Biến đổi sinh kế của cộng đồng dân cư địa phương sinh sống trong vùng Di sản Quần thể danh thắng Tràng An trong bối cảnh phát triển du lịch

Thứ Hai, 12/07/2021

     Biến đổi sinh kế, phát triển sinh kế bền vững có vai trò quan trọng đối với cộng đồng dân cư sinh sống trong Quần thể danh thắng Tràng An trong quá trình bảo tồn di sản và phát triển du lịch. Trên cơ sở tiếp cận khung sinh kế bền vững, bài viết phân tích một số vấn đề lý luận về sinh kế và vận dụng nghiên cứu đánh giá tác động của quá trình phát triển du lịch đối với thay đổi sinh kế của người dân trong khu Di sản.

     1. Đặt vấn đề

     Tháng 6 năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với diện tích 12.252 ha, trong đó khu di sản là 6.226 ha, vùng đệm 6.026 ha. Quần thể danh thắng Tràng An nằm trên địa bàn của 20 xã, phường thuộc các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Tổng số cư dân sinh sống trong khu vực Di sản thế giới (vùng lõi) khoảng 18.000 người và khu vực vùng đệm khoảng 29.000 người.

     Trước khi trở thành Di sản thế giới, sinh kế của người dân trong khu di sản Tràng An chủ yếu là nghề nông nghiệp, một số khu vực người dân đã tham gia các hoạt động du lịch, dịch vụ. Từ khi quần thể danh thắng Tràng An trở thành Di sản, hoạt động dịch vụ du lịch đã phát triển mạnh mẽ, sinh kế của người dân có nhiều thay đổi, một bộ phận dân cư đã dịch chuyển sang các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, các hoạt động nông nghiệp, dịch vụ khác cũng dần chuyển hướng phục vụ nhu cầu của khách tham quan du lịch mang lại nguồn thu nhập khá cao cho một bộ phận dân cư. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi từ sự phát triển du lịch đem lại, hoạt động phát triển kinh tế của cư dân cũng bộc lộ nhiều hạn chế như: Hoạt động nông nghiệp ở một số khu vực không được coi trọng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, phát triển loại hình kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch tự phát, không theo quy hoạch được duyệt… phần nào thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, làm ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, cảnh quan vùng lõi Di sản Tràng An. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh doanh du lịch tự phát như hiện nay sẽ dẫn đến môi trường cạnh tranh không lành mạnh, giảm chất lượng hàng hóa, dịch vụ… từ đó tiềm ẩn những rủi ro, không bền vững cho môi trường sinh kế của cư dân sống trong vùng Di sản.

     Bài viết dựa trên một số nghiên cứu bước đầu của đề tài khoa học cấp tỉnh: “Nghiên cứu giải pháp đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sinh sống trong khu di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình trong quá trình phát triển du lịch”được thực hiện trong năm 2020 – 2021 với số lượng mẫu: 550 hộ gia đình, 200 cơ sở kinh doanh (được lựa chọn ngẫu nhiên) và 42 phiếu phỏng vấn, khảo sát đối với chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại một số địa phương trong khu vực Di sảnvà tham khảo kết quả nghiên cứu của Luận án tiến sĩ ngành văn hóa học “Biến đổi văn sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An trước tác động của du lịch” của tác giả Bùi Văn Mạnh, năm 2020.

     Bài viết tập trung phân tích, đánh giá thực trạng sinh kế của cộng đồng dân tại các xã: Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân, Trường Yên – huyện Hoa Lư và xã Gia Sinh – huyện Gia Viễn trên cơ sở đánh giá những thay đổi của các nguồn lực sinh kế theo khung sinh kế của Cục Phát triển Quốc tế Anh (Department for International Development) – DFID từ đó đánh giá những biến đổi sinh kế của cộng đồng dân cư trong quá trình phát triển du lịch.

