Sáng 10/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Ninh Bình, thành phố Hà Nội phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch.

">

Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng giữa Ninh Bình, Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên

Thứ Sáu, 10/11/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Sáng 10/11, tại thành phố Pleiku, tỉnh Ninh Bình, thành phố Hà Nội phối hợp với tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị xúc tiến, quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch.

Dự hội nghị có các đồng chí: Trương Hải Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai; Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Hiệp hội Du lịch các tỉnh; hơn 120 doanh nghiệp du lịch của các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Gia Lai, Kon Tum, Đắk lắk, Bình Định, Phú Yên.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Song Tùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã khái quát về tiềm năng, thế mạnh, định hướng phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình. Trong đó nhấn mạnh, Ninh Bình là vùng đất địa linh, nhân kiệt, có vị trí chiến lược quan trọng cả về chính trị, kinh tế và an ninh. Nơi đây từng là kinh đô của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền đầu tiên của Việt Nam, gắn liền với 3 triều đại: Nhà Đinh, nhà Tiền Lê và Nhà Lý.

Ninh Bình hiện còn lưu giữ gần 2.000 di sản văn hóa vật thể và gần 500 di sản văn hóa phi vật thể; có Quần thể Danh thắng Tràng An - Di sản hỗn hợp Văn hóa và Thiên nhiên thế giới duy nhất của khu vực Đông Nam Á, được UNESCO đánh giá là mô hình mẫu mực, điển hình trên thế giới về phát huy các giá trị toàn cầu của Di sản thế giới. Những giá trị về địa chất, địa mạo và giá trị văn hóa, lịch sử đó đã được tỉnh Ninh Bình xác định là nền tảng, nguồn lực và động lực cho sự phát triển bền vững. Với định hướng phát triển dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Ninh Bình có nhiều nghị quyết và chính sách để du lịch phát triển, phấn đấu đến năm 2030 trở thành đô thị di sản đầu tiên của cả nước.

Đến nay, Ninh Bình đã trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, nằm trong nhóm 10 tỉnh có lượng khách đến cao nhất cả nước; 3 năm liền (2018-2020) được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế bình chọn trong nhóm điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và khu vực. Năm 2023, tại giải thưởng thường niên do Booking.com tổ chức, Ninh Bình là đại diện duy nhất của Việt Nam nằm trong top 10 điểm đến thân thiện nhất thế giới; chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel (Canada) đánh giá Ninh Bình là một trong 10 điểm đến nghỉ dưỡng dành cho gia đình tốt nhất thế giới. Tạp chí hàng đầu của Hoa Kỳ Forbes vinh danh Ninh Bình là một trong 23 điểm du lịch tuyệt vời nhất thế giới năm 2023. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Ninh Bình đã đón 5,9 triệu lượt khách, gấp 1,9 lần so với cùng kỳ năm trước, doanh thu đạt hơn 5.500 tỷ đồng.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình nhấn mạnh, trong những năm qua, tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội đã chủ động triển khai nhiều hoạt động phát triển du lịch với những con số ấn tượng; phối hợp tốt trong công tác quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, các sản phẩm du lịch mới thông qua các hoạt động: hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch, hội nghị liên kết hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch với sự hưởng ứng, tham gia chủ động, tích cực của các doanh nghiệp.

Sau thời gian dài chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh và khó khăn từ suy thoái kinh tế thế giới, việc liên kết, hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch để thu hút khách du lịch từ các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đến thành phố Hà Nội, tới tỉnh Ninh Bình và ngược lại có ý nghĩa rất quan trọng. Trong quá trình hợp tác phát triển, điều cần thiết là làm sao có thể khai thác hiệu quả bản sắc của mỗi địa phương nhưng vẫn tạo ra được những tour tuyến, gắn kết các thế mạnh hay các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng của các địa phương.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình mong muốn, thông qua hội nghị này, tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội được dịp trao đổi kinh nghiệm quản lý, công tác xúc tiến quảng bá du lịch, bảo tồn và phát huy di sản với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên; đồng thời giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm du lịch độc đáo của tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội, đặc biệt là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, Vườn Quốc gia Cúc Phương; Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng thành Thăng Long, hồ Hoàn Kiếm… tới đông đảo du khách, doanh nghiệp du lịch các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.

Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong chuỗi giá trị ngành du lịch của các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và tỉnh Ninh Bình, thành phố Hà Nội giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các khó khăn, vướng mắc, chính sách thu hút, phát triển du lịch, thiết lập quan hệ hợp tác, đề xuất giải pháp đẩy mạnh kết nối, xúc tiến phát triển du lịch. Các ý kiến phát biểu, thảo luận, chia sẻ từ các đại biểu, doanh nghiệp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên sẽ là những ý kiến quý báu đối với tỉnh Ninh Bình, thành phố Hà Nội để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách, sản phẩm dịch vụ du lịch, thu hút đông đảo khách du lịch đến với tỉnh Ninh Bình cũng như thành phố Hà Nội.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng kỳ vọng từ thành công của hội nghị này, trong thời gian tới, tỉnh Ninh Bình, thành phố Hà Nội và tỉnh Gia Lai sẽ giữ vai trò nòng cốt duy trì, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, phát triển du lịch của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng với các tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Ngọc Nhung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai bày tỏ niềm vui mừng, chào đón và cảm ơn các đại biểu đã đến với vùng đất Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng. Đồng thời khẳng định, trong giai đoạn hiện nay, du lịch ở mỗi địa phương muốn phát triển cần phải tiếp thu và chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường quan hệ hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, du lịch rất cần liên kết để phát triển. Từ hội nghị này, mối quan hệ giữa Hà Nội, Ninh Bình, Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lắc, Bình Định, Phú Yên sẽ ngày càng thân thiết hơn, những chương trình, dự án hợp tác kinh doanh, đầu tư du lịch sẽ ngày càng phát triển cả về chất lượng và số lượng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe giới thiệu về tài nguyên, thế mạnh du lịch, những sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương và các sự kiện chính sẽ diễn ra trong năm 2024; đồng thời thảo luận, đề xuất, giải đáp những ý kiến, mong muốn, kiến nghị của đại diện doanh nghiệp, các cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở đó tạo tiền đề để trao đổi, kết nối, xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, vì mục tiêu phát triển xanh và bền vững.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã cùng tham quan, tìm hiểu các sản phẩm OCOP, đặc sản địa phương, là những sản phẩm lưu niệm, quà tặng độc đáo, phục vụ du khách trong nước và quốc tế.

Hội nghị xúc tiến điểm đến du lịch liên vùng giữa tỉnh Ninh Bình, thành phố Hà Nội và các tỉnh Tây Nguyên là sự kiện quan trọng nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh Ninh Bình với thành phố Hà Nội và một số địa phương thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn