Cố đô Hoa Lư - Kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên

Thứ Năm, 01/07/2021

Là kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền ở nước ta, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, nằm trên một diện tích trải rộng khoảng 400ha.

Là kinh đô của nhà nước phong kiến tập quyền ở nước ta, thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, nằm trên một diện tích trải rộng khoảng 400ha.

 

toàn cảnh cố đô, ảnh: Xuân Lâm

Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt và chọn Hoa Lư là kinh đô. Kinh đô Hoa Lư tồn tại 41 năm (từ năm 968 đến năm 1009) trong đó 12 năm là triều đại nhà Đinh và 29 năm kế tiếp là triều đại nhà Tiền Lê (người đầu tiên là Lê Hoàn lên ngôi Hoàng Đế hiệu là Lê Đại Hành). Trước khi rời đô về kinh thành Thăng Long, Lý Công Uẩn lên ngôi vua tại Hoa Lư, lấy đế hiệu là Lý Thái Tổ. 

Hơn ngàn năm trước, Hoa Lư là đế đô thật nguy nga, tráng lệ. Những núi đồi trùng điệp xung quanh vòng đai kinh đô như tấm bình phong; sông Hoàng Long uốn khúc và cánh đồng Hoa Lư Nho Quan, Gia Viễn mênh mông là hào sâu thiên nhiên rất thuận lợi về mặt quân sự. Khu thành Hoa Lư rộng đến 300ha. Thành gồm hai khu là khu trong và khu ngoài, thông với nhau bằng một lối đi nhỏ hẹp và hiểm trở. Mỗi khu gồm có nhiều vòng, nhiều tuyến nhỏ. Theo truyền thuyết, cung điện được xây ở thành ngoài. ở phía Đông có lối đi chính vào thành. Đến năm 1010 Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, từ đó kinh đô Hoa Lư trở thành cố đô.

đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, ảnh: Xuân Lâm

Ngày nay trên nền cung điện năm xưa là hai ngôi đền cách nhau chừng 500m. Một đền thờ Đinh Tiên Hoàng và một đền thờ Lê Đại Hành. Về thăm lại đất Hoa Lư là dịp để chúng ta chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, những nét đẹp của toàn bộ khu di tích, ghi dấu thời kỳ mở nước huy hoàng, độc lập, tự chủ của đất nước Đại Cồ Việt từ ngàn năm về trước...

Tin cùng chuyên mục