     2. Cơ sở lý thuyết về sinh kế và sinh kế bền vững

    Khái niệm sinh kế, sinh kế bền vững đã được xuất hiện khá lâu trên thế giới. Trong nghiên cứu của Robert Chambers vào năm 1983, khái niệm sinh kế lần đầu tiên được sử dụng với định nghĩa: “Sinh kế gồm năng lực, tài sản, cách tiếp cận (sự dự trữ, tài nguyên, quyền sở hữu, quyền sử dụng) và các hoạt động cần thiết cho cuộc sống”. Khái niệm sinh kế tiếp tục được phát triển bởi Robert Chambers và Gordon R.Conway vào năm 1992 với quan điểm: “Sinh kế là hoạt động mà con người thực thi dựa trên tất cả các khả năng, các nguồn lực cần thiết để tồn tại cũng như để đạt được các mục tiêu sống của họ” và “Một sinh kế bền vững là một sinh kế có thể đối phó và phục hồi trước những sức ép và cú sốc, duy trì hoặc nâng cao năng lực, tài sản và cung cấp các cơ hội kiếm sống bền vững cho thế hệ tiếp theo, đóng góp lợi ích vào sinh kế của những người khác tại địa phương và trên toàn cầu trong ngắn hạn và dài hạn”. Một số cơ quan, tổ chức nghiên cứu, phát triển trên thế giới đã tiếp nhận và tương đối đồng nhất với quan điểm khái niệm sinh kế bền vững của Chambers & Conway (1992) như: Food and Agriculture Organization – Tổ chức Nông nghiệp và lương thực thế giới, Tổ chức chữ thập đỏ và trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế - IFRC, Cục Phát triển Cục Phát triển Quốc tế Anh (Department for International Development) – DFID…

     Nhìn chung, khái niệm sinh kế bền vững bắt nguồn từ những nghiên cứu của các nhà khoa học trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo ở các nước, các khu vực kém phát triển. Qua phân tích nhiều mô hình sinh kế, DFID đã tổng hợp và đưa ra khung sinh kế bền vững vào cuối thập niên 90 của Thế kỷ XX. Khung sinh kế của DFID đã được mở rộng, phát triển và dần phổ biến rộng rãi trong giới nhân học, trở thành cơ sở lý luận và có tính ứng dụng cao trong phân tích phát triển bền vững.

     Theo khung phân tích sinh kế bền vững của DFID thì nguồn lực sinh kế là một trong bốn yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp đến sinh kế của cộng đồng dân cư sinh sống trong khu Di sản. Phân tích nguồn lực sinh kế của cá nhân hay hộ gia đình theo DFID bao gồm 5 nguồn lực chính: (1) Nguồn lực tự nhiên; (2) Nguồn lực con người; (3) Nguồn lực xã hội; (4) Nguồn lực tài chính; (5) Nguồn lực vật chất.

     3. Thực trạng sinh kế của cộng đồng dân cư trong khu Di sản trong bối cảnh phát triển du lịch

     3.1. Biến đổi các nguồn lực sinh kế trong quá trình phát triển du lịch

     3.1.1. Nguồn lực tự nhiên

     Nguồn lực tự nhiên mà các cá nhân, hộ gia đình sinh sống trong khu vực khu di sản thế giới Tràng An có thể tiếp cận và sử dụng, khai thác trong hoạt động sinh kế có thể kể đến là tài nguyên đất đai, nguồn nước, rừng, không khí, khoáng sản, đa dạng sinh học và đặc biệt là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An. Trong bài viết này, tác giả đánh giá hai nguồn lực tự nhiên chính đó là đất đai và giá trị Di sản.

     Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu, tổng diện tích đất tự nhiên và các loại đất của 05 xã trong phạm vi nghiên cứu:

     Theo thống kê năm 2010, diện tích trồng cấy hàng năm của các xã còn khá lớn, xã Trường Yên 975 ha, xã Ninh Xuân còn 349 ha và xã Ninh Hải là 525 ha; nhưng đến năm 2019, xã Trường Yên giảm 198 ha, khoảng 20,3%, xã Ninh Xuân giảm 157 ha, khoảng 44,9%, xã Ninh Hải giảm 99 ha, khoảng 20%. Như vậy, nhiều gia đình bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển du lịch không đủ đất sản xuất, canh tác. Theo điều tra, 48% người được hỏi cho rằng gia đình họ thiếu đất sản xuất và trồng cấy nhưng sau khi những dự án trên đi vào hoạt động thì người dân đã nhanh chóng bắt nhịp với sự thay đổi đó và bắt đầu sử dụng nguồn lực giá trị Di sản vào phát triển kinh tế hộ gia đình.

