Bệnh Đậu mùa khỉ ghi nhận đầu tiên trên người vào năm 1970, sau đó trở thành bệnh lưu hành ở khu vực Trung Phi và Tây Phi, hầu như không ghi nhận dịch tại khu vực khác.
Tuy nhiên, từ tháng 5 năm 2022 đến nay dịch có diễn biến bất thường, đã ghi nhận dịch tại 12 quốc gia khu vực châu Âu, đây là lần đầu tiên ghi nhận các ổ dịch tại khu vực này, trong khi chưa xác định được mối liên hệ với khu vực dịch lưu hành trước đó.
Tiếp đó, dịch bệnh đã gia tăng liên tục cả về số ca mắc và số quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận ca bệnh. Ngày 23 tháng 7 năm 2022, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế.
Đến ngày 28 tháng 7 năm 2022, WHO tiếp tục thông báo đã có trên 18 nghìn ca mắc tại 78 quốc gia, trong đó có 5 trường hợp tử vong. Một số quốc gia gần với nước ta như Thái Lan, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã ghi nhận ca bệnh xâm nhập.
Trong bối cảnh nước ta đang phải đối mặt với một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như COVID-19, Sốt xuất huyết...; để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ với tinh thần và giải pháp là “Sớm một bước, cao hơn một mức”, không để xảy ra dịch chồng dịch, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ và Thông báo kết luận của PGS. TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp về tình hình bệnh đậu mùa khỉ và các biện pháp phòng chống dịch.
Để chủ động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh vừa có văn bản giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các huyện, thành phố chủ động triển khai thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và yêu cầu của Bộ Y tế tại các Văn bản trên.
Nguồn: ninhbinh.gov.vn