Ninh Bình - vùng đất địa linh nhân kiệt, xưa kia là kinh đô vang bóng trời Nam. Mỗi tấc đất, mỗi dòng sông, mỗi ngọn núi nơi đây đều gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, gắn liền với tên tuổi của các bậc hiền nhân. Cố đô Hoa Lư đã đi vào sử sách và trở thành niềm tự hào không chỉ của người dân Ninh Bình, mà còn cho cả muôn dân đất Việt. Cố đô Hoa Lư được biết đến như một vùng đất huyền thoại, là nơi phát tích Đế nghiệp của người Việt Nam, là hồn thiêng sông núi.
Mùa xuân Mậu Thìn năm 968, trên mảnh đất Hoa Lư lịch sử, Đinh Bộ Lĩnh, người con ưu tú của quê hương Ninh Bình đã hoàn thành sứ mệnh, thu phục 12 sứ quân, thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng đế. Sau khi xưng đế, nhà vua đặt tên nước là Đại Cồ Việt, dựng kinh đô ở Hoa Lư, đặt niên hiệu là Thái Bình, sáng lập vương triều Đinh, lập nên nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầy đủ đầu tiên ở Việt Nam.
Sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt đã mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, thời kỳ độc lập, tự chủ sau hơn một nghìn năm Bắc thuộc. Kế tục sự nghiệp huy hoàng của triều đại Nhà Đinh, Vua Lê Đại Hành và triều đại Nhà Lê đã cùng quân và dân cả nước phá Tống, bình Chiêm, xây dựng nước Đại Cồ Việt thành quốc gia hưng thịnh. Và cũng tại mảnh đất linh thiêng này, năm Canh Tuất - 1010, Vua Lý Thái Tổ đã tuyên Chiếu dời đô về thành Đại La, tạo vận hội mới cho sự trường tồn của đất nước, với sức vươn mình tựa thế rồng bay.
Hơn một nghìn năm đã qua, kinh thành Hoa Lư với cung vàng, điện ngọc tuy không còn, nhưng những dấu tích của tường thành, cung điện cùng đền đài, lăng tẩm, chùa chiền, miếu mạo, những nét văn hóa được nhân dân xây dựng, lưu truyền để ghi công các bậc Tiên liệt, những người có công lập quốc và bảo vệ nền độc lập tự chủ của dân tộc, cùng những câu chuyện dân gian được lưu truyền đến ngày nay về Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn, những lễ hội cổ truyền trong đó có Lễ Hội Hoa Lư là những di sản văn hóa hết sức quý báu cần được gìn giữ và phát huy.
Lễ hội Hoa Lư là một hoạt động văn hóa được người dân Trường Yên - Ninh Bình tổ chức từ hàng ngàn năm nay nhằm tưởng nhớ công lao to lớn của Đinh Tiên Hoàng Đế và các bậc tiền nhân. Trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, do hoàn cảnh chiến tranh, lễ hội Hoa Lư hay còn gọi là Lễ hội Trường Yên không được tổ chức. Từ năm 1983, Lễ hội được tái tổ chức hằng năm cho đến nay, thực hiện theo Kịch bản lễ hội cổ truyền, trong đó một số nghi lễ truyền thống được khôi phục, đảm bảo tính trang nghiêm, phù hợp với văn hóa lễ hội truyền thống nhằm tôn vinh các giá trị văn hoá tinh thần tốt đẹp, khẳng định vị trí, vai trò to lớn của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử dân tộc; là dịp giáo dục truyền thống yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc; thể hiện lòng thành kính và đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”; tri ân các bậc tiên đế, tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước, thể hiện tính nhân văn, nhân bản sâu sắc trong cội nguồn văn hóa Việt Nam.
Hình ảnh: “Văn hiến soi cao trời Đại Việt
Anh hùng còn mãi đất Hoa Lư”, vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, văn hoá về một thời kỳ vàng son của dân tộc.
Với những giá trị tiêu biểu, trường tồn, Cố đô Hoa Lư đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đặc biệt; là một trong 3 khu vực hợp thành quần thể danh thắng Tràng An, đã được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới năm 2014. Đặc biệt, Lễ hội Hoa Lư được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Tháng 12/2015, Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia. Tất cả những giá trị đó góp phần khẳng định bản sắc văn hóa Trường Yên, Hoa Lư trong nền văn hóa dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình luôn trân trọng, tự hào; đã và đang không ngừng gìn giữ, phát huy các giá trị đó, làm cho vùng đất Trường Yên - Hoa Lư - Ninh Bình mãi mãi là nơi đất thiêng, sông núi muôn đời và Cố đô Hoa Lư luôn sống mãi với thời gian và lịch sử.
Lễ hội truyền thống Hoa Lư - Ninh Bình là dịp đẩy mạnh phong trào thi đua lập thành tích chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng; chào mừng cuộc Bầu cử đại biểu Quốc Hội khóa 15 và Bầu cử đại biểu HĐND các cấp (nhiệm kỳ 2021 - 2026), với nỗ lực và quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp sớm đi vào cuộc sống, xây dựng tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững, góp phần làm phong phú thêm những hoạt động thiết thực chào mừng các sự kiện lớn của đất nước, đồng thời sẽ để lại trong tâm thức người dân và du khách trong nước, quốc tế những tình cảm sâu đậm về mảnh đất, con người Cố đô Hoa Lư lịch sử này.
Nguồn: trangandanhthang.vn