Trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình luôn có chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế, trong đó du lịch luôn được xác định là lĩnh vực ưu tiên để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Sau khi được tái lập tỉnh năm 1992, ngành Du lịch Ninh Bình không ngừng được đổi mới và phát triển. Tỉnh Ninh Bình sớm ban hành các chủ trương, chính sách, cơ chế, trong đó có những quyết sách mạnh dạn và đột phá là yếu tố mang tính then chốt.
Từ năm 2001 đến nay, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch: Nghị quyết số 03 (năm 2001) về phát triển du lịch đến năm 2010; Nghị quyết số 15 (năm 2009) về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02 (năm 2016) về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản thế giới Danh thắng Tràng An và gần đây nhất là Nghị quyết số 07 (năm 2021) về phát triển du lịch Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong đó xác định phát triển Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước, hướng tới đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều loại hình du lịch. Ninh Bình đẩy mạnh phát triển du lịch, xây dựng thương hiệu trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa, gắn với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.
Ninh Bình được biết đến là nơi có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, có địa hình đa dạng, có vùng đồi núi, đồng bằng và vùng đồng bằng ven biển, có khí hậu ôn hòa, có hệ thống thảm thực vật rừng phong phú, mang đầy đủ sắc thái của Việt Nam thu nhỏ. Ngoài ra Ninh Bình còn có kinh đô của Việt Nam giai đoạn 968 đến 1010 với 3 triều đại Đinh - Lê - Lý; đồng thời cũng là địa bàn quan trọng về quân sự qua các thời kỳ lịch sử, với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa, tài nguyên thiên nhiên. Ninh Bình hiện nay đang là một trong những trung tâm du lịch có tiềm năng phong phú và đa dạng.
Năm 2014, Quần thể danh thắng Tràng An được tổ chức UNESO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, di sản hỗn hợp đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, bởi các giá trị đặc biệt về địa chất, địa mạo, di tích lịch sử, văn hóa và di tích khảo cổ chứa đựng tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc và có giá trị nhất của tỉnh Ninh Bình.
Đối với Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long, năm 2019 Hội nghị các bên tham gia Công ước Ramsar lần thứ 13 đã quyết định trao Bằng công nhận Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long là khu Ramsar, vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế; khu vực này còn đạt hai kỷ lục về thiên nhiên đó là "Khu bảo tồn có đàn Voọc lớn nhất Việt Nam" và "Khu vực có bức tranh tự nhiên lớn nhất Việt Nam - Bức tranh núi Mèo Cào". Như vậy, Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long không những có giá trị về bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ cho nghiên cứu khoa học, mà còn có điều kiện để phát triển du lịch sinh thái, văn hóa - lịch sử.
Vườn Quốc gia Cúc Phương được công nhận là Vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được thành lập từ tháng 7 năm 1962. Đây là nơi lưu giữ nhiều loài động vật, thực vật đa dạng và phong phú. Đây không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên hàng đầu của Việt Nam, mà còn là điểm du lịch hấp dẫn với nhiều loại hình du lịch: Sinh thái, môi trường, nghiên cứu khoa học. Đặc biệt năm 2023 là năm thứ năm liên tiếp Vườn Quốc gia Cúc Phương được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới bình chọn là Vườn quốc gia hàng đầu châu Á.
Khu Du lịch Kênh Gà - Vân Trình đang được quy hoạch đầu tư trở thành khu du lịch phức hợp đẳng cấp quốc tế, với nhiều loại hình du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, kết hợp thăm quan tìm hiểu văn hóa, đời sống của người dân địa phương, đặc biệt là tập quán sinh sống trên sông nước ở làng nổi Kênh Gà. Nơi đây có suối khoáng nóng, không có mùi, nhiệt độ ổn định ở mức 53⁰C, đã được Bộ Y tế đánh giá có giá trị cao cho sức khỏe con người. Đây là một suối nước khoáng nóng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đưa vào tốp 5 suối nước khoáng nóng thu hút khách ở Việt Nam.
Ninh Bình cũng là địa phương nổi tiếng bởi hệ thống núi hang động Karst, sở hữu nhiều ngọn núi và hang động đẹp, có nhiều hồ tự nhiên, có cảnh quan sinh thái, khí hậu mát mẻ, thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng, thể thao.
