Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến 2025, định hướng 2030

Thứ Sáu, 01/10/2021
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 10 điểm ( 2 đánh giá )

MỞ ĐẦU

 

1. Sự cần thiết xây dựng quy hoạch

 

Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được xây dựng. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch ở địa phương.

Trong ba thập kỷ vừa qua, nhờ chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là chính sách đổi mới về đối ngoại và kinh tế đối ngoại cùng với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng nhanh ở hầu hết các quốc gia trên thế giới…, ngành Du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và ngày càng có tác động tích cực hơn đến nhiều lĩnh vực trong đời sống kinh tế - xã hội của Đất nước. Nghị quyết 08 - NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định vị trí của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của cả nước. Nhiều địa phương cũng đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và đã có định hướng chiến lược phát triển trong xu thế hội nhập toàn diện với trào lưu phát triển du lịch của cả nước, khu vực và thế giới. Trong thời gian qua, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng gia tăng cả về số lượng và chất lượng, các sản phẩm và dịch vụ du lịch ngày càng được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Trong bối cảnh chung đó, phát triển du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là phù hợp với xu thế của thời đại, phù hợp với chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam, đặc biệt là chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đất nước trong thời kỳ mới.

          Ninh Bình là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, có tọa độ địa lý từ 19O50’ đến 20O27’ vĩ độ Bắc và từ 105O32’ đến 106O27’ kinh độ đông. Về phía Bắc, Ninh Bình giáp tỉnh Hà Nam với một phần ranh giới tự nhiên là sông Đáy; phía Nam giáp tỉnh Thanh Hóa với ranh giới tự nhiên là dãy Tam Điệp chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam; phía Tây giáp tỉnh Hòa Bình; và phía Đông Nam giáp biển Đông. Về mặt hành chính, tỉnh Ninh Bình có 8 huyện, thành phố là thành phố Ninh Bình; thành phố Tam Điệp; và các huyện Yên Khánh, Yên Mô, Kim Sơn, Hoa Lư, Gia Viễn và Nho Quan), với diện tích tự nhiên là 1.386,79 km2, trong đó đất đồi núi và nửa đồi núi chiếm trên 70% (trên 1.100 km2), dân số (năm 2016) trên 952,5 ngàn người.

          Trong tổng thể hệ thống lãnh thổ du lịch Việt Nam, Ninh Bình được xác định nằm ở Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, có các tuyến du lịch quốc gia chạy qua (tuyến đường bộ theo quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 10… và tuyến đường sắt Bắc - Nam). Thành phố Ninh Bình còn được xác định là trung tâm của tiểu vùng du lịch Nam đồng bằng sông Hồng.

          Ninh Bình, với Sông Vân – Núi Thúy đã đi vào thơ ca và lắng sâu vào tâm trí mỗi người Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, có nguồn tiềm năng du lịch phong phú, đa dạng, bao gồm cả rừng, núi; sông, hồ, biển; các hệ sinh thái đa dạng (rừng nguyên sinh, đất ngập nước…); hệ thống các di tích văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh nổi tiếng…, trong đó nổi bật là Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới (di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam); khu tâm linh Chùa Bái Đính - ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á; Cố đô Hoa Lư; vườn quốc gia Cúc phương; khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Nhà thờ đá Phát Diệm... Đây là những lợi thế lớn của Ninh Bình trong phát triển du lịch, có thể tạo nên sự khác biệt, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, có khả năng cạnh tranh và tạo nên thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình.

          Với vị trí địa lý và tiềm năng tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng; với những chính sách phù hợp của Đảng và Nhà nước, thời gian qua trên cơ sở “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình thời kỳ 1995 - 2010”, cũng như “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn đến năm 2010, định hướng đến năm 2015” du lịch Ninh Bình đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sự phát triển du lịch của cả nước. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, nhiều tiềm năng du lịch chưa được khai thác có hiệu quả, nhiều yếu tố mới nảy sinh có tác động lớn đến sự phát triển của du lịch Ninh Bình. Hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh mặc dù đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, đặc biệt là các cơ sở vui chơi giải trí, các dịch vụ bổ sung khác... Các tài nguyên du lịch chưa được tổ chức quản lý và khai thác đem lại hiệu quả tương xứng, các sản phẩm và dịch vụ du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao, chưa hấp dẫn khách du lịch ở lại dài ngày; đầu tư cho du lịch trên địa bàn còn dàn trải, chưa tập trung để có thể thay đổi hình ảnh của du lịch Ninh Bình, tạo nên một thương hiệu mới trong mối quan hệ phát triển với Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc và du lịch cả nước. Ngoài ra, “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn đến năm 2010, định hướng đến năm 2015” đã hết hiệu lực, trong khi đó nhu cầu đầu tư để phát triển du lịch Ninh Bình vẫn đang diễn ra và còn nhiều tiềm năng, nhiều nhà đầu tư cần có quy hoạch du lịch mới làm cơ sở pháp lý. Chính vì vậy cần phải nghiên cứu xây dựng quy hoạch du lịch mới, một mặt để phù hợp với bối cảnh của Ninh Bình, bối cảnh trong nước và quốc tế; mặt khác làm cơ sở pháp lý và định hướng chiến lược để phát triển du lịch trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, khi Luật Quy hoạch mới có hiệu lực, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia được xây dựng mới, thì quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình cần phải được điều chỉnh cho phù hợp.

 

Trước thực tế nêu trên, việc xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” để phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế trong xu thế hội nhập toàn cầu… là rất quan trọng và cần thiết nhằm quản lý và khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên phục vụ phát triển du lịch Ninh Bình bền vững và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh; xứng đáng với vị trí và vai trò của du lịch Ninh Bình trong tổng thể du lịch cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc.

 

2. Các căn cứ lập quy hoạch

- Luật Du lịch số 09/2017/QH14 ngày 19/6/2017;

- Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 ngày 24/11/2017;

- Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 29/11/2005;

- Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/06/2014;

- Luật Đa dạng sinh học số 20/2008/QH12 ngày 13/11/2008;

- Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/06/2014;

- Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 ngày 26/11/2014;

- Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013;

- Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12  ngày 17/6/2009;

- Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 ngày 06/4/2016

- Nghị quyết 08 - NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

- Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

- Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về việc Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường;

- Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam;

- Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 2163/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

- Quyết định số 1272/QĐ-TTg ngày 12/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt;

- Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình;

- Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 28/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

- Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới;

- Nghị quyết số 17/2001/QH13 ngày 22/11/2011 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011 - 2015) cấp quốc gia;

- Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch;

- Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

- Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15/12/2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch.

- Công văn số 4507/BVHTTDL-TCDL ngày 30/10/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý và điều chỉnh các quy hoạch phát triển du lịch;

- Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Nghị quyết số 12-NQ/BCĐ ngày 15/02/2017 của Ban Cán sự đảng UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về du lịch và quy hoạch, khai thác có hiệu quả để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 12/8/2011 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc thông qua quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2020;

- Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020;

- Quyết định 223/QĐ-UBND ngày 19/01/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Chương trình công tác năm 2017;

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch của các ngành, các lĩnh vực, các địa bàn trong tỉnh Ninh Bình đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt có thời hạn đến năm 2020, 2030.

3. Phạm vi và thời gian nghiên cứu

 

3.1. Phạm vi nghiên cứu

  - Về không gian lãnh thổ: Toàn bộ lãnh thổ tỉnh Ninh Bình

- Về nội dung: Các vấn đề có liên quan đến phát triển du lịch Ninh Bình.

3.2. Thời gian nghiên cứu

  Nghiên cứu hiện trạng phát triển du lịch và các ngành khác có liên quan trong giai đoạn 2010 - 2017; định hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

 

4. Quan điểm và mục tiêu của quy hoạch

4.1. Quan điểm

- Đảm bảo các nguyên tắc về xây dựng các quy hoạch phát triển du lịch được quy định trong Luật Du lịch.

- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2020; phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Phát huy lợi thế về vị trí, tài nguyên và các điều kiện khác của địa phương trong phát triển du lịch; quản lý và khai thác hợp lý, hiệu quả tài nguyên; đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch...

 

4.2. Mục tiêu

Mục tiêu chủ yếu của quy hoạch là cụ thể hóa các nội dung cơ bản trong Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, của Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; và Quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình, nhằm:

- Thực hiện công tác quản lý phát triển du lịch có hiệu quả và thống nhất trong mối liên hệ trong toàn tỉnh và với các tỉnh khác trong vùng và cả nước.

- Tạo cơ sở pháp lý để quản lý các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh; lập quy hoạch chi tiết các khu du lịch trọng điểm; xây dựng các dự án trọng điểm đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, góp phần quản lý và khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch.

 

5. Phương pháp thực hiện quy hoạch

5.1. Phương pháp thu thập tài liệu

Được sử dụng để lựa chọn những tài liệu, số liệu, những thông tin có liên quan đến nội dung và đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch. Phương pháp này rất quan trọng, là tiền đề giúp cho việc phân tích, đánh giá tổng hợp các nội dung và đối tượng nghiên cứu một cách khách quan và chính xác.

5.2. Phương pháp phân tích tổng hợp

Được sử dụng trong suốt quá trình phân tích, đánh giá toàn diện các nội dung, các đối tượng nghiên cứu trong quy hoạch như: thực trạng tiềm năng tài nguyên du lịch; thực trạng công tác tổ chức quản lý và khai thác tài nguyên du lịch; thực trạng phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; thực trạng biến động của môi trường du lịch; thực trạng phát triển của các chỉ tiêu kinh tế du lịch...

5.3. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa

Được thực hiện nhằm điều tra bổ sung hoặc kiểm tra lại những thông tin quan trọng cần thiết cho quá trình phân tích, đánh giá và xử lý các tài liệu và số liệu. Thông qua phương pháp này cho phép xác định cụ thể hơn về vị trí, ranh giới, quy mô cũng như tầm quan trọng của các đối tượng nghiên cứu; đồng thời còn cho phép xác định khả năng tiếp cận đối tượng (xác định được khả năng tiếp cận bằng các loại phương tiện gì từ thị trường khách du lịch đến các điểm tài nguyên). Mặt khác, trong thực tế công tác thống kê các số liệu của các ngành nói chung và của ngành Du lịch nói riêng còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, còn nhiều bất cập và chưa thống nhất, do vậy phương pháp nghiên cứu và khảo sát thực địa tại chỗ là không thể thiếu trong quá trình lập quy hoạch.

5.4. Phương pháp dự báo, chuyên gia

Áp dụng phương pháp dự báo, chuyên gia để nghiên cứu một cách toàn diện các yếu tố khách quan và chủ quan; các yếu tố trong nước và quốc tế; các yếu tố trong và ngoài ngành du lịch; những thuận lợi và khó khăn thách thức... có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển du lịch Việt Nam nói chung và của tỉnh Ninh Bình nói riêng. Trên cơ sở đó dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch một cách bền vững; nghiên cứu tổ chức không gian lãnh thổ du lịch; trong việc đề xuất các trọng điểm, các dự án, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư; cũng như trong việc xác định các sản phẩm du lịch đặc thù.

5.5. Phương pháp bản đồ

Được sử dụng trên cơ sở kết quả các nội dung phân tích, đánh giá, tổng hợp của quy hoạch. Với các kết quả đã được nghiên cứu, thông qua phương pháp bản đồ sẽ thể hiện một cách trực quan các nội dung nghiên cứu, các số liệu cụ thể trên biểu đồ; cũng như xác định đặc điểm và sự phân bố theo lãnh thổ của các đối tượng được nghiên cứu trên bản đồ (sự phân bố nguồn tài nguyên và mức độ hấp dẫn của chúng, sự phân bố của hệ thống kết cấu hạ tầng, các tuyến điểm du lịch, các hạt nhân du lịch, các dự án ưu tiên đầu tư phát triển...).

6. Nội dung chủ yếu của quy hoạch

- Xác định vị trí, vai trò và lợi thế của ngành du lịch Ninh Bình trong tổng thể phát triển du lịch của vùng và cả nước cũng như trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Phân tích, đánh giá tiềm năng các nguồn lực và hiện trạng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình.

- Xác định quan điểm, mục tiêu, tính chất quy mô phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, dự báo các chỉ tiêu và luận chứng các phương án phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Xây dựng định hướng không gian du lịch; định hướng phát triển thị trường và sản phẩm du lịch; định hướng về đầu tư, về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, nguồn nhân lực du lịch...

- Xác định danh mục các khu vực, các dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch; nhu cầu sử dụng đất, nhu cầu vốn đầu tư phát triển du lịch...

- Đề xuất các giải pháp phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình theo các định hướng phát triển.

- Xây dựng các bản đồ quy hoạch du lịch, tỷ lệ 1/100.000 (bản đồ về hiện trạng tài nguyên, cơ sở hạ tầng; bản đồ định hướng tổ chức không gian, khu, tuyến, điểm du lịch).

 

NỘI DUNG

PHẦN THỨ NHẤT

ĐÁNH GIÁ CÁC YẾU TỐ NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH NINH BÌNH

 

I. ĐÁNH GIÁ TÀI NGUYÊN PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên du lịch tự nhiên

1.1. Các đặc điểm tự nhiên

1.1.1. Vị trí địa lý

          Tỉnh Ninh Bình nằm ở phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng, có vị trí địa lý ở vào khoảng từ 19O50’ - 20O26’ vĩ độ Bắc và từ 105O32’ - 106O20’ kinh độ Đông. Phía Bắc tỉnh Ninh Bình giáp Hà Nam; phía Đông giáp Nam Định; phía Đông Nam giáp biển Đông; phía Tây và Tây Nam giáp Thanh Hóa; phía Tây giáp Hòa Bình.

          Cách thủ đô Hà Nội khoảng 90 km, nằm trên các tuyến giao thông quan trọng của nước ta theo cả đường bộ (quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 10…) và đường sắt Bắc - Nam,  Ninh Bình trở thành một cầu nối quan trọng trong giao lưu kinh tế - thương mại - du lịch và văn hóa giữa hai miền Nam Bắc. Ngoài ra, Ninh Bình còn có hệ thống sông ngòi (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vân, sông Vạc, sông Lạng…) với hệ thống cảng thủy nội địa tương đối phát triển, thông ra với biển Đông… Đây cũng là điều kiện thuận lợi về vận tải, thông thương với các tỉnh trong cả nước và quốc tế, tạo lợi thế độc đáo để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp, du lịch, dịch vụ, lưu thông hàng hóa, giao lưu văn hóa...

1.1.2. Địa hình

          Ninh Bình nằm trong vùng tiếp giáp giữa vùng đồng bằng Sông Hồng và dải đá trầm tích ở phía Tây; đồng thời lại nằm trong vùng trũng của đồng bằng sông Hồng, tiếp giáp với biển Đông, nên có kiểu địa hình đa dạng: vừa có đồng bằng, đồi núi, có vùng nửa đồi núi vừa có vùng trũng, vùng ven biển. Ngay trong một khu vực cũng có địa hình cao, thấp chênh lệch. Về địa hình, Ninh Bình được chia thành ba vùng:

          - Vùng đồi núi, nửa đồi núi với các dãy núi đá vôi, núi thạch sét, sa thạch, đồi đất đan xen các thung lũng lòng chảo hẹp, đầm lầy, ruộng trũng ven núi. Với kiểu địa hình này có nhiều tài nguyên khoáng sản, đặc biệt là đá vôi, có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng (xi măng, đá ốp lát…), có tiềm năng lớn cho phát triển du lịch (cảnh quan, hang động, thảm thực vật…), cây công nghiệp, cây ăn quả.

          - Vùng đồng bằng là vùng đất đai màu mỡ, bãi bồi ven sông, có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, đáp ứng nhu cầu tại chỗ, và nông sản hàng hóa xuất khẩu.

          - Vùng ven biển và biển có điều kiện phát triển các cây trồng, vật nuôi, khai thác các nguồn lợi ven biển và ngoài khơi (nuôi trồng, đánh bắt hải sản; du lịch…).

          Địa hình vùng đồi núi chiếm quá nửa diện tích tự nhiên của tỉnh; các vùng nửa đồi núi tuy không lớn, nhưng được phân bố rải rác theo các vùng đồng bằng xen kẽ chạy dài từ điểm cực tây huyện Gia Viễn theo hướng Đông Nam qua huyện Hoa Lư, thành phố Tam Điệp, Yên Mô xuống Kim Sơn và ra tới biển Đông. Điểm cao nhất so với mực nước biển là đỉnh Mây Bạc thuộc vườn Quốc gia Cúc Phương cao 648,2m; điểm thấp nhất so với mực nước biển thuộc xã Gia Trung huyện Gia Viễn là - 0,4m. Huyện Gia Viễn, Yên Mô và một phần huyện Hoa Lư là vùng trũng, hay bị úng lụt. Toàn tỉnh có 18km bờ biển thuộc huyện Kim Sơn, có cửa sông Đáy và sông Càn đổ ra biển tạo ra vùng bãi bồi, hàng năm tiến thêm ra biển khoảng 80 - 100m và quỹ đất tăng thêm hàng năm khoảng 140 - 168ha.

1.1.3. Khí hậu

          Ninh Bình thuộc vùng tiểu khí hậu của vùng đồng bằng Sông Hồng, ngoài ảnh hưởng sâu sắc của gió mùa Đông Bắc, Đông Nam, Ninh Bình còn chịu ảnh hưởng của khí hậu ven biển, khí hậu rừng núi và nửa rừng núi. Thời tiết trong năm chia làm hai mùa khá rõ rệt: mùa khô từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10.

          Nhiệt độ trung bình năm là 24,4OC (năm 2016) và có sự chênh lệch không nhiều giữa các vùng (hơn kém nhau từ 0,3 - 0,4OC); tháng 6 có nhiệt độ trung bình cao nhất là 30,2OC; tháng 2 có nhiệt độ trung bình thấp nhất là 16,1OC. Số giờ nắng trung bình năm là 117,2 giờ; tháng 6 cao nhất là 228,0 giờ; tháng 3 thấp nhất là 24,6 giờ. Tổng số giờ nắng trung bình năm trên 1.400 giờ. Tổng nhiệt độ năm đạt tới trị số trên 8.500OC, có tới 8 - 9 tháng trong năm có nhiệt độ trung bình trên 20OC.

          Độ ẩm trung bình hàng năm là 83% và có sự chênh lệch không nhiều giữa các tháng trong năm: tháng 4 cao nhất là 90%; tháng 2 thấp nhất là 74%; giữa các vùng chênh lệch nhau trên dưới 1%.

          Chế độ mưa có hai mùa rõ rệt, mùa khô tương ứng với mùa Thu - Đông (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau); mùa mưa tương ứng với mùa Xuân - Hạ (từ tháng 5 đến tháng 10). Tổng lượng mưa trên diện tích toàn tỉnh trung bình đạt từ 1.860 - 1.950mm, phân bố tương đối đồng đều trên toàn bộ lãnh thổ của tỉnh. Trung bình một năm có 125 - 127 ngày mưa. Lượng mưa trung bình mỗi tháng là 238,8mm; tháng 8 cao nhất là 497,4mm; tháng 2 thấp nhất là 6,3mm. Lượng mưa phân bổ không đều trong năm, thường tập trung vào các tháng 5 đến tháng 10 và chiếm từ 86 - 91% lượng mưa trong năm (Niên giám Thống kê Ninh Bình – 2016).

          Do điều kiện thủy văn không thuận lợi (một phần do nước thượng nguồn từ Hòa Bình dồn về, một phần do nước mưa từ các triền núi từ Thanh Hóa đổ xuống…), hàng năm vào những đợt mưa to, dài ngày các huyện như Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Hoa Lư thường gặp thiên tai, lũ lụt trên diện rộng.

1.1.4. Thủy văn

          Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều sông ngòi và một số hồ, đầm. Đây là nguồn nước mặt cung cấp nước cho công nghiệp, nông lâm nghiệp, nước sinh hoạt và bồi đắp phù sa cho đồng ruộng. Hàng năm, hệ thống sông ngòi ở Ninh Bình được nuôi dưỡng bằng nguồn nước mưa dồi dào, tạo nên lượng dòng chảy tương đối phong phú (khoảng 30 lít/s/km2). Mật độ mạng lưới sông ngòi khoảng 0,6 - 0,9 km/km2. Các sông lớn thường chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam rồi đổ ra biển Đông; tiêu biểu là sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vân, sông Vạc, sông Lạng… Ngoài ra, Ninh Bình còn có các hồ, đầm tương đối phong phú; tiêu biểu là hồ Đồng Chương, hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái, đầm Cút...

          Với hệ thống sông, hồ tương đối phong phú, đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển nhiều loại cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc tự nhiên từ nhiều miền địa lý khác nhau: nhiệt đới, á nhiệt đới, ôn đới…, trên cơ sở đó có thể phát triển nền nông nghiệp đa dạng. Mùa đông với khí hậu khô và lạnh, vụ đông có thể trở thành vụ chính, trồng được nhiều loại cây ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời, điều kiện khí hậu thủy văn của Ninh Bình cũng là điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp, du lịch và các hoạt động phát triển kinh tế khác.

          Một điểm hạn chế về điều kiện thủy văn của Ninh Bình là vào mùa khô thường thiếu nước, mùa mưa bão thường gây úng ngập, ngoài ra còn chịu nhiều ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết bất lợi như: dông, bão, mưa phùn, gió bắc... Những hạn chế trên cần có giải pháp hữu hiệu trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp; chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng dịch vụ, công nghiệp để sử dụng hợp lý quỹ đất, tránh những hạn chế bất lợi về chế độ thủy văn.

1.1.5. Sinh vật

  Ninh Bình có thảm thực vật rừng phong phú, tập trung chủ yếu ở vườn quốc gia Cúc Phương. Rừng Cúc Phương thuộc loại rừng mưa nhiệt đới điển hình với cấu trúc thảm thực vật nhiều tầng (tới 5 tầng, tầng vượt tán có những cây cao 40 -50m), phong phú về thành phần loài. Đây còn là nơi gặp gỡ của các loài thực vật dễ di thực từ vùng nhiệt đới khô như Ấn Độ, Myanma tới. Một số loài thực vật điển hình là chò xanh (Terminalia Mgriocarpa), cây lê (brassaiopsis cucphalobgensis thuộc họ Araliacsae), cây chân chim (Schefflera globulihera thuộc họ Araliacsae). Động vật ở Cúc Phương cũng rất phong phú, đa dạng, chỉ tính riêng các loài động vật có xương sống Cúc Phương có tới 659 loài bao gồm: 66 loài cá, 122 loài bò sát, 46 loài ếch nhái, 336 loài chim và 135 loài thú. Động vật không có xương sống là 1.899 loài trong đó có 81 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ IUCN.

1.1.6. Đất đai

          Ninh Bình có tổng diện tích tự nhiên là 138.679 ha, trong đó đất cho sản xuất nông nghiệp là 61.310 ha (chiếm 44,2% diện tích tự nhiên); đất lâm nghiệp 28.352 ha (chiếm 20,4% diện tích tự nhiên); đất chuyên dùng 20.376 ha (chiếm 14,7% diện tích tự nhiên); đất khu dân cư 6.727 ha (chiếm 4,9% diện tích tự nhiên); và đất chưa sử dụng 6.324 ha (chiếm 4,5% diện tích tự nhiên)... (Niên giám Thống kê Ninh Bình – 2016).

          Nhìn chung, tài nguyên đất ở Ninh Bình có độ phì nhiêu trung bình với ba loại địa hình ven biển, đồng bằng và bán sơn địa nên có thể bố trí được nhiều loại cây trồng thuộc nhóm cây lương thực, cây thực phẩm, cây công nghiệp, cây ăn quả; nuôi trồng thủy sản; đồng cỏ chăn nuôi, cây rừng đa tác dụng với các hệ thống canh tác có tưới hoặc không tưới. Vùng gò đồi còn nhiều tiềm năng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phát triển công nghiệp. Đây là một lợi thế của Ninh Bình so với một số tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng.

1.1.7. Tài nguyên khoáng sản

          - Đá vôi: đây là nguồn tài nguyên khoáng sản lớn nhất của Ninh Bình, với những dãy núi đá vôi khá lớn, chạy dài từ Hòa Bình qua các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Hoa Lư, Tam Điệp, Yên Mô ra tới Biển Đông dài hơn 40 km; diện tích trên 1,2 vạn ha, với trữ lượng hàng chục tỷ m3 đá vôi, chất lượng tốt làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng như xi măng, đá ốp lát; sản xuất đồ đá mỹ nghệ.

          - Đất sét: Phân bố rải rác ở các vùng đồi núi thấp thuộc xã Yên Sơn, Yên Bình (Yên Mô); thành phố Tam Điệp; huyện Gia Viễn, dùng để sản xuất gạch ngói, làm đồ gốm và làm nguyên liệu cho ngành đúc, đảm bảo cho xây dựng các nhà máy sản xuất gạch công suất 20 - 50 triệu viên/năm.

          - Tài nguyên nước khoáng: Nước suối Kênh Gà (Gia Viễn) có vị mặn, trữ lượng lớn, thường xuyên có nhiệt độ tới 53 - 54OC, có thể khai thác đưa vào tắm, ngâm chữa bệnh kết hợp với du lịch. Nguồn nước khoáng Cúc Phương dùng để sản xuất giải khát và tắm ngâm chữa bệnh, có thành phần magiêbicarbonat cao.

          - Tài nguyên than bùn: có trữ lượng nhỏ (khoảng 2 triệu tấn), phân bố ở Gia Sơn (Gia Viễn), Sơn Hà (Nho Quan), Quang Sơn (thành phố Tam Điệp) dùng để sản xuất phân vi sinh phục vụ phát triển nền nông nghiệp sinh thái.

1.2. Tài nguyên du lịch tự nhiên

Với diện tích tự nhiên 1.386,79 km2, tuy là một tỉnh không lớn nhưng Ninh Bình có địa hình rất đa dạng: có đồi núi, sông hồ, đồng bằng, vùng biển, mang đầy đủ sắc thái địa hình Việt Nam thu nhỏ… đã tạo cho Ninh Bình có tiềm năng du lịch tự nhiên phong phú, hấp dẫn làm cơ sở cho việc phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch vui chơi giải trí, du lịch chữa bệnh, du lịch mạo hiểm, du lịch tham quan…

1.2.1. Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới

Quần thể danh thắng Tràng An được xác định là một khu du lịch quốc gia có quy mô lớn (Khu Di sản khoảng 6.226ha và vùng đệm bao quanh khoảng 6.026ha), nằm trên địa bàn của nhiều đơn vị hành chính (Khu Di sản gồm 12 xã; và vùng đệm gồm 20 xã, phường của 5 huyện và thành phố là TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp, các huyện: Gia Viễn, Hoa Lư và Nho Quan).

Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Danh thắng này là nơi bảo tồn và chứa đựng nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi, các di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử văn hóa. Hệ thống núi đá, sông suối, rừng và hang động ở Tràng An rất hiểm trở nên được Vua Đinh Tiên Hoàng chọn làm thành Nam bảo vệ kinh đô Hoa Lư ở thế kỷ X và sau đó nhà Trần sử dụng làm hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Hiện nay nơi đây còn nhiều di tích lịch sử thời Đinh và thời Trần. Với những giá trị về thẩm mỹ; địa chất, địa mạo; hệ sinh thái; văn hóa lịch sử… Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới (di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam); riêng trong phạm vi di sản đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư, và danh thắng Tràng An - Tam Cốc, Bích Động.

Tràng An là một vùng non nước hùng vĩ, hữu tình; mặt nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm, suối được nối thông với nhau bởi 67 hang động, trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây... Mỗi hang có một vẻ đẹp đặc trưng riêng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh. Các hang động ở Tràng An có những nét đặc trưng nổi bật, với bốn loại hang động chính gồm: Hang ngầm cổ, hang nền karst cổ, hang mái đá và hang hàm ếch; trong đó có nhiều hang động được công nhận là di tích khảo cổ học:

- Di tích hang Trống là hang động có nhiều di vật, dấu tích của người tiền sử từ 3.000 - 30.000 năm trước, xuất lộ dấu tích nền văn hóa Tràng An.

- Di tích hang Bói có dấu ấn của cư dân cổ sống cách đây từ 5.000 - 30.000 năm, xuất lộ dấu tích nền văn hóa Tràng An.

- Di tích Mái đá Thung Bình xuất lộ dấu tích cư dân văn hóa Hòa Bình.

- Cụm di tích hang Mo, hang Cò, hang Trâu, hang Hũ Ngoài, hang Hũ Trong, mái đá Thung Bình có dấu ấn văn hóa Hòa Bình và văn hóa Đa Bút.

- Di tích mái đá Hang Chợ có tầng văn hóa Hòa Bình cách đây trên 10.000 năm.

Quần thể danh thắng Tràng An có 2 dạng hệ sinh thái chính, đó là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái thủy vực. Hệ sinh thái trên núi đá vôi với hơn 600 loài thực vật, 200 loài động vật, trong đó có nhiều loài nằm trong sách đỏ Việt Nam. Hệ sinh thái thủy vực bao gồm khoảng 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc biệt là Rùa cổ sọc cần được bảo vệ. Tràng An có chừng hơn 310 loại thực vật bậc cao quý hiếm như tuế đá vôi, sưa, lát, nghiến, phong lan, hoài sơn, kim ngân, bách bộ, rau sắng... Tràng An có nhiều loài chim, thú quý hiếm như sơn dương, báo gấm, chim phượng hoàng. Sự đa dạng sinh vật của các quần xã là một yếu tố chủ yếu cấu thành nên 2 hệ sinh thái này. Môi trường thiên nhiên đa dạng và hài hòa giữa sinh vật, núi rừng, hang động, thủy vực… đã toát lên cảnh sắc non xanh nước biếc, hòa quyện với nhau thành một vùng kỳ vĩ.

Với cảnh quan kỳ vĩ, với giá trị thẩm mỹ đặc sắc…, Tràng An đã được lựa chọn làm phim trường cho bộ phim “Kong: Skull Island”. Hiện nay, tại đây đã phục dựng lại bối cảnh phim trường làng thổ dân và trở thành điểm tham quan, trải nghiệm hấp dẫn cho khách du lịch khi đến Tràng An. Phim trường làng thổ dân được phục dựng với diện tích khoảng 10ha, gồm 36 túp lều chóp nhọn cùng sự tham gia của hơn 50 người đóng vai thổ dân (đều là người dân địa phương).

Khu Tam Cốc - Bích Động

Khu Tam Cốc - Bích Động nằm trong ranh giới của Quần thể danh thắng Tràng An, có diện tích tự nhiên khoảng 350,3ha. Tam Cốc - Bích Động còn được biết đến với những cái tên nổi tiếng như "Vịnh Hạ Long cạn" hay "Nam thiên đệ nhị động", là một khu du lịch trọng điểm quốc gia... Toàn khu vực bao gồm hệ thống các hang động núi đá vôi và các di tích lịch sử liên quan đến triều đại nhà Trần nằm chủ yếu ở xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư).

Tam Cốc nghĩa là ba hang: hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Hang Cả dài 127m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20m; trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng. Hang Hai, cách hang Cả gần 1km, dài 60m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ. Hang Ba, gần hang Hai, dài 50m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hang Cả và hang Hai.