     Theo số liệu khảo sát tháng 11/2020 của nhóm nghiên cứu, 44% hộ gia đình sử dụng diện tích đất được giao vào hoạt động sản xuất nông nghiệp phục vụ hoạt động sinh kế; 40% hộ gia đình khai thác giá trị di sản vào phát triển kinh tế hộ gia đình.

     3.1.2. Nguồn nhân lực

     Trong phạm vi nghiên cứu 5 xã Trường Yên, Ninh Hoà, Ninh Hải, Ninh Xuân huyện Hoa Lư và xã Gia Sinh huyện Gia Viễn có 24.919 người trong độ tuổi lao động, chiếm 76,6% dân số,trong đó, lao động nữ là 13.921 người (chiếm 55,8% lực lượng lao động). Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên trung bình năm là 0,98%. Lao động hoạt động ở nhiều ngành nghề nhưng có quy mô nhỏ, phân tán, phân công lao động đơn giản, chủ yếu tập trung ở khối sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lao động trong khu vực khá đồng đều, tỉ lệ lao động được đào tạo từ cao đẳng trở lên chiếm tỉ lệ thấp, phần lớn là lao động phổ thông chưa được đào tạo.

     Theo kết quả điều tra xã hội học của nhóm nghiên cứu. Trong số 200 phiếu khảo sát đối với các cơ sở kinh doanh thì lao động phổ thông chiếm tỷ lệ 71,5%; lao động được đào tạo có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm 4% và lao động được đào tạo tại các chỗ qua các lớp tập huấn ngắn ngày của các cơ quan chức năng trong tỉnh chiếm 24,5%; Trong 550 phiếu khảo sát đối với các hộ gia đình sinh sống trong khu vực di sản Tràng An thì số các thành viên trong gia đình được đào tạo nghề tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp chỉ chiếm 20,9%, đào tạo tại chỗ 18,1%, kỹ năng nghề nghiệp do tự tích lũy qua quá trình làm việc chiếm 61% và đa số các hộ dân đều xác định các thành viên trong gia đình phải tự rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ năng lực để đáp ứng được với đòi hỏi, yêu cầu của công việc.

     3.1.3. Nguồn lực văn hóa - xã hội

     Nguồn lực văn hóa - xã hội, mà các cá nhân, hộ gia đình tham gia, khai thác và sử dụng cho hoạt động phát triển kinh tế hộ gia đình gồm các mối quan hệ giữa cộng đồng dân cư; mối quan hệ giữa các cá nhân với cá nhân, hộ gia đình với hộ gia đình; mối quan hệ giữa cá nhân, hộ gia đình với các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội... thúc đẩy sự hợp tác nhằm mục tiêu giảm chi phí giao dịch mà vẫn đảm bảo được các liên kết chuỗi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao giá trị sản phẩm…

     Theo kết quả điều tra xã hội học, kết quả khai thác nguồn lực xã hội trong phát triển kinh tế hộ gia đình từ các mối quan hệ xã hội đạt ở mức khá tốt. Trong đó, tỷ lệ thường xuyên được hỗ trợ, hợp tác từ các tổ chức chính trị - xã hội, sự hợp tác từ các mối quan hệ bạn bè, sự hợp tác từ các hiệp hội ngành nghề và hợp tác xã trung bình chiếm tỷ lệ 46,2%, hợp tác ở mức bình thường đạt 37% và ít có sự hỗ trợ, hợp tác chỉ chiếm tỷ lệ 16.8%. Đây là dấu hiệu tốt, đưa đến những hợp tác hữu hiệu góp phần tích cực trong việc phối kết hợp để phát triển kinh tế hộ gia đình ở hiện tại và tương lai.

     3.1.4. Nguồn lực vật chất

     Nguồn lực vật chất là các tài sản vật chất mà các hộ gia đình sở hữu hoặc tiếp cận, sử dụng cho hoạt động sinh kế hiện nay bao gồm các công trình cơ sở hạ tầng sử dụng chung cho cộng đồng và tài sản riêng của từng hộ gia đình để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất.

     Nguồn lực vật chất của cộng đồng dân cư tương đối tốt. Hệ thống cơ sở hạ tầng chung phục vụ dân sinh và hoạt động sản xuất đảm bảo được yêu cầu phát triển, hệ thống đường giao thông, các công trình thủy lợi, mạng lưới điện, hệ thống nước sạch, mạng lưới cơ sở hạ tầng y tế, giáo dục, trụ sở làm việc của các cơ quan chức năng, chợ nông thôn, công trình văn hóa – xã hội… được Nhà nước và chính quyền tỉnh Ninh Bình ưu tiên đầu tư thông qua các dự án đầu tư công và chương trình xây dựng Nông thôn mới. Hầu hết hệ thống đường liên thôn, liên xã, hệ thống kênh mương được bê tông hóa; các công trình văn hóa được xây dựng trong từng thôn, nước sạch sinh hoạt đến từng hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình sinh sống trong khu vực di sản thế giới Tràng An đã xây dựng được nhà kiên cố, sắm sửa đầy đủ các trang thiết bị phục vụ cuộc sống thường nhật trong gia đình, góp phần vào cải thiện nguồn lực vật chất cho từng hộ gia đình.

     3.1.5. Nguồn lực tài chính

     Nguồn lực tài chính đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế hộ gia đình nông thôn. Nhiều hộ nghèo đã được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng thông qua nhiều chương trình vay vốn khác nhau. Số vốn ủy thác cho các cấp Hội Nông dân trong tỉnh vay hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế năm 2018 tổng dư nợ là 1,581 tỷ đồng, năm 2019 tổng dư nợ là 1,610 tỷ đồng, đến hết năm 2020 tổng dư nợ là 1,901 tỷ đồng.

     Giai đoạn 5 năm, từ 2016 – 2020, tổng dư nợ tại ngân hàng chính sách xã hội do các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đứng ra tín chấp giúp phụ nữ trong tỉnh vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình là 11,901 tỷ đồng cho 415.866 lượt hộ vay, trong đó có 98.017 lượt phụ nữ trong diện hộ nghèo. Tính riêng hai năm gần đây,  năm 2019 tổng dư nợ là 2.672 tỷ đồng cho 84.039 lượt hộ vay, có 14.25 lượt phụ nữ nghèo; năm 2020 là 2,752 tỷ đồng cho 78.820 lượt hộ vay, với 14.369 lượt phụ nữ nghèo. Ngoài ra, Hội LHPN tỉnh còn tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ quay vòng, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển tỉnh, số giải ngân của các quỹ là 11,68 tỷ đồng cho 859 hội viên, phụ nữ tại 20 xã, phường, thị trấn.

     Tuy nhiên, theo số liệu khảo sát vào tháng 11/2020, cho thấy, số lượng hộ gia đình cũng như số phụ nữ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi qua các chương trình còn rất hạn chế, số vốn được vay quá nhỏ so với nhu cầu đầu tư phát triển của các hộ gia đình. Trong số 500 hộ gia đình được hỏi chỉ 49 hộ gia đình (tương đương 9.8%) có một số vốn đủ để đầu tư cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển kinh tế hộ gia đình; 115 hộ dân (tương đương 23%) số hộ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi; 397 hộ gia đình (chiếm 79.4%) có nhu cầu vay vốn tín dụng thông thường tại các ngân hàng thương mại nhưng có tới 358 hộ gia đình (tương đương 71.6%) không vay được vì nhiều các nguyên nhân khác nhau, nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là không có tài sản thế chấp.

