng, phong phú, đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng, thiết thực, tiết kiệm, tránh chạy theo hình thức, áp đặt, phô trương và lãng phí với tinh thần: “Lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “mưa dầm thấm lâu”, “nước chảy đá mòn” để tạo tính bền vững, vận động Nhân dân tự nguyện, tự giác thực hiện quy ước, hương ước, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, xã, thị trấn tiêu biểu; Từ đó đặt mục tiêu xây dựng được những mô hình mẫu, điển hình và nhân rộng.
Hai là, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện tiếp tục quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương mình thực hiện nghiêm túc các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, phát huy tính tiền phong gương mẫu, vai trò nêu gương trong quá trình triển khai, vận động người thân, gia đình, nhân dân cùng thực hiện.
Ba là, tăng cường công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, tham mưu cho Ban chỉ đạo, UBND huyện kịp thời chấn chỉnh, nhắc nhở, có biện pháp xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về tổ chức việc cưới, việc tang, gây bức xúc trong dư luận. Công bố công khai những cơ quan, tổ chức, cá nhân tổ chức việc cưới, việc tang chưa đảm bảo lành mạnh, tiến bộ, văn minh.
Bốn là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển du lịch. Tổ chức các chương trình tập huấn, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao kỹ năng giao tiếp ứng xử của cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch, thực hiện ứng xử văn minh du lịch; các chương trình tập huấn, tuyên truyền về bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.
Năm là, tăng cường quản lý chặt chẽ các hoạt động du lịch, văn hóa, lễ hội, kiên quyết loại trừ các sản phẩm dịch vụ du lịch, văn hóa, hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến các giá trị văn hóa của Di sản và các sản phẩm du lịch không phù hợp với văn hóa, các điều kiện khác trong vùng Di sản thuộc quản lý của địa phương.
Sáu là, tổ chức sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả việc triển khai thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới việc tang và lễ hội đối với các mô hình đã áp dụng để tiếp tục triển khai nhân rộng trong thời gian tới; Đề xuất biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có cách làm hay, tiêu biểu trong công tác triển khai, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; nếp sống văn minh du lịch trên địa bàn.
Văn minh du lịch phải bắt đầu từ những người dân bản địa làm du lịch và từ những hành động rất nhỏ nhưng mang ý nghĩa lớn. Đó là nỗ lực thay đổi những thói quen chưa đẹp, những cách làm không còn phù hợp để hình thành những thói quen tốt, những cách làm hay. Thay vì cố chen lấn, xô đẩy nơi đông người thì hãy xếp hàng trật tự và nhường nhịn người già, trẻ em, phụ nữ, người tàn tật; hãy làm sạch, làm đẹp nơi ở, nơi làm việc và làm đẹp chính tâm hồn mình bằng lối hành xử văn hóa, bằng cử chỉ, ánh mắt, nụ cười thân thiện, bằng sự trung thực, khiêm tốn, cầu thị... Những việc tưởng chừng nhỏ ấy lâu dần sẽ mang lại nhiều lợi ích và giá trị lớn. Bởi việc ứng xử lịch sự, thân thiện không chỉ góp phần làm đẹp hình ảnh du lịch Ninh Bình; mà quan trọng hơn là góp phần gìn giữ và phát huy thuần phong mỹ tục cùng truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, để mỗi du khách sẽ có được những trải nghiệm trọn vẹn và mong được trở lại mảnh đất Cố đô lịch sử./.
BBT