Bích Động nằm trong dãy núi Ngũ Nhạc Sơn thuộc địa phận thôn Đam Khê, xã Ninh Hải. Cảnh đẹp của Bích Động được mệnh danh là “Nam Thiên đệ nhị động” (động đẹp thứ nhì ở trời Nam). Năm 1773, cụ Nguyễn Nghiễm (thân sinh của đại thi hào Nguyễn Du) đã đến thăm động. Nhìn toàn cảnh núi, động, sông nước, đồng ruộng, bầu trời ở đây đều phủ một màu xanh ngợp mắt nên cụ đã đặt cho động một cái tên rất đẹp và mộng mơ “Bích Động” (có nghĩa là Động Xanh).

Các trung tâm đón khách chính: Tam Cốc, chùa Bích Động, thung Nham…

Các điểm tham quan chính: Núi và chùa Bích Động; động Tiên; hang Múa; Chùa Hang - Hang Bụt, đền Thái Vy - động Thiên Hương, thung Nắng, thung Nham...

Các tuyến tham quan chính:  Tuyến Đình Các - Tam Cốc; Tuyến Bích Động - Động Tiên - Xuyên Thủy động; Tuyến Thạch Bích - thung Nắng; Tuyến thung Nham - vườn chim, Tuyến Chùa Hang - hang Bụt - động Thiên Hà...

1.2.2. Vườn quốc gia Cúc Phương

          Cúc Phương là vườn quốc gia đầu tiên của Việt Nam, được thành lập tháng 7 năm 1962. Vườn quốc gia Cúc Phương có quần thể hệ động thực vật vô cùng phong phú, đa dạng và độc đáo. Vườn có diện tích 22.408ha, trong đó 3/4 là núi đá vôi cao từ 300 đến 600m so với mực nước biển. Tại đây có đỉnh Mây Bạc cao nhất, với độ cao 648,2m so với mực nước biển.

          Khí hậu ở Cúc Phương thuộc loại khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình năm khoảng 24,7OC. Địa hình phức tạp, rừng nguyên sinh chứa nhiều bí ẩn, và cảnh quan độc đáo. Tại đây có nhiều hang động với cảnh quan kỳ thú và ẩn chứa những chứng tích văn hóa lịch sử lâu đời như động Trăng Khuyết, động Chúa, động Thủy Tiên, động Người Xưa...

Hệ động thực vật ở Cúc Phương rất đa dạng và phong phú, theo số liệu điều tra gần đây cho thấy Cúc Phương có 2.234 loài thực vật bậc cao, trong đó có 433 loài cây làm thuốc, 229 loài cây ăn được, nhiều loài cây được ghi trong sách đỏ Việt Nam, ngành quyết thực vật có 31 họ… Với diện tích chỉ bằng 1/700 diện tích miền Bắc và gần 1/1500 diện tích của cả nước nhưng hệ thực vật Vườn quốc gia Cúc Phương chiếm tỷ lệ 76% số họ, 48,6% số chi và 30% số loài của miền Bắc và chiếm 68,9% số họ, 43,6% số chi và 24,6% số loài hiện có ở Việt Nam. Thảm thực vật Cúc Phương với ưu thế là rừng trên núi đá vôi. Rừng có đến 5 tầng tán rõ rệt, trong đó tầng vượt tán đạt đến độ cao trên 40m. Do địa hình dốc, tầng tán thường không liên tục và đôi khi sự phân tầng không rõ ràng, nhiều cây rất phát triển hệ rễ bạnh vè để đáp ứng với tầng đất mặt thường mỏng. Vườn quốc gia là nơi có nhiều loài cây gỗ lớn như Chò xanh, Chò chỉ, hiện đang được bảo vệ để thu hút du khách tham quan. Đây cũng là nơi phong phú về các cây gỗ và cây thuốc.

Hệ động thực vật ở Cúc Phương rất đa dạng và phong phú. Cúc Phương có 122 loài bò sát, 2.000 loài côn trùng, 135 loài thú, 46 loài lưỡng cư, trong đó có nhiều loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Cúc Phương là nơi sinh sống của một số quần thể thú quan trọng về mặt bảo tồn, trong đó có loài linh trưởng đang bị đe dọa tuyệt chủng trên toàn cầu ở mức đe dọa cực kỳ nguy cấp là voọc quần đùi trắng và loài sẽ bị nguy cấp trên toàn cầu là Cày vằn, loài Báo hoa mai là loài bị đe dọa ở mức quốc gia. Cúc Phương cũng có hơn 40 loài dơi đã được ghi nhận tại đây. Nhiều nhóm sinh vật khác cũng đã được điều tra, nghiên cứu ở Cúc Phương trong đó có ốc. Khoảng 111 loài ốc đã được ghi nhận ở Cúc Phương, trong đó có 27 loài đặc hữu. Khu hệ cá trong các hang động ngầm cũng đã được nghiên cứu, ít nhất đã có một loài cá được ghi nhận tại đây là loài đặc hữu đối với vùng núi đá vôi, đó là cá niết hang Cúc Phương. Cúc Phương đã xác định được 280 loài bướm, 7 loài trong số đó lần đầu tiên được ghi nhận ở Việt Nam.

          Vườn quốc gia Cúc Phương còn là một địa điểm khảo cổ. Các di vật của người tiền sử có niên đại khoảng 12.000 năm đã được phát hiện như mồ mả, rìu đá, mũi tên đá, dao bằng vỏ sò, dụng cụ xay nghiền... trong một số hang động ở đây chứng tỏ con người đã từng sinh sống tại khu vực này từ 7.000 - 12.000 năm trước.

Hiện nay, vườn quốc gia Cúc Phương đã trở thành một trung tâm cung cấp các loài thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao phục vụ cho các chương trình trồng rừng trong khu vực và trên cả nước. Đồng thời Cúc Phương còn là trung tâm bảo tồn các loài động, thực vật quý hiếm, có nguy có tuyệt chủng cao và là nơi tham quan của khách du lịch; giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên; nghiên cứu của các nhà khoa học.

- Vườn thực vật Cúc Phương: là khu vực được xây dựng nhằm sưu tập gây trồng các loài cây quý hiếm của Cúc Phương, của Việt Nam và Thế giới. Đây là một trong ba vườn thực vật tầm cỡ của thế giới.

- Trung tâm du khách Cúc Phương: đây là Trung tâm giáo dục du khách đầu tiên được thành lập ở Đông Dương. Đây là điểm tham quan và cũng là nơi làm thủ tục cần thiết trước khi vào thăm vườn quốc gia.

- Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật: Đây là nơi cứu hộ, bảo tồn và phát triển các loài động, thực vật hoang dã quý hiếm đang bị đe dọa nguy cấp ở Việt Nam; nghiên cứu tập tính, sinh lý, sinh sản trong môi trường nuôi nhốt các loài động vật hoang dã quý hiếm phục vụ công tác bảo tồn và phát triển; sưu tập, gây trồng bảo tồn nguồn gen và tạo giống các loài thực vật quý hiếm của Việt Nam.

- Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương: có nhiệm vụ cứu hộ từng cá thể các loài thú linh trưởng quý hiếm (Voọc mông trắng, Voọc Hà Tĩnh, Voọc đen tuyền, Voọc Lào, Voọc Cát Bà, Voọc Chà vá chân xám…), sau đó thả về với tự nhiên; nghiên cứu về thú linh trưởng như việc tìm kiếm thức ăn, tập tính sinh hoạt, môi trường, không gian sống…

- Bảo tàng Cúc Phương: Bảo tàng Cúc Phương có vị trí trong khuôn viên của Vườn quốc gia Cúc Phương, là địa điểm tham quan, nghiên cứu các mẫu vật cho học sinh, sinh viên, các chuyên gia về bảo tồn động, thực vật. Bảo tàng được xây dựng phục vụ công tác lưu trữ và bảo quản mẫu như: bướm, xén tóc, chuồn chuồn, ve sầu, bọ que, chim, các loài thú khác như gấu, báo, khỉ, voọc... Hiện nay, Bảo tàng Cúc Phương đang lưu giữ hơn 50 mẫu khảo cổ học trong đó có mẫu dương bản Bò sát răng phiến có niên đại 230 - 250 triệu năm trước; 122 mẫu ngâm; 82 mẫu động vật; 2.900 mẫu côn trùng các loại; hơn 12.000 mẫu tiêu bản thực vật.

1.2.3. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long

Vân Long nằm ở phía đông bắc huyện Gia Viễn, là khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước lớn nhất vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Vân Long được đưa vào khai thác phục vụ du lịch từ năm 1998 và hiện nay là một trong những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của cả nước. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long đang sở hữu 2 kỷ lục của Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam năm 2010 đó là: "Nơi có số lượng cá thể voọc mông trắng nhiều nhất" và "Nơi có bức tranh tự nhiên lớn nhất". Năm 1999, Vân Long trở thành khu bảo tồn thiên nhiên, được ghi trong danh sách các khu bảo vệ đất ngập nước và danh mục hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long là khu vực có đa dạng sinh học cao, có hệ sinh thái đá vôi là nơi sinh sống của quần thể voọc quần đùi lớn nhất ở Việt Nam với khoảng trên 150 cá thể. Vùng đất ngập nước Vân Long là một khu vực đa dạng về hệ sinh thái. Ngoài hai hệ sinh thái chủ yếu là đất ngập nước và rừng trên núi đá vôi còn có cả hệ sinh thái đồng ruộng, bãi cỏ, nương rẫy và hệ sinh thái làng bản. Hệ động thực vật của Vân Long rất đặc trưng cho hệ sinh thái núi đá vôi và đất ngập nước của châu thổ sông Hồng. Đặc biệt đây là hiện trường nghiên cứu đa dạng sinh học rất quý của hai hệ sinh thái này và là hiện trường nghiên cứu loài voọc quần đùi lớn nhất của Việt Nam vì có số lượng cá thể lớn, dễ quan sát nhất so với các sinh cảnh của voọc quần đùi ở địa phương khác.

Hệ sinh thái động vật ở Vân Long rất phong phú, với 39 loài, 19 họ, 8 bộ thú, trong đó 12 loài động vật quý hiếm như voọc quần đùi, gấu ngựa, sơn dương, khỉ mặt đỏ, báo hoa mai, báo gấm. Ếch nhái bò sát có 38 loài thuộc 16 họ, 3 bộ, 2 lớp, trong đó có 9 loài bò sát được ghi trong sách đỏ Việt Nam như rắn hổ chúa, kỳ đà hoa, trăn đất, rắn ráo trâu, rắn sọc đầu đỏ… Về chim có 100 loài, 39 họ, 13 bộ và hiện nay có hàng vạn con cò bợ, cò ruồi, cò trắng thường xuyên kiếm ăn ở bãi sình lầy và ruộng lúa. Vân Long là nơi quan trọng đối với các loài chim nước di cư như sâm cầm… Đặc biệt, tại Vân Long còn có một loài côn trùng bị coi là gần tuyệt chủng, đó là loài cà cuống thuộc họ chân bơi. Nơi mà loài cà cuống này sống được phải có môi trường nước thật sự trong lành. Ngoài giá trị dược lý gắn liền với văn hóa ẩm thực, cà cuống sinh sống được là biểu hiện sự trong sạch của môi trường nước.

Hệ sinh thái thực vật ở Vân Long có 722 loài, trong đó 687 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 451 chi, 144 họ; và 35 loài thực vật thủy sinh. Đặc biệt, có 8 loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam (1996) là kiêng, lát hoa, tuế lá rộng, cốt toái bổ, sắng bách bộ, mã tiền, hoa tán, sưa Bắc Bộ.

Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước có giá trị đa dạng sinh học cao, Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn. Vân Long được mệnh danh là "vịnh không sóng" vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thủy mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Tuy nhiên, mặt nước ở đây không có màu xanh của biển, mà trong vắt hiện rõ nét những lớp rong rêu dưới đáy.

Ở Vân Long còn có nhiều hang động có giá trị phát triển du lịch như Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Hang Cá là hang xuyên thủy dài 250m, cao 8m, rộng 10m là một động rất đẹp. Đây là nơi quần tụ, sinh sản của loài cá trê, cá rô, cá chuối. Hang Bóng là một hang động đẹp dài hơn 100m… 

1.2.4. Nước khoáng nóng Kênh Gà

Suối nước khoáng nóng Kênh Gà thuộc thôn Kênh Gà – xã Gia Thịnh – huyện Gia Viễn. Suối chảy ra từ lòng một quả núi nằm trên làng nổi Kênh Gà và đổ vào nhánh sông Hoàng Long. Đây là suối nước khoáng nóng nổi tiếng, đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam đưa vào Top 5 suối nước khoáng nóng thu hút khách ở Việt Nam. 

Nước khoáng Kênh Gà có hàm lượng cao các muối natriclorua, kaliclorua, canxiclorua, magieclorua và muối bicacbonat. Nước suối không màu, không mùi, vị hơi chát, có thể uống được ngay. Nước có nhiệt độ ổn định là 53°C.

Đến với Suối nước khoáng nóng Kênh Gà, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp non nước hữu tình, mà trong tương lai, khi các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được đầu tư xây dựng, du khách sẽ được thả mình để tắm khoáng nóng, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thư giãn quên đi những tất bật, bộn bề của cuộc sống hiện đại. Nước khoáng Kênh Gà hiện nay được xử lý, đóng chai để cung cấp thêm nguồn nước khoáng quý từ thiên nhiên cho du khách.

1.2.5. Biển Kim Sơn - Cồn Nổi

Vùng ven biển Kim Sơn là những dải cát mịn ven biển và những cánh rừng ngập mặn trải dài ngút ngàn, những đầm lầy mặn, bãi bồi, cửa sông… dài khoảng 18km, với diện tích trên 105.000 ha, phần lớn còn giữ được trạng thái hoang sơ. Đây là nơi hội tụ của hơn 500 loài động, thực vật thủy sinh, hơn 50 loài cây ngập mặn trên các bãi bồi cửa sông, 200 loài chim, trong đó có nhiều loài quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới như Cò mỏ thìa, Rẽ mỏ thìa... Với hệ sinh thái, đa dạng sinh học đã đưa vùng ven biển Kim Sơn trở thành bộ phận quan trọng, là vùng đệm và vùng chuyển tiếp của khu dự trữ sinh quyển thế giới đất ngập nước ven biển liên tỉnh vùng  châu thổ sông Hồng. Kim Sơn còn được công nhận là nơi thuận lợi và phù hợp cho loại hình du lịch nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng… Khác với tất cả các vùng biển khác, nước biển ở Kim Sơn không xanh trong mà đỏ ngầu phù sa và khoáng chất, với độ mặn nhỏ hơn và những chuyển động thủy triều diễn ra nhanh hơn. Ven biển Kim Sơn có nhiều khu rừng ngập mặn. Ở đây, người dân phát triển nghề nuôi trồng thủy sản (ngao, cua…) và nuôi ong lấy mật. 

Tài nguyên du lịch biển có giá trị nhất phải kể đến Bãi Ngang - Cồn Nổi. Đến với Bãi Ngang - Cồn nổi, du khách được chiêm ngưỡng sự mênh mông của biển; của trời; của một vùng đất phù sa mầu mỡ có khu rừng ngập nước quanh năm, dưới tán rừng có nhiều loài loài chim, thú, thủy sản sinh sống… đã tạo cho Bãi Ngang - Cồn Nổi một cảnh quan đặc sắc mang nét riêng của vùng đất hoang sơ, mới lạ. Kể từ khi Bãi Ngang - Cồn Nổi được công nhận nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới Châu thổ Sông Hồng, du lịch Kim Sơn mới thực sự nổi bật và hấp dẫn khách du lịch với giá trị du lịch sinh thái, du lịch biển.

1.2.6. Hệ thống hồ

1.2.6.1. Hồ Đồng Chương 

Hồ Đồng Chương là một hồ nước ngọt tự nhiên nằm giáp ranh giữa hai xã Phú Lộc và Phú Long huyện Nho Quan. Hồ có diện tích mặt nước khoảng 45 ha, nằm uốn lượn quanh các vạt đồi thông và có chu vi gần 6 km. Hồ Đồng Chương nằm trong khu vực vùng đệm của vườn quốc gia Cúc Phương, nên khung cảnh hồ khá hoang sơ và tĩnh lặng. Xung quanh hồ là những đồi thông soi bóng tạo nên một không gian trong mát và thơ mộng giữa núi rừng đại ngàn.

Gần hồ Đồng Chương có thác Ba Tua, dòng Chín Suối và ao Trời, một ao ở trên đồi cao có nước trong xanh, nhưng không bao giờ cạn.

Năm 2008, tại khu vực hồ Đồng Chương đã được đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương với nhiều công trình như khu du thuyền, khu vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng nhà sàn, khu thể thao, cắm trại dã ngoại, và đặc biệt là sân golf Tràng An 36 hố (giai đoạn 1 đã đưa vào sử dụng 18 hố).

1.2.6.2. Hồ Yên Thắng

Hồ Yên Thắng là một hồ nước ngọt nằm trên địa bàn huyện Yên Mô và thành phố Tam Điệp; tiếp giáp với các xã Yên Bình, Yên Thắng, Yên Thành (Yên Mô) và phường Trung Sơn (Tam Điệp). Hồ Yên Thắng dài khoảng 6 km, chu vi khoảng 15 km, diện tích mặt nước khoảng 180 ha với trữ lượng nước 6,4 triệu m3 và 240 ha đồi cây xung quanh, tạo nên một cảnh quan thiên nhiên hài hòa, môi trường sinh thái trong lành. Chính vì thế, ở đây đã có các dự án đầu tư về du lịch như dự án sân golf Hoàng Gia, khu du lịch Đồi Dù....

Dự án sân golf Hoàng Gia với 54 hố đã được đầu tư xây dựng tại khu du lịch hồ Yên Thắng. Với địa thế thuận lợi, môi trường trong lành, cảnh quan đẹp, dự án sân golf Hoàng Gia đi vào hoạt động đã đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương, giải quyết việc làm, chuyển cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang du lịch dịch vụ. Đây cũng là địa điểm du lịch và giải trí chất lượng cao.

Khu du lịch hồ Yên Thắng trở thành một điểm du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, chơi golf, vui chơi giải trí cuối tuần, câu cá hấp dẫn của Ninh Bình nói riêng và khu vực phía Bắc nói chung.

1.2.6.3. Hồ Đồng Thái (gắn với hệ thống hang động)

Hồ Đồng Thái là một hồ nước ngọt nằm bên dãy núi Tam Điệp hùng vĩ thuộc địa bàn xã Yên Đồng và Yên Thái, huyện Yên Mô. Diện tích hồ ở điều kiện mực nước bình thường khoảng 380 ha. Hồ Đồng Thái cùng với vùng núi xung quanh là nơi hoang sơ, có nhiều loài động thực vật quý hiếm.

Hồ Đồng Thái với một bên là tuyến đê dài và một bên là ven núi nên có hình dạng bị cắt xẻ nhiều. Bờ hồ nằm uốn lượn tạo ra nhiều "bán đảo" với nhiều thung lũng đẹp, diện tích từ 2 - 10 ha, Các thung lũng là khu rừng nguyên sơ với nhiều loại động, thực vật hoang dã. Phần lớn thung lũng có bề mặt bằng phẳng, rất thuận lợi xây dựng các khu vui chơi, giải trí hòa quyện với thiên nhiên.

Đi thuyền qua hồ Đồng Thái vào chân núi, sẽ đến động Mã Tiên. Men theo gần 100 bậc đá, bên sườn núi để đến cửa động. Cửa động cao đến 15 m, rộng 10 m, trông giống miệng của con cá khổng lồ. Nền động trũng xuống, không phẳng với nhiều khối đá lớn nhỏ, đặc biệt có những tảng đá lớn nhấp nhô như một đàn voi đang nô đùa. Từ nền hang đi qua một cửa hang hẹp sẽ bước lên tầng 2 của động với 5 buồng hang. Mỗi buồng hang là một cảnh sắc khác nhau, đầy mới lạ gắn với những truyền thuyết như: Bàn tay Tiên, Giếng ngọc… Động Mã Tiên cũng có rất nhiều đền, chùa, miếu mạo mang yếu tố tâm linh gắn với những lễ hội dân gian đặc sắc.

Gần với hồ Đồng Thái, nằm trong dãy núi Tam Điệp còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa khác như Cửa Thần Phù, động Thiên Cung, động Suối Lỗ, Phòng Tuyến Tam Điệp…, thuận lợi kết hợp thành những tour du lịch hấp dẫn.

1.2.7. Núi Dục Thúy (núi Non Nước)

Núi Dục Thúy (còn gọi là núi Non Nước) là một ngọn núi nằm ngay trên ngã ba sông Vân với sông Đáy, xen giữa hai cây cầu Non Nước (cầu đường sắt) và cầu Ninh Bình (cầu đường bộ); thế núi nhô ra, soi bóng trên dòng sông Đáy, tạo thành một mái hiên hình vòm cuốn... với huyền diệu, sơn thủy hữu tình ngay tại trung tâm thành phố Ninh Bình. Núi cao khoảng gần 70m, lối lên đỉnh núi Thúy qua 72 bậc đá, chia làm 5 cấp, trên đỉnh núi tương đối bằng phẳng, cây cối xanh mát, rất thuận tiện cho người dân và khách du lịch ngắm cảnh, tham quan. Trên núi Dục Thúy có hàng chục bài thơ của các tao nhân mặc khách được khắc trên các vách đá trong 7 thế kỷ qua như: Trương Hán Siêu, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông, Thiệu Trị, Phạm Sư Mạnh, Tự Đức, Tản Đà…

Nước non Non Nước như thơ

Ai về Dục Thúy chẳng ngơ ngẩn lòng

Trên thì núi, dưới thì sông

Cúc vàng còn đó, hương nồng còn đây

Núi Dục Thúy là một tiền đồn nằm ở cửa ngõ phía đông thành phố Ninh Bình, xưa kia là một vọng gác tiền tiêu bảo vệ thành Hoa Lư. Từ thời Trần, Trương Hán Siêu đã sớm phát hiện và ca ngợi núi Dục Thúy, ông còn cho xây dựng Nghênh Phong các trên đỉnh núi để đón gió, đợi trăng, ngắm cảnh mộng mơ của trời mây non nước và bình thơ. Dưới chân núi Dục Thúy có chùa Non Nước và đền thờ danh sĩ Trương Hán Siêu.

2. Các đặc điểm kinh tế - xã hội và tài nguyên du lịch văn hóa

2.1. Đặc điểm kinh tế - xã hội

2.1.1. Đặc điểm dân cư, dân tộc

  Dân số Ninh Bình tính đến 31/12/2016 là 952.509 người. Trong tổng dân số của tỉnh năm 2016 có 49,9% là nam và 50,1% là nữ; dân số thành thị chiếm 20,5% và dân số nông thôn chiếm 79,5%. Mật độ dân số chung toàn tỉnh là 687 người/km2, cao nhất là thành phố Ninh Bình 2.591 người/km2, tiếp đến là huyện Yên Khánh 991 người/km2…; thấp nhấp là huyện Nho Quan 333 người/km2. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên những năm gần đây có xu hướng gia tăng, nhưng ở mức không cao; năm 2010 là 0,24% và đến năm 2016 tăng lên 0,86%.

Bảng 1: Thực trạng dân số tỉnh Ninh Bình năm 2016

Đơn vị: Người

Số TT

Đơn vị hành chính

Diện tích (km2)

Dân số (người)

Mật độ dân số (người/km2)

1

Thành phố Ninh Bình

46,75

121.137

2.591

2

Thành phố Tam Điệp

104,93

59.414

566

3

Huyện Nho Quan

450,53

149.932

333

4

Huyện Gia Viễn

176,68

121.597

688

5

Huyện Hoa Lư

103,49

69.689

673

6

Huyện Yên Khánh

142,60

141.319

991

7

Huyện Kim Sơn

215,71

173.041

802

8

Huyện Yên Mô

146,10

116.380

797

 

Tổng số

1.386,79

952.509

687

Nguồn: Niên giám thống kê tỉnh Ninh Bình, năm 2016.

Cộng đồng các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn tỉnh gồm có 7 dân tộc: đa số là dân tộc Kinh chiếm trên 98,2%; đứng thứ hai là dân tộc Mường chiếm gần 1,7%; các dân tộc như Tày, Nùng, Thái, Hoa, Dao. Mỗi dân tộc có từ trên một chục đến hơn một trăm người. Trong số các dân tộc ít người sinh sống trên địa bàn tỉnh, dân tộc Mường đã định cư khá lâu đời ở các xã thuộc miền núi cao huyện Nho Quan, thành phố Tam Điệp và là một bộ phận của cư dân người Mường sinh sống dọc theo dải núi đá vôi từ Hòa Bình đi Thanh Hóa; các phong tục tập quán sinh hoạt, truyền thống văn hóa mang nét đặc trưng của cộng đồng dân tộc Mường của Việt Nam. Các dân tộc ít người khác sống phân tán, rải rác ở các địa phương trong tỉnh, không hình thành cộng đồng dân tộc nhất định, đa số đó có quan hệ hôn nhân, gia đình hoặc trong quá trình đi tìm đường sinh cơ lập nghiệp mà đến định cư ở địa phương và chịu ảnh hưởng sâu sắc của phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất, truyền thống văn hóa của người Kinh.

2.1.2. Đặc điểm kinh tế - xã hội

2.1.2.1. Tốc độ tăng trưởng GRDP và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

          Trong những năm qua, nền kinh tế Ninh Bình tương đối phát triển, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tính theo giá trị so sánh 2010, năm 2010 đạt 19.290,413 tỷ đồng, đến năm 2016 tăng lên 28.107,727 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2010 - 2016 đạt xấp xỉ 6,5%/năm; trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản giảm 1,55%/năm; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,9%/năm; dịch vụ tăng xấp xỉ 7,8%/năm.

          GRDP bình quân đầu người năm 2016 đạt 29,5 triệu đồng (theo giá so sánh 2010). Cơ cấu kinh tế đang chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản và tăng dần tỷ trọng Thương mại - Dịch vụ và Công nghiêp - Xây dựng. Năm 2016, cơ cấu kinh tế của Ninh Bình như sau:

          - Tỷ trọng GRDP nông - lâm nghiệp - thủy sản:     13,48%

          - Tỷ trọng GRDP công nghiệp - xây dựng:             39,26%

          - Tỷ trọng GRDP thương mại - dịch vụ:                 40,91%

- Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm:                     6,35%

(Niên giám Thống kê Ninh Bình năm 2016, trang 43)

2.1.2.2. Thu, chi ngân sách Nhà nước

          Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2016 là 16.555,089 tỷ đồng, trong đó các khoản thu trên địa bàn tỉnh là 7.264,0 tỷ đồng; thu trợ cấp từ Trung ương là 7.184,181 tỷ đồng; các khoản thu khác là 2.106,908 tỷ đồng.

          Tổng chi ngân sách địa phương năm 2016 là 13.021,557 tỷ đồng; trong đó chí cho đầu tư phát triển là 3.401,667 tỷ đồng; chi thường xuyên là 4.841,486 tỷ đồng; chi nộp ngân sách Trung ương là 5,904 tỷ đồng; các khoản chi khác là 4.772,500 tỷ đồng.

2.1.2.3. Vốn đầu tư toàn xã hội

          Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2010 đạt 23.843,215  tỷ đồng, trong đó đầu tư cho dịch vụ lưu trú và ăn uống là 402,673 tỷ đồng (chiếm 1,69%); năm 2016 đạt 21.875,374 tỷ đồng, trong đó đầu tư cho dịch vụ lưu trú và ăn uống là 368 tỷ đồng (chiếm 1,68%). Trong tổng số vốn đầu tư năm 2016, nguồn vốn từ Trung ương là 984,496 tỷ đồng, từ địa phương là 20.980,878 tỷ đồng. Tính chung cho toàn giai đoạn 2010 - 2016 đã đạt 106.005,229 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đầu tư cho dịch vụ lưu trú và ăn uống là 1.735,225 tỷ đồng (chiếm 1,64%).

2.1.2.4. Các thành quả phát triển xã hội

          - Lao động và việc làm: Tính đến 31/12/2016 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 605,9 ngàn lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế, trong đó: Làm việc trong khối ngành nông - lâm - thủy sản là 256,9 ngàn người; trong khối ngành công nghiệp - xây dựng là 201,8 ngàn người; trong khối ngành thương mại -  dịch vụ là 147,2 ngàn người (trong đó dịch vụ lưu trú và ăn uống là 11,5 ngàn người).

          - Giáo dục và đào tạo: tỉnh Ninh Bình đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS từ tháng 12/2002; có 7/8 huyện, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trường học cao tầng, kiên cố; 3 trường mầm non, 106 trường tiểu học và 1 trường trung học cơ sở được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tính đến nay (2016), trên địa bàn tỉnh Ninh Bình:

+ Có 151 trường mẫu giáo với 1.387 lớp học, 1.375 phòng học, 2.764 giáo viên, và 48.601 học sinh.

+ Có 319 trường phổ thông (Tiểu học 150, THCS 142 và THPT 27) với 4.575 lớp học (Tiểu học 2.417, THCS 1.495 và THPT 663), 4.567 phòng học (Tiểu học 2.418, THCS 1.459 và THPT 690), 8.460 giáo viên (Tiểu học 3.551, THCS 3.329 và THPT 1.580), và 145.354 học sinh (Tiểu học 71.279, THCS 49.735 và THPT 24.340)

+ Có 3 trường trung cấp, với 134 giáo viên và 2.091 học sinh; 4 trường cao đẳng với 540 giáo viên và 2.512 sinh viên; và 1 trường đại học với 197 giảng viên và 1.565 sinh viên.

          - Dịch vụ y tế - chăm sóc sức khỏe: Tính đến năm 2016, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 14 bệnh viện, 12 phòng khám đa khoa khu vực, và 145 trạm y tế xã phường; tổng số giường bệnh là 3.020 giường; tổng số cán bộ ngành y là 2.717 người (trong đó có 794 bác sỹ đại học và trên đại học, 589 y sỹ, 1.155 y tá và 179 nữ hộ sinh); tổng số cán bộ ngành dược là 298 người (trong đó có 73 dược sỹ cao cấp, 206 dược sỹ trung cấp và 19 dược tá). Về cơ bản đã hình thành hệ thống y tế từ cấp tỉnh đến huyện và xã, bước đầu đáp ứng yêu cầu về dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

2.2. Tài nguyên du lịch văn hóa

          Tài nguyên du lịch văn hóa (bao gồm cả vật thể và phi vật thể) là những giá trị vật chất cũng như tinh thần do bàn tay và khối óc của sự đoàn kết của cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống ở Ninh Bình sáng tạo và gìn giữ trải qua nhiều thế hệ. Các tài nguyên này bao gồm những di tích lịch sử - văn hóa, di tích lịch sử - cách mạng, các làng nghề thủ công truyền thống, những giá trị văn hóa phi vật thể như văn nghệ dân gian, lễ hội... thể hiện bản sắc văn hóa hết sức đa dạng của nhân dân Ninh Bình và là nguồn lực để thu hút khách du lịch.