      Cũng theo số liệu khảo sát, có 96,5% các hộ gia đình thuộc vùng lõi di sản đã sống từ lâu đời trên diện tích đất cha ông để lại. Diện tích đất ao vườn không được chuyển đổi sang đất ở. Do đó, nhiều hộ gia đình, nhất là các hộ gia đình trẻ không có tài sản thế chấp. Thiếu vốn đầu tư là một trong những vấn đề khó khăn cơ bản làm cho các hộ nông dân sinh sống trong khu vực di sản khó có khả năng tiếp cận và khai thác các nguồn lực sẵn có khác để phát triển kinh tế góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo sinh kế bền vững cho hộ gia đình.

     3.2. Thực trạng biến đổi các hoạt động sinh kế

     Trong quá trình phát triển du lịch, đặc biệt là từ khi Tràng An trở thành Di sản thếgiới, sự thay đổi các nguồn lực sinh kế đã dẫn đến sự thay đổi hoạt động sinh kế đối vớicộng đồng dân cư trong khu Di sản.

     Trong một nghiên cứu mới đây về biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân Quần thể danh thắng Tràng An (TS. Bùi Văn Mạnh, 2020), tác giả đã có một số nhận định thực trạng biến đổi các hoạt động sinh kế của cộng đồng dân cư trong khu vực Di sản:

     3.2.1. Biến đổi các hoạt động sinh kế truyền thống

     Hoạt động trồng trọt, chăn nuôi nông nghiệp hiện chỉ chiếm 15-20% trong cơ cấu kinh tế của các địa phương. Hiện tượng bỏ ruộng, cho mượn hoặc thuê ruộng để trồng cấy ngày càng tăng. Người dân địa phương buôn bán, làm nghề thủ công và chở đò cho khách du lịch có thu nhập cao hơn.

     Hiện các xã đang tích cực vận động nhân dân dồn diền đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng, hình thành các ô thửa lớn để thuận tiện cho việc canh tác và phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại kết hợp với du lịch sinh thái trải nghiệm và nhà nghỉ có phòng cho khách du lịch thuê (homestay).

     Hoạt động chăn nuôi chủ yếu tập trung vào các đặc sản địa phương để phục vụ khách du lịch như dê, lợn, cá trầu, cá rô tổng trường… Do lượng khách đến khu di sản tăng khá nhanh đã đáp ứng nhu cầu ẩm thực lớn, quy mô chăn nuôi mở rộng, nhiều hộ đầu tư xây dựng trang trại nuôi lợn, nuôi gà, nuôi cá với số lượng lớn. Nhưng do lượng khách lớn nên nhiều hộ chuyển sang nuôi lợn chỗn, mua dê từ nơi khác về nuôi nhốt một thời gian ngắn rồi xuất bán cho các nhà hàng, khách sạn.

     Hoạt động trồng trọt, chăn nuôi trong các thung, ao đầm trong khu di sản cũng bị giảm đáng kể, phần lớn các khu vực thung lũng, ao hồ được thu hồi chuyển thành khu vực bảo tồn cảnh quan tự nhiên và di sản.

     Các nghề thủ công truyền thống: Nhờ có du lịch, nhiều nghề thủ công truyền thống đã được khôi phục và phát triển như nghề thêu ren, nghề chạm khắc đá. Hiện nay ngoài làm du lịch và nông nghiệp, nhiều gia đình đã học thêm nghề truyền thống. Theo kết quả nghiên cứu, hiện có khoảng 20% hộ gia đình có làm thêm nghề phụ, trong đó nghề thuê ren chiếm 29%.

      3.2.2. Các hoạt động sinh kế mới

     Cũng theo nghiên cứuvề biến đổi văn hóa sinh kế của cư dân Quần thể danh thắng Tràng An (TS. Bùi Văn Mạnh, 2020), bên cạnh những nghề nghiệp truyền thống (nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ…) đã xuất hiện nhiều nghề mới như lễ tân, buồng bàn bar (nhà hàng, khách sạn), bán hàng, chèo thuyền cho khách du lịch, đóng thuyền, sửa thuyền; hướng dẫn viên du lịch và dịch vụ biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

     - Hoạt động chèo đò:Hiện có khoảng 4.580 người chèo đò, trong đó xã Trường Yên 1.000, Ninh Xuân 480 và Ninh Hải 3.100 người. Chèo đò phục vụ du khách cần sức khỏe tốt, kỹ năng chèo thuyền qua các hang động xuyên thủy, đồng thời cũng đòi hỏi kỹ năng cứu hộ, cứu nạn trên sông nước, và đặc biệt là khả năng giao tiếp, giới thiệu cho khách du lịch về khu di sản và lịch sử văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư. Với phương châm mỗi một người chèo đò vừa là người hướng dẫn du lịch, vừa là đại sứ du lịch, đồng thời bảo vệ khu di sản, nên thời gian qua Sở Du lịch Ninh Bình, Ban Quản lý QTDT Tràng An đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức, tập huấn cho người chèo đò nhằm nâng cao nhận thức, văn hóa, kỹ năng giao tiếp và cấp chứng chỉ cho người chèo đò. Bên cạnh đó, thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy, các ban, ngành địa phương cũng lồng ghép vào các chương trình hội nghị, tập huấn nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về văn hóa, văn minh du lịch và kiến thức, nghiệp vụ về du lịch. Hiện nay, thu nhập bình quân của người chèo đò từ 3,5 triệu- 5 triệu đồng/tháng, mùa lễ hội có thể lên tới trên 10 triệu đồng/tháng.

     - Hướng dẫn du lịch là một nghề mới được nhiều bạn trẻ ở các địa phương lựa chọn, hiện nay có khoảng 70 người, có trình độ từ trung cấp và cao đẳng, được Sở Du lịch bồi dưỡng nghiệp vụ và cấp thẻ hướng dẫn viên tại điểm. Nghề hướng dẫn viên ngoài phông kiến thức tốt về văn hóa, lịch sử và con người của vùng đất cố đô Hoa Lư, những giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Tràng An cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ.Tuy nhiên, nhiều hướng dẫn viên không được đào tạo chuyên sâu về du lịch, hạn chế về nghiệp vụ hướng dẫn và đặc biệt là yếu về ngoại ngữ.

     - Kinh doanh dịch vụ lưu trú và nhà hàng: Là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, nhanh nhẹn, linh hoạt và có khả năng tiếp thị, bán hàng… Một số hộ bắt đầu kinh doanh lưu trú và nhà hàng từ năm 2000, khoảng 12 cơ sở, với sự tăng trưởng khách du lịch trung bình 12%/năm và sự gia tăng nhu cầu lưu trú ở nhà dân, đến đầu năm 2020 (theo số liệu thống kê của Ban Quản lý Quần thể danh thắng Tràng An) đã có 293 cơ sở lưu trú du lịch đi vào hoạt động. Cùng sự phát triển của hoạt động kinh doanh này là sự phát triển các hoạt động nghề nghiệp mới như lễ tân, phục vụ buồng, bàn, bar, bếp và bảo vệ với khoảng 1.500 lao động.

     - Kinh doanh đồ lưu niệm, đồ uống: Hiện có 57 cơ sở kinh doanh bán hàng lưu niệm, đồ uống và cho thuê xe đạp, xe máy. Hoạt động kinh doanh này không đòi hỏi vốn lớn, chỉ cần có mặt bằng tốt, nhiều hộ dân đã giàu lên nhờ ngành nghề kinh doanh mới này.

     - Nghề bảo vệ:Lúc mới phát triển du lịch, các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, nhà hàng thuê một số người dân địa phương làm công việc bảo vệ và giữ gìn an ninh trật tự trong khu, điểm du lịch và các cơ sở lưu trú. Chỉ tính riêng những người làm bảo vệ tại 06 khu du lịch chính hiện có khoảng 220 người, thu nhập bình quân từ 4-6 triệu đồng/tháng. Theo quy định, tất cả người làm bảo vệ đều phải tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ bảo vệ và bảo vệ di sản. Hiện nay, ngoài nhiệm vụ giữ gìn trật tự, an toàn trong khu du lịch, người làm bảo vệ còn có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ di sản, giữ gìn cảnh quan môi trường trong khu du lịch.

     - Hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống: hát chầu văn, hát chèo… hiện ở trong khu di sản QTDT Tràng An có khoảng 5 nhóm nhạc, mỗi nhóm hơn 5-7 người đi hát phục vụ khách du lịch tại các nhà hàng, cơ sở lưu trú, homestays, chi phí cho một buổi biểu diễn có giá từ 700 nghìn đồng đến 3,5 triệu đồng/buổi. Đây là hoạt động góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống,tạo công ăn việc làm và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ của du lịch Ninh Bình.

     - Loại hình du lịch trải nghiệm làm nông nghiệp: Doanh nghiệp tư nhân Ngôi Sao đã phát triển đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch được gần 5 năm, bước đầu đã có những kết quả khá tốt. Hoạt động này được tổ chức theo hình thức liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ dân trong khu di sản. Khách du lịch tham gia tour du lịch này sẽ được tham gia trải nghiệm thực tế các hoạt động nông nghiệp từ cày bừa, gieo mạ, cấy lúa, đánh bắt cá, sau đó về tự chế biến món ăn dưới sự hướng dẫn của người dân địa phương. Bình quân mỗi tháng doanh nghiệp đón được khoảng 10 đoàn khách, mỗi đoàn từ 10 - 15 người. Các hộ gia đình tham chương trình được Doanh nghiệp hỗ trợ về chuyên môn, đầu tư một số trang thiết bị và đảm bảo nguồn khách, mỗi gia đình sẽ đảm nhận một công đoạn, được tổ chức thành chuỗi liên kết, ngoài công việc đồng áng, chăn nuôi còn có thêm thu nhập và được gặp gỡ giao lưu với khách du lịch, nên rất hào hứng và nhiệt tình tham gia.

     Nhìn chung sự thay đổi các hoạt động sinh kế truyền thống của cư dân ở khu vực di sản Tràng An theo hai xu hướng chính:

     1) Xu hướng biến đổi hoàn toàn: Tập trung vào những nhóm dân cư bị thu hồi hết đất sản xuất, buộc phải chuyển đổi sang nghề khác, hoặc những hộ dân ở tại hoặc ở gần trung tâm khu du lịch, chuyển hoàn toàn sang buôn bán, kinh doanh;

     2) Xu hướng biến đổi một phần hoặc kết hợp, chủ yếu là dân cư tham gia chèo đò, bảo vệ, dọn vệ sinh môi trường. Họ vừa kết hợp đi chèo đò cho khách khi đến lượt, vừa kết hợp chăn nuôi, trồng cấy hoặc nhóm dân cư làm nghề thủ công truyền thống (thêu ren, đan lát…) vẫn tham gia phụ giúp chèo đò cho khách khi đến số đò của gia đình.

     4. Kết luận

     Hoạt động du lịch trong khu di sản trong thời gian qua đã tác động sâu sắc tới các nguồn lực sinh kế từ đó tạo nên thay đổi các sinh kế truyền thống. Quá trình biến đổi sinh kế này đã có những tác động tích cực và tiêu cực đối với cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An.

     Việc nghiên cứu đánh giá sự biến đổi sinh kế của cộng đồng dân cư trong khu vực Di sản trong bối cảnh phát triển du lịch là rất cần thiết về cả lý luận và thực tiễn để giúp cho các nhà quản lý và chính quyền địa phương tiếp tục có những nghiên cứu sâu hơn, đầy đủ hơn, đề xuất những giải pháp, chiến lược phù hợp đảm bảo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cưnhằm mục tiêu bảo tồn di sản và phát triển du lịch bền vững./.

Bùi Quang Ninh - Phó Giám đốc Ban quản lý Quần thể danh thắng Tràng An