Tóm tắt: Đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch Ninh Bình. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, số lượt khách và doanh thu du lịch giảm mạnh so với năm trước, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến doanh thu và phát triển của doanh nghiệp; nhiều lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc, giãn việc.

     Đến nay, tình hình dịch bênh đang dần được kiểm soát, toàn xã hội cũng như ngành du lịch chuyển sang giai đoạn hoạt động trong điều kiện bình thường mới, vấn đề đặt ra là phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong giai đoạn phục hồi du lịch. Bài viết nêu khái quát thực trạng phát triển của ngành du lịch Ninh Bình, tác động của đại dịch Covid-19 đến nguồn nhân lực và các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

     Từ khóa: Đại dịch Covid-19, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Ninh Bình, phục hồi du lịch

" />

Phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao của tỉnh Ninh Bình trong giai đoạn phục hồi du lịch

Thứ Ba, 28/02/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

     Tóm tắt: Đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội, trong đó có ngành du lịch Ninh Bình. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, số lượt khách và doanh thu du lịch giảm mạnh so với năm trước, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến doanh thu và phát triển của doanh nghiệp; nhiều lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc, giãn việc.

     Đến nay, tình hình dịch bênh đang dần được kiểm soát, toàn xã hội cũng như ngành du lịch chuyển sang giai đoạn hoạt động trong điều kiện bình thường mới, vấn đề đặt ra là phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong giai đoạn phục hồi du lịch. Bài viết nêu khái quát thực trạng phát triển của ngành du lịch Ninh Bình, tác động của đại dịch Covid-19 đến nguồn nhân lực và các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.

     Từ khóa: Đại dịch Covid-19, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Ninh Bình, phục hồi du lịch

1. Đặt vấn đề

     Nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, cách thủ đô Hà Nội khoảng 90km, với vị trí địa lý thuận lợi Ninh Bình trở thành cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam Bắc. Ninh Bình có địa hình đa dạng: có đồi núi, sông hồ, đồng bằng, vùng biển, mang đầy đủ sắc thái địa hình Việt Nam thu nhỏ. Ninh Bình không chỉ được tạo hóa ưu ái, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn như: Danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, khu Bảo tồn Thiên nhiên đất ngập nước Vân Long… mà còn có nhiều di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt quan trọng, đánh dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc Việt Nam như khu di tích, lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư, dấu ấn của Hành cung Vũ Lâm, đền Thái Vi, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm… Bên cạnh đó, Ninh Bình còn có nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc với các lễ hội dân gian, nghề thủ công và nghệ thuật truyền thống độc đáo, ẩm thực phong phú…. Với 1.821 di tích, trong đó có 298 di tích cấp tỉnh, 81 di tích cấp quốc gia (trong đó có 3 di tích cấp quốc gia đặc biệt). Đây là những tiềm năng, lợi thế lớn của Ninh Bình trong phát triển du lịch, có thể tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình.

     Trong những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, du lịch tỉnh Ninh Bình có những bước phát triển mạnh mẽ. các chỉ tiêu: Lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành du lịch... ngày càng tăng; các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương luôn tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế. Tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.

     Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội toàn cầu, du lịch là ngành bị ảnh hưởng trực tiếp nhất. Tại Ninh Bình, các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, số lượt khách và doanh thu du lịch giảm mạnh so với năm trước, nhiều doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến doanh thu và phát triển của doanh nghiệp; nhiều lao động trong ngành du lịch phải nghỉ việc, giãn việc.

     Đến nay, tình hình dịch bệnh đang dần được kiểm soát, toàn xã hội cũng như ngành du lịch chuyển sang giai đoạn hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Để phát triển ngành du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, bên cạnh phát triển sản phẩm thì đầu tư vào nguồn nhân lực là rất quan trọng, vấn đề cấp thiết đặt ra lúc này là phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, điều này góp phần tăng sức hấp dẫn cho ngành du lịch, đặc biệt là giai đoạn ngành du lịch phục hồi sau dịch Covid-19.

