Đây là quan điểm định hướng được đặt ra trong Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 07/7/2022 tại Quyết định số 801/QĐ-TTg.">
Làng gốm Chu Đậu
Theo đó, về quan điểm, việc bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao chất lượng đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề; đẩy nhanh công tác công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch; khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn địa phương và quốc gia, đặc biệt là sản phẩm của làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ gắn với việc tôn vinh và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ lành nghề.
Việc phát triển làng nghề gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững; phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá và xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề.
Cần huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo tồn và phát triển làng nghề; phát triển hài hòa các cơ sở ngành nghề, đa dạng hóa hình thức sản xuất, kết hợp công nghệ hiện đại và truyền thống nhằm phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Mục tiêu là bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề; thúc đẩy phát triển sản xuất; nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho sản phẩm; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường; xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.
Đến năm 2025, khôi phục và bảo tồn được ít nhất 56 nghề truyền thống và 85 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 116 nghề và 40 làng nghề truyền thống, phát triển 181 làng nghề gắn với du lịch; trên 70% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 80% người lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm được phân hạng theo Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); có ít nhất 30% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; thu nhập bình quân của lao động tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Đến năm 2030, khôi phục và bảo tồn được ít nhất 129 nghề truyền thống và 208 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; công nhận mới 213 nghề và 96 làng nghề truyền thống, phát triển khoảng 301 làng nghề gắn với du lịch; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; 100% người lao động trong làng nghề được đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề, an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Chương trình đề ra 4 nhiệm vụ quan trọng, bao gồm: Phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi; Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống; Phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; Phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.
Quyết định của Thủ tướng đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện, gồm có:
(1) Về quy hoạch, cần rà soát và sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch các cấp theo quy định của pháp luật; đảm bảo đủ mặt bằng phục vụ sản xuất, bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường làng nghề gắn với xây dựng nông thôn mới.
(2) Xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Việt Nam.
(3) Khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền. Sưu tầm, tài liệu hóa, bảo tồn bí quyết, công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, các sản phẩm được lưu truyền, các mẫu hoa văn truyền thống, các lễ hội truyền thống của làng nghề.
(4) Hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới. Tập trung phát triển các làng nghề sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao, có tiềm năng xuất khẩu lớn.
(5) Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề. Phát triển các vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, ưu tiên các sản phẩm chủ lực tại các địa phương có điều kiện phù hợp.
(6) Xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển các giá trị của nghề, làng nghề. Khuyến khích, hỗ trợ phục hồi, tôn tạo các di tích, xây dựng các bảo tàng làng nghề, khu trình diễn, không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Đồng thời ưu tiên xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển các giá trị của nghề, làng nghề gắn với du lịch.
(7) Đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề. Trong đó hỗ trợ, đào tạo người sử dụng lao động tại làng nghề nâng cao kỹ năng quản lý, chuyển đổi số, kiến thức kinh doanh.
(8) Chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Tăng cường nghiên cứu, kết hợp, chuyển giao, ứng dụng công nghệ và công nghệ số, chuyển đổi số để nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, xúc tiến thương mại và phát triển du lịch làng nghề.
(9) Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu. Hỗ trợ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực truyến. Xây dựng các điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nhiều nơi để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
(10) Xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề. Thiết kế, xây dựng các tuyến, điểm và tổ chức hoạt động du lịch, tham quan, giáo dục, trải nghiệm nghề và làng nghề truyền thống. Đồng thời liên kết chặt chẽ với các chương trình du lịch nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm của làng nghề và địa phương.
(11) Nâng cao chất lượng của các hiệp hội ngành hàng. Hỗ trợ thành lập các hiệp hội chuyên ngành phù hợp với quy định của pháp luật; xây dựng vùng nguyên liệu, đào tạo lao động, nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất, phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại.
(12) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và tổ chức các hoạt động nhằm tôn vinh nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề; tổ chức các lễ hội làng nghề, hội thi các sản phẩm thủ công, sản phẩm làng nghề.
(13) Rà soát, hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề. Rà soát cơ chế, chính sách về đất đai, thu hút đầu tư, hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ngoài ra, nghiên cứu và hoàn thiện quy định phong tặng, tôn vinh danh hiệu cho nghệ nhân; chính sách hỗ trợ nghệ nhân phát triển nghề nghiệp và tham gia đào tạo, truyền nghề.
Trong tổ chức thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, người có công bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa nghề truyền thống. Đồng thời, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp liên kết với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, du lịch xây dựng các tuyến, điểm, phát triển các sản phẩm du lịch, xúc tiến du lịch gắn với các làng nghề.
Nguồn: vietnamtourism.gov.vn