Du lịch Tam Cốc đổi thay sau 30 năm

Thứ Sáu, 18/03/2022

    Năm 1992 khi tái lập tỉnh Ninh Bình, ngành Du lịch với quy mô nhỏ bé, cơ sở vật chất hầu như chưa có gì, đến nay đã có gần 20 khu, điểm du lịch hấp dẫn, quy mô quốc gia và quốc tế, góp phần đưa Ninh Bình trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong sự đổi thay đó là cách nghĩ, cách làm du lịch của người dân đã dần chuyên nghiệp và gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn giá trị di sản. Ghi nhận tại Tam Cốc, Bích Động - một trong những khu du lịch đầu tiên của tỉnh.

     Nhắc đến hoạt động du lịch ở Tam Cốc, nhiều người dân xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư còn nhớ rõ, thời điểm năm 1992, khi bộ phim điện ảnh "Đông Dương" của đạo diễn người Pháp khởi chiếu với nhiều bối cảnh quay tuyệt đẹp ở điểm du lịch này, đã làm xuất hiện một làn sóng du khách Pháp tới tham quan. Đó cũng là thời điểm người dân nơi đây bắt đầu làm quen với công việc đón tiếp và phục vụ khách du lịch, mà trước đó khái niệm này còn khá lạ lẫm với nhiều người.

     Những năm qua ngành chức năng và chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như tuyên truyền người dân tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan tự nhiên; hỗ trợ giống, kiến thức, kỹ thuật và công làm đất để người dân mở rộng hơn 20 ha lúa bên dòng sông Ngô Đồng.

Tam Cốc mùa lúa chín.

     Đặc biệt, vài năm trở lại đây khi được sự hỗ trợ của Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, Ban Quản lý Khu Du lịch thì việc trồng lúa được nâng cao hơn một bước là xây dựng thành những cánh đồng mỹ thuật.

     30 năm trôi qua, giờ đây khu du lịch Tam Cốc đã phát triển vượt bậc, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, được các tổ chức, báo chí quốc tế uy tín tôn vinh, bình chọn bằng những mỹ từ độc đáo, như: 1 trong 5 cánh đồng lúa đẹp nhất Việt Nam, hay vịnh Hạ Long trên cạn... Tại thời điểm chưa có dịch Covid -19 bình quân hàng tháng Tam Cốc đón từ 8 nghìn đến 10 nghìn lượt du khách.

     Từ chỗ chỉ vài hộ tham gia làm du lịch, giờ đây đã có trên 650 số đò, trên 1.000 hộ dân tham gia chở và hướng dẫn khách tham quan, với thu nhập ổn định. Người dân ngày càng tích cực hơn trong việc kết hợp làm nông nghiệp gắn với phát triển du lịch và duy trì nghề thêu ren truyền thống, hướng đến xây dựng thương hiệu ở vùng đất di sản ngày càng bền vững hơn./.

Nguồn: nbtv.vn