2.2.1. Các di tích lịch sử - văn hóa

Theo kết quả kiểm kê, đến năm 2016 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 1.499 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 346 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 79 di tích xếp hạng cấp quốc gia (trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt), và 267 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Một số di tích lịch sử văn hóa quan trọng, bao gồm:

2.2.1.1. Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là Quần thể di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đặc biệt, đồng thời là một trong 4 vùng lõi của Quần thể danh thắng Tràng An. Hệ thống di tích ở Hoa Lư liên quan đến sự nghiệp của các nhân vật lịch sử thuộc ba triều đại Nhà Đinh, Nhà Tiền Lê và khởi đầu Nhà Lý, tính từ Đinh Tiên Hoàng đến Lý Thái Tổ trong lịch sử Việt Nam. Hoa Lư là kinh đô đầu tiên của Nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam với các dấu ấn lịch sử: thống nhất giang sơn, kháng Tống - bình Chiêm và phát tích quá trình định đô Hà Nội. Năm 1010 vua Lý Thái Tổ dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long - Hà Nội, Hoa Lư trở thành Cố đô. Các triều vua Lý, Trần, Lê, Nguyễn sau đó dù không còn đóng đô ở Hoa Lư, nhưng vẫn cho tu bổ và xây dựng thêm ở đây nhiều công trình kiến trúc như đền, lăng, đình, chùa, phủ…

Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch khoảng 13,87 km² thuộc xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều triều đại và trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn để người dân và du khách đến chiêm ngưỡng các công trình kiến trúc, những nét đẹp của toàn bộ khu di tích, ghi dấu thời kỳ mở nước huy hoàng, độc lập, tự chủ của đất nước Đại Cồ Việt từ ngàn năm về trước...

2.2.1.2. Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (làng Trường Yên Thượng, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư)

Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng được tọa lạc trên khuôn viên với diện tích khoảng 5ha. Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 17, theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Lớp ngoài là Ngọ môn quan (cổng ngoài) có 3 gian lợp ngói; qua một sân vào đến lớp thứ hai là Nghi môn (cổng trong) với 3 gian dựng bằng gỗ lim kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Bốn góc ngoài của Nghi môn có xây bốn cột trụ cao. Đi hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá xung quanh chạm nổi, dài 1,8m, rộng 1,4m. Hai bên sập rồng có 2 con nghê đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối.

Từ sân rồng bước lên là Bái đường 5 gian, kiến trúc độc đáo. Tiếp đến là Thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Đinh. Đi hết tòa Thiêu hương là vào chính cung 5 gian: Gian giữa thờ tượng vua Đinh được đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối, hai bên bệ đá có hai con rồng chầu bằng đá, tạc theo kiểu yên ngựa; gian bên phải thờ tượng Đinh Hạng Lang (ngoài), Đinh Toàn (trong) đều quay mặt về phía Bắc, là hai con thứ của vua Đinh Tiên Hoàng; gian bên trái thờ tượng Đinh Liễn quay mặt về phía nam là con trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng.

Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng là công trình kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 - 19.

2.2.1.3. Đền thờ Vua Lê Đại Hành (làng Trường Yên Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư)

Đền thờ vua Lê Đại Hành cách đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng chừng 300m. Đền nằm ở làng Trường Yên Hạ nên còn gọi là đền Hạ. Trước mặt đền là núi Đèn, sau lưng là núi Đìa. Đền có quy mô nhỏ hơn đền vua Đinh. Qua Nghi môn ngoại (cửa ngoài) theo đường chính đạo lát gạch, phía bên trái là một hòn non bộ lớn, cao 3m tượng hình chim phượng múa, mỏ quay vào đền, hai cánh như đang bay; phía bên phải là nhà Tiền bái, ở mặt tiền có hòn non bộ “hổ phục” gồm gốc cây duối thân to có 9 núi, tuổi thọ trên 300 năm. Bên trái nhà Tiền bái có hòn non bộ có dáng “voi quỳ” được khắc hai chữ Hán “Bất di”.

Qua Nghi môn nội (cửa trong) cũng 3 gian, theo chính đạo kiến trúc đăng đối là hai vườn hoa, tiếp đó là hai dãy nhà vọng. Ở giữa vườn hoa bên phải có hai non bộ “Phượng ấp”, bên trái là hòn non bộ “Long Mã”. Ở sân rồng gần gian giữa của Bái đường có long sàng bằng đá. Đền có ba tòa: tòa ngoài là Bái đường; tòa giữa là Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng (người có công với vua Lê Đại Hành) và Chính cung nơi đặt tượng vua Lê Đại Hành (gian giữa), tượng thái hậu Dương Vân Nga (bên trái) và tượng Lê Long Đĩnh con thứ 5 của vua Lê (bên phải). Điều đặc biệt ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm khắc gỗ ở thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Đền được xây dựng để tỏ lòng biết ơn của nhân dân đối với ông vua đã có công lớn lao trong việc xây dựng đất nước vào thế kỷ thứ 10.

2.2.1.4. Đền Thái Vy

Đền Thái Vy thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, được xây dựng theo kiểu “nội công, ngoại quốc”, thờ Vua Trần Nhân Tông, hoàng hậu Thuận Thiên và Vua Trần Thánh Tông, những vị vua đã có công với đất Hoa Lư. Ấn tượng đầu tiên khi đến với đền Thái Vy là dãy núi đá Cấm Sơn án ngữ phía sau đền; trước đền là giếng ngọc được xây bằng đá xanh; ở trước cổng là hai con ngựa đá xanh nguyên khối; tiếp đó là tháp chuông làm bằng gỗ lim, bên trong có treo một quả chuông cổ, các mái ngói mũi hài. Đối diện với tháp chuông là tháp bia với ba tấm bia ghi công đức những người có công xây dựng đền.

Sân đền, hay còn gọi sân Rồng rộng chừng 40 m2, được lát bằng đá xanh, hai bên sân Rồng là hai dãy nhà Vọng. Từ sân Rồng bước theo các bậc đá có độ cao 1,2m là đến Ngũ Đại Môn (5 cửa lớn), có 6 cột đá tròn song song đều được chạm khắc nổi chầu và chính điện. Qua Ngũ Đại Môn là đến Bái Đường, với 5 gian uy nghi và cũng có 6 cột đá vuông chạm khắc câu đối ở mặt ngoài, các mặt khác chạm khắc nổi: Long, Ly, Quy, Phượng, Cá Chép hóa Long. Qua Bái Đường vào 5 gian Chính tẩm cũng có 8 cột đá tròn được chạm khắc nổi: Cầm, Kỳ, Thi, Họa. Trong cung khám của Chính Tẩm, giữa là tượng Vua Trần Thánh Tông, bên trái là tượng Vua Trần Thái Tông, bên phải là tượng hoàng hậu Thuận Thiên. Ngoài ra, trong Chính Tẩm còn phối thờ Vua Trần Nhân Tông (bài vị thờ), Vua Trần Anh Tông.

2.2.1.5. Đền Vua Đinh Tiên Hoàng (thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn)

Thôn Văn Bòng là quê hương của Đinh Tiên Hoàng đế, vì vậy người dân nơi đây đã lập đền thờ ông. Đền tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 2.500m2 quay mặt về hướng Tây, xây tường thấp bao quanh với 3 tòa, kiến trúc theo kiểu “tiền nhất, hậu đinh” liền nhau. Tiền đường 5 gian, kiến trúc theo kiểu đình làng, bên trong Hậu cung chỉ đặt tượng vua Đinh Tiên Hoàng bằng gỗ sơn son thếp vàng cao gần 2m. Phía trước có hồ bán nguyệt, giữa sân đền là một sập Long Sàng bằng đá tượng trưng cho vua ngự triều.

          Đền có quy mô nhỏ, nhưng du khách đến thăm nơi đây như được trở về thăm quê hương của người anh hùng thế kỷ thứ X với nhiều huyền thoại về thời thơ ấu của Đinh Bộ Lĩnh cùng với những người bạn đã từng chăn trâu cắt cỏ như Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Trịnh Tú, Lưu Cơ... và nuôi chí lớn dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước.

2.2.1.6. Đền Trương Hán Siêu

Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu nằm trên địa bàn phường Thanh Bình (thành phố Ninh Bình). Đền được xây dựng cạnh chân núi Non Nước, nơi ngã ba sông Đáy và sông Vân. Đền thờ Trương Hán Siêu được xây dựng năm 1998, gồm 3 gian bái đường và 2 gian hậu cung. Trước cửa đền có bức đại tự viết bằng chữ Hán "Trương Thăng Phủ Từ". Ngôi đền là công trình văn hóa thể hiện lòng tôn kính, niềm tự hào của nhân dân Ninh Bình đối với danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu.

          Trương Hán Siêu là người có tài văn, võ. Ông từng là môn khách của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, sau làm quan ở các triều vua từ Trần Anh Tông đến Trần Dụ Tông, được các vua Trần tôn kính gọi bằng "thầy". Trương Hán Siêu cùng với Nguyễn Trung Ngạn đã soạn ra Bộ Luật "Hình thư" và sách "Hoàng triều đại điển", đặt nền tảng cho chế độ phong kiến Việt Nam vận hành theo pháp luật.

Đền thờ danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu là điểm sinh hoạt tâm linh của đông đảo nhân dân địa phương và du khách thập phương. Nhân dịp kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh và 5 năm thành lập thành phố Ninh Bình, nhân dân trong tỉnh, khách thập phương xa, gần và con cháu dòng họ Trương trong cả nước đã đóng góp kinh phí cùng thành phố tu sửa khuôn viên đền và đúc tượng thờ Danh nhân văn hóa Trương Hán Siêu. Bức tượng được đúc bằng đồng với tỷ lệ 1/1, đặt ngồi trên bệ trong trang phục triều Trần, được đưa vào thờ tự tại Đền Trương Thăng Phủ.

2.2.1.7. Chùa Bái Đính

Khu tâm linh núi chùa Bái Đính thuộc Quần thể Danh thắng Tràng An, nằm trên địa bàn xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, cách thành phố Ninh Bình khoảng 15 km, nằm ở phía tây khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư. Bái Đính được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, được biết đến với nhiều kỷ lục Châu Á và Việt Nam như: chùa có tượng Phật dát vàng lớn nhất Châu Á, hành lang La Hán dài nhất Châu Á, tháp xá lợi Phật cao nhất Châu Á và tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á…

Núi Bái Đính có từ lâu đời, nó gắn liền với nhiều giai thoại và huyền thoại về vị Thiền sư danh tiếng của nước Nam - Lý triều quốc sư Nguyễn Minh Không, Ngài chính là người đặt nền móng xây dựng tượng Phật và khai mở miền đất Phật nơi đây. Chùa Bái Đính (chùa cổ) có từ năm 1.136 do thiền sư Nguyễn Minh Không sáng lập, gồm có các điểm như: Giếng Ngọc, Động thờ Tổ sư, Động thờ Phật, Động thờ Mẫu, Ban thờ Thánh Cao Sơn… Chùa đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Từ năm 2003, dựa trên nền tảng của ngôi chùa cổ, Doanh nghiệpXây dựng Xuân Trường đã phát tâm đầu tư trùng tu và mở rộng chùa với tổng diện tích hiện nay là hơn 1.000 ha. Các công trình kiến trúc của chùa mới hiện nay gồm: Cổng Tam Quan, Gác Chuông, Điện Quán Thế Âm, Điện Giáo Chủ, Điện Tam Thế, Bảo Tháp, Hành lang La Hán… Ngoài ra, chùa còn nhiều công trình đang tiếp tục xây dựng như: Công viên Văn hóa Phật giáo, khu hồ Đàm Thị, hồ phóng sinh, công viên cây xanh… Với kiến trúc đồ sộ, nguy nga, lộng lẫy, những pho tượng có nét uy nghi, bao dung, nghệ thuật chạm khắc, đúc đồng tinh tế, tài tình cùng cảnh quan hùng vĩ, núi gối đầu sông, mây vờn đỉnh núi, không gian tâm linh thanh tịnh bao trùm khiến mỗi khi bước chân đến đây, lòng người thư thái, trí sáng, tâm tịnh, hướng đến chân - thiện - mỹ.

Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa dáng vẻ cổ kính, lâu đời và sự hoành tráng, đồ sộ của hai ngôi chùa trong cùng một không gian tâm linh đã đưa Bái Đính trở thành một bức tranh tâm linh tuyệt mỹ, hoàn hảo. Có thể nói Bái Đính là nơi hội tụ của linh khí núi sông, của tâm linh dân tộc và của nhân kiệt xuất chúng. Thiên nhiên tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho những người con Ninh Bình phong cảnh sơn thủy hữu tình, nhưng cũng chính con người cũng góp phần tôn vinh và làm đẹp thêm phong cảnh của tạo hóa. Tất cả những điều đó đã đưa Bái Đính trở thành một viên ngọc sáng lấp lánh, đa sắc màu, ngàn năm tâm linh, ngàn năm huyền thoại.

2.2.1.8. Chùa Bích Động (thôn Đam Khê trong, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư)

Chùa Bích Động là một công trình kiến trúc cổ được xây dựng trên sườn núi Bích Động. Điều độc đáo là chùa được xây dụng ở sườn núi cao, dựa vào thế núi. Núi, động và chùa đan quyện, hài hòa bổ sung cho nhau, ẩn hiện giữa những cây đại thụ hòa nhập với cảnh trí thiên nhiên. Chùa Bích Động bao gồm 3 ngôi chùa: chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng.

Chùa Hạ có 5 gian, được xây dựng trên một nền cao dưới chân núi. Trong chùa thờ Phật, kiến trúc chùa theo kiểu chữ Đinh. Các vì kèo, xà ngang, xà dọc được làm bằng gỗ lim. Mái chùa gồm hai tầng, uốn cong, có 8 mái. Các cột đá ở chùa Hạ đều bằng đá liền một khối, không chắp nối, cao hơn 4m.

Sau khi tham quan chùa Hạ, trở ra sân quay về hướng Bắc, bước khoảng 80 bậc đá men quanh sườn núi, tới lưng chừng núi là đến chùa Trung, với kiến trúc bán mái phía ngoài. Đây là một ngôi chùa rất độc đáo, một nửa gắn vào hang động, một nửa lộ thiên, chùa có 3 gian thờ phật. Lễ Phật xong ở Thượng điện, bước lên 21 bậc đá là đến Động tối. Đây là động chính, thâm nghiêm, tĩnh mịch, thiên nhiên đã miệt mài bao đời chau chuốt tỉ mỉ vô cùng tinh tế sắc sảo đến từng chi tiết nhỏ để tạo nên những ông tiên, cô tiên, tiểu đồng, rồng lượn, rùa bơi, voi chầu, hổ phục...

Từ chùa Trung lên chùa Thượng, du khách phải bước tới gần 40 bậc đá theo sườn núi. Chùa Thượng còn gọi là chùa Đông, chùa thờ phật bà Quan Âm. Đây là ngôi chùa nằm ở vị trí cao nhất, gần đỉnh núi Bích Động. 

2.2.1.9. Chùa và động Địch Lộng (thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn)

Chùa Địch Lộng nằm ở phía bắc xã Gia Thanh, cách cầu Đoan Vĩ khoảng 600m về phía Tây, cách thành phố Ninh Bình 15 km về phía Bắc, cách Hà Nội 80 km về phía Nam. Địch Lộng nghĩa là tiếng sáo thổi, khi đứng ở cửa động, gió thổi vào, nghe có tiếng vi vu như tiếng sáo. Chùa Địch Lộng còn có tên gọi khác là Chùa Hang, Cổ Am Tự, hay Nham Sơn.

          Chùa Địch Lộng là một cụm kiến trúc chùa và đình, chùa thờ Phật, đình thờ Thần. Đình Địch Lộng thờ Nguyễn Minh Không, Quốc sư thời Lý. Theo truyền thuyết, sinh thời Nguyễn Minh Không thường đơm đó ở Kẽm Trống (cách Địch Lộng 400m), giữa Kẽm Trống có một mô đá nhô lên là “nút đó” của ông, hai bên Kẽm Trống và núi Rùa có 2 nốt chân trên đá, dân gian gọi đó là nốt chân Thánh Nguyễn. Lúc đầu, nhân dân thờ ông ở Gộp Hồ, một vách núi đá ven núi Kẽm Trống, về sau mới rước về thờ ở đình Địch Lộng.

          Chùa Địch Lộng quay hướng tây, nằm trên khuôn viên rộng trên 7000m2. Phía ngoài cùng, trước đây có Tam quan, sau bị bom Mỹ phá hoại, nay mới xây lại. Qua Tam quan khoảng 30m là đình, được xây dựng bằng đá xanh, kể cả cột, kèo và nền móng. Đình được làm theo lối chữ "nhị". Đình ngoài gọi là đình Đá, dựng vào năm Bảo Đại thứ 11 (1936) có 5 gian, 4 hàng cột cao, hoành vuông, mái thẳng vì kèo kiểu chồng giường, 12 cột đều bằng đá, chạm khắc rồng nổi rất đẹp, phong cách thời Nguyễn, 12 cột quân cũng bằng đá, được chạm khắc lá lật và cân đối, đình ngoài là nơi hội họp của dân làng.

          Đình ngoài dựng vào năm Tự Đức thứ 11 (1858) gồm 3 gian, 4 hàng cột cao, hoành vuông, mái thẳng, vì kèo kiểu “thượng giường hạ kẻ”, chạm khắc đơn giản, tương truyền nơi đây xưa kia thờ Trương Phụ (tướng bại trận của nhà Minh).

          Phía Nam đình là 3 gian nhà Tổ. Đình ngoài, đình trong, nhà Tổ tạo thành chữ “Tam”. Bên phải nhà Tổ có bia dựng thời nhà Nguyễn nói về việc tiến cúng. Lối lên chùa bên vách núi có dựng một gian bán mái làm miếu thờ chúng sinh, bên cạnh thờ Ngũ Hổ. Đi lên hơn chục bậc đá nữa mới tới phủ Đức Ông. Leo qua 105 bậc đá nữa là tới chùa. Chùa dựa vào động. Cửa động có đề 6 chữ Hán: Nham Sơn động - Cổ Am tự.

          Hệ thống tượng Phật ở đây khá phong phú, được bày thứ tự dưới lên trên theo 10 hàng bệ như sau: tượng Thích Ca sơ sinh, có 9 con rồng đang phun nước tắm cho ngài; tiếp đến là Thần Thổ địa và Thánh tăng, tượng bà Diệu Thiện 12 tay; phía sau bà là cây đèn sắt kiểu nhị thập bát tú (28 sao). Bệ thứ 4 thờ tượng Ngọc Hoàng, 2 bên là Nam Tào, Bắc Đẩu, bệ thứ 5 là tượng Quan Âm Bồ Tát. Các bệ còn lại là tượng Đại Thế Chi, Quan Âm Thế Chi và Tam Thế. Riêng 3 tượng này nhỏ, tương truyền là của vua Minh Mệnh ban.

          Chùa Địch Lộng hiện nay còn lưu giữ một số hiện vật quý: Một quả chuông nhỏ, đường kính 25cm, không rõ niên hiệu, treo ở nhà Tổ; một quả chuông lớn, đúc năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) treo ở chùa và 22 pho tượng Phật và Bồ Tát, có tượng Quan âm dạng nghìn mắt nghìn tay và 1 tượng Quốc sư Nguyễn Minh Không.

2.2.1.10. Chùa Non Nước

Đây là một ngôi chùa cổ, tọa lạc dưới chân núi Dục Thúy (núi Non Nước), bên bờ sông Đáy và cửa sông Vân. Chùa nằm trên địa phận phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Chùa Non Nước được xây dựng từ thời Nhà Lý, dưới đời vua Lý Nhân Tông, quốc sư Nguyễn Minh Không để thờ Phật. Chùa được xây bằng đá, mái cong rồng lượn và đã xuất hiện tháp, trong tháp đặt một tượng Phật chính và một số tượng phụ.

Sang thế kỷ VIII, tháp được tách ra, thành hai kiến trúc riêng: chùa và tháp. Tháp không còn là chùa mà trở thành mộ sư. Đến đời Trần, tháp đổ vỡ. Đến năm 1337 thời vua Trần Hiến Tông, tháp được khởi công xây dựng lại. Người đứng lên chủ trì việc xây dựng tháp là nhà sư Trí Nhu (người phủ Tràng An, châu Đại Hoàng - tức là người Ninh Bình). Khi đang giữ chức Tả ty Lang trung, Tả giám Nghị đại phu, Trương Hán Siêu đã viết bài "Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký" (Bài ký tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy), nhân việc tháp Linh Tế xây dựng lại xong. Trong bài ký đó, Trương Hán Siêu đã cho biết tháp Linh Tế xây dựng lại cao 4 tầng: "Tháp xây 4 tầng, đêm tỏa hào quang, kẻ xa người gần đều trông thấy rõ".

Cuối thời Hậu Lê, tháp Linh Tế bị đổ vỡ. Điều này đã được Phạm Đình Hổ viết trong sách "Tam thương ngẫu lục": "Sau khi vạc đổi, Cung bỏ làm trường lương Tràng An, tháp Linh Tế cũng đổ nát".

Chùa Non Nước có hai cổng, một cổng ra vào ở phía bắc, một cổng ở phía đông nam nhìn ra sông Đáy.

2.2.1.11. Nhà thờ đá Phát Diệm (thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn)

Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng từ năm 1875 đến năm 1898 với trình độ kỹ thuật và điều kiện giao thông còn hạn chế, nhưng việc vận chuyển hàng nghìn tấn đá, có những phiến nặng 20 tấn, hàng trăm cây gỗ lim về tới Phát Diệm để xây nhà thờ cũng là một kỳ tích. Kim Sơn vốn là vùng đất mới khai khẩn, trước đây rất lầy lội, để xử lý độ lún của khu đất trước khi xây dựng người ta đã chuyển cả một quả núi nhỏ cách 40km về Phát Diệm. Đây là một quần thể kiến trúc gồm có: Ao hồ, Phương Đình, Nhà thờ lớn với bốn nhà thờ cạnh ở hai bên, ba hang đá nhân tạo, nhà thờ đá.

          Phương Đình là một công trình kiến trúc cao 25m, rộng 17m, dài 24m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, lớn nhất là tầng dưới cùng được xây dựng bằng đá xanh. Nghệ thuật xây dựng Phương Đình rất đáng khâm phục, với kỹ nghệ thủ công những người thợ địa phương đã ghép những phiến đá nặng hàng nghìn cân, mức độ chính xác rất cao. Các vòm cửa bằng đá được lắp ghép đến trình độ tinh xảo. Giữa Phương Đình đặt một sập làm bằng đá nguyên khối, phía ngoài và bên trong là những bức phù điêu được khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jêsu và các vị thánh rất đẹp với những đường nét thanh thoát, tinh xảo.

Nhà thờ lớn là nhà thờ chính được xây dựng năm 1891, có năm lối vào vòm đá được chạm trổ. Nhà thờ lớn dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái. Trong nhà thờ có 6 hàng cột gỗ lim nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn. Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m; rộng 0,9m; cao 0,8m; nặng khoảng 20 tấn. Mặt trước và hai bên được chạm trổ các loài hoa đặc trưng của bốn mùa làm cho bàn thờ như được phủ một chiếc khăn màu thạch sáng. Hai phía bên nhà thờ có bốn nhà thờ nhỏ được kiến trúc theo một phong cách riêng.

Nhà thờ đá còn được gọi là nhà thờ dâng kính trái tim Đức Mẹ. Tất cả mọi thứ ở nhà thờ này đều được làm bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa... Phía trong được chạm nhiều bức phù điêu đẹp, đặc biệt là bức chạm tứ quý: tùng, mai, cúc, trúc tượng trưng cho thời tiết và vẻ đẹp bốn mùa trong năm.

Ngoài các di tích văn hóa lịch sử kể trên, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có nhiều di tích nổi bật đã xếp hạng có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch như: Chùa Nhất Trụ (Bảo vật quốc gia), Đền Dâu, Đền Vực, Động Thiên Tôn, Động Am Tiên, Chùa Ngần, Phủ Đông Vương, Phủ Kính Thiên, Đền thờ Đức Thánh Nguyễn, Đền thờ Nguyễn Công Trứ, Chùa Lạc Khoái…

2.2.2. Các lễ hội tiêu biểu

Theo kết quả kiểm kê năm 2016, toàn tỉnh có 312 di sản văn hóa phi vật thể bao gồm đầy đủ các loại hình, trong đó có 225 lễ hội. Một số lễ hội tiêu biểu bao gồm:

2.2.2.1. Lễ hội Hoa Lư

Lễ hội được tổ chức từ ngày 9 - 11 tháng 3 âm lịch hàng năm tại xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Cố đô Hoa Lư) để tưởng nhớ công đức vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành. Lễ hội gồm hai phần lễ và hội. Phần Lễ tổ chức rước nước ở bến Trường Yên (sông Hoàng Long) và được tổ chức tế lễ rất trang nghiêm ở hai đền vua Đinh và vua Lê. Phần Hội: Tổ chức diễn trò “Cờ lau tập trận”, thi viết thư pháp, cờ tướng, múa rồng, kéo chữ Thái Bình...

2.2.2.2. Lễ hội đền Thái Vy

Lễ hội được tổ chức hàng năm từ ngày 14 - 17 tháng 3 âm lịch tại thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư. Đây là dịp để nhân dân Ninh Bình và nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao các vua Trần - những người có công lớn với dân, với nước. Phần Lễ được tiến hành dưới hai hình thức: rước kiệu và tế. Rước kiệu ở đền Thái Vy không chỉ có một đoàn, mà là trên 30 đoàn của các xã trong huyện Hoa Lư và trong tỉnh Ninh Bình. Sau phần rước kiệu là đến phần tế. Tế là nghi lễ quan trọng được tổ chức trước Đền. Phần Hội ở đền Thái Vy thực sự là phần vui chơi giải trí của nhân dân và những người đến dự hội, gồm các trò múa lân, múa rồng, đánh cờ người, đấu vật, bơi thuyền...

2.2.2.3. Lễ hội chùa Địch Lộng

Lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 6 và mùng 7 tháng 3 âm lịch tại chùa Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn. Phần Lễ tổ chức lễ dâng hương và lễ Phật theo nghi thức nhà Phật. Phần Hội tổ chức các trò chơi dân gian như múa lân, múa rồng, cờ tướng, thi viết chữ nho...

2.2.2.4. Lễ hội chùa Bái Đính

Lễ hội chùa Bái Đính được mở hội vào ngày mùng 6 tháng giêng và diễn ra hết mùa xuân hàng năm tại thôn Sinh Dược, xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn. Lễ hội gồm hai phần là phần lễ và phần hội. Phần Lễ thường tổ chức dâng hương, tưởng nhớ các vị anh hùng có công với nước, với dân. Phần Hội kéo dài hết mùa xuân, tổ chức các trò chơi dân gian như đánh cờ, đấu vật...

2.2.2.5. Lễ hội Báo bản Nộn Khê

Lễ hội được tổ chức vào ngày 14 tháng giêng (âm lịch) hàng năm tại đình làng Nộn Khê, xã Yên Từ, huyện Yên Mô. Phần Lễ ngoài việc tổ chức tế, dâng hương tôn vinh công đức của các vị tiền bối lập ra làng xã, còn dâng hương tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn các liệt sỹ là con em của làng. Một nét độc đáo của lễ hội Báo bản là kính báo lên Thành Hoàng, các bậc tiên tổ về sự thành đạt, hiếu học của con em dân làng và những thành tích của làng đã đạt được trong năm cũ. Phần Hội cũng có những trò vui chơi giải trí như các lễ hội khác.

2.2.2.6. Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ

Lễ hội đền Nguyễn Công Trứ được tổ chức vào 3 ngày, từ ngày 13 đến ngày 15 tháng 11 (âm lịch) tại đền Nguyễn Công Trứ thuộc xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn. Ngày 13 tế yết cáo, ngày 14 tế chính kỵ, ngày 15 tế tạ. Hình thức tế theo phong tục tế lễ như các lễ hội khác. Phần Hội có các trò dân gian như múa lân, đấu vật, thi bơi trải trên sông Ân...

2.2.2.7. Lễ hội Tràng An

Lễ hội Tràng An được tổ chức vào ngày 18/3 âm lịch hàng năm nhằm tưởng nhớ và tri ân Đức thánh Quý Minh Đại Vương, là một vị tướng trấn ải Sơn Nam, thời vua Hùng Vương thứ 18, Người đã có công trong sự nghiệp gìn giữ và bảo vệ dân tộc; phù trợ giúp mưa thuận, gió hòa, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Tràng An năm 2017 diễn ra trong 3 ngày, từ 13 - 15/4 (tức 17 - 19/3 âm lịch). Phần lễ với nhiều nghi thức truyền thống đặc sắc được diễn ra trên sông như: rước nước, rước kiệu và rồng để tỏ lòng tri ân Đức thánh Quý Minh Đại Vương, người có công giữ yên bờ cõi, bảo vệ giang sơn. Đức thánh Quý Minh Đại Vương là một trong ba vị tướng ở Việt Nam được phong Thánh dưới thời vua Hùng Duệ Vương (gồm Đức thánh Tản Viên, Đức thánh Cao Sơn, và Đức thánh Quý Minh). Đức thánh là một “thượng đẳng thần” được các triều vua ban chiếu sắc phong, nhân dân khắp nơi thờ phụng, bách gia trăm họ một lòng thành kính.

2.2.3. Các làng nghề truyền thống

2.2.3.1. Làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm

Tương truyền, từ năm 1285, khi vua Trần Thái Tông tròn 40 tuổi, nhường ngôi cho con lên làm Thái Thượng Hoàng đã về vùng núi Vũ Lâm tu hành (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư), bà Trần Thị Dung là vợ Thái sư Trần Thủ Độ theo triều đình nhà Trần về đây đã truyền dạy cho nhân dân thôn Văn Lâm nghề thêu ren. Như thế, nghề này đến nay đã có trên 700 năm. Hiện nay ở Ninh Hải, gia đình nào cũng có nhiều loại khung thêu. Bằng những sợi chỉ mảnh mai, cùng những miếng vải rộng, hẹp, đủ mọi mầu sắc, với đôi bàn tay khéo léo, người thêu ren đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Đường nét thêu ren rất tinh xảo, uyển chuyển, mềm mại, thanh tú, nhưng lại sống động, mịn màng như những nét vẽ. Sản phẩm thêu ren rất phong phú như ga trải giường, rèm cửa, gối, khăn bàn, tranh, ảnh... Năm 2006, làng nghề thêu truyền thống Văn Lâm được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận danh hiệu làng nghề, và đến năm 2015 được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống.

2.2.3.2. Các làng nghề chế biến cói mỹ nghệ Kim Sơn

Nghề trồng và dệt chiếu cói ở Kim Sơn có một vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế của huyện và đời sống của người dân. Người dân Kim Sơn đã dùng cây cói làm ra nhiều sản phẩm như: chiếu, thảm, làn, khay, hộp, đĩa, cốc, tách, túi xách, mũ... Đặc biệt, khi nói đến nghề mỹ nghệ cói ở Kim Sơn phải nói đến nghề dệt chiếu. Dệt chiếu là cả một quá trình lao động sáng tạo, vất vả, thận trọng từ khâu chọn cói, phơi cói, nhuộm cói sao cho đỏ tươi và bền mầu, sợi đay dệt phải nhỏ và bền, đến khâu đan dệt cải hoa của chiếu. Trên địa bàn Kim Sơn đến nay có 24 làng nghề chế biến cói mỹ nghệ được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận làng nghề.

