Đền vua Đinh Tiên Hoàng - xã Trường Yên, huyện Hoa Lư

Thứ Ba, 27/12/2016

Đinh Bộ Lĩnh sinh ngày rằm tháng hai năm Giáp Thân (924), ở làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay là xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng, đặt quốc hiệu là Đại Cổ Việt, đóng đô ở Hoa Lư.

Hai năm sau, năm 970, Đinh Bộ Lĩnh đặt niên hiệu riêng là Thái Bình; "dựng cung điện, đặt triều nghi, định trăm quan, đặt sáu quân". Sự nghiệp vĩ đại ấy đã được nhà sử học Lê Văn Hưu nhận xét "Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng lực nhất đời. Đương lúc Việt Nam ta không chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái là 12 sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc là ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc Thánh triết" (Đại Việt sử ký toàn thư).Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng nằm bên chân núi Mã Yên, khu di tích lịch sử - văn hóa cố đô Hoa Lư – xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Tương truyền khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La (1010), nhân dân đã xây dựng đền thờ vua Đinh, vua Lê trên nền cung điện xưa để tưởng nhớ hai vị anh hùng đã có công lao to lớn với đất nước. Khi xây dựng lần đầu, đền quay hướng Bắc trông ra núi Hổ, núi Chẽ. Thời Hậu Lê (thế kỷ thứ XVII), nhân dân đã xây dựng lại và quay đều theo hướng Đông như hiện nay. Năm 1898, đền được trùng tu, làm ngưỡng cửa đá và tảng đá cổ bồng. Đền được dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc" (Trong là chữ "công", ngoài là chữ "quốc"), trục đường chính tạo hình chữ 王(vương).


tượng vua Đinh Tiên Hoàng, ảnh: Lê Bích

Vào phía trong là một sập rồng bằng đá, hai bên là hai nghê chầu bằng đá xanh nguyên khối khá đẹp. Cạnh đó là Nghi môn ngoại (cửa ngoài), bên trong, cách đó 25m là Nghi môn nội (cửa trong), có thể nói cửa này là dạng kiến trúc ba hàng chân cột sớm nhất ở nước ta. Lui vào phía trong, bên trái là đền Khải Thánh, thờ vương phụ, vương mẫu (cha và mẹ vua Đinh), bên phải là nhà vọng, nơi xưa kia các cụ bàn về việc tế lễ. Qua hai cột trụ là tới sân rồng, ở giữa sân rồng có một long sàng đá tượng trưng cho nghi lễ thiết triều. Hướng mặt ra phía trước nhà Khải Thánh và nhà Vọng chúng ta thấy hai "vườn hoa ngoại quốc" (tường vườn hoa như vòng ngoài của chữ "quốc"), vườn hoa phía bên phải có hòn non bộ dáng "cửu long", giữa vườn hoa bên trái có hòn non bộ dáng "hình nhân bái tướng".

Bước qua hai cột đồng trụ sừng sững tựa cột chống trời là chúng ta đứng bên cạnh Long sàng, một tác phẩm nghệ thuật đẹp hiếm có, dài 1,80m, rộng 1,40m. Long sàng tượng trưng cho bệ rồng lúc vua ngự triều, xung quanh có hai hàng chân cột để cắm cờ, bát biểu, vũ khí trong ngày hội, tượng trưng cho các thứ bậc của các quan văn võ, mười thanh long đao mà chúng ta đang nhìn thấy là tượng trưng cho mười đạo quân.

Đền có ba tòa bái đường, thiêu hương và chính cung. Ngoài cùng là bái đường,ở gian giữa bái đường có bức đại tự đề ba chữ "Chính thống thủy" (mở đầu nền chính thống), ca ngợi công đức của vua Đinh là người dẹp loạn cát cứ, mở đầu nền thống nhất quốc gia. Trong cùng là chính cung, thờ vua Đinh và ba hoàng tử triều Đinh.Ở giữa chính cung là tượng vua Đinh Tiên Hoàng, đúc bằng đồng vàng sơn son thếp bạc, làm vào thời nhà Nguyễn, đầu đội mũ bình thiên, mặc áo long cổn, ngồi trên sập rồng - biểu tượng của bậc đế vương, dáng vẻ uy nghiêm, đường bệ. Bên trái là tượng Nam Việt Vương Đinh Liễn - con cả, bên phải là tượng Đinh Hạng Lang và Đinh Toàn là hai con thứ của vua Đinh. 

Đền vua Đinh là một công trình kiến trúc, điêu khắc quý ở thế kỷ XVII, tuy đã tu sửa nhiều lần, nhưng vẫn còn giữ khá nguyên vẹn một số mảng điêu khắc, kiến trúc thời Hậu Lê với các đề tài tiên cưỡi rồng, lưỡng long chầu lá đề, lưỡng long chầu nguyệt, rồng ổ, rồng đàn. Những bức điêu khắc này không những điểm trang cho ngôi đền thêm lộng lẫy, mà nó còn thể hiện tài nghệ điêu khắc tuyệt vời của các nghệ nhân dân gian vùng Hoa Lư từ hơn ba trăm năm trước.