2. Mục tiêu phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao trong giai đoạn hiện nay

     Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã xác định mục tiêu phát triển nguồn nhân lực như sau:

     Nhà nước có chính sách thu hút đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ giáo viên. Đẩy mạnh xã hội hoá và hợp tác quốc tế, thu hút nguồn lực phát triển nguồn nhân lực du lịch.

     Đa dạng hoá các hình thức đào tạo du lịch. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch.

     Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch. Chú trọng nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành Du lịch.

     Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về du lịch tương thích với các tiêu chuẩn trong ASEAN; thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia và Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch.

     Xác định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng của tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 29/10/2021 về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2045, trong đó đề ra nhiệm vụ và giải pháp để phát triển du lịch thì phải phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

     Nghị quyết đề ra nhiệm vụ cơ cấu lại nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Hằng năm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch phù hợp với nhu cầu phát triển; đặc biệt, chú trọng đào tạo, thu hút lao động có kỹ năng, trình độ quản lý, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, ngoại ngữ, tin học, nhận thức chính trị, ý thức, đạo đức nghề nghiệp, văn hóa giao tiếp. Định kỳ tổ chức điều tra, khảo sát, phân loại trình độ nghiệp vụ của lao động ngành du lịch để đưa ra kế hoạch, chương trình đào tạo phù hợp với năng lực, trình độ, yêu cầu công việc của từng đối tượng lao động.

     Chú trọng đào tạo, nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước, phát triển sản phẩm, chuyển đổi số, xúc tiến, quản bá và phát triển thương hiệu du lịch. Khuyến khích, hỗ trợ cán bộ học tập, nâng cao trình độ ở trong và ngoài nước để đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

     Đẩy mạnh ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến trong đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch. Tập trung đào tạo kỹ năng theo Bộ Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) và Tiêu chuẩn nghề Du lịch ASEAN cho lực lượng lao động du lịch trên địa bàn tỉnh. Chú trọng đào tạo quản lý, quản trị lữ hành, quản lý cơ sở lưu trú và hướng dẫn viên. Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương tham gia làm du lịch. Khuyến khhichs, hỗ trợ các doanh nghiệp tổ chức đào tạo, đào tạo lại và liên kết với các cơ sở đào tạo du lịch trong và ngoài nước, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động trong hoạt động du lịch.

     Tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo du lịch hiện có của tỉnh cả về cơ sở vật chất kỹ thuật, nội dung, chương trình và đội ngũ quản lý, đào tạo. Tích cực liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo có uy tín về du lịch, văn hóa du lịch để tổ chức các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao. Có chính sách khuyến khích, thu hút và đãi ngộ chuyên gia, nhân lực quản lý giỏi có kinh nghiệm về làm việc tại các cơ quan, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh. Hàng năm tổ chức các hoạt động giáo dục hướng nghiệp du lịch, văn hóa du lịch cho học sinh phổ thông trung học.

3. Thực trạng lao động ngành du lịch Ninh Bình

     Số lượng khách du lịch đến với Ninh Bình ngày càng tăng, thúc đẩy sự phát triển của các đơn vị kinh doanh du lịch, nhu cầu nhân lực trong ngành du lịch vì thế cũng tăng theo. Tuy nhiên, thực tế thì lực lượng lao động làm du lịch của tỉnh hiện nay đang còn thiếu cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp. Các kỹ năng cần thiết cho công việc như: ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, kinh nghiệm… cũng có nhiều hạn chế. Đặc biệt, Ninh Bình đang rất thiếu đội ngũ lao động chất lượng cao, cán bộ quản lý từ trung đến cao cấp ở các khách sạn từ 3-5 sao. Trong khi đó các chuyên gia trong ngành đã khẳng định rằng, một nhà quản lý giỏi quyết định đến 50% sự thành công của một khách sạn.

