Giải pháp phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045

Chủ Nhật, 03/09/2023
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Giải pháp phát triển thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình

giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2045

 

 

1. TS Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình

 

2. Thạc sỹ Phạm Thị Hồng Quyên - Phó TP Quản lý Du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình

 

Ninh Bình là một vùng đất cổ, nơi có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến lâu đời, vùng đất có vị thế địa chính trị, địa kinh tế quan trọng, nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình. để xây dựng và phát triển trở thành điểm đến du lịch an toàn, thân thiện, hấp dẫn được nhiều chuyên trang du lịch có uy tín trong nước và quốc tế (Tripadvisor, Telegraph, Business insider...) đánh giá và bình chọn Ninh Bình đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng.

Một là, ngay sau khi tái lập tỉnh đã xây dựng và kiên trì, kiên định với định hướng, sứ mệnh, tầm nhìn phát triển du lịch và xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch: Các nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh luôn xác định mục tiêu phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Ninh Bình trở thành một trong những trung tâm du lịch của cả nước và khu vực, đồng thời đã ban hành 04 Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045, trong đó xác định rõ sứ mệnh, tầm nhìn và bước chuyển chiến lược phát triển từ “chiều rộng” sang “chiều sâu”, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm thu hút thị trường khách có khả năng chi trả cao, từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.

Hai là, tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với thương hiệu du lịch: Đến nay, nhiều sản phẩm du lịch đặc thù đã được khẳng định trên thị trường trong nước và quốc tế, trở thành những sản phẩm đặc trưng, trụ cột của tỉnh, góp phần tạo dựng thương hiệu du lịch Ninh Bình. Theo kết quả khảo sát do Sở Du lịch Ninh Bình thực hiện: cả hai nhóm khách du lịch nội địa (với 90% tổng số khách được hỏi) và khách du lịch quốc tế (88% tổng số khách được hỏi) đều có cùng quan điểm, lựa chọn khu du lịch sinh thái Tràng An gắn với thương hiệu du lịch của Ninh Bình, sau đó lần lượt là các khu, điểm du lịch: Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Cúc Phương... Hình ảnh, thương hiệu của các sản phẩm này gắn liền với hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình.

Ba là về xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn (bên trong điểm đến) Xác định môi trường du lịch là yếu tố quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của điểm đến, bởi chính sự ứng xử thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương, sự chuyên nghiệp của người lao động sẽ tạo nên những ấn tượng tốt đẹp, yêu mến và sự tin cậy của khách du lịch. Tỉnh đã chỉ đạo tổ chức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao kỹ năng giao, tiếp ứng xử văn hóa văn minh với khách du lịch, hoạt động du lịch có trách nhiệm, bảo vệ di sản cho người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch; người lao động, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch…, đồng thời xây dựng ban hành và triển khai thực hiện đề án đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động du lịch và Bộ Quy tắc ứng xử trong hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Ninh Bình luôn nằm trong nhóm các tỉnh là điểm sáng về an ninh, an toàn, bảo đảm tốt vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch. 

Bốn là, luôn quan tâm đến công tác xây dựng, truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu điểm đến gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng

- Về xây dựng và phát triển bộ nhận diện hình ảnh, thương hiệu: Từ năm 2006, Ninh Bình đã tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng du lịch Ninh Bình, đã chọn được biểu tượng (logo) hình núi Non Nước, được cách điệu hóa từ hai chữ Ninh Bình và tiêu đề (slogan) “Ninh Bình Non nước hữu tình”. Cùng với đó, tỉnh đã lựa chọn hình ảnh một số danh thắng nổi tiếng, sau này trở thành các sản phẩm du lịch chủ lực, đặc thù của tỉnh như Cố đô Hoa Lư, khu du lịch sinh thái Tràng An, khu du lịch Tam Cốc, chùa Bái Đính, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, vườn quốc gia Cúc Phương,… Từ năm 2018 đến nay, du lịch Ninh Bình chuyển sang sử dụng biểu trưng của tỉnh được cách điệu hóa từ hình ảnh long sàng và cột đồng trụ đền vua Đinh Tiên Hoàng, bên cạnh đó việc sử dụng các tiêu đề (slogan) thì không nhất quán, lúc thì dùng Ấn tượng Ninh Bình, lúc thì Ninh Bình điểm đến của di sản thế giới, điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng và hấp dẫn, do vậy thông điệp truyền thông về hình ảnh và thương hiệu điểm đến chưa tập trung, thống nhất, dẫn đến hiệu quả thấp.

- Về truyền thông, quảng bá hình ảnh, thương hiệu: Công tác truyền thông quảng bá hình ảnh, thương hiệu luôn được Ninh Bình quan tâm, chú trọng thực hiện thông qua nhiều cách thức, phương tiện, kết hợp cả truyền thống và hiện đại, từ việc quảng cáo trên báo chí, các kênh truyền hình, bộ phim, các nền tảng số, mạng xã hội, trang tin điện tử, tham gia hội chợ, triển lãm, tổ chức các chương trình xúc tiến, famtrip, presstrip đến tổ chức các sự kiện.

Một số tồn tại, hạn chế và vấn đề đặt ra đối với việc xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Ninh Bình

- Về nhận diện hình ảnh, thương hiệu: Chưa có bộ nhận diện hình ảnh thương hiệu du lịch mới một cách chuyên nghiệp, hiện đang sử dụng biểu trưng (logo) của tỉnh; tiêu đề (slogan) chưa có sự nhất quán, hiện đang dùng tiêu đề chung chung, giống nhiều tỉnh, chưa có sự khác biệt, mà chỉ là câu khẩu hiệu “Ninh Bình điểm đến an toàn thân thiện, chất lượng, hấp dẫn”. Theo kết quả điều tra: Có 71,8% đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh được phỏng vấn trả lời: Hệ thống nhận diện thương hiệu điểm đến du lịch tỉnh Ninh Bình chưa nổi bật, chưa thể hiện tính riêng có; 77% chưa biết đến biểu trưng logo du lịch của tỉnh. Việc không có bộ nhận diện hình ảnh thương hiệu chuyên nghiệp, nhất quán đã làm giảm sự nhận biết của thương hiệu du lịch Ninh Bình trong môi trường cạnh tranh điểm đến trong nước và khu vực.

- Về các sản phẩm du lịch đặc thù: thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch, sản phẩm văn hóa có chất lượng, mang chiều sâu văn hóa, các dịch vụ còn thiếu tính chuyên nghiệp, quy mô nhỏ, nên hình ảnh thương hiệu mới gắn với thị trường khách phổ thông, bình dân.

Do vậy vấn đề đặt ra cần phải xem xét một cách tổng thể, thấu đáo về xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch gắn với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, từ việc xác định giá trị cốt lõi, giá trị thương hiệu du lịch Ninh Bình trên thị trường du lịch trong nước và quốc tế cần lựa chọn, tập trung vào những sản phẩm du lịch nào có lợi thế, mang đặc trưng riêng có của tỉnh (văn hóa, lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng…) để xây dựng và phát triển thành các thương hiệu du lịch mạnh từ đó thúc đẩy tạo nên thương hiệu điểm đến du lịch của tỉnh; cần có những giải pháp tổng thể, đồng bộ như thế nào nhằm xây dựng và phát triển thương hiệu điểm đến du lịch Ninh Bình có sức cạnh tranh trong và ngoài nước, trở thành trung tâm du lịch của vùng và cả nước.

Giải pháp phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình

Một là, đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống nhận diện hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình, trong đó cần lựa chọn một số sản phẩm du lịch đặc thù, tiêu biểu như khu du lịch sinh thái Tràng An, Cố đô Hoa Lư, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động… để tạo nên bộ nhận diện thương hiệu chung cho cả điểm đến, làm sao khi nhắc đến một trong số hình ảnh, thương hiệu sản phẩm du lịch đặc thù này là du khách nhớ đến hình ảnh du lịch Ninh Bình và ngược lại. Thương hiệu điểm đến du lịch không chỉ gồm biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan), hình ảnh đặc trưng, mà gồm các yếu tố truyền thông, quảng bá thương hiệu, hình ảnh, quan hệ công chúng, marketing... cần đầu tư hơn về tài chính, có cơ chế chính sách phù hợp, bảo đảm thuận lợi trong việc phát triển, xây dựng thương hiệu. Đồng thời, cũng nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân và đơn vị kinh doanh du lịch về vai trò ý nghĩa của thương hiệu du lịch Ninh Bình. Do đó, biểu trưng (logo), thông điệp (slogan) và hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch Ninh Bình cần thể hiện được 4 tiêu chí sau: Một là, về sản phẩm du lịch đặc trưng (du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh; du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí; và du lịch cộng đồng. Hai là, truyền tải được thông điệp (slogan) về giá trị của vùng đất, giá trị mang đến cho du khách, giá trị mang đến cho người dân. Ba là, thể hiện được tầm nhìn, sứ mệnh phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trung tâm du lịch của cả nước. Bốn là phải phù hợp với xu hướng thiết kế sáng tạo mới, dựa trên hai yếu tố “Nhìn thấy & Cảm nhận” (Nhìn thấy sự hấp dẫn của cảnh qua, sản phẩm đa dạng, độc đáo; Cảm nhận tự hào về lịch sử dân tộc, năng lượng tích cực, sự thân thiện, hiếu khách của người dân Ninh Bình).

Hai là, Ninh Bình được định vị, đánh giá là một vùng đất của những kỳ quan, vùng đất diệu kỳ (Wonderful Land), là điểm đến thân thiện hàng đầu thế giới. Do đó, cần tập trung các nguồn lực để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch đặc thù, có thương hiệu mạnh của tỉnh. Trước hết là khai thác các giá trị di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư và di sản văn hóa văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An làm nền tảng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng và mang chiều sâu văn hóa, đi đôi với việc này là xây dựng hình ảnh văn hoá con người Ninh Bình thân thiện, hiếu khách, khoan dung và văn minh trên nền tảng có lịch sử văn hoá lâu đời, nơi phồn hoa đô thị, nơi đã từng là kinh đô của cả nước, hướng tới văn minh, hội nhập quốc tế… Bên cạnh đó, cũng cần khai thác thế mạnh ẩm thực đa dạng, làng nghề thủ công truyền thống, các loại hình kiến trúc nghệ thuật, điêu khắc, di sản tư liệu (văn bia núi Non Nước), các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp phong phú của tỉnh để hình thành sản phẩm du lịch độc đáo. 

Ba là, cần tiếp tục có chính sách để thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư, nâng cấp hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Trước hết, cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng mới, cao cấp từ 5 sao trở lên, đô thị dịch vụ…. Tiếp đến là quan tâm phát triển hệ thống lưu trú sinh thái, homestay; ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình vui chơi giải trí, thể thao tổng hợp; các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe hiện đại, chất lượng cao… để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là thị trường khách du lịch có có khả năng chi trả cao.

Bốn là, cần xây dựng và triển khai một chiến lược hoặc kế hoạch truyền thông xây dựng và quảng bá thương hiệu một cách chuyên nghiệp, dài hạn, bài bản và nhất quán, từ việc nghiên cứu thị trường, tổ chức các hoạt động truyền thông nội bộ, xây dựng hình ảnh, thương hiệu ngay bên trong điểm đến (nâng cao tính chuyên nghiệp, tạo môi trường du lịch an toàn, sự thân thiện và hiếu khách của người dân địa phương…) đến việc truyền thông quảng bá hình ảnh thương hiệu du lịch Ninh Bình tới các thị trường khách du lịch mục tiêu và tiềm năng (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trang tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng du lịch thông minh, hội chợ triển lãm du lịch, sự kiện lễ hội, tuần du lịch, chương trình roadshow, famtrip, presstrip, liên kết hợp tác phát triển du lịch…

Việc xây dựng và phát triển thương hiệu là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự bền bỉ, nỗ lực và trách nhiệm của tất cả các bên liên quan từ chính quyền, người dân và doanh nghiệp, có thể ví như “quá trình đàn kiến xây tổ”; mỗi tổ chức, cá nhân trong điểm đến đều phải có trách nhiệm, đóng góp vào xây dựng và giữ gìn hình ảnh thương hiệu sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp, từ đó góp phần tạo nên thương hiệu du lịch chung của tỉnh. Do vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh, của cộng đồng địa phương và doanh nghiệp để triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả các giải pháp từng bước xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến du lịch “An toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.