Tăng yếu tố văn hóa, ưu tiên du lịch xanh

Thứ Tư, 13/12/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Là vùng đất ken dày các di tích lịch sử và các danh thắng nổi tiếng, Ninh Bình xác định lấy văn hóa di sản làm nòng cốt, đặc trưng để xây dựng sản phẩm du lịch xanh, thân thiện, bền vững. Đây cũng chính là định hướng quan trọng đã và đang đưa du lịch Ninh Bình phục hồi, phát triển, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc trao đổi với đồng chí Bùi Văn Mạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Du lịch về vấn đề này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Phóng viên (P.V): Xin đồng chí cho biết những kết quả về du lịch hiện nay đã đóng góp như thế nào đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh? 

Đồng chí (Đ/c) Bùi Văn Mạnh: Du lịch phát triển có những đóng góp không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ, thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác phát triển; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng; các chỉ tiêu về lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành du lịch đều tăng cao. 

Du lịch đã nhận diện được tiềm năng, thế mạnh riêng nổi trội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch văn hóa, tâm linh và sinh thái nghỉ dưỡng; từng bước xây dựng cơ chế chính sách để phát triển du lịch nhanh và hiệu quả gắn với Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, văn hóa và con người vùng đất Cố đô Hoa Lư. 

Tỉnh Ninh Bình đã thực sự trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới, thuộc 10 địa phương có lượng khách đến cao nhất cả nước; nhiều chuyên trang du lịch uy tín quốc tế bình chọn, nhắc đến như là địa phương duy nhất của Châu Á góp mặt và đứng thứ 7 trong danh sách 10 vùng đất thân thiện nhất thế giới năm 2023; Vườn Quốc gia Cúc Phương 5 năm liên tiếp (từ 2019-2023) được công nhận là Công viên Quốc gia hàng đầu Châu Á,… Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa của vùng đất, con người Cố đô Hoa Lư đến bạn bè trong nước và thế giới. 

Trong 11 tháng năm 2023, toàn tỉnh ước đón trên 6,24 triệu lượt khách, doanh thu đạt trên 6.000 tỷ đồng, sớm đạt và vượt kế hoạch năm (năm 2023 Ninh Bình phấn đấu đón 5,35 triệu lượt khách, doanh thu trên 5.100 tỷ đồng). 

P.V: Những kết quả này càng khẳng định du lịch Ninh Bình đang là điểm sáng trên bản đồ du lịch và cũng là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, đâu là những khó khăn, thách thức khiến du lịch Ninh Bình chưa thể bứt phá mạnh mẽ? 

Đ/c Bùi Văn Mạnh: Thời gian qua, Ngành đã đoàn kết, nỗ lực, đổi mới, sáng tạo để đưa du lịch tỉnh nhà phục hồi, phát triển, từng bước trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay du lịch Ninh Bình đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. 

Trên thế giới, tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, cuộc xung đột giữa Nga và Ucraina, sự sụt giảm kinh tế thế giới làm ảnh hưởng đến ngành du lịch nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng. Ngoài ra, hiện nay nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới có chính sách thông thoáng, trợ giá cho du khách khi đi du lịch. Đây là thách thức lớn đối với nước ta khi câu chuyện "đi tour nước ngoài còn rẻ hơn nội địa" đã được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. 

Trong nước, nhiều địa phương xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, là động lực, đòn bẩy phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, các địa phương, điểm đến đều tập trung nguồn lực đầu tư phát triển ngành công nghiệp không khói. Sự phát triển này vừa tạo tính liên kết, tích cực nhưng cũng là sự cạnh tranh, đối trọng giữa các địa phương trong việc thu hút khách. Thực tế này có thể dẫn đến nguy cơ phát triển du lịch "quảng canh", khai thác tài nguyên tự nhiên quá mức, giá trị gia tăng thấp, thách thức trong vấn đề đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản… 

Ngoài ra, du lịch của tỉnh chưa có nhiều sản phẩm mới, sản phẩm đẳng cấp quốc tế, phục vụ thị trường khách có khả năng chi trả cao; ngành thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao do xa trung tâm đào tạo lớn; một số doanh nghiệp chưa tập trung đầu tư nghiên cứu bài bản để phát triển các sản phẩm mang nhiều giá trị văn hóa, chiều sâu. 

P.V: Giữa bối cảnh khó khăn như vậy, Ninh Bình chọn "chất liệu" gì để xây dựng các sản phẩm mới, hấp dẫn du khách? 

Đ/c Bùi Văn Mạnh: Ninh Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn. Với 3/4 diện tích là đồi núi, địa hình karst đa dạng, hệ động, thực vật phong phú đã hình thành nhiều khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nổi tiếng. Nơi đây sở hữu Di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất của Đông Nam Á là Quần thể danh thắng Tràng An. Ninh Bình cũng là vùng đất cổ của người Việt, nơi phát tích của nhiều triều đại phong kiến với truyền thống lịch sử văn hóa quý báu. Bên cạnh đó, nơi đây còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể nổi tiếng, là cái nôi của nghệ thuật hát xẩm, hát chèo cùng văn hóa ẩm thực độc đáo... với nhiều lễ hội, làng nghề truyền thống, đặc sắc. 

Với những giá trị như vậy, tỉnh Ninh Bình xác định "văn hóa Di sản" là chất liệu, là nguồn lực, lợi thế để phát triển du lịch. Du lịch văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Di sản là một trong những trụ cột chính, mang tính hạt nhân để dẫn dắt thu hút đầu tư cũng như thúc đẩy các ngành, các lĩnh vực. 

Thời gian tới, ngành Du lịch tiếp tục tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch có "hàm lượng văn hóa cao", nâng cao chất lượng dịch vụ, coi chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ là lợi thế cạnh tranh, chú trọng xây dựng, phát triển thương hiệu điểm đến du lịch bằng sản phẩm độc đáo, môi trường du lịch an toàn, thân thiện và hấp dẫn. Trong đó, xác định con người là trung tâm, là mục tiêu của phát triển bền vững, ngành sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, phối hợp để tăng cường sinh kế bền vững cho người dân tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch, nhất là người dân trong vùng di sản, cộng đồng; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án du lịch nhất là các dự án nghỉ dưỡng cao cấp; tăng cường công tác quản lý đối với các khu điểm du lịch; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên không thể tái tạo, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học,… 

Ngành quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ, khoa học và có hiệu quả nhằm tiếp tục duy trì những kết quả đã đạt được, phát triển du lịch Ninh Bình theo hướng xanh và bền vững để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng xuyên suốt của tỉnh. 

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí! 

Nguồn: baoninhbinh.org.vn