Hiện nay trước sân chùa còn lưu giữ nguyên bản cột (trụ) đá, khắc chữ Hán trong bài chú của kinh lăng nghiêm (suran gama-sutra), và một số câu kệ, lạc khoản. Cột kinh được dựng vào năm 995, đời vua Lê Đại Hành. Có lẽ vì vậy mà chùa gọi là chùa Nhất Trụ, như tấm đại tự lớn trước cổng chùa có khắc ba chữ Hán: “Nhất Trụ tự”, tức là chùa Nhất Trụ, tên nôm là chùa Một Cột.
Chùa được xây dựng theo kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian Tiền bái và 3 gian Thượng điện, mái lợp ngói nam. Tòa thượng điện kiến trúc vì kèo kiểu trụ chung, kẻ góc, các đầu trụ và kẻ góc chạm nổi rồng đao mác, mang phong cách chạm khắc thời Lê. Tòa tiền bái được làm bằng gỗ, xung quanh trang trí hổ chầu lá lật vân xoắn, hoa sen cách điệu mang phong cách mỹ thuật thời Nguyễn. Trong chùa, ngoài cột kinh Phật từ thế kỷ X có giá trị đặt biệt, còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử văn hóa to lớn.
Cột kinh đá chùa Nhất Trụ, ảnh: Xuân Lâm
Di tích là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử góp phần chung vào thắng lợi của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước. Hiện nay, chùa Nhất Trụ vẫn là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân trong thôn và du khách địa phương, là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Với những giá trị đó, chùa đã được Bộ Văn hóa – thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1998.