
Thành phố Hoa Lư, với những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc, đã và đang trở thành một điểm đến lý tưởng cho du lịch văn hóa và di sản. Nơi đây sở hữu những di tích nổi bật như Cố đô Hoa Lư, quần thể danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính và Tam Cốc - Bích Động. Những địa danh này không chỉ có giá trị lịch sử mà còn chứa đựng các yếu tố văn hóa độc đáo, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch bền vững.
Với tiềm năng và lợi thế vượt trội về di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, cộng đồng văn hóa đa dạng, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng du lịch, thành phố Hoa Lư có khả năng trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.
Trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã quan tâm và tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, xây dựng các công trình thiết chế văn hóa hiện đại mang đậm bản sắc của vùng đất Cố đô Hoa Lư nghìn năm lịch sử; nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và chỉnh trang cảnh quan. Tỉnh đã đẩy mạnh khai thác các tài nguyên để phát triển du lịch văn hóa, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với thương hiệu điểm đến đô thị di sản. Trong đó, du lịch sinh thái, du lịch xanh gắn với văn hóa, lịch sử và di sản được xác định là một trong những điểm nhấn quan trọng để xây dựng các sản phẩm đặc thù.
Mô hình kinh tế di sản ở Ninh Bình đã và đang khẳng định thương hiệu và vị thế trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Hầu hết các di sản văn hóa được nghiên cứu, nhận diện và làm rõ, được người dân tự nguyện gìn giữ và phát huy trong đời sống xã hội. Nhiều sản phẩm du lịch gắn với Di sản Tràng An, Cố đô Hoa Lư và các giá trị di sản văn hóa phi vật thể đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm hấp dẫn, đặc trưng và là trụ cột của tỉnh, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Các điểm đến nổi bật như: khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Thung Nham, hang Múa,… đã tạo nên sức hút mạnh mẽ.
Nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao cũng đã được tổ chức thường niên như Tuần Du lịch Ninh Bình “Sắc vàng Tam Cốc - Tràng An”, Festival Ninh Bình, các show diễn ca nhạc với sự tham gia của nghệ sỹ trong nước và quốc tế. Trong năm nay, ngành du lịch đang tích cực phối hợp tổ chức các sự kiện âm nhạc du lịch nhằm thu hút khách, tiêu biểu: Chương trình Forestival với chủ đề “Trái tim Di sản” tại đảo Khê Cốc – Tràng An, dự kiến vào 31.5, chương trình huyền thoại di sản tại bến thuyền Tam Cốc, dự kiến vào 30.4-01.5, tổ chức không gian trình diễn làng nghề truyền thống của tỉnh 2.5 tại khu du lịch Tam Cốc – Bích Động.
Nhờ vào việc áp dụng các giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương, vai trò, vị thế và thương hiệu du lịch của tỉnh Ninh Bình ngày càng được nâng cao. Du lịch Ninh Bình tiếp tục nhận được sự ghi nhận lớn qua nhiều giải thưởng danh giá từ các tổ chức và chuyên trang quốc tế, như: "Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất năm 2024", "Top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới", và Tạp chí quốc tế Forbes xếp hạng Ninh Bình vị trí thứ 4 trong "Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông". Trong 3 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh đón trên 4,4 triệu lượt khách, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 535 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2024. Doanh thu đạt gần 4,7 nghìn tỷ đồng, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm trước
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động du lịch văn hóa, du lịch di sản tại thành phố Hoa Lư vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, việc gắn kết du lịch với di sản văn hóa chưa có chiều sâu, thiếu các sản phẩm mang tính đột phá. Nguồn lực đầu tư để nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch di sản vẫn còn hạn chế. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa còn gặp khó khăn và thách thức. Số lượng di tích xuống cấp hoặc bị xâm phạm vẫn còn nhiều, trong khi ý thức bảo vệ di sản của một bộ phận người dân chưa cao. Các sản phẩm du lịch văn hóa chưa được khai thác hiệu quả, thiếu các dịch vụ chất lượng cao, tính cạnh tranh còn thấp, nhiều sản phẩm còn trùng lặp, đơn điệu và bị bão hòa trên thị trường.
Ngày 04/03/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 218/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, mục tiêu đặt ra là “xây dựng thành phố Hoa Lư trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương”. Để thực hiện định hướng này, cơ cấu lại các sản phẩm du lịch văn hóa và du lịch di sản tại Hoa Lư theo định hướng công nghiệp văn hóa và xây dựng thương hiệu du lịch quốc tế có thể tập trung vào các giải pháp sau:
Một là, Quan tâm đến công tác quy hoạch và quản lý kiến trúc, cảnh quan: Cần quản lý chặt chẽ kiến trúc và cảnh quan các khu di sản và các khu vực đô thị, nông thôn để khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, lịch sử và thiên nhiên. Việc bảo tồn di sản kết hợp với phát triển quy hoạch sẽ tạo nên sự kết nối hài hòa, điểm nhấn riêng có cho một đô thị di sản, góp phần nâng cao hình ảnh điểm đến du lịch của Ninh Bình.
Hai là, Đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch gắn với công nghiệp văn hóa: Cần xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm dựa trên di sản văn hóa Hoa Lư, như các show diễn thực cảnh, bảo tàng sống và các tour du lịch tái hiện lịch sử, tâm linh, hành hương, không gian làng nghề truyền thống.
Ba là, Xây dựng thương hiệu Thành phố Du lịch Quốc tế: Để Hoa Lư trở thành điểm đến du lịch quốc tế, cần thiết lập các liên kết hợp tác với các đối tác du lịch quốc tế, đẩy mạnh các chương trình quảng bá, tiếp thị tới các thị trường khách du lịch tiềm năng, đặc biệt là các thị trường du lịch truyền thống như Châu Á, Châu Âu. Cần tạo các sự kiện du lịch quốc tế như lễ hội văn hóa, chợ đêm di sản, du lịch điện ảnh, các hội thảo về di sản và các sự kiện nghệ thuật quy mô quốc tế.
Bốn là, Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch: Cần có chính sách ưu đãi về đất đai, quy hoạch đô thị, chính sách thuế nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và du lịch, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng du lịch.
Năm là, Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch: Cần xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành du lịch chuyên nghiệp, hiện đại và có kinh nghiệm về du lịch văn hóa, du lịch di sản. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, nghệ nhân, chuyên gia tham gia đào tạo nhân lực du lịch.
Với những tiềm năng vượt trội và các giải pháp đồng bộ, tôi tin tưởng rằng, thành phố Hoa Lư sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến du lịch quốc tế, góp phần nâng cao giá trị di sản văn hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững cho tỉnh Ninh Bình.
BBT