Vùng bãi bồi ven biển Kim Sơn, vùng cửa sông ven biển có dải cát mịn dài, xen kẽ là đầm lầy và cánh rừng ngập mặn... chiều dài 18 km, với diện tích khoảng 105.000 ha, phần lớn còn giữ được trạng thái hoang sơ. Nơi đây hội tụ hơn 500 loài động vật thủy sinh, 50 loại cây ngập nước vùng cửa sông ven biển và 200 loài chim, trong đó có nhiều loại quý, hiếm đã được ghi vào Sách Đỏ Việt Nam. Kể từ khi Bãi Ngang - Cồn Nổi được công nhận nằm trong Khu Dự trữ sinh quyển châu thổ Sông Hồng, đã xác định vùng này có giá trị du lịch sinh thái, du lịch biển và thu hút sự quan tâm của khách du lịch. Cùng với khai thác tiềm năng về tài nguyên du lịch tự nhiên, ngành Du lịch Ninh Bình cũng rất quan tâm đầu tư, khai thác tài nguyên văn hóa, lịch sử. Theo số liệu của Sở Văn hóa và Thể thao, đến ngày 31/12/2020 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.821 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 379 di tích xếp hạng cấp tỉnh trở lên.
Tính đến hết tháng 6/2023, các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh đã đón 4.530.000 lượt khách, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu ước đạt 3.846 tỷ đồng, tăng 2,94 lần so với cùng kỳ năm 2022. Để thu hút được khách du lịch, những năm gần đây Ninh Bình tận dụng được những lợi thế về tài nguyên du lịch, làm mới các sản phẩm đang có, tiếp tục phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2025 du lịch Ninh Bình cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030 du lịch thực sự là ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương.
Ngành Du lịch Ninh Bình đã đề ra nhiều giải pháp phát triển các loại hình du lịch, xây dựng thương hiệu các sản phẩm du lịch, trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, lịch sử văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, phát triển du lịch bền vững, cụ thể:
Du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh: Đây là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở khai thác giá trị văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tôn vinh giá trị văn hóa mới của nhân loại. Thực tế cho thấy, các điểm du lịch được khách du lịch tìm đến nhiều nhất khi đến Ninh Bình, đó là: Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính và Tràng An, trong đó chùa Bái Đính và Tràng An đều nằm trong di sản thế giới. Quần thể danh thắng Tràng An có sự kết hợp đan xen giữa di chỉ khảo cổ thời tiền sử, có nhiều kiến trúc nghệ thuật truyền thống đã được xếp hạng, kết hợp với nhiều lễ hội truyền thống, hấp dẫn khách du khách như: Lễ hội Tràng An; lễ hội Chùa Bái Đính; lễ hội Đền Thái Vi...
Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng: Du lịch sinh thái là loại hình du lịch dựa vào thiên nhiên, gắn với bản sắc văn hóa địa phương, có sự tham gia của cộng đồng dân cư địa phương, kết hợp giáo dục bảo vệ môi trường. Từ năm 2016 đến nay, ngành du lịch Ninh Bình đã tích cực đầu tư vào các khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc - Bích Động; Vườn Chim - Thung Nham, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Khu Du lịch hang Múa; Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long... Nhìn chung các tuyến du lịch sinh thái tại Ninh Bình khá đa dạng, phong phú và tất cả các khu du lịch đều có các quy định về bảo vệ môi trường và hướng dẫn du khách gìn giữ vệ sinh chung tại các điểm du lịch. Các khu nghỉ dưỡng được xây dựng gần các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, có nhiều tiện ích và trải nghiệm cho du khách.
Du lịch trải nghiệm và tham quan thắng cảnh: Du lịch trải nghiệm là hình thức du lịch đem tới giá trị về mặt tinh thần, kỹ năng sống và trải nghiệm mới mẻ cho du khách. Ở Ninh Bình, dựa vào đặc điểm tài nguyên tự nhiên và văn hóa mỗi địa phương, các doanh nghiệp du lịch đã xây dựng chương trình du lịch, kết hợp với tham quan thắng cảnh, chủ yếu diễn ra ở các điểm du lịch như Tràng An, Bái Đính, Vườn Quốc gia Cúc Phương, Tam Cốc - Bích Động; Vườn Chim - Thung Nham... Đặc biệt khách du lịch quốc tế thích đi xe đạp khám phá vẻ đẹp của vùng quê, tìm hiểu văn hóa bản địa, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, văn hóa ẩm thực tại địa phương.