     Nguyên nhân của thực trạng này là do Ninh Bình chưa có hệ thống đào tạo riêng, chưa có cơ sở dạy nghề du lịch. Đại học Hoa Lư mới chỉ đào tạo một số ít chuyên ngành về du lịch, đồng thời Sở cũng đã phối hợp mở các lớp bồi dưỡng tại chỗ, nhưng nguồn nhân lực đào tạo theo hình thức này sẽ hạn chế về kỹ năng làm việc và kinh nghiệm thực tế. Việc thu hút lao động được đào tạo bài bản giàu kinh nghiệm về Ninh Bình thì lại khó do các đối tượng này yêu cầu cao về mức lương, môi trường làm việc cũng như các điều kiện để phát triển năng lực bản thân.

     Từ năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng 14.500 lao động (trong đó có 4.000 lao động trực tiếp) đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh. Lực lượng lao động chủ yếu làm việc ở các cơ sở lưu trú, nhà hàng ăn uống, ở các vị trí (lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp), lao động tại các khu, điểm du lịch và tại các khu vực vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ bổ sung khác.

     Tổng số lao động tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có xu hướng tăng: năm 2010 tổng số lao động là 8.550 lao động cả trực tiếp và gián tiếp, đến năm 2019 con số này tăng lên 21.500 người, năm 2020 do dịch bệnh số lao động làm du lịch giảm mạnh, chuyển đổi công việc. Tuy nhiên khi dịch bệnh được kiểm soát tốt thì số lao động du lịch sẽ  tăng nhanh trở lại, tốc độ tăng trưởng trung bình trong 10 năm qua là 6,67%/năm.

     Về cơ cấu lao động theo giới tính thì tỷ lệ lao động nữ luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với lao động nam vì tính chất đặc thù của du lịch là một ngành khá tỷ mỉ, đòi hỏi khả năng giao tiếp, cần sự khéo léo của phụ nữ như công việc buồng, bàn, bar…

Bảng 1. Nguồn nhân lực du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2020

                                                                                                      Đơn vị tính: Lao động

Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình

     Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình đã phối hợp với các cơ sở đào tạo lớn và các đơn vị, doanh nghiệp liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về du lịch cho lực lượng lao động du lịch. Giai đoạn 2010-2020, đã tổ chức 61 lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho trên 7.200 lượt học viên về nghiệp vụ hướng dẫn viên, quản lý cơ sở lưu trú du lịch, quản lý homestay, bồi dưỡng nghiệp vụ buồng, bàn, bar, lễ tân cho các cán bộ, công chức quản lý du lịch, người lao động làm việc tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các khu, điểm du lịch.

     Các sở, ban, ngành như: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND các huyện, thành phố… đã tổ chức nhiều chương trình tọa đàm, hội thi, lớp tập huấn, hội nghị báo cáo viên cho cộng đồng dân cư để tuyên truyền về tiềm năng, thực trạng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về phát triển du lịch, về giá trị và trách nhiệm bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An, thực hiện nếp sống văn minh du lịch cho gần 18.000 lượt người.

4. Dự báo bối cảnh quốc tế, trong nước; xu thế du lịch và dự báo chỉ tiêu phát triển nguồn lao động du lịch trong những năm tới

a. Về bối cảnh quốc tế và trong nước

     Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn đang diễn biến phức tạp. Điều này gây khó khăn rất lớn cho việc phát triển du lịch của Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng, nhất là thu hút khách du lịch quốc tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới thuộc Liên Hợp Quốc (UNWTO) dự báo ngành Du lịch toàn cầu sẽ bắt đầu phục hồi sau đại dịch bệnh Covid-19 từ quý IV/2021, có thể kéo dài đến giữa năm 2022 mới phục hồi, và phải đến 2024 mới bằng với mức năm 2019. Trong đó, thị trường khách nội địa sẽ phục hồi nhanh chóng, là thị trường trọng điểm, tập trung vào du lịch với mục đích nghỉ ngơi, giải trí, thăm thân ngắn ngày, sau đó là du lịch MICE. Bên cạnh đó, Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đánh giá phải đến năm 2023 du lịch theo đường hàng không mới có thể phục hồi bằng với mức tăng trưởng của năm 2019.

     Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng cho phát triển du lịch của đất nước và của tỉnh Ninh Bình. Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bối cảnh tình hình thế giới trong giai đoạn 2021 – 2025 tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới có khả năng chậm hơn giai đoạn trước; Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục tác động mạnh mẽ và rộng rãi đến mọi mặt của đời sống; các thách thức an ninh phi truyền thống, đặc biệt là biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng về cả tác động và cường độ; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp… Đây là những yếu tố sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng.

     Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình. Toàn tỉnh phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, có quyết tâm chính trị cao, dự báo chính xác, kịp thời diễn biễn của tình hình, chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống, nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch nhanh và bền vững; chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, quyết tâm thực hiện thắng lợi các quan điểm, mục tiêu, định hướng và nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII đã đề ra, vận dụng trong lĩnh vực du lịch.

b. Về xu hướng du lịch trong bối cảnh mới

     Cùng với xu hướng du lịch thế giới, du lịch Việt Nam cũng đang có nhiều thay đổi, dự báo trong thời gian tới tham quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí vẫn là xu hướng chính của đa số thị trường khách, song nhiều nhu cầu mới sẽ hình thành, đặc biệt là nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hoá truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo), giá trị sáng tạo và công nghệ cao (tính hiện đại, tiện nghi). Du lịch chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngày càng phổ biến. Phát triển du lịch có trách nhiệm, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng vừa là xu hướng vừa là đòi hỏi tất yếu đối với ngành du lịch để thực hiện nguyên tắc và mục tiêu phát triển bền vững về cả tự nhiên và xã hội.

     Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo (AI), internet kết nối vạn vật (IOT), phát triển du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo để giúp khách du lịch tìm kiếm thông tin, trải nghiệm trước, trong và sau chuyến đi. Xu hướng tiêu dùng du lịch cũng có thay đổi mới mẻ từ chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Du lịch cá nhân đang trở thành xu hướng du lịch của giới trẻ ở trong nước và trên thế giới trong thời gian gần đây.

     Bên cạnh đó, trong bối cảnh bình thường mới sau các đợt bùng phát của đại dịch Covid-19, khách du lịch trên thế giới có xu hướng yêu cầu cao hơn về mức độ an toàn, chất lượng của điểm đến cũng như các sản phẩm du lịch; chi tiêu tiết kiệm hơn; ưu tiên các điểm đến gần và các chuyến đi ngắn ngày.

c. Dự báo chỉ tiêu phát triển nguồn lao động du lịch tại Ninh Bình trong những năm tới

     Số lao động trực tiếp bình quân trên một buồng lưu trú hiện nay ở tỉnh Ninh Bình còn rất thấp vì các dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, chưa đa dạng và phong phú, chất lượng còn thấp, nhiều cơ sở lưu trú quy mô nhỏ, chủ yếu theo hình thức homestay… Năm 2019, chỉ tiêu này chỉ đạt xấp xỉ 0,66 lao động trực tiếp/1 buồng lưu trú (5.600 lao động trực tiếp/8.508 buồng lưu trú).

     Trong những năm tới, với định hướng phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch bổ sung, nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch…, nên số lượng lao động trực tiếp bình quân trên một buồng lưu trú sẽ tăng lên. Căn cứ vào nhu cầu lao động tính bình quân trên một buồng lưu trú của cả nước là 1,5 - 1,6 lao động trực tiếp/buồng lưu trú, và mỗi lao động trực tiếp tương ứng với 1,5 - 2,0 lao động gián tiếp. Như vậy, căn cứ vào các chỉ tiêu trên, nhu cầu lao động cho toàn ngành Du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045 được trình bày trong bảng sau.

Bảng 2. Dự báo nhu cầu lao động trong du lịch tỉnh Ninh Bình

giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2045

                                                                                                                 Đơn vị tính: Người

Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình

5. Giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao tại Ninh Bình

a. Nguồn nhân lực du lịch tại cơ quan quản lý nhà nước

     - Tranh thủ sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và nhân sự cấp cao trong hoạt động quản lý nhà nước về du lịch thông qua việc đề nghị tư vấn, mời góp ý cho các chủ trương, chính sách định hướng phát triển du lịch, tổ chức tọa đàm, hội thảo chuyên đề…

     - Tạo điều kiện cho cán bộ, công chức quản lý nhà nước về du lịch nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học, kết hợp với các đề án quốc gia về nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho cán bộ công chức; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về du lịch, kỹ năng tổ chức sự kiện, hội nghị, hội thảo, kỹ năng lễ tân đối ngoại, kỹ năng xử lý khủng hoảng truyền thông du lịch… và các kỹ năng khác liên quan đến công tác du lịch.

b. Nguồn nhân lực du lịch tại doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương tham gia làm du lịch

     - Định kỳ 2 năm/lần tổ chức điều tra, khảo sát, phân loại trình độ nghiệp vụ của lao động hiện đang làm việc trong ngành Du lịch để đưa ra kế hoạch đào tạo cụ thể, cơ chế đào tạo phù hợp tại từng cấp trình độ chuyên ngành.

     - Tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và kỹ năng mềm, chuẩn bị những phương án/kịch bản ứng phó với các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, dịch bệnh… cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đội ngũ quản lý, nhân viên các doanh nghiệp du lịch lữ hành, vận chuyển khách du lịch, tàu, thuyền du lịch, hướng dẫn viên..; định kỳ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch tỉnh Ninh Bình, nhất là đối với phát triển du lịch cộng đồng.

     - Hỗ trợ các doanh nghiệp và cơ sở giáo dục (cả giáo dục hướng nghiệp du lịch ở các trường phổ thông, giáo dục nghề nghiệp du lịch và giáo dục đại học du lịch) trong việc xây dựng và sử dụng chuẩn ngoại ngữ quốc tế, tin học cho nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ các cơ sở giáo dục tăng cường hợp tác với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo và chuẩn đầu ra về đào tạo, tăng thời lượng thực hành, liên kết cho học sinh, sinh viên đi thực tập, học viên cao học và nghiên cứu sinh nghiên cứu, giản viên, giáo viên kiến tập tại các doanh nghiệp và cơ sở dịch vụ du lịch. Khuyến khích và tôn vinh các doanh nghiệp và cá nhân hỗ trợ giảng dạy, cấp học bổng và nhận học sinh, sinh viên tốt nghiệp vào làm việc.

c. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cộng đồng và xã hội về phát triển du lịch

     - Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình nâng cao nhận thức về phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch cộng đồng, lồng ghép vào các lớp tập huấn, các buổi sinh hoạt chuyên đề hằng năm để tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp chính vào hội nhập kinh tế, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, đem lại hiệu quả tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tổ chức đối thoại giữa các cơ quan quản lý du lịch với các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương về phát triển du lịch.

     - Phát huy vai trò của UBND các cấp trong việc vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phát triển du lịch; xây dựng chương trình phát động mỗi người dân là một đại sứ du lịch.

     - Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về du lịch, Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch theo nhiều hình thức (các kênh quảng bá du lịch, các bảng nội quy tại khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, in tờ rơi, tập gấp, clip, phóng sự…); tuyên dương, nhân rộng các điển hình tốt về phát triển du lịch ở địa phương (thông qua các buổi trao đổi kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch triển khai…).

     - Khuyến khích hình thành đội ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch.

Ts. Bùi Văn Mạnh
TUV, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình