Một số vấn đề về phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

Thứ Tư, 05/06/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 5 điểm ( 2 đánh giá )

Trong những năm qua, công tác đầu tư nghiên cứu, phục dựng, bảo tồn các giá trị văn hoá gắn với phát triển du lịch luôn được tỉnh Ninh Bình đặc biệt quan tâm, chú trọng. Từ các kết quả nghiên cứu khai quật khảo cổ học, cho thấy cách đây 30 ngàn năm, con người đã sinh sống, khai phá, thích ứng với sự biến đổi dữ dội về môi trường, khí hậu và cảnh quan tự nheien. Trong suốt quá trình ấy, các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể được cư dân sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền và phát triển qua nhiều thế hệ như: Văn hoá lúa nước, văn hoá làng xã với sự gắn kết và xây dựng tinh thần cộng đồng, các lễ hội và tín ngưỡng, các loaị hình nghệ thuật dân gian; các công trình kiến trúc, tiêu biểu như Cố đô Hoa Lư - nơi đặt nền móng cho một nhà nước phong kiến tập quyền đầy đủ đầu tiên, Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, … Đây chính là nguồn lực, nguồn tài nguyên vô giá để Ninh Bình phát triển du lịch, trở thành điểm đến du lịch hàng đầu Việt Nam.

Nhiều năm liền, Ninh Bình luôn nằm trong nhóm 15 điểm đến hàng đầu, 10 tỉnh thu hút lượng khách cao nhất cả nước và được nhiều chuyên trang du lịch quốc tế có uy tín đánh giá cao. Năm 2023, Ninh Bình được Tạp chí Forbes bình chọn là một trong 23 địa điểm du lịch tuyệt vời nhất Thế giới, Giải thưởng thường niên lần thứ 11 của tạp chí Traveller Review Awards bình chọn Ninh Bình đứng thứ 7 trong tốp 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; năm 2024, Ninh Bình đứng vị trí thứ 4 trong "Top 10 kỳ quan thế giới mới dành cho những người không thích đám đông”.

Lượng khách đến Ninh Bình tăng trưởng qua từng năm, nhiều sản phẩm du lịch được đưa vào khai thác, thương hiệu du lịch Ninh Bình được khẳng định trên bản đồ du lịch thế giới. Năm 2023, toàn tỉnh đón trên 6,5 triệu lượt khách tham quan, doanh thu đạt hơn 6.500 tỷ đồng; tăng 77% về tổng lượt khách và 103,7% về doanh thu so với năm 2022. 6 tháng đầu năm 2024, đón trên 6,26 triệu lượt khách, tăng 38,02% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó có trên 700.000 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt trên 5.900 tỷ đồng.

Để du lịch Ninh Bình có sự phát triển hiệu quả, bền vững gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, chúng tôi xin báo cáo làm rõ một số bài học kinh nghiệm, có thể xem như nguyên nhân đạt được các kết quả trên:

Một là, chủ trương chính sách đúng và trúng cùng với sự kiên trì, kiên định trong việc thực hiện định hướng phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản: Tỉnh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù, đột phá về phát phát triển văn hóa và con người Ninh Bình, nghị quyết về phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị di sản (Nghị quyết số 10-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóacon người Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu hội nhập phát triển bền vững; Nghị quyết số 02-NQ/TU về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 của Tỉnh ủy Ninh Bình về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045…). Đây chính là những chủ trương định hướng quan trọng huy động các nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng địa phương tham gia phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản.

Hai là, là bảo tồn và phát huy giá trị di sản phải gắn với phát triển du lịch,  bảo tồn môi trường và không gian di sản, không gian sinh tồn và đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân địa phương. Việc phát triển du lịch phải được cân nhắc kỹ lưỡng, có trọng tâm, trọng điểm, không làm tổn hại tới di sản văn hóa mà ngược lại làm giàu các giá trị văn hoá, thông qua các hình thức thực hành, biểu diễn... Điều này đòi hỏi phải có kế hoạch quản lý bền vững, bao gồm đánh giá tác động môi trường và xã hội.

Ba là, phát huy truyền thống văn hóa, những giá trị văn hóa tốt đẹp, tập quán canh tác sinh hoạt, sản xuất gắn với ý thức bảo vệ, gìn giữ cảnh quan, thường xuyên bồi đắp, làm giàu thêm vào kho tàng văn hóa di sản của cộng đồng. Có thể nói truyền thống bảo vệ cảnh quan, gìn giữ di sản của cha ông đã đi vào tiềm thức của mỗi cộng đồng, người dân địa phương. Chẳng hạn như bia khắc trên núi đá khu vực thôn Chi Phong, xã Trường Yên, dăn kẻ phá đá, khuyến khích bảo vệ môi trường là minh chứng rõ nét về truyền thống bảo vệ di sản của người dân Cố đô.

Bốn là, nâng cao vai trò và vị trí của cộng đồng trong quản lý, khai thác và phát huy giá trị du lịch di sản, qua đó nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Cộng đồng địa phương luôn được coi là trung tâm, yếu tố then chốt trong việc bảo tồn và phát triển bền vững. Người dân cần được hưởng lợi trực tiếp từ các hoạt động du lịch và có vai trò trong việc quản lý, bảo vệ di sản. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 105 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, trong đó có nội dung hỗ trợ người dân trong vùng di sản bảo tồn các nếp nhà truyền thống, xây dựng nhà theo kiểu dáng kiến trúc truyền thống, xây dựng homestay. Qua đó thúc đẩy chính sách “sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản”.

Thứ năm, phát triển các sản phẩm du lịch có hàm lượng văn hoá cao, mang đặc trưng riêng có của vùng đất cố đô và di sản thế giới Tràng An, như: Trải nghiệm không gian văn hoá tiền sử tại đảo Khê Cốc, Tràng An; các tour du lịch về nguồn tại Gia Viễn…, các chương trình trải nghiệm nông nghiệp tại Tam Cốc, các loại hình du lịch homestay gắn với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, trải nghiệm không gian văn hoá Mường, các hình thức thực hành: chèo, xẩm….

Thứ sáu, đẩy mạnh hợp tác công tư và hợp tác quốc tế, trong đó có 4 đối tác quan trọng nhất trong mô hình “Hợp tác công – tư” về phát triển du lịch gắn với bảo tồn di sản văn hóa: (Nhà nước, Doanh nghiệp, Người dân và Nhà khoa học giữ vai trò tư vấn, kết nối hai đối tác công và tư. Câu chuyện thành công đang áp dụng ở Quần thể danh thắng Tràng An là 1 minh chứng sống động đã được bà Tổng giám đốc UNESCO, bà chủ tịch Đại hội đồng UNESO, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong thời gian qua việc phát triển du lịch gắn với bảo vệ, phát huy các giá trị di sản của tỉnh đã và đang đặt ra những vấn đề cần quan tâm giải quyết ở cả cấp trung ương và cấp địa phương, cụ thể như:

- Vấn đề thiếu cơ chế chính sách quy định quản lý di sản hỗn hợp thế giới, quản lý đất đai, xây dựng; phân cấp phân quyền quản lý di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt….

- Vấn đề giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, cân bằng lợi ích, tránh xung đột lợi ích. Ở một vài nơi còn tình trạng xâm hại, làm sai lệch di sản; vấn đề khai thác các giá trị văn hóa và phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn giữ được bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc và địa phương còn gặp khó khăn; tình trạng thương mại hóa quá mức, làm mất đi giá trị gốc của di sản, di tích..

- Vấn đề phát triển văn hóa và con người xứng tầm với yêu cầu nhiệm vụ phát triển du lịch và bảo tồn văn hóa như việc xây dựng văn hóa, văn minh trong hoạt động du lịch, từ việc ứng xử của người dân (thân thiện hiếu khách) đến việc kinh doanh có đạo đức, đảm bảo chất lượng dịch vụ, sản phẩm cung cấp cho khách, nâng cao tính chuyên nghiệp trong phục vụ, tiếp đón khách du lịch hay xây dựng thương hiệu, uy tín của điểm đến du lịch bằng chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ thân thiện, niềm nở của người lao động và cộng đồng địa phương, làm sao để mỗi người dân là một đại sứ văn hóa của địa phương.

Trước những vấn đề đặt ra như vậy, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp, kiến nghị nhằm phát triển du lịch hiệu quả, gắn với bảo tồn bền vững các giá trị di sản văn hóa, nhất là truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, của vùng đất cố đô Hoa Lư, cụ thể như sau:

Thứ nhất, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế quản lý di sản tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, thông tin tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của người dân và doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng và những lợi ích mà di sản mang lại, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, biến di sản thành tài sản; đa dạng hóa công tác thông tin, tuyên truyền, xây dựng các hình thức tuyên truyền phù hợp với nhận thức của người dân để từ đó có những hành động đúng đắn bảo vệ và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.

Thứ hai, tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Trong đó dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước đầu tư hình thành các khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật tại các khu du lịch trọng điểm; xây dựng các công trình mang đậm dấu ấn lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Quần thể danh thắng Tràng An.

Thứ ba tăng cường xúc tiến, quảng bá và phát triển thương hiệu du lịch gắn với các giá trị văn hóa lịch sử, di sản. Xây dựng và thực hiện chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch theo hướng dài hạn, chuyên nghiệp và hiệu quả; đảm bảo đồng bộ từ khâu nghiên cứu thị trường, xây dựng sản phẩm đến xây dựng bộ nhận diện thương hiệu, tổ chức các chương trình, hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu điểm đến du lịch.

Thứ tư, xây dựng chiến lược dài hạn về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, trong đó tập trung đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, phát triển du lịch; đào tạo nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho đội ngũ cán bộ, nhân viên trực tiếp tiếp xúc với khách du lịch; thu hút lao động có kỹ năng, trình độ quản lý, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, ý thức, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp.

Di sản và du lịch có mối quan hệ, gắn bó chặt chẽ. Du lịch không chỉ dựa vào di sản để phát triển mà thông qua hoạt động du lịch còn tôn vinh, quảng bá, giới thiệu các giá trị di sản.  Các di tích, danh thắng, di sản văn hóa được quan tâm nhận diện, gìn giữ, bảo tồn, trùng tu tôn tạo, trở thành di sản của tỉnh, quốc gia và quốc tế sẽ trở thành tài sản vô giá, nguồn lực quan trọng để du lịch phát triển. Ở chiều ngược lại, du lịch phát triển đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi và nguồn lực về cả nhân lực và vật lực đầu tư trở lại cho công tác bảo tồn, gìn giữ, tôn vinh và phát huy giá trị của di sản cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng địa phương.

Ts. Bùi Văn Manh, TUV, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình
Ths Phạm Hồng Quyên, PP Quản lý Du lịch