Du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn: Đây là loại hình du lịch nông nghiệp diễn ra ở khu vực nông thôn, với quy mô kinh doanh nhỏ, không gian mở, du khách được tiếp xúc trực tiếp và hòa mình vào thiên nhiên, gắn với những đặc điểm tiêu biểu ở khu vực nông thôn, gắn với truyền thống văn hóa làng xã. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã phát triển loại hình du lịch này tại các xã Ninh Hải, Ninh Thắng, Ninh Xuân, huyện Hoa Lư, vùng này có cảnh quan thiên nhiên đẹp, trù phú, rất thuận lợi cho việc tổ chức hình thức du lịch cộng đồng nông nghiệp nông thôn, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ năm 2018 đến cuối năm 2022, toàn tỉnh Ninh Bình đã có 101 sản phẩm được xếp hạng OCOP (trong đó có 68 sản phẩm đạt 4 sao, 33 sản phẩm đạt 3 sao).
Năm 2022 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 8 huyện, thành phố có sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP với 47 sản phẩm. Các sản phẩm OCOP được phát triển đều trên các huyện và thành phố, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, phục vụ cho khách du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Cánh đồng lúa Tam Cốc từng lọt top 15 địa danh "Tuyệt đẹp nhưng ít người biết đến" do tờ Telegraph (Anh) bình chọn. Với những giá trị tiềm năng đó, các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn ở Ninh Bình đang dần được hình thành, giúp khai thác có hiệu quả các giá trị cảnh quan vùng nông thôn, góp phần duy trì, lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Mô hình du lịch nông thôn tại Ninh Bình được hình thành và đưa vào khai thác đầu tiên tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Đất ngập nước Vân Long. Điều đặc biệt của các sản phẩm du lịch cộng đồng đó chính là người dân đóng vai trò nòng cốt, cung cấp các dịch vụ cho du khách, đặc biệt là khách nước ngoài, họ tận dụng những phương tiện thô sơ như xe trâu, thuyền nan, tổ chức các hoạt động du lịch, hướng du khách về với thiên nhiên, được ăn, ở, sinh hoạt cùng với gia đình và tham gia vào các công việc sinh hoạt thường ngày của cộng đồng, cũng như các lễ hội của địa phương.
Du lịch thể thao: Những năm gần đây trên thế giới và ở Việt Nam du lịch thể thao rất được ưa chuộng với nhiều trải nghiệm mới mẻ, mang tính cạnh tranh, đem lại sự phấn khích cho khách trải nghiệm. Với những lợi thế về địa hình đa dạng, cơ sở hạ tầng được đầu tư, Ninh Bình có điều kiện thuận lợi để tổ chức một số hoạt động du lịch thể thao như: Gold (Nho Quan, Tam Điệp), Marathon (Cúc Phương, cung đường Tràng An), Trakking (Cúc Phương)... Tuy nhiên du lịch thể thao ở Ninh Bình còn khá mới mẻ, các dịch vụ thể thao cung cấp cho khách du lịch chủ yếu là thị trường khách chơi golt.
Trong những năm gần đây, ngành du lịch phối hợp cùng với chính quyền các cấp chuẩn bị cơ sở vật chất, tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong nước cũng như khách nước ngoài tham dự, tiêu biểu như: Lễ hội Tràng An, Lễ hội Hoa Lư, Tuần du lịch Ninh Bình Sắc vàng Tam Cốc… Các sự kiện được tổ chức chuyên nghiệp và chu đáo, ngày càng khẳng định được thương hiệu du lịch Ninh Bình trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.
Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng của tỉnh, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp các ngành và toàn xã hội, có sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp.
Phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành một trong các trung tâm du lịch của cả nước và khu vực trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và lịch sử văn hóa. Ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, bền vững theo hướng "Tăng trưởng xanh". Chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa và truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của tỉnh, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, chất lượng cao mang thương hiệu du lịch Ninh Bình. Đồng thời phát triển cả du lịch nội địa và quốc tế, trong đó có chú trọng đến khách du lịch có nhu cầu sử dụng dịch vụ cao cấp.
Trong những năm tới, ngành Du lịch Ninh Bình chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực về tài nguyên thiên nhiên, về lịch sử văn hóa, về con người để phát triển du lịch trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của doanh nghiệp, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội và đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương tại các khu du lịch, chủ động, linh hoạt trong ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Xây dựng các chương trình, quy chế bảo vệ, bảo tồn, phát huy giá trị các điểm du lịch, trong đó có các quy định cụ thể về trách nhiệm bảo vệ, bảo tồn, giữ gìn các công trình kiến trúc, cảnh quan sinh thái liên quan. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức xã hội, cộng đồng, tăng cường bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, các di tích lịch sử văn hóa để góp phần phát triển du lịch bền vững.
Nguồn: baoninhbinh.org.vn