(TITC) - Sáng ngày 11/12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp Công nghệ số lần III. Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức và Báo điện tử VnEpxress phối hợp thực hiện.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc phát biểu tại diễn đàn
Với chủ đề “Chuyển đổi số - động lực phục hồi và phát triển kinh tế”, các diễn giả sẽ tập trung bàn về giải pháp chuyển đổi số đột phá giúp các ngành, lĩnh vực phục hồi, phát triển bền vững sau đại dịch.
Bài toán chuyển đổi số được thảo luận trong từng ngành từ Du lịch, Logistic, Nông nghiệp, Y tế đến Năng lượng cũng như thúc đẩy ứng dụng chuyển đổi số để đẩy mạnh giao thương.
Phát biểu tham luận tại Diễn đàn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc cho biết, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước thông qua việc ban hành các văn bản, nghị quyết, trong đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh là những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao.
Đối với ngành du lịch, ngày 30/11/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”.
Thực hiện Đề án, về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch đã tập trung triển khai các nhiệm vụ chính theo Quyết định 1783/QĐ-BVHTTDL ngày 17/5/2019 ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án 1671 của Thủ tướng Chính phủ như: (1) Xây dựng hệ thống Cơ sở dữ liệu số ngành Du lịch Việt Nam; (2) Thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiệp; (3) Ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh; (4) Hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đặc biệt, để góp phần đảm bảo du lịch an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, Tổng cục Du lịch đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai xây dựng các ứng dụng công nghệ để phục vụ khách du lịch, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Tiêu biểu là ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” để phục vụ khách du lịch; ứng dụng “Hướng dẫn Du lịch Việt Nam” phục vụ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý; “Hệ thống đăng ký và tự đánh giá an toàn Covid-19” đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên toàn quốc; cùng nhiều ứng dụng, tiện ích công nghệ khác phục vụ khách du lịch.
Chia sẻ về những khó khăn và thuận lợi trong chuyển đổi số du lịch, Phó Tổng cục trưởng cho biết, công tác chuyển đối số trong ngành du lịch chưa nhận thức đồng bộ; chưa có sự kết nối chặt chẽ giữa các chủ thể liên quan, đặc biệt là khách hàng và doanh nghiệp, thiếu nguồn lực; hạn chế về kiến thức, trình độ; ảnh hưởng của đại dịch… Về thuận lợi, ngành Du lịch được Chính phủ quan tâm, tạo điều kiện phát triển; các địa phương đang quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong du lịch; tốc độ tăng trưởng Internet nhanh chóng, phong trào khởi nghiệp sáng tạo đang phát triển…
Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của liên kết hợp tác trong chuyển đổi số, sự thống nhất cả về nhận thức và hành động của các bên liên quan. Trong đó, cần có sự định hướng và tạo nền tảng của cơ quan quản lý nhà nước và sự tham gia chủ động, tích cực của các doanh nghiệp.
Các đại biểu trải nghiệm các gian hàng bên ngoài sảnh sự kiện
Để thúc đẩy chuyển đổi số trong du lịch mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Lê Phúc đề nghị cần tập trung vào các nhóm giải pháp chính gồm có: (1) Tiếp tục triển khai xây dựng các chương trình, đề án, kế hoạch chuyển đổi số trong ngành du lịch trình Bộ VHTTDL, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành. (2) Nghiên cứu, tham mưu đề xuất các cấp chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử xuyên quốc gia, các hoạt động giao dịch trên môi trường số, các quy tắc ứng xử trên mạng internet… trong lĩnh vực du lịch. (3) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, xã hội về chuyển đổi. Chuyển đổi số sẽ góp phần phát triển du lịch theo hướng bền vững hơn và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo mục tiêu Đảng, Nhà nước đã đặt ra. (4) Hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh với sự tham gia chặt chẽ của tất cả các bên liên quan trong ngành như cơ quan quản lý, điểm đến, doanh nghiệp, khách du lịch. (5) Phát động phong trào khởi nghiệp sáng tạo, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực du lịch, tạo sân chơi cho các doanh nghiệp trẻ phát huy sự đổi mới, sáng tạo, đóng góp các ý tưởng mới mẻ cho phát triển du lịch. (6) Phát huy mạnh mẽ cơ chế hợp tác công tư để huy động nguồn lực triển khai chuyển đổi số du lịch. Huy động sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn lớn. (7) Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong du lịch. (8) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, tham khảo, học tập kinh nghiệm của các quốc gia, điểm đến, tổ chức quốc tế trong chuyển đổi số du lịch, tăng cường hợp tác với các tập đoàn công nghệ toàn cầu để tận dụng tri thức và nguồn lực.
Tại phiên buổi sáng của Diễn đàn, nhiều tham luận đã được trình bày như: Nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp; Công nghệ số trong quản lý và phát triển lĩnh vực năng lượng; Nền tảng số Make in Việt Nam - yếu tố quan trọng đảm bảo thông suốt hoạt động của tổ chức và doanh nghiệp; Tăng trưởng số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; Tài sản số - cơ hội để Việt Nam sánh vai với các cường quốc kinh tế…
Nguồn: vietnamtourism.gov.vn