Nói về thịt dê, không đâu ngon bằng dê núi Ninh Bình. Ngày ngày, từng đàn dê chắc khoẻ, dạo trên núi đá, gặm lá rừng xanh và uống giọt sương còn đọng lại làm nhớ món khoái khẩu thịt dê rừng.
Từ thịt dê có thể chế biến hàng chục món: tiết canh dê, tái dê, dê nướng, dê xào lăn, lẩu dê… trong đó, món tiết canh dê có lẽ là đứng đầu bảng. Muốn làm được bát tiết canh ngon không phải dễ. Phải là người có nghề mới đánh được bát tiết canh đông lại như đóng bánh nhưng ăn vào vẫn mềm ngọt đầu môi. Tiết canh dê được tuyển lựa từ những phần ngon nhất của con dê như tai, lưỡi, thịt thăn và phần sụn xương sườn, thêm lạc rang, vừng rang, hành củ, rau thơm. Miếng tiết đỏ au vừa mềm vừa giòn sần sật, thơm dậy mùi vừng rang, ngầy ngậy vị hành nướng. Vừa nhấm nháp tiết canh, vừa tợp thêm hớp rượu Đam Khê trong vắt thì cứ gọi là thần khẩu lên mây.
Trong các quán ăn, nhà hàng lại thường phục vụ món tái dê. Chỉ riêng “tái” đã có thật nhiều kiểu: tái nhúng, tái lăn, tái vừng… Tái nhúng là thịt dê thái lát mỏng nhúng vào nồi nước đang sôi, miếng thịt vẫn còn giữ nguyên sắc hồng và vị dai dai ngọt đậm đặc trưng. Còn tái lăn là chao thịt dê qua chảo dầu nóng nên thịt vừa ngậy, vừa thơm béo.
Ngoài ra, tái vừng cũng gần giống tái lăn, nhưng đậm đà hơn bởi thịt dê sau khi chao dầu được bóp thêm với vừng rang giã dập và đủ loại gia vị khác. Ăn kèm tái dê không thể thiếu quả sung, lá sung, vài lát chuối chát, lá ngổ, lá mơ, củ sả, và quan trọng nhất là bát tương bần Hưng Yên điểm thêm nhánh gừng già giã giập.
Người ta bảo chỉ có tương bần Hưng Yên mới “xứng” để “sánh đôi” với thịt dê núi miền đất cố đô. Hai thứ đặc sản của hai vùng đất khác nhau thế mà lại “ăn” nhau đến lạ.