2.2.3.4. Các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân

Nói đến xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, nhân dân cả nước đều biết đến nghề cổ truyền chạm khắc đá. Từ những hòn đá vô tri, vô giác, qua bàn tay lao động sáng tạo của người thợ đã biến thành những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo. Sản phẩm đá gồm các loại: tượng, chim thú, bể cảnh, bia đá, thống, chậu hoa, bàn, ghế, sập, hương án, ngai, cầu, cổng, ngưỡng cửa, xà nhà... Tất cả đều được chạm khắc tinh tế, sống động, đường nét tao nhã, uyển chuyển, mềm mại, bởi đôi bàn tay và khối óc của các nghệ nhân. Hiện nay, Ninh Vân có 11 làng nghề chế tác đá mỹ nghệ được công nhận, nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân được công nhận là nghề truyền thống.

2.2.3.5. Nghề gốm cổ Bồ Bát

Làng gốm Bồ Bát thuộc thôn Bạch Bát, làng Bạch Liên, xã Yên Thành, huyện Yên Mô đã nổi danh từ cách đây hàng ngàn năm với những sản phẩm gốm sắc trắng độc đáo do các thợ tài hoa của làng sáng tạo ra. Điều này đã được xác nhận qua dấu tích của những lớp đất nung và mảnh gốm ken dày đặc đã được tìm thấy rất nhiều ở vùng này. Thời Lý - Trần, những người thợ tài hoa của làng đã sáng tạo ra những sản phẩm cao cấp như gạch đất nung “Đại Việt quốc quân thành chuyên” - loại gạch chuyên dùng để xây thành, các sản phẩm gốm tinh xảo như đầu rồng, mặt linh thú, bát đĩa, đồ gia dụng... 

Năm 1010, khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, hàng loạt các nghệ nhân tại làng nghề Bồ Bát đã theo triều đình về đất Thăng Long xây dựng kinh đô mới, sản xuất các sản phẩm gốm sứ phục vụ triều đình và dân sinh. Những nghệ nhân này đã đến định cư tại vùng đất ven sông Hồng, nơi có đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và thành lập nên làng nghề Bát Tràng ngày nay. Sau khi những nghệ nhân giỏi theo triều đình dời ra đất Thăng Long lập phường làm gốm mới, người dân Bồ Bát không còn giữ được nghề truyền thống. Nghề gốm sứ ở Bồ Bát đã bị thất truyền từ đó.

Ngày nay, gốm Bồ Bát đang được phục hồi bởi Xưởng gốm Bồ Bát, với quy mô hơn 300m2. Sản phẩm chính là ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, các sản phẩm mang các hoa văn, họa tiết tạo được nét riêng biệt, khác với các dòng gốm khác mang hình ảnh liên quan tới các giá trị lịch sử văn hóa của mảnh đất cố đô như Tràng An, cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động… Sản phẩm gốm Bồ Bát ra thị trường được đánh giá rất tốt do men dày, trắng và sâu, độ bền cơ học tốt.

2.2.4. Ẩm thực

2.2.4.1. Đặc sản thịt dê

Tỉnh Ninh Bình có nhiều dãy núi đá vôi, nên nghề nuôi dê núi ở đây rất phát triển, từ đó các món ăn được chế biến từ thịt dê cũng là nét đặc trưng về văn hóa ẩm thực của Ninh Bình như dê ủ trấu, dê nướng tảng, tái dê, cháo dê, tiết canh dê... Đặc biệt là món tái dê, được chế biến như sau: dê được làm lông; rửa sạch; thui vàng; thịt dê được ướp với lá hương nhu hoặc lá cúc tần sau đó đem nhúng vào nước sôi cho chín tái; thái nhỏ; mỏng đều; trộn với vừng đã rang giã dập, sả thái nhỏ, lá chanh, gừng, ớt tươi thái nhỏ, nước chanh, bột ngọt… Tái dê được ăn kèm với lá sung, chuối xanh, khế, lá mơ và không thể thiếu tương, gừng.

2.2.4.2. Nhất hưởng thiên kim (cơm cháy)

Cơm cháy được làm từ cơm đã nấu chín, dàn mỏng ra thành hình tròn, để cho nguội và khô, rồi bỏ vào chảo dầu rán cho đến khi giòn vàng lấy ra bẻ thành từng tảng nhỏ để vào bát to. Thịt bò thăn thái lát, tim cật lợn thái mỏng, ướp gia vị cùng với cà chua, cà rốt, hành tây, nấm hương trộn đều, xào cho chín, rồi ăn cùng với cơm cháy. Cơm cháy giòn tan, chứa nhiều hương vị của món ăn thập cẩm nóng sốt, đậm đà…, người ăn không bao giờ quên được.

2.2.4.3. Nem Yên Mạc (Yên Mô)

Nem chua Yên Mạc (nem tiến Vua) đã có từ lâu, nhưng hiện nay ở Yên Mạc số người làm được loại nem đặc biệt này không nhiều, bởi ngoài bí quyết nhà nghề đòi hỏi phải có niềm đam mê, yêu nghề. Quy trình chế biến phải tuân thủ nghiêm ngặt: nem làm ra bảo đảm phải sạch, thơm ngon, màu sắc tươi, sợi thái phải đều, để hàng tuần vẫn không bị biến chất. Nem Yên Mạc sau thời gian ủ men là ăn được ngay, để từ 5 đến 7 ngày mở ra sắc vẫn hồng, hương vị thơm và ngọt; nem được ăn cùng với lá ổi, lá sung, rau thơm, chấm với nước mắm chanh, tỏi, ớt hoặc hạt tiêu...

2.2.4.4. Rượu Kim Sơn (Lai Thành)

Lai Thành là miền quê nằm ở cực Nam huyện Kim Sơn, có nhiều đặc sản như gạo tám xoan, dự hương, nếp mùa, nếp hoa cau, chiếu cải..., nhưng nổi tiếng hơn cả vẫn là thứ rượu được chưng cất từ gạo trồng trên chính mảnh đất này. Hạt gạo tròn, thơm, vỡ ra trắng như màu sữa, thoang thoảng một vị hương dịu ngọt... được người dân dùng để chưng cất rượu. Lúa nếp được thu hoạch về, phơi khô, sàng sẩy thật kỹ đưa vào chum bảo quản để nấu rượu. Ở Kim Sơn có nhiều gia đình hàng chục đời theo nghề nấu rượu, có vài tộc họ chuyên làm men rượu và họ có những bí quyết riêng, nên men của họ dù có để hàng năm vẫn thơm và khô. Để có một loại men quý họ còn dùng cả một vài thứ dược liệu có tác dụng lưu thông khí huyết, diệt khuẩn, nên rượu Lai Thành, khi nấu ra càng để lâu uống càng ngon, càng thơm.

2.2.4.5. Mắm tép Gia Viễn

Ngày nay, có nhiều loại nước mắm nổi tiếng, nhưng có lẽ mắm tép Gia Viễn vẫn là loại mắm đặc sản và độc đáo của người dân Ninh Bình. Là huyện đồng bằng chiêm trũng, nên người dân Gia Viễn có nghề riu tép từ lâu. Người ta dùng tép riu làm mắm, gọi là mắm tép. Tép riu làm mắm phải là tép già, thân tròn, nhỏ con, màu xanh lam. Muốn mắm ngon, người làm mắm phải chọn tép tươi, đem rửa sạch, để khô; sau đó lấy thính gạo rang vàng, giã nhỏ, cùng với muối trộn đều với tép theo tỷ lệ nhất định; cho vào hũ, có thể đổ thêm ít nước đã đun sôi để nguội, rồi bịt kín, để từ một tháng trở là có thể ăn được. Bát mắm tép ngon có màu đỏ tươi, mùi thơm ngọt. Ngày nay mắm tép Gia Viễn đã trở thành món ăn đặc sản nổi tiếng.

2.2.4.6. Rượu cần Nho Quan

Rượu cần là loại rượu không qua chưng cất lửa. Người ta dùng gạo nếp xay (gạo lứt) nấu thành cơm trộn đều với men đem ủ vào trong hũ sành từ 3 tháng trở lên mới được uống. Khi uống, cho nước vào hũ rượu. Uống rượu cần không dùng chén, mà dùng bằng các cần rượu được làm bằng thân cây trúc, thông rỗng bên trong cắm vào hũ rượu và hút. Rượu cần ngon hay không là do men làm có chất lượng không. Men rượu phải là vỏ cây mun cùng với củ giềng, củ gừng, lá ổi xanh theo tỷ lệ nhất định, đem giã vắt lấy nước rồi trộn với bột gạo nếp. Sau đó nặn thành bánh tròn bằng quả ổi nhỏ ủ vào trấu cho phồng lên, để khô khoảng 10 ngày mới dùng được.

2.2.5. Các giá trị văn hóa dân tộc

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 7 dân tộc sinh sống, trong đó đa số là dân tộc Kinh. Các dân tộc thiểu số bao gồm dân tộc Mường, Tày, Nùng, Thái, Hoa, Dao, trong đó dân tộc Mường chiếm đa số, có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Người Mường ở Ninh Bình chủ yếu sống ở vùng đồi núi phía bắc của tỉnh với dân số ước khoảng hơn 20 nghìn người, tập trung ở các xã miền núi huyện Nho Quan (các xã Cúc Phương, Kỳ Phú, Phú Long…). Ngày nay, người Mường ở Ninh Bình vẫn bảo tồn được những nét văn hóa đặc sắc và độc đáo của dân tộc (Hội Xuân, hát Sắc Bùa, hát Đúm, lễ cưới, đi săn, kéo gỗ, dựng nhà, tang lễ, tết cơm mới…). Đây là những giá trị văn hóa có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch.

3. Đánh giá chung về tài nguyên du lịch

3.1. Những lợi thế

          - Ninh Bình có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm vùng đồng bằng sông Hồng, nơi giao nhau của các tuyến giao thông huyết mạch (quốc lộ 1A, đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, quốc lộ 10, tuyến đường sắt Bắc Nam…), do vậy rất thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội và liên kết phát triển du lịch.

- Ninh Bình nằm trong vùng tiếp giáp giữa đồng bằng và vùng núi, trong một khu vực trũng tiếp giáp với Biển Đông, tạo nên một dạng địa hình đa dạng, có nhiều tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch tham quan nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tín ngưỡng tâm linh…

- Ninh Bình có nhiều tài nguyên phát triển du lịch, trong đó nổi trội là Quần thể danh thắng Tràng An – Di sản thiên nhiên và văn hóa Thế giới, gắn với Tam Cốc – Bích Động và chùa Bái Đính, vườn quốc gia Cúc Phương, khu suối khoáng nóng Kênh Gà, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, cảnh quan các vùng hồ… đều có sức hấp dẫn đối với du khách.

          - Với lịch sử hình thành lâu đời, mảnh đất Ninh Bình là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em như Kinh, Mường, Tày, Thái, Hoa, Nùng, Dao; có truyền thống đấu tranh anh dũng, cần cù lao động, chất phác, thật thà đã tạo nên một sắc thái văn hóa đặc trưng riêng của Ninh Bình. Các lễ hội như lễ hội Hoa Lư, lễ hội đền Thái Vy, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ…; các làng nghề truyền thống như làng thêu ren Ninh Hải, làng nghề chiếu cói Kim Sơn, làng chạm khắc đá Ninh Vân, làng gốm cổ Bồ Bát… đã góp phần tạo nên một hệ thống tài nguyên du lịch văn hóa hấp dẫn, có giá trị để phát triển du lịch.

3.2. Những hạn chế

          - Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, việc thống nhất quản lý và khai thác tài nguyên còn nhiều bất cập giữa các ngành (Văn hóa, Du lịch, sản xuất vật liệu xây dựng…), vì thế nhiều tài nguyên du lịch bị ảnh hưởng tiêu cực, cảnh quan và môi trường bị xâm hại.

          - Một số tai biến tự nhiên bất lợi như lũ lụt, bão, úng ngập… cùng những tác động tiêu cực của con người như chặt phá rừng; khai thác đá cảnh, cây cảnh; khai thác vật liệu xây dựng… cũng gây ra những cản trở không nhỏ đối với công tác gìn giữ và khai thác tài nguyên du lịch, một số vùng cảnh quan đã bị ô nhiễm và xuống cấp.

II. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG KẾT CẤU HẠ TẦNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Hệ thống giao thông vận tải

          Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, hệ thống giao thông vận tải trên toàn quốc đã được quan tâm đầu tư phát triển trước một bước. Ninh Bình nằm trên hệ thống giao thông vận tải quan trọng của cả nước, có tuyến quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, và tuyến đường sắt Thống nhất chạy qua. Chính vì vậy, Ninh Bình cũng được thừa hưởng đầu tư của Nhà nước để phát triển hệ thống giao thông vận tải. Ngoài các tuyến quốc lộ được nhà nước đầu tư, mạng lưới giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đã được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới tương đối hợp lý, rộng khắp. Các tuyến đường từ thành phố Ninh Bình đến các huyện đã được đầu tư nâng cấp rải nhựa, đường ô tô đã đi đến được tất cả các xã, phường trong tỉnh, việc đi lại của người dân đã được cải thiện, thuận tiện và nhanh chóng.

1.1. Đường bộ

Mạng lưới giao thông đường bộ gồm hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường chuyên dùng với tổng chiều dài là 3.800,09km; trong đó quốc lộ gồm 8 tuyến với chiều dài 221km, đường tỉnh gồm 20 tuyến với chiều dài 267km, đường huyện gồm 34 tuyến với chiều dài 349,5km, đường đô thị gồm 74 tuyến với chiều dài 355,26km, đường chuyên dùng gồm 8 tuyến với chiều dài 234,44km, và đường xã dài 2.372,89km (Nguồn: Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình). Các tuyến quốc lộ chạy qua địa phận Ninh Bình bao gồm:

- Quốc lộ 1A: Tuyến quốc lộ 1A chạy qua địa phận tỉnh Ninh Bình dài khoảng 34km từ cầu Đoan Vĩ (tiếp giáp với Hà Nam) đến Dốc Xây (tiếp giáp với Thanh Hóa) đã được đầu tư nâng cấp với 4 làn xe, có dải phân cách cứng ở giữa (mỗi bên 2 làn xe). Trước đây, tuyến này có vai trò quan trọng nối Ninh Bình với Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường cao tốc Bắc Nam đã được đưa vào sử dụng đoạn Hà Nội - Ninh Bình, nên mật độ, lưu lượng phương tiện lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A qua tỉnh Ninh Bình giảm hơn so với trước đây.

- Quốc lộ 10 là tuyến đường liên tỉnh chạy dọc theo vùng duyên hải Đông Bắc qua 6 tỉnh và thành phố là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 228 km, riêng chiều dài tính từ điểm đầu tại ngã ba Bí Chợ (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh) tới điểm nút giao với quốc lộ 1A tại thành phố Ninh Bình là 151km. Tại vị trí này, quốc lộ 10 đổi hướng đông nam qua các huyện Yên Khánh, Kim Sơn (Ninh Bình) rồi theo hướng tây nam qua các huyện Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa (Thanh Hóa), sau đó lại nối với quốc lộ 1A tại Tào Xuyên (thành phố Thanh Hóa).

- Quốc lộ 12B là tuyến giao thông đường bộ quốc gia nối từ vùng biển Kim Sơn qua huyện Yên Mô, thành phố Tam Điệp theo hướng tây bắc qua huyện Nho Quan (Ninh Bình), rồi đến huyện Yên Thủy, Lạc Sơn, Tân Lạc (Hòa Bình), sau đó nối vào quốc lộ 6 đi lên các tỉnh vùng Tây Bắc. Chiều dài toàn tuyến khoảng 140km, và đây là tuyến đường chính nối các tỉnh vùng Tây Bắc với các tỉnh vùng duyên hải Đông Bắc để thông ra biển theo hành trình ngắn nhất.

- Quốc lộ 45 là tuyến giao thông đường bộ quốc gia, nối liền hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa. Quốc lộ 45 có chiều dài 132km, điểm đầu là điểm giao cắt với quốc lộ 12B tại phố Rịa (xã Phú Lộc, Nho Quan, Ninh Bình), điểm cuối là điểm giao cắt với đường Hồ Chí Minh tại ngã ba thị trấn Yên Cát, huyện Như Xuân, Thanh Hóa).

- Đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình nằm trong chương trình phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam, là tuyến cao tốc nối hai đầu mối giao thông Hà Nội và Ninh Bình thuộc tuyến đường cao tốc Bắc Nam. Tuyến đường này có điểm đầu tại Pháp Vân, nối tiếp với đường vành đai 3 (tuyến đường trên cao) của Hà Nội, điểm cuối kết nối với quốc lộ 10 tại Cao Bồ. Theo thiết kế, đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình có chiều dài toàn tuyến khoảng 90 km; mặt cắt ngang cho 6 làn xe, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe, giai đoạn sau nâng cấp lên 6 làn hoàn chỉnh, tốc độ xe chạy thiết kế từ 100 đến 120 km/h. Ngoài bề rộng mặt đường 22 m, mỗi làn bê rộng 3m, đường có dải phân cách giữa, dải dừng xe khẩn cấp, dải an toàn và lề đường trồng cỏ.

- Đường Hồ Chí Minh là 1 trong 4 tuyến đường giao thông huyết mạch, chạy dài từ Bắc vào Nam. Đường Hồ Chí Minh có tổng chiều dài khoảng 3.167 km chạy qua vùng núi phía Tây, qua lãnh thổ của 30 tỉnh, thành phố. Đường Hồ Chí Minh chạy qua vườn quốc gia Cúc Phương thuộc lãnh thổ tỉnh Hòa Bình, tuy nhiên đây là tuyến đường huyết mạch Bắc – Nam, có ý nghĩa quan trọng trong kết nối với du lịch tỉnh Ninh Bình. Tuyến đường này được xây dựng trên cơ sở nâng cấp mở rộng một số tỉnh lộ và quốc lộ cũng như làm mới một số đoạn. Đến nay, giai đoạn 1 của đường Hồ Chí Minh đã cơ bản hoàn thành và thông tuyến. Dự kiến, sau năm 2030, đường Hồ Chí Minh sẽ được nâng cấp trở thành cao tốc Bắc Nam nhánh Tây, với quy mô nhỏ hơn nhánh Đông.

          Ngoài các tuyến quốc lộ kể trên, hệ thống đường tỉnh của Ninh Bình có 19 tuyến với tổng chiều dài khoảng 293,6km; các tuyến đường huyện dài khoảng 79km; các tuyến đường xã, liên xã dài khoảng 911,5km; đường giao thông nông thôn dài khoảng 1.338km … Hệ thống giao thông nông thôn, đường liên thôn liên xã đã được nâng cấp, trải nhựa; cải tạo và làm mới các tuyến đường vào các xã vùng cao (huyện Nho Quan), điều này có ý nghĩa quan trong đối với việc khai thác thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao đời sống nhân dân, mở mang dân trí, thu hẹp khoảng cách giữa vùng đồng bằng và vùng núi.

Mặc dù đã được đầu tư nâng cấp phát triển, nhưng hệ thống giao thông vận tải nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và du lịch (đặc biệt là các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường xã). Hệ thống các đường nội thị còn yếu kém, nhiều tuyến đường đến trung tâm đô thị cần được cải tạo và mở rộng…

Để hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cần đầu tư hoàn thiện một số dự án sau (theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 01/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống đường cao tốc Việt Nam đến năm 2030):

- Tuyến cao tốc Bắc - Nam (nhánh Đông), đoạn Cao Bồ - Ninh Phúc - Ninh Bình, với chiều dài 15 km, quy mô 6 làn xe, tổng vốn đầu tư 3.300 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2020.

- Tuyến cao tốc Bắc - Nam (nhánh Đông), đoạn Ninh Bình - TP.Thanh Hóa, với chiều dài 53,2km, quy mô 6 làn xe, tổng vốn đầu tư gần 9.800 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2020.

- Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Hạ Long, với chiều dài 160km, quy mô 4 - 6 làn xe, tổng số vốn đầu tư 43.200 tỷ đồng, hoàn thành toàn tuyến sau năm 2030.

1.2. Đường sắt

          Tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Ninh Bình có chiều dài 19km với 4 nhà ga (Ninh Bình, Cầu Yên, Gềnh và Đồng Giao). Tuy nhiên, trong vận chuyển hành khách chỉ có nhà ga Ninh Bình là có đủ điều kiện về cơ sở vật chất để đón nhận hành khách; các nhà ga khác chủ yếu vận chuyển hàng hóa và là nơi để tránh tàu. Đây là tuyến đường sắt đóng góp một phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình, kết nối với các địa phương khác trong vùng và cả nước. Trong vận chuyển du lịch bằng đường sắt hiện nay ở Việt Nam nói chung còn hạn chế do nhiều nguyên nhân: thời gian chạy tàu chậm; tiện nghi, vệ sinh kém; các dịch vụ trên tàu còn thiếu…

1.3. Đường thủy

          Ninh Bình có 16 tuyến sông, kênh có thể khai thác vận tải thủy nội địa với tổng chiều dài 298,8km; trong đó có 4 tuyến do Trung ương quản lý với chiều dài 155,5km (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vạc và kênh Yên Mô), và 12 tuyến do địa phương quản lý với chiều dài 143,3km (sông Mới, sông Ân, sông Hoành Trực, sông Cà Mau, sông Lồng, sông Càn, sông Bôi, song Lạng, sông Rịa, sông Chanh, sông Vân, sông Hệ Dưỡng). (Nguồn: Sở Giao thông Vận tải Ninh Bình). Hệ thống sông, kênh ở đây phần lớn là sông cấp III, V và VI mang đặc điểm chung của sông, kênh khu vực đồng bằng sông Hồng. Đây là điều kiện thuận lợi để Ninh Bình phát triển giao thông đường thủy nội địa và kết nối với hệ thống thủy nội địa trong vùng đồng bằng sông Hồng, và xa hơn là toàn vùng Bắc Bộ.

          Với hệ thống sông, kênh đa dạng, Ninh Bình có tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển cảng sông với công suất hàng hóa thông quan lớn (khoảng 2 triệu tấn/năm). Ninh Bình có 2 cảng chính do Trung ương quản lý là cảng Ninh Bình và cảng Ninh Phúc; ngoài ra còn có cảng K3 thuộc nhà máy điện Ninh Bình và hàng loạt các bến xếp dỡ hàng hóa nằm trên các bờ sông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Trong phát triển du lịch, giao thông đường thủy còn rất hạn chế, chưa được khai thác phát huy tiềm năng. Hiện nay, việc vận chuyển khách du lịch bằng đường thủy chủ yếu được khai thác ở các tuyến trong khu du lịch Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Vân Long, Thung Nham. Phương tiện vận chuyển chủ yếu là thuyền chèo tay.

2. Hệ thống cung cấp điện

Hệ thống điện tỉnh Ninh Bình được cấp điện từ lưới quốc gia thông qua 1 trạm biến áp 500KV, 2 trạm biến áp 220KV và 7 trạm biến áp 110KV. Lưới điện phân phối trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng với 26 trạm trung gian, 2.115 trạm biến áp phân phối, 1.407,6km đường dây trung áp và 2.723,6km đường dây hạ áp. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 nguồn phát điện: Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình với công suất 4 x 25MW và tổ máy phát điện của Nhà máy đạm công suất 36MW. Nhìn chung, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cơ bản đáp ứng được cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu sinh hoạt và đặc biệt cho phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

3. Hệ thống cấp, thoát nước và vệ sinh môi trường

3.1. Nguồn nước

+ Nguồn nước ngầm: Trữ lượng nguồn nước ngầm của tỉnh Ninh Bình tương đối lớn, nên việc khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sản xuất và sinh hoạt tương đối thuận lợi. Hiện tại, có 2 nguồn nước chính đang được khai thác là mỏ nước khoáng Cúc Phương và nước khoáng Kênh Gà. Về chất lượng, các nguồn nước này đảm bảo đủ tiêu chuẩn vệ sinh để sử dụng cho ăn uống và phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, chữa bệnh…

          + Nguồn nước mặt: Do địa hình đa dạng, có nhiều sông (sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vân, sông Vạc, sông Lạng); hồ (hồ Đồng Chương, hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái); đầm (Vân Long…), nên Ninh Bình có trữ lượng nguồn nước mặt tương đối lớn, khai thác thuận lợi phục vụ sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, địa hình này cũng gây không ít khó khăn trong việc điều tiết nguồn nước mặt, đặc biệt trong mùa mưa lũ. Do điều kiện thủy thế bất lợi (một phần do lượng nước từ thượng nguồn Hòa Bình dồn về, một phần do lượng nước mưa từ các triền núi Thanh Hóa đổ xuống), vào những đợt mưa to các huyện Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Hoa Lư thường gặp thiên tai, lũ lụt trên diện rộng.

          Ninh Bình có lượng mưa tương đối lớn, tổng lượng mưa rơi trên diện tích toàn tỉnh trung bình đạt từ 1.860 - 1.950mm, phân bố tương đối đồng đều trên toàn bộ lãnh thổ. Trung bình một năm có khoảng 125 - 157 ngày mưa, lượng mưa phân bố chủ yếu vào mùa hè từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm 80 - 90% lượng mưa cả năm. Nước mưa là nguồn cung cấp nước sạch rất quý báu, có chất lượng tốt cho sinh hoạt của người dân, đặc biệt là ở vùng cao, nơi dân cư thưa thớt, các dòng chảy nước mặt hiếm và nước ngầm sâu ở địa hình hiểm trở, khai thác khó khăn.

3.2. Hiện trạng hệ thống cấp nước

          Trong những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình đã từng bước đầu tư phát triển đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho các đô thị (thành phố Ninh Bình, thành phố Tam Điệp và các thị trấn huyện lỵ). Hiện nay, nhà máy nước Ninh Bình với công suất 20.000 m3/ngày đêm; nhà máy nước Tam Điệp với công suất 12.000 m3/ngày đêm; và một số nhà máy nước công suất nhỏ khoảng 2.000 - 2.200 m3/ngày đêm ở các thị trấn như Thiên Tôn, Yên Thịnh, Yên Ninh, Nho Quan, Me, Phát Diệm… đủ để cung cấp nước sạch cho người dân đô thị.

          Ở khu vực nông thôn, các khu vực tập trung dân cư… chưa có điều kiện sử dụng nước sạch từ các nhà máy, người dân chủ yếu dùng nước từ các giếng đào, bể chứa nước mưa, nước tự chảy và giếng khoan.

3.3. Hiện trạng hệ thống thoát nước và vệ sinh môi trường

          Hiện nay, Ninh Bình có 8 đơn vị hành chính gồm 2 thành phố và 6 huyện, với 17 phường, 7 thị trấn và 121 xã. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số khu công nghiệp tập trung và các khu du lịch, các cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch… Đây đều là những nguồn phát thải, có ảnh hưởng lớn đến vệ sinh môi trường.

          Mạng lưới thoát nước thải sinh hoạt tại các đô thị sử dụng hệ thống thoát nước chung (cho cả nước mưa và nước thải sinh hoạt) mà chưa có hệ thống thoát nước thải sinh hoạt riêng. Hệ thống thoát nước mưa bao gồm các loại cống tròn bê tông cốt thép, cống hộp và mương có nắp đan. Nhìn chung các tuyến thoát nước đều hoạt động tốt, nhưng do mật độ còn thấp chưa đáp ứng được nhu cầu, nên ảnh hưởng không ít đến môi trường đô thị. Các loại nước thải chưa được xử lý đến giới hạn cho phép và thường được xả trực tiếp ra sông suối. Phần lớn các chỉ tiêu phân tích chất lượng nước thải ở các khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp, các khu du lịch… mặc dù đã được xử lý sơ bộ ban đầu, nhưng đều vượt giới hạn cho phép theo quy định đối với nước thải đô thị.

          Nước thải công nghiệp: Nước thải tại các nhà máy nằm trong các khu công nghiệp như Khánh Phú và Gián Khẩu đã được xử lý sơ bộ và đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung của 2 khu này, nước thải đầu ra xử lý đạt cột A, QCVN 40: 2011/BTNMT; đối với các nhà máy tại các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp khác có hệ thống xử lý nước thải tập trung; còn các nhà máy ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp có phát sinh nước thải đã cơ bản đầu tư hệ thống xử lý nước thải cục bộ tại nhà máy đạt QCVN cho phép đối với môi trường tiếp nhân tại khu vực.

          Nước thải bệnh viện: Hiện nay, 7 trung tâm y tế huyện, 7 bệnh viện trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Tuy nhiên, công nghệ xử lý nước thải còn hạn chế, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn nước thải y tế trước khi được xả trực tiếp vào hệ thống thoát nước chung.

          Nước thải từ các khu du lịch và cơ sở dịch vụ du lịch: Hiện nay, hầu hết nước thải từ các khu du lịch, các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở dịch vụ du lịch khác chỉ được xử lý cơ học bằng các bể lắng, sau đó xả thẳng ra môi trường bên ngoài và thẩm thấu xuống lòng đất. Hầu hết các cơ sở dịch vụ ở Quần thể danh thắng Tràng An đều xử lý nước thải bằng “công nghệ” bể lắng. Điều này sẽ dẫn đến ô nhiễm nguồn nước ngầm trên địa bàn.

          Năng lực thu gom rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư tập trung cũng như ở các khu du lịch mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng còn hạn chế, chi phí còn cao. Hiện nay, ở các thị trấn trong tỉnh đã thực hiện việc thu gom rác thải và có Trung tâm môi trường của địa phương vận chuyển đến nơi quy định. Tuy nhiên, việc bố trí hệ thống thùng rác, túi thu gom rác thải ở các đô thị, các khu du lịch, các khu dân cư tập trung còn thiếu và chưa phù hợp cho việc phân loại rác. Ngay ở Quần thể danh thắng Tràng An cũng chưa được bố trí hệ thống thùng rác phù hợp để thu gom và phân loại rác; năng lực thu gom rác ở đây còn hạn chế, chi phí cao…, nên nhiều khi rác thải còn tồn đọng, ảnh hưởng đến môi trường khu du lịch. Các loại rác thải công nghiệp, rác thải bệnh viện phần lớn đã được thu gom và xử lý theo đúng quy định, nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay.

4. Hệ thống bưu chính viễn thông

          Mạng lưới thông tin liên lạc đã phủ kín các địa phương trong tỉnh với hệ thống tổng đài điện tử số hiện đại của Bưu điện Trung tâm tỉnh và bưu điện của 7 huyện, thành phố trên địa bàn. Hệ thống thông tin liên lạc, đặc biệt là cáp quang, internet đã được nâng cấp toàn diện trong thời gian qua, tạo bước đột phá phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo cho việc liên lạc nhanh chóng, thuận tiện giữa Ninh Bình với các địa phương, các vùng khác trong nước và quốc tế. Đây là các hạng mục hạ tầng kỹ thuật rất quan trọng cần được quan tâm trong tương lai.

Tính đến hết năm 2016, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 2 bưu điện trung tâm; 7 bưu điện cấp huyện, thành phố; và 30 trạm bưu điện khu vực. Tổng số thuê bao điện thoại là 1.144.391 máy, trong đó cố định là 41.375 máy, di động là 1.103.016 máy; số thuê bao internet là 95.755. Số thuê bao điện thoại bình quân trên 100 dân là 120,14 máy. Mạng điện thoại di động đã phủ sóng hầu hết lãnh thổ Ninh Bình, đáp ứng tốt nhu cầu liên lạc của người dân và khách du lịch.

5. Hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng; các thiết chế văn hóa, thể thao

          Các cơ sở dịch vụ về tài chính, ngân hàng, bảo hiểm bao gồm hệ thống ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại, hệ thống kho bạc từ tỉnh đến các huyện, thành phố, công ty bảo hiểm, các quỹ tín dụng nhân dân... Hệ thống các cơ sở dịch vụ này ở Ninh Bình thường xuyên được tăng cường trang bị kỹ thuật hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong quản lý và thanh toán; cải tiến về nghiệp vụ chuyên môn, phong cách phục vụ, chăm sóc khách hàng..., nên ngày càng tạo điều kiện thuận lợi và đáp ứng tốt nhu cầu cho khách hàng.

          Trong những năm qua, hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao của tỉnh Ninh Bình tương đối phát triển, trong đó nổi bật nhất là bảo tàng, nhà hát, trung tâm văn hóa thể thao, các cơ sở biểu diễn nghệ thuật ở Thành phố Ninh Bình. Ngoài ra, ở thành phố Tam Điệp và các trung tâm huyện lỵ khác cũng có các trung tâm văn hóa, các nhà văn hóa, các cơ sở vui chơi thể thao… Hệ thống thiết chế văn hóa và thể thao của Ninh Bình trong thời gian qua đã đáp ứng đáng kể nhu cầu của người dân địa phương và phục vụ phát triển du lịch.

6. Đánh giá chung về hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch

6.1. Những lợi thế

          - Với vị trí thuận lợi trong giao thông, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có cả đường sắt và đường bộ thuộc hệ thống đường giao thông huyết mạch quốc gia, xuyên suốt từ Bắc vào Nam (trong đó có cả đường cao tốc Bắc – Nam) chạy qua…

          - Trong liên kết vùng, Ninh Bình nằm trên tuyến quốc lộ 10, thuận tiện cho việc thông thương với các tỉnh, thành phố vùng duyên hải Đông Bắc; quốc lộ 45 thông thương với Thanh Hóa về phía Tây Nam; quốc lộ 12B thông thương với các tỉnh vùng Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên… về phía Tây Bắc.

          - Hệ thống cung cấp điện cho Ninh Bình được hòa chung vào điện lưới quốc gia. Ngoài ra, Ninh Bình còn có nhà máy nhiệt điện Ninh Bình, sản xuất và đáp ứng nhu cầu tại chỗ về điện.

          - Ninh Bình có nguồn nước phong phú, cả về nguồn nước mặt và nước ngầm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt của người dân và khách du lịch.

6.2. Những hạn chế

          - Ninh Bình có hệ thống đường sắt Bắc – Nam chạy qua, khá thuận lợi cho việc kết nối các tuyến du lịch liên vùng nhưng việc khai thác để phục vụ khách du lịch còn hạn chế.

          - Hệ thống giao thông đường bộ mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp, nhưng một số tuyến đường, đặc biệt là các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường kết nối đến nhiều khu, điểm du lịch chất lượng còn kém, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

          - Năng lực cấp nước sạch cho phát triển kinh tế - xã hội, cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, cho phát triển du lịch… chưa đáp ứng được nhu cầu, nhiều cơ sở du lịch vẫn còn sử dụng nước giếng khoan…

          - Hệ thống thu gom và xử lý chất thải chưa đồng bộ, năng lực còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu. Đặc biệt ở khu du lịch quốc gia Tràng An đến nay vẫn chưa có hệ thống thu gom nước thải, chưa có hệ thống xử lý rác thải tại chỗ mà vẫn phải chuyển đi nơi khác với chi phí cao.

 

 

 

 

PHẦN THỨ HAI

ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH NINH BÌNH

 

I. XÁC ĐỊNH VỊ TRÍ CỦA NGÀNH DU LỊCH

1. Vị trí của du lịch Ninh Bình trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Là tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp, công nghiệp vật liệu xây dựng và du lịch. Tuy nhiên, trong một thời gian dài sự phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình vẫn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp và sản xuất vật liệu xây dựng (xi măng, đá…). Những năm gần đây, Ninh Bình đã chú trọng đến phát triển du lịch và dịch vụ, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Cùng với sự phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế của đất nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình cũng đã xác định vai trò của công nghiệp và dịch vụ, trong đó du lịch được đánh giá là ngành kinh tế có nhiều triển vọng trên cơ sở khai thác những lợi thế về vị trí và tiềm năng tài nguyên du lịch của địa phương để phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo Nghị quyết 08 - NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị.

Ý thức được vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh, Ninh Bình là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện xây dựng “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thời kỳ 1995 - 2010”. Tiếp theo đó, trên cơ sở nội dung của quy hoạch này Ninh Bình tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch thời kỳ 2007 - 2010 và định hướng đến năm 2015”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc quản lý và phát triển ngành kinh tế du lịch đầy tiềm năng này. Những năm qua, Tỉnh ủy Ninh Bình đã ra Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; tiếp theo đó Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình cũng đã ban hành Quyết định 223/QĐ-UBND ngày 19/01/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Chương trình công tác năm 2017, Kế hoạch số 19/KH-UBND ngày 9/3/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 – 2020; Kế hoạch số 83/KH-UBND ngày 14/8/2017 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn... Điều này thể hiện sự quan tâm và đánh giá cao vai trò của du lịch Ninh Bình trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Những năm trước, Ninh Bình vẫn luôn xác định là một tỉnh nông nghiệp nên xác định cơ cấu kinh tế là Nông nghiệp - Công nghiệp - Dịch vụ - Du lịch. Tuy nhiên, thực tế phát triển du lịch Ninh Bình trong những năm qua đã cho thấy du lịch ngày càng có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tổng thu từ du lịch của tỉnh Ninh Bình trong những năm qua đã có sự tăng trưởng đáng kể. Nếu như năm 2010 tổng thu từ du lịch của tỉnh mới đạt 551,4 tỷ đồng thì đến năm 2017 đã tăng lên gấp 4,58 lần và đạt mức xấp xỉ 2.528,3 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2017 là 24,3%/năm. Sự đóng góp của ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế của địa phương trong thời gian qua cũng không ngừng gia tăng. Giá trị gia tăng ngành du lịch của tỉnh (GRDP du lịch) năm 2010 mới đạt khoảng 410 tỷ đồng (tương đương 18,6 triệu USD), đến năm 2016 đã tăng lên 1.232 tỷ đồng (tương đương 56 triệu USD); tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 22,0%/năm cho giai đoạn 2010 - 2016. Nếu như năm 2010, tỷ trọng GRDP du lịch trong GRDP chung của tỉnh mới là 2,12% thì năm 2016 đã đạt 4,4%. Mặc dù chỉ số tuyệt đối còn thấp, chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng, tuy nhiên với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, có thể thấy triển vọng phát triển du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là rất lớn và có thể đạt tới 7,5 - 8,0% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đặc biệt khi các khu du lịch trọng điểm của tỉnh tiếp tục được đầu tư hoàn chỉnh và đi vào hoạt động. Vì vậy, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Bình, việc lựa chọn du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với chiến lược phát triển du lịch chung của cả nước.

Bên cạnh vai trò về kinh tế, phát triển du lịch còn có ý nghĩa đặc biệt trọng việc tạo ra sự gia tăng của các ngành kinh tế liên quan như thương mại, giao thông vận tải, xây dựng, sản xuất hàng tiêu dùng, đặc biệt là sản xuất lương thực thực phẩm phục vụ cho phát triển du lịch. Hơn thế nữa, sự phát triển du lịch Ninh Bình còn góp phần bảo vệ danh lam thắng cảnh, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống…, đồng thời tạo cơ hội cho cộng đồng địa phương có thêm việc làm và tăng thu nhập, nâng cao đời sống thông qua việc tham gia vào các hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch. Mặt khác, phát triển du lịch còn góp phần thay đổi diện mạo và văn minh đô thị, từng bước xây dựng nông thôn mới, nông thôn văn minh lấy du lịch - dịch vụ làm cơ sở để phát triển bền vững, thịnh vượng.

2. Vị trí của du lịch Ninh Bình trong tổng thể du lịch vùng và cả nước

Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định tổ chức không gian du lịch Việt Nam gồm 7 vùng du lịch, trong đó Ninh Bình thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, và thành phố Ninh Bình là trung tâm của tiểu vùng Nam đồng bằng sông Hồng. 

Vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, với Thủ đô Hà Nội là trung tâm vùng, bao gồm 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh), nơi có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều tài nguyên du lịch đặc sắc mà tiêu biểu là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, Di sản văn hóa thế giới Hoàng Thành Thăng Long, Di sản hỗn hợp thế giới – Quần thể danh thắng Tràng An và các di sản văn hóa phi vật thể thế giới khác. Đây là những tài nguyên du lịch có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Với các trung tâm du lịch quan trọng là Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long; với nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Yên Tử (Quảng Ninh); Hoàng thành Thăng Long, Hương Sơn, Ba Vì, Cổ Loa (Hà Nội); Tràng An, Bái Đính, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, Vân Long, Cúc Phương… (Ninh Bình); Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng); Tam Đảo, Tây Thiên (Vĩnh Phúc); Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)…, trong thời gian qua, vùng đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc luôn thu hút một số lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế, trong đó tỷ lệ khách du lịch quốc tế đến vùng luôn đạt khoảng 35 - 40% số lượt khách đi lại giữa các địa phương trong cả nước.

So với các tỉnh, thành phố khác trong vùng, Ninh Bình là một tỉnh có diện tích không lớn, nhưng lại là nơi tập trung nhiều tài nguyên du lịch phong phú và đặc sắc bậc nhất, với nhiều địa danh nổi tiếng trong cả nước như Quần thể danh thắng Tràng An, vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, suối nước khoáng nóng Kênh Gà, nhà thờ đá Phát Diệm… Đây là những điểm tài nguyên du lịch rất có giá trị mà không phải địa phương nào cũng có được. Vì vậy, phát triển du lịch Ninh Bình sẽ là động lực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc và du lịch cả nước.

Đặt Ninh Bình trong bối cảnh phát triển của không gian thủ đô Hà Nội mở rộng và trong mối liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng, đặc biệt là với Hạ Long (Quảng Ninh) cho thấy, Ninh Bình có một vị trí quan trọng trong tam giác tăng trưởng du lịch Hà Nội - Hạ Long - Ninh Bình, khi đó Ninh Bình và Hạ Long sẽ trở thành các “đô thị du lịch vệ tinh” của Hà Nội với các sản phẩm du lịch hấp dẫn: “Hạ Long nước” và “Hạ Long cạn”; là một điểm đến quan trọng và hấp dẫn trong hành trình “kết nối các kinh đô cổ”, với các chương trình tham quan “du lịch về cội nguồn dựng nước và giữ nước, tìm hiểu văn hóa và lịch sử” của dân tộc Việt Nam.

Trong hệ thống tổng thể du lịch quốc gia và Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Ninh Bình luôn chiếm một vị trí quan trọng trong hệ thống không gian, tuyến, điểm du lịch quốc gia và vùng. Về các chỉ tiêu du lịch chủ yếu, Ninh Bình luôn nằm trong số các địa phương đón nhiều khách du lịch của cả nước. Trong phạm vi vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Ninh Bình là một trong bốn địa phương đón nhiều khách du lịch nhất; có tổng thu từ du lịch và hệ thống cơ sở lưu trú cao nhất…

Bảng 2: So sánh các chỉ tiêu du lịch của Ninh Bình với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc năm 2016

 

TT

Các chỉ tiêu du lịch

Đơn vị tính

Hà Nội

Hải Phòng

Quảng Ninh

Ninh Bình

1

Khách du lịch quốc tế

Lượt khách

4.000.000

759.000

3.500.000

715.000

2

Khách du lịch nội địa

Lượt khách

17.800.000

5.241.000

4.850.000

5.725.868

3

Tổng thu từ du lịch

Tỷ đồng

62.329

2.149,4

13.200

1.765,0

4

Cơ sở lưu trú du lịch

Buồng

45.778

9.423

20.479

5.748

5

Lao động du lịch

Người

88.000

13.180

120.000

18.000

6

Năng suất lao động

Triệu đồng/ người

708,3

163,1

110,0

98,0

Nguồn: Viện NCPT Du lịch

II. ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Khách du lịch

Trong những năm gần đây, nhờ chính sách đổi mới, mở cửa của Đảng và Nhà nước, hoạt động kinh doanh du lịch ở Ninh Bình bước đầu đạt kết quả đáng khích lệ. Địa bàn du lịch được mở rộng; các điểm danh thắng được tôn tạo, nâng cấp; hệ thống các cơ sở lưu trú du lịch được quan tâm đầu tư phát triển... đã tạo nên những chuyển biến rõ rệt trước hết về số lượng khách du lịch đến Ninh Bình. Đặc biệt trong khoảng 7 năm trở lại đây (2010 - 2017), tốc độ tăng trưởng trung bình khách du lịch đạt 12,45%/ năm. Đây thực sự là một dấu ấn tích cực đối với du lịch Ninh Bình nói riêng và cả vùng đồng bằng sông Hồng nói chung.

Bảng 3: Số lượng khách du lịch đến Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2017

                                                                                         Đơn vị: Ngàn lượt khách

Năm

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Tăng trưởng trung bình/năm

Tổng số khách

3.096,6

3.252,2

3.712,0

4.398,7

4.301,5

5.993,2

6.441,5

7.056,2

12,45%

Khách quốc tế

663,3

667,4

675,6

521,5

502,4

600,6

715,6

859,0

3,75%

Khách nội địa

2.433,3

2.584,8

3.036,4

3.877,2

3.799,1

5.392,6

5.725,9

6.197,2

14,30%

Nguồn: Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình

Để đạt được kết quả như vậy, ngành du lịch Ninh Bình đã chú trọng nhiều hơn cho công tác tuyên truyền quảng bá, tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đầu tư các dự án phát triển du lịch quy mô lớn... nên lượng khách du lịch đến Ninh Bình ngày một tăng, nhất là lượng khách du lịch nội địa. Khách du lịch nội địa luôn chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với lượng khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình, chiếm tỷ trọng khoảng 88,8% và với tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2017 là 14,3%/năm. Tính chung cho cả giai đoạn 2010 - 2017, lượng khách du lịch (cả khách quốc tế và khách nội địa) đến Ninh Bình đạt 12,45%/năm.

So sánh số lượng khách du lịch đến Ninh Bình và các tỉnh phụ cận trong khu vực như Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh… cho thấy, lượng khách du lịch đến Ninh Bình chiếm tỷ lệ khá cao, bởi Ninh Bình là tỉnh tập trung nhiều nguồn tài nguyên có giá trị như Quần thể danh thắng Tràng An, khu du lịch Cúc Phương, khu du lịch sinh thái Vân Long…, đặc biệt là tài nguyên du lịch tâm linh như khu núi chùa Bái Đính, đền vua Đinh, vua Lê, một số lễ hội lớn được tổ chức Ninh Bình như lễ hội Tràng An, lễ hội Hoa Lư, lễ hội đền Thái Vy... Nhìn chung, các điểm tài nguyên du lịch là thế mạnh của du lịch Ninh Bình so với các tỉnh phụ cận.

So sánh số lượng khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình với các tỉnh phụ cận trong giai đoạn 2010 - 2016 cho thấy, Ninh Bình luôn chiếm vị trí cao, chỉ đứng sau Quảng Ninh và Hải Phòng - những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Bảng 4: So sánh số lượng khách du lịch đến Ninh Bình với các tỉnh phụ cận giai đoạn 2010 - 2016

Đơn vị: Lượt khách

Tỉnh, thành phố

Loại khách

du lịch

Năm

Tăng trưởng TB (%/năm)

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

Ninh

Bình

Quốc tế

663.284

667.441

675.570

521.548

502.409

600.563

715.603

2,34

Nội địa

2.433.305

2.584.793

3.036.424

3.877.219

3.799.160

5.392.645

5.725.868

16,25

Tổng số

3.096.589

3.252.234

3.711.994

4.398.767

4.301.569

5.993.208

6.441.472

13,71

Nam Định

Quốc tế

4.650

5.123

5.635

6.150

8.650

9.500

11.500

16,29

Nội địa

293.800

371.987

444.061

454.695

486.350

550.000

752.000

16,96

Tổng số

298.450

377.110

446.696

460.845

495.000

559.500

763.500

16,95

Hà Nam

Quốc tế

9.500

11.500

12.100

12.900

13.650

15.700

16.600

9,75

Nội địa

175.500

260.000

437.900

537.000

636.350

850.000

916.666

31,72

Tổng số

185.000

271.500

450.000

549.900

650.000

865.700

933.266

30,96

Thanh Hóa

Quốc tế

34.980

43.000

60.100

84.970

100.670

127.000

454.500

53,33

Nội địa

2.965.020

3.322.000

3.639.900

4.005.030

4.435.330

5.403.000

5.822.500

11,90

Tổng số

3.000.000

3.365.000

3.697.000

4.090.000

4.536.000

5.530.000

6.277.000

13,10

Hải Phòng

Quốc tế

596.400

557.000

556.600

564.600

601.800

675.000

759.000

4,10

Nội địa

3.604.600

3.681.596

4.128.600

4.309.200

4.685.600

4.925.000

5.241.000

6,40

Tổng số

4.210.000

4.238.596

4.685.200

4.873.800

5.287.400

5.600.000

6.000.000

6,08

Quảng Ninh

Quốc tế

2.122.000

2.296.000

2.491.000

2.607.000

2.559.000

2.759.500

3.500.000

8,70

Nội địa

3.295.000

4.163.000

4.514.000

4.911.000

4.941.000

5.008.000

4.850.000

6,65

Tổng số

5.417.000

6.459.000

7.005.000

7.518.000

7.500.000

7.767.500

8.350.000

7,48

Nguồn: Viện NCPT Du lịch và Sở Du lịch Ninh Bình

1.1. Khách du lịch quốc tế

Khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình trong giai đoạn 2010 - 2017 có mức tăng trưởng thấp và không ổn định, có những năm nguồn khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình bị suy giảm (năm 2013, 2014). Sự suy giảm cục bộ này cũng nằm trong tình trạng chung của cả nước và quốc tế là do nền kinh tế thế giới có những biến động theo chiều hướng tiêu cực. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân khác như Ninh Bình chưa có những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh để có thể hấp dẫn khách du lịch phù hợp với xu thế chung của thị hiếu khách; hầu hết các công ty lữ hành chỉ coi các khu, điểm du lịch Ninh Bình là điểm dừng chân, điểm trung chuyển trên hành trình đến những điểm du lịch khác; mặt khác Ninh Bình cách Hà Nội không xa, nên phần lớn khách lựa chọn lưu trú ở Hà Nội – nơi có các điều kiện về dịch vụ tốt hơn, trong khi đó Ninh Bình chưa có nhiều dịch vụ du lịch bổ sung có chất lượng để hấp dẫn khách du lịch lưu trú dài ngày...

Mặc dù có những lúc suy giảm, nhưng tính chung trong giai đoạn 2010 - 2017, khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình vẫn gia tăng. Năm 2010, toàn tỉnh đã đón được 663.284 lượt khách quốc tế, đến năm 2017 đã tăng lên 859.030 lượt khách, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong thời kỳ 2010 - 2017 đạt 3,75%/năm. Tuy nhiên, nếu tính 1 - 2 năm gần đây thì tốc độ tăng trưởng đạt 19,0 - 19,6%/năm. Mặc dù có tốc độ tăng trưởng tương đối thấp như vậy, nhưng xuất phát điểm (năm 2010) cao nên số lượng khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình là khá cao so với các tỉnh phụ cận khác.

Bảng 5: Khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2017

Đơn vị: Ngàn lượt khách

Hạng mục

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Số lượt khách

663,3

667,4

675,6

521,5

502,4

600,6

715,6

859,0

Tỷ lệ % so với tổng số khách

21,4

20,5

18,2

11,9

11,7

10,0

11,1

12,2

Tổng số

3.096,6

3.252,2

3.712,0

4.398,7

4.301,5

5.993,2

6.441,5

7.056,2

Ngày lưu trú trung bình

1,99

1,47

1,53

1,82

1,57

1,52

1,48

1,67

Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình

Khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình chủ yếu đi bằng đường bộ theo tuyến quốc lộ 1A từ Hà Nội, các tỉnh, thành phố và đường cao tốc Bắc Nam đến. Ngoài ra, khách quốc tế đến Ninh Bình còn theo quốc lộ 10 từ các tỉnh, thành phố duyên hải Đông Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng.

Ngày lưu trú trung bình của khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình còn thấp, dao động trong khoảng 1,5 - 2,0 ngày. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, ngày lưu trú trung bình của khách quốc tế đến Ninh Bình giảm dần và chỉ đạt khoảng 1,67 ngày năm 2017. Điều này đã được phân tích ở phần trên là do Ninh Bình còn thiếu sản phẩm du lịch hấp dẫn, mang đặc thù riêng cho tỉnh cũng như của vùng, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… để có thể giữ chân được khách du lịch quốc tế ở lại Ninh Bình lâu hơn; mặt khác, Ninh Bình gần Hà Nội cho nên sau khi tham quan Ninh Bình, khách du lịch về Hà Nội để tiếp tục lịch trình tour...

Mục đích của phần lớn khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình là tham quan danh lam thắng cảnh, nghiên cứu, sinh thái, tìm hiểu văn hóa bản địa; còn khách đến với mục đích công vụ, hội nghị, hội thảo (MICE) còn khá ít.

1.2. Khách du lịch nội địa

Khách du lịch nội địa luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số khách du lịch đến Ninh Bình, trung bình hàng năm chiếm trên dưới 85%. Khách du lịch nội địa đến Ninh Bình tăng trưởng ổn định ở mức khá cao, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, cả tỉnh đón được gần 2,4 triệu lượt khách, đến năm 2017 tăng lên 6,197 triệu lượt khách. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2017 đạt 14,3%/năm.

Khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, khu du lịch quốc gia Tràng An, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động, khu du lịch sinh thái Vân Long... là những nơi thu hút nhiều khách du lịch nội địa đến Ninh Bình. Các điểm du lịch khác như Cúc Phương, Nhà thờ Phát Diệm… cũng thu hút ngày một nhiều khách du lịch nội địa vì điều kiện đi lại giữa các điểm du lịch của tỉnh khá thuận tiện.

Bảng 6: Khách du lịch nội địa đến Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2017

Đơn vị: Ngàn lượt khách

Hạng mục

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Số lượt khách

2.433,3

2.584,8

3.036,4

3.877,2

3.799,1

5.392,6

5.725,9

6.197,2

Tỷ lệ % so với tổng số khách

78,58

79,48

81,80

88,14

88,32

89,98

88,89

87,82

Tổng số

3.096,6

3.252,2

3.712,0

4.398,7

4.301,5

5.993,2

6.441,5

7.056,2

Ngày lưu trú trung bình

1,55

1,62

1,53

1,45

1,36

1,28

1,26

1,66

Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình

Khách du lịch nội địa đến Ninh Bình ngày càng tăng là do nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa tâm linh của người lao động trong cả nước, đặc biệt là từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc… ngày càng tăng. Khách du lịch nội địa đến Ninh Bình chủ yếu là dòng khách du lịch văn hóa tâm linh, tham quan lễ chùa Bái Đính, tham quan khu du lịch Tràng An; một số lượng lớn học sinh, sinh viên đi tham quan, picnic, dự trại hè tại Tam Cốc – Bích Động, Thung Nham, Thung Nắng, vườn quốc gia Cúc Phương, hồ Đồng Thái…; ngoài ra còn có nhiều đối tượng khách du lịch tham gia các chương trình lễ hội tại Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vy, đền Dâu, đền Quán Cháo...

Đối với khách du lịch nội địa, các sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cuối tuần… đang là thế mạnh của Ninh Bình. Theo thống kê của Ban quản lý khu du lịch Tràng An, khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, giai đoạn 2010 - 2016 khách du lịch nội địa đến đây tăng trưởng liên tục và tương đối ổn định, chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng số khách du lịch nội địa đến Ninh Bình. Năm 2016, khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính chiếm đến 48,5%; khu du lịch Tràng An chiếm 21% tổng số lượng khách đến Ninh Bình…

Khách du lịch nội địa đến Ninh Bình thường đi theo nhóm do các công ty du lịch, lữ hành tổ chức; do Công đoàn của các cơ quan, xí nghiệp tổ chức; hoặc tự tổ chức theo các nhóm... Ngày lưu trú trung bình của khách nội địa đến Ninh Bình nhìn chung vẫn còn thấp, chỉ đạt trung bình 1,3 - 1,7 ngày.

Cũng như khách quốc tế, nếu so sánh khách du lịch nội địa đến Ninh Bình với các tỉnh phụ cận thì Ninh Bình là địa phương đón được nhiều khách du lịch nội địa nhất. Những điểm du lịch của Ninh Bình thu hút được nhiều khách du lịch nội địa là các khu du lịch thuộc Quần thể danh thắng Tràng An (gồm khu du lịch tâm linh núi chùa Bái Đính, khu du lịch Tràng An, khu du lịch Tam Cốc - Bích Động), khu du lịch sinh thái Vân Long, khu du lịch Cúc Phương… Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch này thường đi trong ngày, hoặc có ngày lưu trú ngắn.

1.3. Khách du lịch lưu trú

          Mặc dù số lượng khách du lịch đến Ninh Bình là rất lớn, có mức tăng trưởng tương đối cao, nhưng số khách có lưu trú còn hạn chế. Năm 2010, trong tổng số khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình thì chỉ có 36.127 khách có lưu trú, chiếm xấp xỉ 5,5%); còn đối với khách du lịch nội địa là 183.339 khách, chiếm trên 7,5%. Năm 2017, khách quốc tế lưu trú là 150.574 khách, chiếm 17,5%; và khách nội địa là 623.819 khách, chiếm 10,1%. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khách du lịch ít lưu trú ở Ninh Bình là: Ninh Bình ở gần Hà Nội, giao thông đi lại thuận tiện nên khách thường lựa chọn lưu trú ở Hà Nội (có điều kiện về dịch vụ tốt hơn), trong khí đó sản phẩm du lịch của Ninh Bình còn đơn điệu, chưa có sức hấp dẫn khách du lịch ở lại…

Bảng 7: Khách du lịch có lưu trú ở Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2017

Đơn vị: Lượt khách

Hạng mục

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Khách quốc tế

 

 

 

 

 

 

 

 

Số khách đến

663.284

667.441

675.570

521.548

502.409

600.563

715.603

859.030

Khách lưu trú

36.127

53.334

67.404

73.038

81.609

86.202

112.895

150.574

Tỷ lệ  so với tổng số (%)

5,5

8,0

10,0

14,0

16,2

14,4

15,8

17,5

Ngày lưu trú trung bình (ngày)

1,99

1,47

1,53

1,82

1,57

1,52

1,48

1,67

Khách nội địa

 

 

 

 

 

 

 

 

Số khách đến

2.433.305

2.584.793

3.036.424

3.877.219

3.799.160

5.392.645

5.725.868

6.197.205

Khách lưu trú

183.339

183.695

200.332

179.771

225.567

334.107

441.714

623.819

Tỷ lệ  so với tổng số (%)

7,5

7,1

6,6

4,6

5,9

6,2

7,7

10,1

Ngày lưu trú trung bình (ngày)

1,55

1,62

1,53

1,45

1,36

1,28

1,26

1,66

Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình

2. Tổng thu từ du lịch

          Tổng thu từ du lịch bao gồm tất cả các khoản thu từ khách du lịch như lưu trú, ăn uống, vận chuyển, dịch vụ lữ hành, hướng dẫn, mua sắm hàng lưu niệm và các dịch vụ bổ sung khác... Trong những năm qua, ở Ninh Bình nói riêng và cả nước nói chung, tổng thu từ du lịch chưa được thống kê một cách đầy đủ bởi hoạt động kinh doanh còn phân tán, một số dịch vụ kinh doanh theo mùa vụ như các dịch vụ bán hàng tại các điểm du lịch và từ các ngành khác được hưởng từ khách du lịch như bưu chính viễn thông, thương mại, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải... Do đó tổng thu từ du lịch đã được thống kê chưa phản ánh đúng thực chất phát triển.

Cùng với sự gia tăng về số lượng khách du lịch, tổng thu từ du lịch của Ninh Bình có mức tăng trưởng rất cao trong giai đoạn 2010 - 2017, với nhịp độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 24,3%/năm (không tính đến các yếu tố trượt giá của VND). Năm 2010, tổng thu từ du lịch của Ninh Bình đạt được 551.427 triệu đồng thì đến năm 2017 đã lên tới 2.528.284 triệu đồng; tăng gấp 4,58 lần. Với xu thế hiện nay, cùng với sự gia tăng của số lượng khách, chắc chắn trong những năm tới tổng thu từ du lịch của Ninh Bình sẽ gia tăng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, do mức chi tiêu bình quân của khách còn thấp và có xu hướng giảm nên tổng thu từ du lịch chung còn hạn chế hơn so với tổng lượng khách đến Ninh Bình. Để tăng tổng thu từ du lịch thời gian tới, ngành du lịch Ninh Bình cần có các giải pháp thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và tăng cường các dịch vụ bổ sung, nhất là những dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm hàng hóa, xây dựng sản phẩm du lịch đặc sắc, nổi trội để kéo dài thời gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách.

Bảng 8: Tổng thu từ du lịch của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2017

          Đơn vị: Triệu đồng

Hạng mục

2010

2011

2012

2103

2014

2015

2016

2017

Tăng TB (%/năm)

Tổng số

551.427

654.148

778.957

897.446

942.779

1.420.973

1.764.965

2.528.284

24,30

Từ khách quốc tế

212.225

263.001

215.762

215.931

220.380

266.774

364.590

549.757

14,60

Tỷ lệ %

38,49

40,21

27,70

24,06

23,38

18,77

20,66

21,74

-

Từ khách nội địa

339.202

391.147

563.195

681.514

722.399

1.154.199

1.400.375

1.978.527

28,65

Tỷ lệ %

61,51

59,79

72,30

75,94

76,62

81,23

79,34

78,26

-

Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình

Về cơ cấu chi tiêu của khách du lịch: Trong những năm qua, du lịch Ninh Bình chủ yếu đáp ứng một phần nhu cầu đó là lưu trú, ăn uống và vận chuyển khách. Dịch vụ lữ hành, hướng dẫn đưa các đoàn đi tham quan danh lam thắng cảnh, hang động; lễ chùa... còn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thu từ du lịch. Do vậy, lượng khách này thường đi trong ngày, thời gian lưu lại không lâu, ảnh hưởng không nhỏ tới tổng thu của ngành du lịch.

Hiện nay, ở Ninh Bình, trung bình mỗi ngày khách chi tiêu còn thấp. Năm 2016, trung bình một khách du lịch quốc tế đến tỉnh Ninh Bình chi tiêu mỗi ngày khoảng 770.000 đồng (tương đương 35USD) đối với khách lưu trú và 400.000 đồng (tương đương 18USD) đối với khách không lưu trú; còn đối với khách nội địa, các chỉ tiêu tương ứng là 550.000 đồng (tương đương 25USD) và 210.000 đồng (tương đương 9,5USD). Phần lớn khách du lịch chi tiêu vào dịch vụ lưu trú và ăn uống; mua sắm hàng hóa, một số đồ thủ công mỹ nghệ, đồ lưu niệm...

3. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch

Cơ sở vật chất kỹ thuật đóng góp một phần quan trọng trong quá trình phục vụ khách du lịch. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch đáp ứng các nhu cầu của khách du lịch về lưu trú, ăn uống, vận chuyển, các điều kiện về vui chơi giải trí và các dịch vụ khác...

3.1. Cơ sở lưu trú du lịch

- Số lượng: Trong giai đoạn 2010 - 2017, hệ thống cơ sở lưu trú tỉnh Ninh Bình đã phát triển với tốc độ nhanh. Năm 2010, cả tỉnh chỉ có 187 cơ sở lưu trú đi vào hoạt động với 3.041 buồng; đến năm 2017 đã tăng lên 463 cơ sở với tổng số 5.999 buồng. Tốc độ tăng trưởng trung bình cho giai đoạn 2010 - 2017 về số cơ sở là 13,8%/năm; về số buồng là 10,2%/năm. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, hệ thống cơ sở lưu trú của Ninh Bình đang phát triển cả về số lượng, chất lượng. Tuy nhiên, sự phát triển của các cơ sở lưu trú du lịch còn mang tính tự phát, chưa theo quy hoạch nên chất lượng kinh doanh dịch vụ lưu trú chưa cao, chưa phù hợp với xu thế phát triển, chưa đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, trong tỉnh vẫn còn thiếu những khách sạn thương mại và khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp 4-5 sao.

Cơ sở lưu trú ở Ninh Bình tập trung chủ yếu ở thành phố Ninh Bình (119 cơ sở), huyện Hoa Lư (24 cơ sở), huyện Gia Viễn (18 cơ sở)... Đây là những khu vực có tiềm năng và hoạt động du lịch tương đối phát triển. Nhìn chung, cơ sở lưu trú trên địa bàn còn có quy mô nhỏ, dịch vụ bổ sung và chất lượng lượng phục vụ còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ và đa dạng; số cơ sở được thẩm định xếp hạng từ 1 - 5 sao mới chỉ chiếm khoảng 12,1% (năm 2017). 

Bảng 9: Hiện trạng cơ sở lưu trú du lịch của tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2017

 

Hạng mục

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Tăng TB (%/năm)

Số cơ sở

187

224

235

276

286

390

423

463

13,80

Số buồng

3.041

3.564

3.628

4.102

4.508

5.353

5.748

5.999

10,20

Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình

- Chất lượng: Tính đến hết năm 2017, Ninh Bình mới có 4 khách sạn từ 3 - 4 sao (1 khách sạn 3 sao và 3 khách sạn 4 sao), với tổng số 326 buồng (trong đó khách sạn Hoàng Sơn 4 sao có 137 buồng; khách sạn Legend 4 sao có 108 buồng; và khách sạn Yến Nhi 3 sao có 81 buồng); 27 khách sạn 2 sao với tổng số 972 buồng; 14 khách sạn 1 sao với tổng số 260 buồng. Tổng số khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1 - 5 sao chiếm 12,1% trong tổng số cơ sở lưu trú du lịch và 27,1% trong tổng số buồng phục vụ khách du lịch của tỉnh.

Ngoài ra, ở Ninh Bình còn có những khu nghỉ dưỡng cao cấp, điển hình như: Ninh Binh Hidden Charm Hotel & resort, Emeralda resort Ninh Binh, Tam Coc garden resort, Cuc Phuong resort & Villas. Đây là những khu nghỉ dưỡng có lượng khách đến khá ổn định, loại hình cơ sở lưu trú du lịch này thường đón và phục vụ những khách du lịch có khả năng chi trả cao, và có thời gian lưu trú dài ngày hơn... Hơn nữa, việc người dân tham gia cung cấp dịch vụ lưu trú tại nhà (homestay) ở khu vực Tam Cốc - Bích Động và một số điểm du lịch khác của tỉnh ngày càng gia tăng, chất lượng ngày càng cải thiện cũng đóng vai trò quan trọng trong cung cấp dịch vụ lưu trú cho khách du lịch, đa dạng hóa sản phẩm du lịch và góp phần nâng cao sinh kế cho người dân địa phương.

Chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nhìn chung đã được cải thiện nhưng thực sự vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay; còn thiếu những khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 – 5 sao; các cơ sở lưu trú du lịch khác mới chỉ đáp ứng được các nhu cầu tối thiểu của khách du lịch. Trang thiết bị ở một số khách sạn không đồng bộ, đã cũ và đang dần xuống cấp. Một số buồng nghỉ ở các khách sạn tư nhân còn hẹp, bài trí thiết kế nội ngoại thất chưa hợp lý, vệ sinh chưa đảm bảo theo yêu cầu. Ngoài dịch vụ lưu trú và ăn uống, ở một số khách sạn hiện nay phát triển thêm các dịch vụ mới như massage, karaoke, bể bơi...

Phần lớn các cơ sở lưu trú du lịch trong tỉnh quy mô còn nhỏ (dưới 10 buồng), thuộc các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn nhân lực được đào tạo từ các chuyên ngành khác sang quản lý hoạt động kinh doanh du lịch, trình độ quản trị du lịch, khách sạn còn yếu. Do vậy, việc tổ chức kinh doanh du lịch nói chung còn nhiều hạn chế về nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học, quảng bá, xúc tiến, xây dựng thị trường và phát triển sản phẩm du lịch.

 - Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê: Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) là loại hình cơ sở lưu trú du lịch còn mới mẻ, song thực sự khẳng định được ưu thế, thu hút những khách du lịch ham mê khám phá và muốn trải nghiệm cuộc sống. Homestay là một dạng cơ sở lưu trú du lịch khá phát triển hiện nay ở Ninh Bình, trong đó có nhiều cơ sở đang phát triển mạnh và thu hút được khá nhiều lượng khách du lịch đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm lại loại hình du lịch này.

Hiện nay, Ninh Bình đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng (homestay) trên phạm vi rộng nhằm khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương. Cùng với nghề trồng lúa nước, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm…, người dân nơi đây còn làm thêm nghề phụ cung cấp dịch vụ du lịch, từ tổ chức đón tiếp đến giới thiệu, quảng bá các giá trị thiên nhiên, văn hóa đặc sắc của địa phương đến với du khách. Bởi vậy, du khách khi đến đây, có dịp được trải nghiệm các sinh hoạt hàng ngày cùng người dân như: đi chợ, nấu ăn, xay lúa, giã gạo, cuốc đất, tát nước bằng gầu sòng, gầu dây, cất vó, bắt cua...

3.2. Cơ sở vui chơi giải trí

Các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, dịch vụ phục vụ khách du lịch ở Ninh Bình nhìn chung còn rất hạn chế. Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chưa có khu vui chơi giải trí đích thực nào có thể phục vụ được nhu cầu giải trí cho khách du lịch, nhất là vào buổi tối. Ở các khách sạn lớn (3 - 4 sao), những dịch vụ bổ sung thường chỉ bao gồm: massage, tennis, bể bơi, phòng karaoke... Gần đây, tỉnh Ninh Bình cũng đã chú trọng quy hoạch một số khu vui chơi giải trí, nhưng các dự án này tập trung chủ yếu ở thành phố Ninh Bình, ở nơi khác chưa có các cơ sở vui chơi giải trí. Sự hạn chế về các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, một mặt đã không kích thích được khả năng chi tiêu của khách, mặt khác đã hạn chế thời gian lưu trú của họ, hạn chế khả năng thu hút khách du lịch đến với tỉnh Ninh Bình. Đây là một trong những nguyên nhân khách du lịch lưu trú ở Ninh Bình ngắn ngày, ảnh hưởng đến mức chi tiêu...

4. Nguồn nhân lực du lịch

4.1. Số lượng

Hiện tại (năm 2017), trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có khoảng 19.420 lao động (trong đó có 5.350 lao động trực tiếp) đang làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh. Lực lượng lao động chủ yếu làm việc ở các cơ sở lưu trú và ăn uống (lễ tân, buồng, bàn, bar, bếp), và tại các khu vực vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ bổ sung khác.

Tổng số lao động tại các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch có xu hướng tăng: năm 2010 tổng số lao động là 8.550 lao động cả trực tiếp và gián tiếp, đến năm 2017 con số này tăng lên 19.420 người, tốc độ tăng trưởng trung bình trong 7 năm qua là 12,45%/năm.

Bảng 10: Hiện trạng nguồn nhân lực trong ngành du lịch tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2017

Đơn vị tính: Lao động

Hạng mục

2010

2011

2012

2013

2014

2015

2016

2017

Tăng TB (%/năm)

Tổng số

8.550

10.100

11.000

12.000

15.500

16.500

18.000

19.420

12,45

Lao động trực tiếp

1.892

2.201

2.300

2.640

3.500

3.850

4.200

5.350

16,00

Lao động  gián tiếp

6.658

7.899

8.700

9.360

12.000

12.650

13.800

14.070

11,30

Nguồn: Sở Du lịch Ninh Bình

Xét về cơ cấu lao động theo giới tính thì tỷ lệ lao động nữ luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với lao động nam vì tính chất đặc thù của du lịch là một ngành khá tỷ mỉ, cần những bàn tay khéo léo của phụ nữ như những công việc buồng, bàn, bar…

4.2. Về phân theo ngành nghề

Năm 2017, trong cơ cấu lao động theo nghề nghiệp, lĩnh vực lưu trú và ăn uống chiếm 74,3%; lữ hành và vận chuyển chiếm 3,1%. Về chuyên môn nghiệp vụ, lao động phục vụ buồng chiếm tỷ lệ cao nhất với 25,63%; lao động phục vụ trong nhà hàng - bar chiếm 16,24%; lao động tại bộ phận lễ tân chiếm 17,67%; lao động chế biến món ăn chiếm tỷ lệ thấp nhất 7,85%.

4.3. Về công tác đào tạo và nâng cao nghiệp vụ du lịch

Để tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch, Sở Du lịch Ninh Bình đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội, các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về du lịch cho lực lượng lao động tham gia hoạt động du lịch. Từ năm 2010 đến nay đã tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho hơn 15.000 lượt người dân tham gia hoạt động du lịch tại các khu, điểm du lịch; 15 lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý cơ sở lưu trú du lịch và nghiệp vụ buồng, bàn, bar cho 695 lao động làm việc tại các cơ sở lưu trú du lịch; 3 khóa trung cấp các nghiệp vụ buồng, bàn, hướng dẫn, lễ tân cho 526 sinh viên.

5. Đầu tư phát triển du lịch

Trong những năm gần đây, nhận thức của các ngành, các cấp và của nhân dân về phát triển du lịch đã được cải thiện. Nguồn lợi kinh tế mà ngành du lịch đem lại cho các ngành kinh tế khác là hết sức to lớn và rõ nét hơn. Đây không chỉ là động lực thúc đẩy, mà còn có sức lan tỏa hỗ trợ các ngành kinh tế khác phát triển. Nhận thức rõ vai trò to lớn về nguồn lợi kinh tế mà ngành du lịch mang lại, các cấp chính quyền địa phương có nguồn tài nguyên du lịch đều định hướng lấy du lịch làm ngành mũi nhọn cho địa phương mình. Ngoài lợi ích về kinh tế, ngành du lịch còn mang lại cho nhân dân nhiều lợi ích khác về mặt xã hội như giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, hạ tầng được đầu tư, bảo vệ được cảnh quan, giữ gìn bản sắc văn hóa bản địa…

Chính vì thế, để kích thích ngành du lịch phát triển nhanh, mạnh và bền vững, cần thu hút vốn đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Thời gian qua, các cấp chính quyền của tỉnh Ninh Bình đã rất quan tâm đến việc thu hút đầu tư phát triển du lịch thành động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển.

5.1. Đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch

Thời gian qua, được sự hỗ trợ từ ngân sách địa phương và nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch của ngân sách trung ương, một số hạng mục đã được quan tâm đầu tư phát triển, nguồn vốn này được coi như là nguồn vốn “mồi” góp phần quan trọng vào việc thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đến với Ninh Bình.

Bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, với phương châm “xã hội hóa du lịch”, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp, cá nhân cùng đầu tư phát triển du lịch. Do vậy, trong 5 năm qua, toàn tỉnh đã thu hút 33 dự án của các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực du lịch với số vốn đăng ký trên 12.568 tỷ đồng. Tiêu biểu là Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ vào khu du lịch sinh thái Thung Nham với tổng số vốn 23,1 tỷ đồng; Khu dịch vụ trung tâm thành phố Ninh Bình đã thu hút 11 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư 2.654 tỷ đồng bằng nguồn vốn của các doanh nghiệp…

Việc thu hút các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn gặp nhiều khó khăn, các nhà đầu tư còn ít quan tâm đến việc bỏ vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng du lịch, vì tâm lý chung đều cho rằng Nhà nước phải đảm nhiệm các công việc trên, còn các nhà đầu tư chỉ chú trọng những lĩnh vực đầu tư hoạt động kinh doanh như khách sạn, nhà hàng... để khai thác ngay. Do đó, nguồn vốn khác đầu tư cho cơ sở hạ tầng du lịch trong giai đoạn này còn thấp. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh Ninh Bình đã vận dụng một số chính sách, cơ chế nhằm thu hút các nguồn đầu tư như: chính sách đổi đất lấy hạ tầng; chính sách thu hút đầu tư; chính sách khuyến khích phát triển du lịch; quy định thủ tục, trình tự, thời gian xét duyệt cấp giấy phép đầu tư cho các dự án và giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa... Các chính sách này được ban hành, từng bước sẽ phát huy hiệu quả trong giai đoạn tới.

5.2. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch 

          Nhận thức được vai trò quan trọng của du lịch trong nền kinh tế quốc dân, và đặc biệt trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, Đảng và Nhà nước đã xác định “phát triển du lịch thực sự trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước”. Cùng với đó, du lịch Ninh Bình cũng từng bước xây dựng và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trong tỉnh và của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương, 5 năm qua đã có nhiều dự án, công trình văn hóa phục vụ phát triển du lịch được Nhà nước đầu tư trên địa bàn tỉnh Ninh Bình như: Dự án xây dựng các hạng mục hạ tầng khu du lịch sinh thái Tràng An; Dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Dự án xây dựng quảng trường và sân lễ hội phía trước đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành... với tổng kinh phí trên 9 nghìn tỷ đồng.

Một số dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch tiểu biểu như: Công ty Cổ phần Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tư vấn đầu tư (Inconess) đầu tư xây dựng khu du lịch hồ Đồng Thái (trên diện tích 2.185ha) và trung tâm du lịch thể thao sân golf 54 hố hồ Yên Thắng (trên diện tích 740ha) tại địa bàn 4 xã huyện Yên Mô (Yên Thái, Yên Thắng, Yên Đồng, Yên Thành) và xã Đông Sơn thành phố Tam Điệp với tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD; Dự án xây dựng sân golf Tràng An 18 hố cùng với các dịch vụ bổ sung khác như khu biệt thự, nhà hàng, sân tập, sân tennis, bể bơi… xã ở Kỳ Phú, huyện Nho Quan. Các dự án đầu tư du lịch này đã góp phần tạo nên một diện mạo mới, chất lượng mới cho các sản phẩm du lịch ở Ninh Bình trong thời gian qua. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch, tỉnh Ninh Bình đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn cao cấp, tiêu biểu như: Nhà hàng Cung đình Ngọc Minh (thành phố Ninh Bình), Nhà hàng Hoàng Giang (huyện Hoa Lư) và các cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, mua sắm, như siêu thị Big C, siêu thị Vinmart…

Các khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh như Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Khu du lịch Tràng An, Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, Khu du lịch tâm linh chùa Bái Đính, Khu du lịch sinh thái hồ Đồng Chương, Khu du lịch sinh thái vườn chim Thung Nham, Khu du lịch sinh thái Động Thiên Hà… tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cấp phục vụ nhu cầu du khách. Hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch cơ bản được hoàn thiện và thường xuyên được bảo trì, hạn chế xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông vào mùa lễ hội, du lịch. Các loại hình du lịch thế mạnh của Ninh Bình như du lịch sinh thái, du lịch văn hóa lễ hội - tâm linh, du lịch cộng đồng (homestay), du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông thôn… tiếp tục được phát triển. Một số tour, tuyến du lịch mới như: tuyến du lịch Hành Cung Vũ Lâm - suối Tiên (khu du lịch sinh thái Tràng An); tour du lịch “Bái Đính về đêm - Động Thiên Hà”, khu du lịch sinh thái Vườn chim Thung Nham... được đưa vào khai thác đã tạo thêm nhiều lựa chọn và thu hút đông đảo du khách.

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các nhà hàng, khách sạn, hình thành mạng lưới dịch vụ du lịch đa dạng, phong phú, đảm bảo chất lượng. Tính đến 31/12/2017 toàn tỉnh có 463 cơ sở lưu trú với 5.999 buồng nghỉ, trong đó có 4 khách sạn được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 - 4 sao và 6 khách sạn khác được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn 3 - 5 sao đang vận hành thử và hoàn thiện hồ sơ để được công nhận và xếp hạng. Các cơ sở lưu trú du lịch không ngừng tăng cường duy tu bảo dưỡng trang thiết bị, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên nên chất lượng dịch vụ ở các cơ sở lưu trú đã tốt hơn so với những năm trước, bước đầu mang lại sự hài lòng cho khách du lịch. Loại hình nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) phát triển khá nhanh, nhất là các xã Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Xuân (huyện Hoa Lư), Gia Sinh, Gia Vân (huyện Gia Viễn)…

Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Quyết định số 1355/QĐ - UBND ngày 10/12/2015 về việc phê duyệt danh mục các dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư du lịch giai đoạn 2016 – 2020 của tỉnh Ninh Bình. Theo đó, có 9 dự án đầu tư về du lịch với tổng số vốn đầu tư vào khoảng 635 triệu USD (trong đó có 5 dự án ưu tiên đầu tư và 4 dự án kêu gọi đầu tư).

Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy việc thu hút đầu tư vào du lịch vẫn còn nhiều bất cập, đó là hạ tầng kỹ thuật du lịch còn thiếu đồng bộ. Nguồn vốn của các dự án đầu tư du lịch bị ảnh hưởng do Chính phủ thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ; chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa đồng bộ đã tác động không nhỏ đến tiến độ đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Trong khi đó, nhà đầu tư gặp khó khăn về tài chính dẫn tới một số dự án du lịch bị chậm tiến độ (một số khách sạn, khách sạn nghỉ dưỡng tại khu dịch vụ khách sạn trung tâm thành phố Ninh Bình, huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn). Sức hấp dẫn của du lịch Ninh Bình chủ yếu vẫn dựa vào những lợi thế tự nhiên sẵn có, sản phẩm và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn đơn điệu; chất lượng dịch vụ, nhất là dịch vụ ăn, nghỉ còn thấp; các khu du lịch thiếu nhiều dịch vụ bổ sung như dịch vụ vui chơi giải trí, văn hóa, mua sắm... điều đó làm giảm sức hút đối với du khách, lượng khách lưu trú, nhất là khách quốc tế tăng trưởng chậm...

6. Sản phẩm du lịch

          Với nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc, phong phú và đa dạng…, trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã từng bước đầu tư khai thác và phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù riêng, bước đầu đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Các sản phẩm du lịch chủ yếu đang được khai thác bao gồm:

+ Hệ thống sản phẩm du lịch gắn với Quần thể danh thắng Tràng An

- Du lịch tham quan, nghiên cứu di sản thế giới Tràng An

- Du lịch tham quan Làng Thổ dân - phim trường Kong: Skull Island và Hành cung Vũ Lâm

- Du lịch tham quan các hang động

- Du lịch văn hóa tâm linh (Cố đô Hoa Lư, đền Thái Vi, đền Suối Tiên…)

- Du lịch sinh thái

- Du lịch cộng đồng…

+ Hệ thống sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh

- Du lịch tham quan, văn hóa tâm linh Chùa Bái Đính

- Du lịch tham quan, văn hóa tâm linh đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn), đền thờ Đức Thánh Nguyễn

- Du lịch tham quan, văn hóa tâm linh Thung Lá, Thung Lau, Chùa Địch Lộng.

- Du lịch tham quan Nhà thờ đá Phát Diệm

- Du lịch tham quan nghiên cứu các di tích văn hóa, lịch sử…

+ Hệ thống sản phẩm du lịch sinh thái

- Du lịch nghiên cứu các hệ sinh thái rừng nguyên sinh (Cúc Phương)

- Du lịch nghiên cứu các hệ sinh thái đất ngập nước (Vân Long, Kim Sơn)

- Du lịch sinh thái nông nghiệp (Gia Vân, Gia Hòa - huyện Gia Viễn)…

+ Sản phẩm du lịch làng nghề

- Du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề cói Kim Sơn

- Du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề gốm Bồ Bát

- Du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân

- Du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề thêu ren Ninh Hải

- Du lịch tham quan, trải nghiệm làng nghề gỗ Phú Lộc…

     + Sản phẩm du lịch lễ hội truyền thống

- Du lịch tham quan, trải nghiệm lễ hội Chùa Bái Đính

- Du lịch tham quan, trải nghiệm lễ hội Hoa Lư (lễ hội Trường Yên)

- Du lịch tham quan, trải nghiệm lễ hội đền Thái Vy

- Du lịch tham quan, trải nghiệm lễ hội Tràng An

- Du lịch tham quan, trải nghiệm lễ hội chùa Địch Lộng…

+ Sản phẩm du lịch đô thị

- Du lịch tham quan Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế; các công trình văn hóa, thể thao, du lịch... (TP.Ninh Bình)

- Du lịch hội nghị, hội thảo (du lịch MICE) gắn với các đô thị (TP.Ninh Bình, Tam Điệp...)

- Du lịch tham quan, mua sắm ở các trung tâm thương mại (Big C...); du lịch vui chơi giải trí

- Du lịch văn hóa ẩm thực đường phố, chợ đêm, phố đi bộ... (TP.Ninh Bình, Tam Điệp...)

- Du lịch “City tour” TP.Ninh Bình...

7. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch

Trong thời gian qua, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình đã được sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình. Ngành du lịch Ninh Bình đã chú trọng đầu tư cho nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở trong nước và nước ngoài như chủ động tổ chức các buổi hội thảo khoa học nhằm giới thiệu các tiềm năng, các cơ hội, các chính sách đầu tư phát triển du lịch ở Ninh Bình; tọa đàm về liên kết phát triển du lịch giữa Ninh Bình với các tỉnh, thành phố trong vùng…; đồng thời tham gia các hội chợ, triển lãm về du lịch ở trong nước cũng như quốc tế.

Các hoạt động liên quan đến xúc tiến, quảng bá du lịch Ninh Bình đã được thực hiện trong thời gian qua, bao gồm:

- Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể danh thắng Tràng An được chú trọng đầu tư cả về kinh phí, phương thức tổ chức, đạt nhiều hiệu quả tích cực. Quảng bá trên các phương tiện thông tin truyền thông, trên website bằng 4 ngôn ngữ Anh, Pháp, Nhật, Việt; thu hút 4.870.000 lượt khách truy cập, tăng 75,18% so với cùng kỳ năm 2015. Quảng bá trên các kênh truyền hình, báo, tạp chí trong nước và quốc tế như: Tạp chí Du lịch Việt Nam, VTV2, VTC1, VTC2, VTC4, VTC9 của Đài truyền hình Việt Nam, kênh truyền hình Nhật Bản TBS, NHK, CNN…

- Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Ninh Bình có chuyên mục “Du lịch Ninh Bình” và “Du lịch qua Radio”; Đài truyền thanh huyện Hoa Lư có chuyên mục “Du lịch Hoa Lư”; Đài truyền thanh huyện Yên Mô có chuyên mục “Tìm hiểu về du lịch quê hương”; Đài truyền thanh huyện Kim Sơn có chuyên mục “Tìm hiểu về phong cảnh và con người Ninh Bình”… nhằm giới thiệu cho khách du lịch về tiềm năng, các điểm tham quan du lịch, các sản phẩm và dịch vụ du lịch… của mỗi địa phương nói riêng và toàn tỉnh Ninh Bình nói chung.

- Tổ chức đón các đoàn làm phim nổi tiếng trên thế giới (đoàn làm phim thuộc hãng Legendary Pictures - Hoa Kỳ; đoàn làm phim Game show - Bỉ; hãng sản xuất chương trình truyền hình World Race Produtions; đoàn làm phim Công ty TNHH Ba Sắc Cầu Vồng…) đến ghi hình tại Ninh Bình, qua đó đã đưa những hình ảnh về mảnh đất, con người Ninh Bình thân thiện, mến khách đến với khách du lịch trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư và du khách trong việc giữ gìn và bảo vệ phát huy giá trị tài nguyên du lịch.

- Sở Du lịch Ninh Bình đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh, với Hiệp hội Du lịch Ninh Bình… trong việc đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch tại chương trình các Năm Du lịch quốc gia; hội thảo, hội chợ du lịch quốc tế: Hội chợ quốc tế tại Berlin (Đức), hội chợ du lịch quốc tế ITE tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM tại Hà Nội, Hội chợ du lịch Quốc tế Đà Nẵng, Hội chợ thương mại Festival Huế, Lễ hội Hoa Lư...; tổ chức các chương trình famtrip mời các hãng lữ hành, cơ quan báo chí đến Ninh Bình nghiên cứu, khảo sát, tọa đàm, xây dựng sản phẩm du lịch mới giới thiệu cho khách du lịch như Chương trình famtrip “Về với Cố Đô Ngàn Lau”, Hội nghị “Đẩy mạnh liên kết xúc tiến quảng bá Du lịch Ninh Bình với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Hồng và phụ cận năm 2016” với sự tham dự của 17 đơn vị làm xúc tiến du lịch các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Hồng và phụ cận…

- Trong năm 2017 đã xuất bản trên 13.600 ấn phẩm, tài liệu; cung cấp trên 20.000 tài liệu ấn phẩm tuyên truyền, quảng bá du lịch Ninh Bình tại các lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo, các sự kiện du lịch lớn trong và ngoài tỉnh; tư vấn trực tuyến và cung cấp thông tin du lịch Ninh Bình cho 4.300 lượt du khách và các công ty lữ hành xin tư vấn du lịch thông qua điện thoại và hộp thư điện tử; thay mới 4 cụm panô quảng cáo du lịch tấm lớn để tuyên truyền quảng bá du lịch Ninh Bình, tạo ấn tượng tốt đẹp cho nhân dân và du khách đến tham quan.

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng nhìn chung công tác xúc tiến, quảng bá du lịch của Ninh Bình còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao do kinh phí đầu tư thấp; các ấn phẩm quảng bá cho du lịch chung của tỉnh còn ít về số lượng, quy mô còn nhỏ hẹp, nội dung và hình thức còn đơn giản, chưa phù hợp với các thị trường khách khác nhau; việc tiếp cận các thị trường khách quốc tế còn nhiều hạn chế, việc nghiên cứu, lồng ghép giữa phát triển sản phẩm với các hoạt động xúc tiến, quảng bá còn chưa nhịp nhàng; mặt khác ngành du lịch Ninh Bình chưa xây dựng được chiến lược xúc tiến quảng bá du lịch để từ đó có những chương trình hành động cụ thể cho các bên tham gia hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch một cách hiệu quả.

8. Công tác thông tin, hỗ trợ khách du lịch

Sở Du lịch đã phối hợp với Trung tâm Thông tin VNPT Ninh Bình xây dựng và đưa vào sử dụng trang thông tin điện tử của Sở Du lịch Ninh Bình với tên miền cấp 4 là: www.sodulich.ninhbinh.gov.vn.; đồng thời tổng hợp, đăng tải các thông tin về du lịch của tỉnh như tài nguyên du lịch, các điểm tham quan du lịch, hệ thống các dịch vụ du lịch, thông tin hỗ trợ du khách, đặc biệt là 17 thủ tục hành chính công theo thẩm quyền giải quyết của Sở, các văn bản pháp luật nhà nước liên quan, các bộ tiêu chí nghiệp vụ lưu trú, lữ hành… để khách du lịch, các tổ chức, cá nhân, đơn vị kinh doanh du lịch truy cập thông tin. Trong năm 2017, các trang website của ngành thu hút hơn 7.000.000 lượt khách truy cập.

Công tác hỗ trợ khách du lịch được các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương quan tâm trong việc cung cấp thông tin về điểm đến du lịch, các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch. Các thông tin này được đăng tải trên trang website hotrodukhachninhbinh.vn để hỗ trợ khách và doanh nghiệp du lịch, trong năm 2017 đã có hơn 841.087 lượt truy cập.

Công tác tư vấn, hỗ trợ du khách: Sở Du lịch đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Trung tâm hỗ trợ khách du lịch với 3 trạm hỗ trợ khách du lịch tại Bái Đính, Tràng An, Tam Cốc - Bích Động. Trung tâm hỗ trợ khách du lịch đã phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ khách du lịch và đảm bảo an ninh, an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch… được triển khai kịp thời đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Trong năm 2017, đã hỗ trợ trực tiếp cho 56.300 lượt khách tại các Trạm hỗ trợ khách du lịch (trong đó có 22.000 lượt khách quốc tế và 34.300 lượt khách nội địa) và hỗ trợ 6.800 lượt khách qua số điện thoại đường dây nóng và hộp thư điện tử.

9. Công tác quản lý nhà nước về du lịch

Du lịch được coi là một ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp. Do đó, công tác quản lý nhà nước về du lịch phải đảm bảo phối hợp được với các cấp, các ngành liên quan nhằm thúc đẩy du lịch phát triển. Bộ máy quản lý Nhà nước về du lịch từ Trung ương đến địa phương đang dần được hoàn thiện và phát huy chức năng quản lý Nhà nước về du lịch. Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Sở Du lịch Ninh Bình (trước đây là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiều việc liên quan đến công tác quản lý các hoạt động kinh doanh du lịch trên địa bàn; đặc biệt đã tham mưu cho Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành Quyết định số 223/QĐ-UBND ngày 19/01/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Chương trình công tác năm 2017.

Sở Du lịch Ninh Bình đã không ngừng nâng cao vai trò, chức năng tham mưu để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh; thường xuyên tuyên truyền để nâng cao nhận thức của xã hội trong phát triển du lịch của tỉnh. Những kết quả cụ thể đạt được trong công tác này như sau:

- Công tác quản lý nhà nước về du lịch có nhiều tiến bộ, sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư trong các hoạt động du lịch đạt hiệu quả cao. Hàng năm, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các đơn vị có liên quan tổ chức Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo an toàn, văn minh các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Năm 2017, tình hình an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh du lịch và các điều kiện phục vụ khách du lịch tại các khu, điểm du lịch cơ bản được đảm bảo; hàng hóa, dịch vụ phục vụ khách du lịch được niêm yết công khai và bán theo giá niêm yết. Thường xuyên phối hợp, tham gia các đoàn kiểm tra do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, đoàn kiểm tra do các sở, ngành trong tỉnh chủ trì kiểm tra các hoạt động du lịch tại địa phương…

- Công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về kinh doanh du lịch và liên quan đến hoạt động du lịch do Sở Du lịch chủ trì được tiến hành thường xuyên. Trong năm 2017 đã thực hiện 6 cuộc kiểm tra đối với 181 cơ sở hoạt động dịch vụ du lịch, lưu trú du lịch.. Qua công tác kiểm tra đã phát hiện, nhắc nhở, chấn chỉnh và lập biên bản yêu cầu các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chấp hành đầy đủ các quy định của nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch.

- Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch đảm bảo các điều kiện phục vụ du khách, đặc biệt trong các dịp lễ, tết. Công tác thẩm định, tái thẩm định, công nhận loại hạng cơ sở lưu trú du lịch được tiến hành đúng trình tự, quy định của nhà nước. Đến hết năm 2017, đã công nhận loại hạng cho 294 cơ sở lưu trú du lịch; thẩm định và cấp, đổi 170 thẻ hướng dẫn viên, trong đó có 96 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, 74 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.

- Phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương trong việc đóng góp các ý kiến đối với dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi), dự thảo tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch dịch vụ tại các khu, điểm du lịch; các quy chế, quy hoạch chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực du lịch; Hồ sơ xin chủ trương và điều chỉnh các dự án đầu tư dịch vụ du lịch; Tổ chức Hội thảo quản lý nhà nước về du lịch với 100 đại biểu, cơ quan tham dự.

10. Liên kết phát triển du lịch Ninh Bình

Việc liên kết hợp tác trong du lịch cho phép các địa phương khai thác những lợi thế về tài nguyên du lịch, về kết cấu hạ tầng, về cơ sở vật chất kỹ thuật và các nguồn lực khác… để tạo ra những sản phẩm du lịch có tính cạnh tranh cao, thu hút các nhà đầu tư, thu hút khách du lịch đến mỗi địa phương… đang là xu thế phát triển tất yếu của du lịch trong giai đoạn hiện nay.

Du lịch tỉnh Ninh Bình trong thời gian qua cũng đã đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên vùng trong thực hiện quy hoạch, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt tập trung liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Ninh Bình; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, gắn kết giữa các hình thức du lịch văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…

Trong vùng Đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, Ninh Bình hội tụ đầy đủ những yếu tố về tài nguyên du lịch phong phú (cả tự nhiên và văn hóa), là tiềm năng to lớn có thể phát triển các loại hình du lịch tham quan thắng cảnh; du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái…

Trong những năm qua, để tăng cường hợp tác liên kết du lịch, hướng tới sự hình thành khối liên kết các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch giữa các tỉnh, thành phố trong vùng cũng như cả nước..., ngành Du lịch Ninh Bình đã tổ chức nhiều hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh, các trung tâm du lịch trong nước như: Liên kết đầu tư và phát triển du lịch với Thanh Hóa, Nghệ An, 10 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố khác như: Hải Phòng, Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Nam Định, Hòa Bình. Ngoài ra, du lịch Ninh Bình còn liên kết hợp tác xây dựng tuyến du lịch Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà và Quần thể danh thắng Tràng An; liên kết giữa các khu di sản thế giới của Việt Nam...

Việc liên kết phát triển du lịch giữa Ninh Bình và các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm mục đích thúc đẩy sự trao đổi thông tin về các hoạt động quản lý du lịch, phát triển sản phẩm, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch và xúc tiến, quảng bá du lịch để đạt hiệu quả cao trong sự phát triển du lịch của mỗi địa phương; trong việc xây dựng, kết nối các chương trình du lịch với các sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

11. Đánh giá chung về hiện trạng phát triển du lịch

11.1. Những kết quả đạt được

- Số lượng khách du lịch không ngừng gia tăng (năm 2017 gấp 2,28 lần năm 2010, trong đó khách quốc tế tăng 1,30 lần). Tốc độ tăng trưởng trung bình năm giai đoạn 2010 - 2017 về khách du lịch quốc tế đạt 3,75%/năm; khách du lịch nội địa đạt 14,30%/năm.

- Tổng thu từ du lịch tăng nhanh, năm 2017 gấp 4,58 lần năm 2010. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2017 đạt 24,3%/năm.

- Cơ sở lưu trú du lịch tăng nhanh, năm 2017 gấp 2,48 lần năm 2010. Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn 2010 - 2017 đạt 13,8%/năm về số cơ sở lưu trú và 10,2%/năm về số lượng buồng.

- Nguồn nhân lực du lịch tăng trưởng không ngừng, năm 2017 tăng gấp 2,27 lần so với năm 2010. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm giai đoạn 2010 - 2017 là 12,45%/năm.

- Quản lý nhà nước về du lịch dần được kiện toàn và ổn định, phát huy được vai trò quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn.

- Công tác xúc tiến quảng bá về du lịch đã được chú trọng. Tham gia nhiều hoạt động hiệu quả như đón những đoàn làm phim quốc tế đến ghi hình và quảng bá du lịch trên các kênh truyền hình quốc tế, tham gia các hội chợ trong nước và quốc tế…

- Về đầu tư đã thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn (DNXD Xuân Trường, Tập đoàn Xuân Thành, Vissai…); tạo được nhiều việc làm; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; góp phần xóa đói giảm nghèo.

- Cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch được quan tâm đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa đã đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển du lịch Ninh Bình.

- Công tác đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh tại các khu, điểm du lịch ngày càng được nâng cao.

- Ngành du lịch Ninh Bình phát triển đã góp phần không nhỏ trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh, bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ; đồng thời tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động kinh doanh du lịch của các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh; góp phần tích cực vào nỗ lực đưa hình ảnh du lịch Ninh Bình thân thiện, an toàn và mến khách đến với cộng đồng và du khách; góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch…

- Thị trường du lịch ngày càng được mở rộng, sản phẩm du lịch dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường trong nước và quốc tế.

11.2. Những tồn tại và nguyên nhân

11.2.1. Những tồn tại cơ bản

- Kết quả đạt được của du lịch Ninh Bình giai đoạn 2010 - 2017, đặc biệt là tốc độ tăng trưởng khách du lịch quốc tế còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng; chưa thu hút được các nguồn lực đầu tư lớn để biến các tiềm năng (đặc biệt là tiềm năng du lịch biển) thành sản phẩm du lịch có chất lượng cao phục vụ khách du lịch. 

- Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu du lịch chưa đồng bộ, chưa tạo được sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn có uy tín. Một số dự án đầu tư du lịch triển khai chậm, chưa tạo được cơ sở vật chất kỹ thuật và sản phẩm du lịch có chất lượng để thu hút khách, tạo động lực cho phát triển du lịch.

- Sản phẩm du lịch chưa phong phú, chất lượng chưa cao, chưa tạo được thương hiệu…, nên sức hấp dẫn khách du lịch còn thấp; chưa xây dựng được các tuyến, điểm du lịch hoàn chỉnh mang tính độc đáo, đặc thù riêng; còn thiếu các khách sạn cao cấp, thiếu các dịch vụ bổ sung và các trung tâm vui chơi giải trí, các khu mua sắm, chợ đêm, phố đi bộ nội thị…; thiếu các doanh nghiệp có thương hiệu du lịch quốc gia và quốc tế.

- Thiếu sự gắn kết giữa du lịch với thương mại và nông nghiệp, chưa xây dựng được các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm du lịch, làng nghề truyền thống..., là những nơi tham quan và mua sắm hàng hóa của du khách.

- Huy động các nguồn lực phát triển du lịch chưa đa dạng. Nhiều khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh chưa được xây dựng quy hoạch phát triển.

- Sự gắn kết giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cũng như chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả.

- Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả còn thấp; nội dung chưa phong phú, thiếu tính chuyên nghiệp; chưa gắn kết với các khu, điểm và sản phẩm du lịch để thu hút các doanh nghiệp lữ hành lớn trong nước và quốc tế liên doanh liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh để đưa khách đến Ninh Bình (đặc biệt là khách du lịch quốc tế).

- Hoạt động lữ hành còn yếu, chưa có doanh nghiệp lữ hành quốc tế, các doanh nghiệp lữ hành nội địa chủ yếu quy mô nhỏ.

- Công tác tham mưu quản lý nhà nước về du lịch mặc dù đã được kiện toàn và ổn định, nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định; sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch còn thiếu chặt chẽ, thụ động; đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước khả năng tác nghiệp chưa cao, chưa chuyên nghiệp; công tác tham mưu cho lãnh đạo tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án phát triển du lịch cho từng giai đoạn nhiều khi chưa kịp thời.

- Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu ổn định về số lượng, chất lượng chưa đáp ứng được nhu cầu; thiếu đội ngũ doanh nhân giỏi, thiếu hướng dẫn viên và thuyết minh viên du lịch chuyên nghiệp. Trình độ nghiệp vụ, khả năng ngoại ngữ, khả năng ứng xử của đội ngũ nhân viên du lịch nhìn chung còn yếu; nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch.

- Môi trường kinh doanh du lịch, môi trường văn hóa - xã hội trong du lịch còn nhiều hạn chế. Các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh nhiều khi còn cạnh tranh không lành mạnh, chưa niêm yết giá các sản phẩm và dịch vụ du lịch, giá cả chưa phù hợp với chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được quan tâm thỏa đáng.

11.2.2. Nguyên nhân chủ yếu

- Hệ thống kết cấu hạ tầng (đặc biệt là hệ thống thu gom và xử lý rác thải ở các khu du lịch), cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của tỉnh Ninh Bình mặc dù đã được quan tâm đầu tư, nhưng nhìn chung còn thiếu, chưa đồng bộ, chất lượng thấp…

- Đầu tư cho phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chưa được quan tâm thỏa đáng; chưa có những định hướng chiến lược phát triển; nhận thức xã hội và nhân dân địa phương về vai trò, thế mạnh của ngành du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đầy đủ.

- Nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước dành cho đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch ở Ninh Bình còn hạn chế, trong khi đó nguồn kinh phí xã hội hóa chưa được nhiều, nguồn đầu tư liên doanh liên kết trong và ngoài nước còn rất hạn chế.

- Hệ thống các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến phát triển du lịch chưa đồng bộ, chồng chéo về hệ thống quản lý, chưa thật sự thông thoáng so với yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quản lý, khai thác và phát triển. Chưa xây dựng và ban hành các cơ chế đặc thù ưu tiên, ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư cho phát triển du lịch.

III. HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG DU LỊCH

1. Chất lượng môi trường nước

1.1. Chất lượng môi trường nước mặt

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 39 hồ lớn nhỏ, gần 1.000km sông suối và hệ thống kênh mương nhân tạo như sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Vân, sông Vạc, sông Lạng, sông Ân... Đây là nguồn nước mặt lớn phục vụ các ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và nguồn nước cấp sinh hoạt.

Tuy nhiên, môi trường nước đã có biểu hiện ô nhiễm cục bộ tại một số khu vực như cầu Non Nước - thành phố Ninh Bình; sông Đáy đoạn đò Độc Bộ, huyện Yên Khánh...; các hồ nội thành thành phố Ninh Bình (hồ Lâm Nghiệp, Biển Bạch); nước mặt khu vực làng nghề chế biến bánh đa, bún Yên Ninh, huyện Yên Khánh; khu công nghiệp Gián Khẩu... Do nhận thức của người dân nông thôn về bảo vệ môi trường chưa cao nên tình trạng xả rác, nước thải ra ao, hồ, kênh mương đã làm gia tăng ô nhiễm nguồn nước mặt. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu không đúng quy định cũng là nguyên nhân làm cho nguồn nước mặt có biểu hiện bị ô nhiễm bởi thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, coliform... Thành phần gây ô nhiễm chủ yếu là các chất bẩn hữu cơ, phân động vật, xác súc vật, vi khuẩn; một số nơi nước bị ô nhiễm bởi chất thải công nghiệp, sinh hoạt…

1.2. Chất lượng môi trường nước ngầm

Trên địa bàn tỉnh Ninh Bình có 5 tầng nước ngầm, bao gồm:

- Tầng chứa nước lỗ hổng Holocen trên, hệ tầng Thái Bình (QVI3tb)

- Tầng chứa nước lỗ hổng holocen dưới, phụ hệ tầng Hải Hưng dưới (QVI1-2hh­1)

- Tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen, hệ tầng Hà Nội (QII-III1hn)

- Tầng chứa nước khe nứt, lỗ hổng trầm tích Pliocen, hệ tầng Vĩnh Bảo (N2vb);

- Tầng chứa nước khe nứt, karst các thành tạo carbonat Triat trung, hệ tầng Đồng Giao (T2ađg);

Trong 5 tầng chứa nước, tầng có giá trị khai thác sử dụng hơn cả là tầng chứa nước lỗ hổng Pleistocen và hệ tầng Hà Nội, đây là nguồn cung cấp nước sạch chủ yếu cho sinh hoạt của nhân dân hiện nay.

Chất lượng nước biến đổi theo từng khu vực khác nhau. Càng về phía gần biển thì mức độ khoáng hóa càng tăng, nước trở nên lợ và mặn - lợ. Các khu vực ở rìa phía Tây, Tây Bắc huyện Yên Khánh nước thuộc tầng chứa nước này có chất lượng tốt hơn các khu vực khác. Do có mối quan hệ trực tiếp với nước mặt nên tầng chứa nước Holocen trên có nguy cơ ô nhiễm cao bởi các chất thải, các công trình vệ sinh... trên bề mặt thấm xuống. Đặc biệt ở các khu vực có hoạt động du lịch, các cơ sở dịch vụ du lịch xử lý nước thải bằng công nghệ bể lắng cơ học, sau đó ngấm thẩm thấu xuống lòng đất, gây nguy cơ ô nhiễm cao cho nguồn nước ngầm. Hiện nay, nguồn nước Holocen vẫn thường được khai thác sử dụng phục vụ sinh hoạt của người dân... Tại các khu vực đặc biệt khó khăn về nguồn nước ngầm thì nguồn nước này được sử dụng cho cả ăn uống khi cạn kiệt nguồn nước mưa.

1.3. Chất lượng môi trường nước biển ven bờ

Chất lượng môi trường nước biển ven bờ huyện Kim Sơn chịu tác động mạnh của nguồn nước sông Đáy, nguy cơ bị ô nhiễm do nước sông Đáy rất lớn do tiếp nhận toàn bộ lưu lượng nước thải của các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy: Thành phố Hà Nội, Hà Nam, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình và đổ ra biển qua cửa Đáy. Độ mặn cũng biến đổi mạnh theo lưu lượng nước sông Đáy: độ mặn cao về mùa khô và thấp về mùa mưa.

          Theo kết quả phân tích chất lượng nước biển ven bờ cho thấy: hàm lượng Fe tại tất cả các điểm đo đều cao hơn quy chuẩn kỹ thuật cho phép từ 1,1- 6,4 lần. Còn chỉ tiêu pH, TSS,.. độ đục nằm trong quy chuẩn kỹ thuật cho phép.

1.4. Nước thải

Tổng lượng nước thải công nghiệp của toàn tỉnh Ninh Bình ước tính khoảng 7.144m3/ngày. Nước thải tập trung chủ yếu vào các nhóm ngành: sản xuất vật liệu xây dựng, phân đạm, chăn nuôi, chế biến nông sản thực phẩm, nước giải khát… và có nồng độ các chất gây ô nhiễm khác nhau.

Tổng lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn toàn tỉnh ước tính khoảng 90.000m3/ngày. Hiện nay hầu hết lượng nước thải sinh hoạt của các cơ sở dịch vụ và hộ gia đình mới được xử lý sơ bộ thông qua bể tự hoại và đổ ra môi trường. Đặc trưng của nước thải sinh hoạt là hàm lượng BOD5 và hợp chất hữu cơ chứa nitơ cao, có chứa nhiều coliform, các vi khuẩn và mầm bệnh.

2. Chất lượng môi trường không khí

2.1. Chất lượng môi trường không khí khu vực thành phố Ninh Bình

Chất lượng môi trường không khí trong thành phố đã được cải thiện đáng kể, không còn hiện tượng nung đốt vôi thủ công trong khu dân cư. Tuy vậy, vẫn còn một số nguồn thải có tiềm ẩn gây ô nhiễm không khí như: nhiệt điện Ninh Bình; cảng than và bãi thải xỉ than; các hoạt động xây dựng công trình nhà ở, đường xá; các phương tiện giao thông, đặc biệt là xe chở đất đá, vật liệu xây dựng; hoạt động của các làng nghề; khí thải từ hệ thống điều hòa… Do vậy ô nhiễm không khí ở thành phố Ninh Bình vẫn đang ở mức độ cao.

- Khu vực phía Đông Bắc thành phố (phường Thanh Bình, phường Bích Đào, phường Đông Thành, phường Vân Giang) bị ô nhiễm bụi do ảnh hưởng của các cơ sở sản xuất và các hoạt động giao thông vận tải.

- Khu vực phía Đông Nam thành phố (phường Ninh Phong, phường Ninh Sơn, xã Ninh Phúc) có hiện tượng ô nhiễm bụi do các hoạt động vận chuyển hàng hóa của cảng Ninh Phúc, nút giao thông Vũng Trắm.

- Khu vực phía Tây thành phố (xã Ninh Nhất, xã Ninh Tiến): chưa bị tác động, môi trường không khí vẫn còn trong lành.

- Khu vực phía Tây Bắc thành phố (phường Ninh Khánh, phường Tân Thành, phường Phúc Thành và phường Nam Thành) có hiện tượng ô nhiễm do bụi, tiếng ồn từ các họat động giao thông vận tải, đất đá rơi vãi... 

2.2. Môi trường không khí khu vực nông thôn

Môi trường không khí ở khu vực nông thôn của tỉnh chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi hoạt động công nghiệp, chỉ bị ô nhiễm cục bộ ở một số khu vực có các nhà máy sản xuất công nghiệp và các trang trại chăn nuôi.

- Ô nhiễm môi trường không khí do các hoạt động công nghiệp: Khu vực nông thôn, ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đang trên đà phát triển, chủ yếu là các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông sản, khai thác khoáng sản. Đây cũng là tác nhân chính làm cho môi trường không khí nông thôn đang có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi bụi và khí CO, CO2, NOx.

- Ô nhiễm môi trường không khí do các hoạt động giao thông: Khu vực nông thôn có các trục đường liên huyện, liên xã nên hàng ngày lượng xe qua địa bàn cũng tương đối lớn, đây chính là nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi và hơi khí độc NOx, SO2, CO... Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường cục bộ đối với khu dân cư ven tuyến đường giao thông.

- Ô nhiễm không khí từ hoạt động của các trang trại chăn nuôi: Do việc chăn nuôi thường nằm xen kẽ trong khu dân cư và các giải pháp bảo vệ môi trường chưa đảm bảo nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng môi trường không khí, nhất là gây mùi hôi làm ô nhiễm môi trường không khí cho khu vực dân cư xung quanh.

3. Môi trường đất và chất thải rắn

Môi trường đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung chưa bị ô nhiễm. Tuy nhiên do việc quản lý phế thải chưa tốt (rác thải, nước thải), lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật còn phổ biến trong sản xuất nông nghiệp, đã tác động xấu đến môi trường đất. Tại các vùng cửa sông ven biển, đất đang có dấu hiệu bị nhiễm mặn làm hạn chế sự phát triển của một số loại cây trồng như lúa, ngô, lạc... Về kim loại nặng, nhìn chung đất chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm kim loại nặng (Zn, Ni, Pb, Cd, As, Hg). Hàm lượng các nguyên tố này trong đất ở giới hạn cho phép đối với đất sản xuất nông nghiệp. Về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật: đất canh tác chưa có dấu hiệu ô nhiễm tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật thuộc cả hai nhóm clo hữu cơ và lân hữu cơ.

- Về hiện trạng sử dụng đất: Đất sản xuất nông nghiệp đạt 94,43% về chỉ tiêu diện tích quy hoạch được duyệt. Các loại đất khác: đất lâm nghiệp đạt 79,88% chỉ tiêu về diện tích; đất nuôi trồng thủy sản đạt 83,02% về chỉ tiêu diện tích; đất phi nông nghiệp thực hiện đạt 118,24% vượt chỉ tiêu diện tích theo quy hoạch được duyệt, trong đó đất ở nông thôn; đất ở đô thị; đất sản xuất kinh doanh; đất an ninh, quốc phòng, di tích danh thắng thực hiện lớn hơn về chỉ tiêu diện tích; đất phát triển hạ tầng thực hiện chưa đạt theo chỉ tiêu diện tích; đất chưa sử dụng thực hiện đạt 88,63% về chỉ tiêu diện tích theo quy hoạch được duyệt.

Chất thải rắn trên địa bàn phát sinh chủ yếu từ quá trình sinh hoạt hàng ngày của các hộ gia đình, từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch, cơ sở y tế... Ước tính, tổng lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 165.512 tấn. Trong đó, chất thải rắn sinh hoạt khoảng 148.180 tấn (chiếm 89,53% tổng lượng thải), chất thải rắn công nghiệp ước tính khoảng 13.032 tấn (chiếm tỷ lệ khoảng 7,87% tổng lượng thải); Đặc biệt rác thải y tế phát sinh từ các bệnh viện, trung tâm y tế ước tính khoảng 4.300 tấn (chiếm khoảng 2,6% tổng lượng thải).

- Thực trạng thu gom, xử lý chất thải rắn: Rác thải sinh hoạt trên địa bàn các thành phố Ninh Bình và Tam Điệp do Công ty môi trường dịch vụ đô thị thành phố chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển về bãi rác thải chung của tỉnh để xử lý. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải tại thành phố Tam Điệp, công suất 200 tấn/ngày và lò đốt chất thải rắn sinh hoạt tại xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn. Các cơ sở này đã góp phần đáng kể trong việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Đối với khu vực các thị trấn trên địa bàn tỉnh: Hiện nay, trên địa bàn các thị trấn Yên Ninh (huyên Yên Khánh); Phát Diệm, Bình Minh (huyện Kim Sơn); Yên Thịnh (huyện Yên Mô); Thiên Tôn (huyện Hoa Lư), chất thải sinh hoạt được thu gom, vận chuyển về bãi rác thải chung của tỉnh tại thành phố Tam Điệp để xử lý. Còn thị trấn Nho Quan (huyện Nho Quan), thị trấn Me (huyện Gia Viễn) có bãi xử lý rác thải tương đối hợp vệ sinh.

Đối với khu vực nông thôn: toàn tỉnh có 121 xã, trong đó 94 xã đã hình thành đội thu gom rác. Tuy nhiên, do chưa có nguồn kinh phí duy trì hoạt động nên các mô hình thường không bền vững và khó nhân rộng. Các bãi rác chưa được thiết kế theo tiêu chuẩn hợp vệ sinh mà chủ yếu đổ lộ thiên hoặc đốt gây mùi khó chịu. Công tác thu phí và vận động nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Đối với các khu du lịch trên địa bàn, công tác thu gom rác trong phạm vi từng khu đã được quan tâm để tạo cảnh quan, môi trường sạch đẹp. Tuy nhiên, rác thải thu gom được hầu hết đều xử lý bằng cách chôn lấp tại chỗ nên có tác động ô nhiễm môi trường.

IV. NHẬN ĐỊNH NHỮNG ĐIỂM MẠNH, ĐIỂM YẾU, CƠ HỘI, THÁCH THỨC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH NINH BÌNH

1. Điểm mạnh

+ Ninh Bình có vị trí thuận lợi để liên kết vùng trong phát triển du lịch: Ninh Bình chỉ cách Hà Nội – Trung tâm phân phối khách chính ở phía Bắc khoảng 90km; cách thành phố Nam Định khoảng 30km và cách thành phố Thanh Hóa 60km; đồng thời thành phố Ninh Bình là trung tâm của tiểu vùng du lịch Nam đồng bằng sông Hồng, nằm ở điểm giao nhau của các tuyến giao thông quan trọng (quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, quốc lộ 10, đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Hạ Long …), do vậy Ninh Bình được xem là “điểm đến du lịch” lý tưởng của các thị trường khách du lịch khi đến vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc. Từ thành phố Ninh Bình có thể liên kết hợp tác với các địa phương trong vùng để xây dựng các sản phẩm du lịch mang ý nghĩa của vùng, liên kết các chương trình, các tuyến du lịch… Đây là một điểm mạnh của du lịch Ninh Bình trong việc thu hút khách du lịch đến Ninh Bình, đặc biệt là khách quốc tế đến Việt Nam qua cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài và tạo cơ hội để du lịch Ninh Bình có thể phát triển như một “đô thị du lịch vệ tinh” của Hà Nội với chức năng là đô thị du lịch cuối tuần - loại hình du lịch có nhu cầu ngày càng gia tăng tại Hà Nội.

+ Tính đa dạng về tài nguyên du lịch: Ninh Bình có tiềm năng du lịch đa dạng và phong phú cả về tự nhiên và văn hóa (các di tích lịch sử văn hóa; các danh lam thắng cảnh; làng quê Việt; lễ hội, làng nghề truyền thống; vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên với hệ sinh thái đất ngập nước lục địa; nguồn nước khoáng nóng…), trong đó có nhiều tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt như Quần thể danh thắng Tràng An (bao gồm cả thắng cảnh Tam Cốc - Bích Động; quần thể di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính); vườn quốc gia Cúc Phương; khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long; nước khoáng nóng Kênh Gà; nhà thờ đá Phát Diệm…. Tiềm năng du lịch đa dạng, độc đáo  này là một trong những điểm mạnh quan trọng của Ninh Bình để phát triển những sản phẩm du lịch đặc thù, không trùng lặp với các địa phương khác, đặc biệt là những địa phương phụ cận như Hà Nam, Nam Định, Thanh Hóa...

+ Kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển du lịch: Hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông vận tải, là yếu tố rất quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch. Ninh Bình nằm trên các tuyến giao thông quan trọng được Chính phủ quan tâm đầu tư nâng cấp trong thời gian qua (quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, quốc lộ 10…), cùng với sự phát triển nhanh chóng về mặt đô thị của thành phố Ninh Bình, do vậy hệ thống kết cấu hạ tầng nói chung, hạ tầng phục vụ du lịch nói riêng của Ninh Bình đã có những bước phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Ngoài ra, Ninh Bình có lợi thế là có khu du lịch quốc gia Tràng An, khu du lịch Tam Cốc – Bích Động… đã được Chính phủ quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông. Vì vậy hệ thống hạ tầng giao thông du lịch của Ninh Bình đến các trọng điểm du lịch trên địa bàn khá đồng bộ và phát triển. Đây cũng là một điểm mạnh của du lịch Ninh Bình so với nhiều địa phương khác trong vùng đồng bằng sông Hồng.

          + Hình ảnh về du lịch Ninh Bình đã đã được khẳng định trên nhiều thị trường du lịch: Ninh Bình từ lâu đã được khách du lịch trong nước và quốc tế biết đến với những địa danh nổi tiếng như thắng cảnh Tam Cốc - Bích Động; quần thể di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư; Cúc Phương - vườn quốc gia đầu tiên ở Việt Nam với hệ sinh thái rừng nguyên sinh còn được bảo tồn khá nguyên vẹn; Nhà thờ đá Phát Diệm...

Gần đây, hình ảnh du lịch Ninh Bình được gắn liền với Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản thiên nhiên và văn hóa Thế giới, với “Làng Thổ dân” trong phim Kong – đảo Đầu lâu, với Chùa Bái Đính – Chùa lớn nhất Đông Nam Á, với khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long - nơi còn bảo tồn được quần thể Voọc quần đùi trắng lớn nhất Việt Nam hiện nay và có thể quan sát được ngoài tự nhiên...

+ Công tác xây dựng quy hoạch du lịch: Ninh Bình là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về công tác xây dựng quy hoạch phát triển du lịch. Ngay từ năm 1995, Ninh Bình đã thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ninh Bình thời kỳ 1996 - 2010; tiếp theo đó, đến năm 2007 Ninh Bình tiếp tục thực hiện điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2015. Trên cơ sở những quy hoạch trên, Ninh Bình cũng đã tiến hành xây dựng quy hoạch chi tiết cho một số khu du lịch trọng điểm như Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Cúc Phương, và gần đây là Tràng An, Vân Long... Nhiều đề án quy hoạch du lịch còn có sự tham gia về ý tưởng của các chuyên gia quốc tế như dự án quy hoạch khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long… Được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình trong công tác xây dựng quy hoạch du lịch, nên nhiều tài nguyên du lịch được bảo tồn và khai thác có hiệu quả.

2. Điểm yếu

+ Hạn chế trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch du lịch: Mặc dù là địa phương đi đầu trong công tác xây dựng quy hoạch du lịch, nhưng việc quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch phát triển du lịch ở Ninh Bình trong thời gian qua còn có một số bất cập, sự phối hợp liên ngành chưa hiệu quả, chưa được như mong muốn. Một số quy hoạch chi tiết chậm được triển khai, trong khi đó nhiều hạng mục công trình được xây dựng chưa theo quy hoạch, chưa thân thiện với môi trường. Nhiều hạng mục quan trọng trong quy hoạch chưa được triển khai thực hiện (ví dụ hệ thống thu gom và xử lý chất thải ở Khu du lịch quốc gia Tràng An; bến thuyền khu du lịch sinh thái Vân Long…).

+ Hạn chế về hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt hệ thống khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3 - 5 sao, các dịch vụ vui chơi giải trí, các dịch vụ bổ sung: Trong xu thế tiêu dùng du lịch hiện nay, nhiều thị trường khách du lịch đang hướng đến sử dụng những sản phẩm, những dịch vụ du lịch có chất lượng cao. Tuy nhiên, hiện nay ở Ninh Bình hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch mới chỉ đáp ứng được ở mức trung bình. Số lượng về cơ sở lưu trú ở Ninh Bình có nhiều, nhưng đa số quy mô nhỏ, chưa đồng bộ, chất lượng thấp; trong khi đó còn thiếu các khách sạn cao cấp 4 - 5 sao, quy mô lớn, đồng bộ về dịch vụ để tổ chức các sự kiện lớn có tầm cỡ trong nước và quốc tế.

Ngoài ra, ở Ninh Bình còn thiếu các cơ sở vui chơi giải trí cao cấp, hiện đại; thiếu các cơ sở dịch vụ du lịch bổ sung khác, các khu mua sắm, chợ đêm, phố đi bộ nội thị… để đáp ứng nhu cầu cho khách du lịch. Đây không chỉ là một điểm yếu mà còn là nguyên nhân chính không giữ khách lưu trú dài ngày và hạn chế khả năng chi tiêu của họ khi đến Ninh Bình. 

+ Hạn chế về sản phẩm du lịch; hạn chế trong công tác xây dựng thương hiệu và hoạt động marketing, xúc tiến quảng bá du lịch: Tài nguyên du lịch là nhân tố quan trọng hàng đầu để phát triển các sản phẩm du lịch. Giá trị tài nguyên du lịch càng đặc biệt, càng hấp dẫn…, thì khả năng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù càng thuận lợi. Ninh Bình có nguồn tài nguyên du lịch rất đa dạng và phong phú, nhiều tài nguyên có giá trị đặc biệt. Đây là điều kiện thuận lợi để Ninh Bình xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, mang thương hiệu riêng của Ninh Bình. Tuy nhiên, Ninh Bình chưa có chiến lược phát triển sản phẩm du lịch để làm định hướng cho các địa phương, các doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng sản phẩm du lịch. Do vậy, trong thời gian qua việc xây dựng sản phẩm du lịch ở Ninh Bình còn chưa được nghiên cứu và đầu tư thỏa đáng, các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, trùng lặp, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, mang thương hiệu cho Ninh Bình để cạnh tranh trong nước và quốc tế. Ngoài ra, Ninh Bình cũng chưa có định hướng chiến lược xây dựng thương hiệu du lịch và chương trình quảng bá xúc tiến du lịch; chưa có sự kết hợp tốt giữa phát triển sản phẩm với các hoạt động xúc tiến quảng bá một cách chuyên nghiệp, việc phát triển sản phẩm du lịch còn mang tính chủ quan, chưa theo nhu cầu của thị trường. Nguồn kinh phí dành cho các hoạt động này còn rất hạn chế. Những tồn tại này là một trong những điểm yếu của du lịch Ninh Bình, trong thời gian tới cần phải khắc phục để phát triển ngành du lịch Ninh Bình hiệu quả, bền vững, và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

+ Ảnh hưởng của tính mùa vụ trong hoạt động du lịch: Là một tỉnh nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, các hoạt động du lịch ở Ninh Bình mang tính mùa vụ rất rõ nét do chịu ảnh hưởng sâu sắc của đặc điểm khí hậu á nhiệt đới ở khu vực phía Bắc bên cạnh những ảnh hưởng khác mang tính xã hội như mùa lễ hội; mùa nghỉ hè của học sinh, sinh viên; mùa du lịch của khách du lịch quốc tế, đặc biệt từ các nước Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Đại Dương…

          Tính mùa vụ trong hoạt động du lịch là một trong những nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng đến số ngày lưu trú trung bình và mức độ chi tiêu của khách du lịch khi đến Ninh Bình. Đây cũng là một điểm yếu của du lịch Ninh Bình. Để hạn chế tính mùa vụ trong du lịch, trong thời gian tới Ninh Bình cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, đặc biệt là các sản phẩm ít chịu ảnh hưởng tác động của tính mùa vụ như du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch nghiên cứu, du lịch văn hóa, du lịch MICE; đồng thời tăng cường các dịch vụ bổ sung nhằm tăng thời gian lưu trú của khác, kéo dài mùa vụ du lịch.

          + Hạn chế về đội ngũ lao động trong du lịch (quản lý, nghiên cứu, phục vụ): Trong thời gian qua, du lịch Ninh Bình phát triển tương đối nhanh, nhiều cơ sở dịch vụ du lịch được đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch. Nhiều doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng có quy mô nhỏ được đưa vào sử dụng, kéo theo nguồn nhân lực du lịch cũng phát triển nhanh, chưa được đào tạo một cách chính quy, chuyên nghiệp. Trình độ quản lý, cũng như chuyên môn nghiệp vụ của nguồn nhân lực du lịch hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ..

+ Tính liên kết của Ninh Bình với các địa phương phụ cận, đặc biệt với Hà Nội trong hoạt động du lịch chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển: Hoạt động du lịch là hoạt động không có ranh giới hành chính, vì vậy sự liên kết giữa các địa phương, đặc biệt là các địa phương phụ cận trong phát triển du lịch có ý nghĩa rất quan trọng. Sự liên kết này cho phép khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch trên những lãnh thổ hành chính khác nhau, phát triển những sản phẩm du lịch có khả năng bổ sung cho nhau tạo nên các chương trình du lịch liên vùng hấp dẫn, tạo được hình ảnh du lịch chung cho một khu vực trong khi giảm được chi phí cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch… Tính liên kết này trong hoạt động phát triển du lịch càng trở nên quan trọng trong xu thế hội nhập của du lịch Việt Nam với khu vực và quốc tế.

          Với vai trò là trung tâm của tiểu vùng du lịch Nam đồng bằng sông Hồng, và là đô thị du lịch vệ tinh của Hà Nội, việc liên kết phát triển du lịch giữa Ninh Bình với các địa phương trong vùng, đặc biệt với du lịch Hà Nội là rất quan trọng. Sự liên kết này không chỉ góp phần thúc đẩy du lịch Ninh Bình phát triển mà còn có ý nghĩa đối với hoạt động du lịch các địa phương trong vùng, làm tăng sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của các sản phẩm du lịch mang tính vùng. Tuy nhiên thời gian qua, du lịch Ninh Bình chưa chủ động tạo ra sự liên kết này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế các dòng khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình, đặc biệt từ Hà Nội. Các chương trình du lịch kết nối giữa Ninh Bình với không gian vùng Thủ đô Hà Nội và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng chưa được hình thành một cách rõ nét; chưa tạo được hình ảnh du lịch chung của vùng, trong đó Ninh Bình là một điểm đến quan trọng.

3. Cơ hội

3.1. Cơ hội trong phạm vi thế giới và khu vực

          + Du lịch thế giới đang có điều kiện phát triển mạnh mẽ

- Thế giới có nhiều biến đổi trong mối quan hệ ngoại giao, với những bước nhảy vọt về KHCN; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh hơn ở các nước đang phát triển; xu thế hợp tác toàn cầu là tất yếu; nhiều hiệp định hợp tác quốc tế đã được ký kết (Hiệp định CPTPP, cộng đồng kinh tế ASEAN - AEC…); nền kinh tế thế giới tiếp tục phát triển; đời sống của người dân không ngừng được nâng cao... Trong bối cảnh đó, nhu cầu đi du lịch của người dân là nhu cầu khách quan và có mức tăng trưởng nhanh trên phạm vi toàn thế giới.

- Du lịch trên phạm vi toàn cầu đã phát triển nhanh và trở thành ngành kinh tế hàng đầu thế giới. Theo Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO), năm 2016 trên thế giới có 1.235 triệu lượt người đi du lịch, thu nhập từ du lịch đạt trên 1.401,5 tỷ USD. Theo dự báo của UNWTO, đến năm 2020, lượng khách du lịch quốc tế toàn thế giới sẽ đạt 1,6 tỷ lượt. Du lịch là ngành kinh tế tạo nhiều việc làm cho người lao động và hiện đang thu hút xấp xỉ 300 triệu lao động, chiếm khoảng 11,6% lực lượng lao động trên thế giới, như vậy nếu tính trung bình cứ 8 lao động thì có 1 người làm dịch vụ du lịch.

- Năm 2016, du lịch quốc tế đóng góp 10,2% GDP toàn cầu. Do lợi ích nhiều mặt mà du lịch mang lại, nên nhiều nước đã tận dụng tiềm năng và lợi thế của mình để phát triển du lịch, tăng nguồn thu ngoại tệ, tạo việc làm, thúc đẩy sản xuất trong nước, xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

+ Dòng khách du lịch trên thế giới đang có xu hướng thay đổi cơ bản: Nền chính trị ở nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên thế giới có nhiều biến động. Chiến tranh, khủng bố, xung đột sắc tộc… đã và đang xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch toàn cầu. Trong bối cảnh đó, dòng khách du lịch thế giới đang hướng tới những khu vực có nền chính trị ổn định, kinh tế phát triển; đặc biệt là dòng khách du lịch thế giới đang có xu thế chuyển dần sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á, những nơi có nền kinh tế phát triển năng động và nền chính trị hòa bình ổn định, mà trong đó Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn và thân thiện.

+ Châu Âu và Châu Mỹ là những khu vực nhận khách lớn nhất, song thị phần đang có xu h­ướng giảm dần và đang có xu h­ướng chuyển dịch nhanh sang khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ 21: Trong quá trình phát triển, du lịch thế giới đã hình thành các khu vực với các thị phần khách du lịch quốc tế khác nhau. Năm 2000, Châu Âu là khu vực đứng đầu với 56,8% thị phần khách du lịch quốc tế; đứng thứ 2 là Châu Mỹ với 18,7%; tiếp đến là Châu Á - Thái Bình Dương 16,7%... Tuy nhiên thị phần của Châu Âu, Châu Mỹ có xu hư­ớng giảm dần. Năm 2011, thị phần khách du lịch quốc tế của Châu Âu giảm xuống còn 51,2%; Châu Mỹ 15,9 và khu vực Châu Á - Thái Bình Dư­ơng tăng lên 22,1%. Đến năm 2016, thị phần khách quốc tế của Châu Âu là 50,2%; Châu Á – Thái Bình Dương là 24,5%; Châu Mỹ 16,3% và Châu Phi 4,7% (Nguồn: UNWTO).

Trong giai đoạn 2000 - 2010, khu vực Châu Á - Thái Bình D­ương đã tăng đáng kể thị phần của mình trong tổng thu nhập du lịch toàn cầu (tăng trung bình 13,5%/năm), trong khi đó Châu Âu, Châu Phi và Trung Đông giảm t­ương ứng là 4,3%/năm; 1,1%/năm và 0,2%/năm. Đến năm 2014 thị phần thu nhập du lịch của khu vực Châu Á - Thái Bình D­ương đã tăng lên đến 31,5% (đạt 377 tỷ USD). Theo dự báo của UNWTO, đến 2020 khu vực Châu Á - Thái Bình D­ương sẽ chiếm 27,34% khách du lịch quốc tế toàn cầu.

+ Du lịch các n­ước Đông Nam Á (ASEAN) giữ vị trí quan trọng trong khu vực Châu Á - Thái Bình D­ương

- Năm 2014, các nước ASEAN đón trên 98 triệu khách du lịch quốc tế (chiếm 9,1% toàn cầu); tổng thu nhập du lịch đạt 105 tỷ USD (chiếm 8,8% tổng thu nhập du lịch toàn cầu và 27,9% Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương). Theo dự báo của UNWTO, năm 2020 số lư­ợng khách quốc tế đến các nước ASEAN là 150 triệu (Thái Lan 37 triệu, Indonesia 27 triệu, Malaysia 25 triệu, Việt Nam 15 triệu…), với mức tăng tr­ưởng bình quân giai đoạn 2014 - 2020 là 6%/năm; và chiếm 9,4% khách quốc tế toàn cầu.

          - Hiệp hội Du lịch các nư­ớc ASEAN (ASEANTA) không ngừng nâng cao vị thế trên trư­ờng quốc tế. Song song với sự ra đời của ASEANTA là sự ra đời của các chính sách về hợp tác trong phát triển du lịch giữa các n­ước thành viên. Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã được ký kết, đây là một lợi thế quan trọng trong việc thu hút khách du lịch đến khu vực.

+ Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Cách mạng Công nghiệp 4.0) sẽ tạo ra cơ hội để du lịch Việt Nam nói chung và du lịch Ninh Bình nói riêng phát triển theo hướng hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa, tự động hóa...

3.2. Cơ hội trong phạm vi cả nước

- Chính sách “đổi mới, mở cửa và hội nhập” của Đảng và Nhà nư­ớc tiếp tục phát huy có hiệu quả, đã tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại, trong đó có du lịch phát triển. Đặc biệt Nghị quyết 08 – NQ/TƯ ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đất n­ước”, “Tập trung mọi nguồn lực để phát triển du lịch”; Luật Du lịch cũng vừa được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017, trong đó cũng đã nhấn mạnh đến các chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch…, và thực sự ngành du lịch đã và đang được quan tâm đầu tư­ phát triển (đầu tư­ từ Ngân sách Nhà n­ước cho hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch trong phạm vi cả nước, cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch trong và ngoài nước…), và ban hành nhiều chính sách (miễn thị thực cho một số quốc gia…) nhằm khuyến khích thu hút các nhà đầu tư cũng như khách du lịch đến Việt Nam được thuận lợi...

- Điều kiện kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, nhu cầu đi du lịch của người dân ngày càng được gia tăng và trở thành nhu cầu không thể thiếu.

- Việt Nam có chế độ chính trị ổn định, hòa bình, an ninh đảm bảo… là nhân tố quan trọng đảm bảo cho du lịch phát triển (đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nạn khủng bố toàn cầu đang làm ảnh hưởng đến tâm lý đi du lịch của người dân); đồng thời Việt Nam là điểm du lịch còn mới trên bản đồ du lịch thế giới và được hấp dẫn bởi các nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú (có nhiều di sản thế giới, nhiều giá trị mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc…), con người Việt Nam luôn mến khách... Đây là những điều kiện đặc biệt quan trọng để du lịch phát triển.

3.3. Cơ hội riêng của du lịch Ninh Bình

- Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình quyết tâm chỉ đạo phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chính vì vậy đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định, chương trình… cho phát triển du lịch (Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định 223/QĐ-UBND ngày 19/01/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc ban hành Chương trình công tác năm 2017…).

- Nhiều nhà đầu tư chiến lược đã và đang đầu tư phát triển du lịch Ninh Bình, trong đó có những nhà đầu tư đang hoạt động có hiệu quả như Doanh nghiệp Xuân Trường, Xuân Thành…; các nhà đầu tư lớn đang xin chủ trương đầu tư như Vissai…

- Các công ty lữ hành trên cả nước đều coi Ninh Bình là điểm đến du lịch không thể thiếu (đặc biệt là Tràng An, Bái Đính) trong các chương trình du lịch.

4. Thách thức

- Cạnh tranh trong du lịch ở khu vực và thế giới ngày càng gay gắt, trong khi đó khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng còn hạn chế, chưa có những sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao, mang thương hiệu Việt Nam và thương hiệu Ninh Bình để cạnh tranh và hấp dẫn khách du lịch trên thế giới. Ngoài ra, du lịch Ninh Bình còn đối mặt với cạnh tranh của các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng, cũng như trong cả nước.

          - Ninh Bình cách thủ đô Hà Nội không xa, giao thông thuận lợi, nên khách du lịch thường chọn Hà Nội để lưu trú (Hà Nội có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch tốt hơn, dịch vụ đa dạng hơn…), trong khi đó, Ninh Bình chưa có những sản phẩm và dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng cao để hấp dẫn và giữ chân du khách.

          - Ninh Bình còn thiếu những khách sạn thương mại và khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp 4 - 5 sao; còn thiếu nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng cao…

- Tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng ngày càng rõ rệt. Ninh Bình thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, khu vực được xác định bị chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu và các yếu tố thời tiết bất lợi như bão, lũ lụt, hạn hán… Đây là một thách thức đòi hỏi trong quá trình quy hoạch, đầu tư các công trình du lịch (đặc biệt là vùng ven biển và vùng núi) cần được tính toán kỹ.

- Du lịch Ninh Bình phát triển trong bối cảnh chịu sức ép lớn về trách nhiệm bảo tồn các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch. Môi trường du lịch ở Ninh Bình có nguy cơ bị ảnh hưởng và ô nhiễm bởi các hoạt động dân sinh và của các hoạt động du lịch. Nhu cầu du lịch thế giới có nhiều thay đổi, hướng tới những giá trị mới, theo đó, chất lượng môi trường trở thành yếu tố quan trọng cấu thành giá trị thụ hưởng du lịch. Trong khi đó, việc đảm bảo chất lượng môi trường luôn là thách thức đối với ngành du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tỉnh Ninh Bình nói riêng.

- Hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN vừa là cơ hội, nhưng đồng thời cũng là những thách thức lớn. Nguy cơ mất nguồn nhân lực chất lượng cao, chảy máu chất xám trong du lịch có khả năng xảy ra, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực du lịch Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng.

 

PHẦN THỨ BA

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH NINH BÌNH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

 

I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình trước hết phải phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình.

- Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình nhằm khai thác có hiệu quả những lợi thế về tiềm năng du lịch, phát triển theo hướng chuyên nghiệp, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao, mang thương hiệu “Ninh Bình – Tràng An”, có tính cạnh tranh cao, nhưng phải đảm bảo gắn chặt với công tác bảo tồn các giá trị tự nhiên, văn hóa và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

- Tập trung phát triển du lịch nội địa, hướng tới các thị trường có khả năng chi trả cao (nghỉ dưỡng, sinh thái, văn hóa…); chú trọng thu hút các thị trường quốc tế cao cấp (Tây Âu, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…)…

- Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối ưu tiềm năng, thế mạnh đặc trưng của địa phương về các yếu tố tự nhiên và văn hóa dân tộc… để phát triển du lịch, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

- Phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình không thể tách rời mối liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố trong Vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc; với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và cả nước nói chung; và xa hơn là mối liên kết hợp tác quốc tế theo tuyến hành lang Đông – Tây.

- Phát triển du lịch Ninh Bình phải chú trọng đến lợi ích của cộng đồng dân cư - nơi có tài nguyên du lịch; đảm bảo cho cộng đồng được tham gia, làm chủ và hưởng lợi từ hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch, từ đó nâng cao trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch.

2. Mục tiêu phát triển

+ Mục tiêu chung: Đến năm 2020, Ninh Bình trở thành một trong những trọng điểm du lịch của cả nước; đến năm 2030, ngành du lịch Ninh Bình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

+ Mục tiêu cụ thể:

a. Về khách du lịch

- Năm 2020 thu hút 1,0 triệu lượt khách du lịch quốc tế (trong đó có 200 nghìn lượt khách lưu trú) và 7,0 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có 1,05 triệu lượt khách lưu trú).

- Năm 2025 thu hút 1,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế (trong đó có 500 nghìn lượt khách lưu trú) và 9,0 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có 2,25 triệu lượt khách lưu trú).

- Năm 2030 thu hút 2,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế (trong đó có 0,9 triệu lượt khách lưu trú) và 11,2 triệu lượt khách du lịch nội địa (trong đó có 3,9 triệu lượt khách lưu trú).

b. Về tổng thu từ du lịch

- Năm 2020 đạt trên 4.200 tỷ đồng (tương đương 191 triệu USD).

- Năm 2025 đạt trên 11.800 tỷ đồng (tương đương 540 triệu USD).

- Năm 2030 đạt trên 27.200 tỷ đồng (tương đương 1.240 triệu USD).

c. Về cơ sở lưu trú du lịch

- Năm 2020, toàn tỉnh có 7.000 buồng lưu trú, trong đó có 1.100 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 - 5 sao.

- Năm 2025, toàn tỉnh có 11.500 buồng lưu trú, trong đó có 2.300 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 - 5 sao.

- Năm 2030, toàn tỉnh có 22.800 buồng lưu trú, trong đó có 7.000 buồng đạt tiêu chuẩn xếp hạng từ 3 - 5 sao.

d. Về nguồn nhân lực du lịch

- Năm 2020, toàn tỉnh có 22.600 lao động du lịch, trong đó có 8.600 lao động trực tiếp.

- Năm 2025, toàn tỉnh có 32.000 lao động du lịch, trong đó có 12.000 lao động trực tiếp.

- Năm 2030 toàn tỉnh có 60.000 lao động du lịch, trong đó có 20.000 lao động trực tiếp.

e. Về môi trường

- Tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch (cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa xã hội), kiểm soát việc thực hiện theo quy hoạch và xử nghiêm các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm những quy định pháp luật về bảo vệ tài nguyên, môi trường; thiết lập đường dây nóng tại những nơi có hoạt động du lịch để đảm bảo vệ sinh môi trường; an ninh, an toàn cho khách du lịch.

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, khách du lịch và người dân địa phương thông qua các lớp tập huấn, truyền thông, pano, tranh ảnh, xây dựng và phát triển website. Tại các khu, điểm du lịch thực hiện mô hình phân loại rác thải, hạn chế túi nilon, không xả rác bừa bãi.

- 100% người dân tham gia hoạt động du lịch có thái độ, văn hóa ứng xử thân thiện với môi trường, lịch sự với khách du lịch.

II. NGHIÊN CỨU DỰ BÁO CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN DU LỊCH

1. Căn cứ dự báo

Dự báo mức độ tăng trưởng các chỉ tiêu chủ yếu của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình trong những năm tới được dựa trên những căn cứ cụ thể sau:

- Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng (trong đó có Ninh Bình) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Kết luận số 13-KL/TW ngày 28 tháng 10 năm 2011 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14 tháng 9 năm 2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

- Nghị quyết số 08-NQ/TƯ ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

- Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, trong đó đã xác định các mục tiêu, các quan điểm phát triển và các định hướng phát triển cụ thể cho các vùng, các địa bàn trọng điểm, các khu, điểm du lịch của cả nước.

- Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó đã xác định các chỉ tiêu cơ bản, các sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng tỉnh và một số khu, điểm du lịch quốc gia trong vùng.

- Vị trí của Ninh Bình trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, theo đó thành phố Ninh Bình là trung tâm của khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, có vị trí chiến lược quan trọng theo hướng Bắc - Nam (theo quốc lộ 1A, cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 10, và đường sắt xuyên Việt); và là nơi tiếp giáp giữa vùng đồng bằng Sông Hồng với vùng Bắc Trung Bộ… Ngoài ra, vị trí của thành phố Ninh Bình còn gắn với trục hành lang Đông -  Tây trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng được kết nối thông qua đường Hồ Chí Minh. 

- Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong đó du lịch được đánh giá là ngành kinh tế mũi nhọn trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

- Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về phát triển du lịch Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 17/8/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình về bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới - Quần thể Danh thắng Tràng An trong phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020.

- Kết luận số 03-KL/TU ngày 26/6/2017 kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 13/7/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Tiềm năng du lịch đặc trưng, thế mạnh của Ninh Bình, trong đó nổi trội là Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản hỗn hợp của thế giới; chùa Bái Đính, vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, suối khoáng nóng Kênh Gà, nhà thờ Đá Phát Diệm…

- Hiện trạng mức độ tăng trưởng của dòng khách du lịch quốc tế và nội địa đến Ninh Bình và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc và cả nước nói chung; hiện trạng phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch...

- Kết quả hoạt động du lịch giai đoạn 2010 - 2017.

- Các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch; dịch vụ du lịch: khách sạn, nhà hàng, các dịch vụ bổ sung… giai đoạn đến năm 2020, giai đoạn 2020 - 2025, và giai đoạn 2025 - 2030.

- Xu hướng, thị hiếu, nhu cầu… của các thị trường khách du lịch của cả nước, của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc trong giai đoạn tới đã được phân tích, nhận định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Các dự án đầu tư về du lịch và các ngành liên quan ở Ninh Bình, cũng như các tỉnh phụ cận đã được cấp giấy phép và các dự án trong kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư.

2. Luận chứng các phương án phát triển

Dự báo mức độ tăng trưởng các chỉ tiêu chủ yếu của du lịch tỉnh Ninh Bình được tính theo 3 phương án, phù hợp với 3 phương án phát triển trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; đồng thời cũng phù hợp với vị thế của tỉnh Ninh Bình trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn năm đến 2030.

          + Phương án 1 (phương án phát triển thấp): Phương án này được tính toán dựa trên tốc độ phát triển bằng hoặc thấp hơn hiện nay của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng thấp, suy thoái và khủng hoảng kinh tế - chính trị thế giới vẫn tiếp tục diễn ra; đầu tư cho phát triển kinh tế nói chung và cho du lịch nói riêng ở Ninh Bình chưa có sự đột biến lớn, chưa tạo ra được các sản phẩm và dịch vụ du lịch đặc thù, có chất lượng cao, có thương hiệu để cạnh tranh trong nước và quốc tế... Theo phương án này thì giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình của khách du lịch quốc tế đến tỉnh Ninh Bình là 8,0%/năm, và khách du lịch nội địa là 5,0%/năm; giai đoạn 2021 - 2025, các chỉ tiêu tương ứng là 7,6%/năm và 5,0%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 là 6,8%/năm và 4,5%/năm; đến năm 2020 tổng thu nhập du lịch đạt khoảng 3.817 tỷ đồng (tương đương 173,5 triệu USD), đến năm 2025 đạt 10.483 tỷ đồng (tương đương 476,5 triệu USD), và đến năm 2030 sẽ đạt 23.188 tỷ đồng (tương đương 1.054 triệu USD). Khả năng đạt được của phương án này ngay cả khi không có tác động lớn trong lĩnh vực đầu tư. Tổng nhu cầu vốn đầu tư theo phương án này khoảng 35.200 tỷ đồng (tương đương 1,600 tỷ USD) cho giai đoạn từ nay đến 2030. Tuy nhiên, phương án này, về mặt tổng thể chưa phù hợp với định hướng phát triển du lịch của cả nước, của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc, cũng như chưa phù hợp với định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình, chính vì vậy phương án này được đưa ra để làm phương án so sánh và tham khảo.

          + Phương án 2 (phương án phát triển trung bình): Được tính toán với tốc độ tăng trưởng cao hơn hiện nay, khi nền kinh tế phát triển ổn định, đầu tư cho du lịch cả nước cũng như của tỉnh Ninh Bình được tăng cường cả về lượng và chất, bắt đầu tạo ra những sản phẩm và dịch vụ du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu, đủ khả năng cạnh tranh và lưu giữ khách dài ngày. Theo phương án này, giai đoạn 2017 - 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình của khách du lịch quốc tế đến tỉnh Ninh Bình 8,7%/năm, và khách du lịch nội địa là 5,2%/năm; giai đoạn 2021 - 2025, các chỉ tiêu tương ứng là 8,0%/năm và 5,0%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 là 7,0%/năm và 5,0%/năm; đến năm 2020 tổng thu nhập du lịch đạt khoảng 4.200 tỷ đồng (tương đương 191 triệu USD), đến năm 2025 đạt 11.880 tỷ đồng (tương đương 540 triệu USD), và đến năm 2030 sẽ đạt 27.238 tỷ đồng (tương đương 1.238 triệu USD). Phương án này phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phù hợp với vị trí của tỉnh Ninh Bình trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời cũng phù hợp với vị trí của ngành du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình đến năm 2020. Do vậy, phương án này phù hợp với xu thế phát triển chung và đáp ứng được các yêu cầu lớn trên nên được chọn làm phương án chủ đạo để tính toán. Tuy nhiên, phương án này cần phải có sự đầu tư tương đối đồng bộ vào hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các khu du lịch, khu vui chơi - giải trí - thể thao, các cơ sở đào tạo nghiệp vụ du lịch... Tổng nhu cầu vốn đầu tư theo phương án này khoảng 42.460 tỷ đồng (tương đương 1,930 tỷ USD) cho giai đoạn từ nay đến 2030.

+ Phương án 3 (phương án phát triển cao): Được tính toán với tốc độ phát triển cao hơn phương án 2, đặc biệt được tính toán dựa trên các chỉ tiêu đã được xác định trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Theo phương án này, giai đoạn 2017 - 2020, tốc độ tăng trưởng trung bình của khách du lịch quốc tế đến tỉnh Ninh Bình là 11,4%/năm, và khách du lịch nội địa là 7,0%/năm; giai đoạn 2021 - 2025, các chỉ tiêu tương ứng là 10,0%/năm và 6,0%/năm; giai đoạn 2026 - 2030, các chỉ tiêu tương ứng là 8,0%/năm và 5,5%/năm; đến năm 2020 tổng thu nhập du lịch đạt khoảng gần 4.540 tỷ đồng (tương đương trên 206 triệu USD), đến năm 2025 sẽ đạt gần 13.350 tỷ đồng (tương đương 607 triệu USD), và đến năm 2030 sẽ đạt gần 32.815 tỷ đồng (tương đương 1.492 triệu USD). Phương án này có khả năng đạt được trong điều kiện thuận lợi của mối quan hệ quốc tế; sự phối hợp liên vùng, liên ngành có hiệu quả và khả năng đảm bảo cho việc tiếp tục đầu tư đồng bộ về kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành, đặc biệt tiếp tục đầu tư vào những khu, điểm du lịch trọng điểm có chất lượng cao (Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi, khu du lịch nghỉ dưỡng Kênh Gà – Vân Trình, khu du lịch sinh thái Vân Long, khu công viên động vật hoang dã Cúc Phương...). Tổng nhu cầu về vốn đầu tư cho du lịch theo phương án này khoảng 50.600 tỷ đồng (tương đương 2,300 tỷ USD) cho giai đoạn đến năm 2030. Cũng như phương án 1, phương án này được đưa ra để làm phương án so sánh và tham khảo.

3. Dự báo các chỉ tiêu phát triển du lịch chủ yếu

Các chỉ tiêu phát triển du lịch chủ yếu như khách du lịch (cả khách quốc tế và nội địa), ngày lưu trú trung bình của khách, mức chi tiêu bình quân, tổng thu nhập từ du lịch, nhu cầu về cơ sở lưu trú, nhu cầu lao động, nhu cầu đầu tư... được tính toán dự báo theo 3 phương án phát triển. Các dự báo này được căn cứ vào các chỉ tiêu cụ thể của tỉnh Ninh Bình, cũng như căn cứ vào vai trò và vị trí trung tâm ở phía Nam đồng bằng sông Hồng của thành phố Ninh Bình trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; đồng thời được căn cứ trên tốc độ tăng trưởng hiện tại, xu hướng phát triển trong tương lai; dựa trên các thế mạnh về tài nguyên, về sản phẩm du lịch; dựa trên hệ thống cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch của Ninh Bình…

3.1. Khách du lịch

3.1.1. Khách du lịch quốc tế

Khách du lịch quốc tế đến tỉnh Ninh Bình bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng chủ yếu là từ Hà Nội và các thành phố lớn ở phía Nam, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, Huế và Đà Nẵng... Khách du lịch quốc tế đến tỉnh Ninh Bình chủ yếu là theo tuyến du lịch xuyên Việt, cả về đường bộ và đường sắt. Khách du lịch đi bằng đường không và đường biển đến tỉnh Ninh Bình chưa có vì hiện nay chưa có sân bay và cảng du lịch. Trong những năm tới khi hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội, đặc biệt là quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc - Nam được nâng cấp mở rộng toàn tuyến…, thì khả năng khách du lịch quốc tế đến tỉnh Ninh Bình sẽ tăng nhanh.

Ngoài ra, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định: trong những năm tới, du lịch Việt Nam một mặt cần hướng ra biển, phát triển các sản phẩm du lịch biển; mặt khác cần đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng, nghỉ dưỡng núi, du lịch tham quan nghiên cứu văn hóa… Chính vì thế, trong những năm tới, để xây dựng sản phẩm mới và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tỉnh Ninh Bình cần vừa kết hợp đầu tư phát triển du lịch biển ở Cồn Nổi (Kim Sơn), vừa đầu tư phát triển du lịch sinh thái ở Cúc Phương và Vân Long, khu du lịch tổng hợp Kênh Gà - Vân Trình…, luồng khách du lịch quốc tế đến tỉnh Ninh Bình sẽ gia tăng.

Theo “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh Ninh Bình sẽ đón được khoảng 0,9 - 1,1 triệu lượt khách du lịch quốc tế vào năm 2020; năm 2025 là 1,3 - 1,8 triệu lượt và đến năm 2030 đón được 1,9 - 2,6 triệu lượt.

Trong tổng số khách du lịch quốc tế đến Ninh Bình, khách lưu trú chiếm tỷ lệ còn thấp. Năm 2016, số khách có lưu trú chỉ chiếm xấp xỉ 15,8%. Trong những năm tới, khi quy hoạch được triển khai đồng bộ, các cơ sở dịch vụ được đầu tư xây dựng, các sản phẩm và dịch vụ du lịch được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng…, chắc chắn số khách lưu trú qua đêm sẽ tăng lên. Để đáp ứng được các mục tiêu của quy hoạch, dự kiến đến năm 2020, số khách du lịch quốc tế có lưu trú sẽ chiếm khoảng 20%; đến năm 2025 là 30%; và đến năm 2030 là 50%.

3.1.2. Khách du lịch nội địa

Khách du lịch nội địa đến tỉnh Ninh Bình từ khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; cơ cấu khách rất đa dạng, thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, có thể đi lẻ hoặc đi theo đoàn...; và với những mục đích đi du lịch cũng khác nhau, nhưng chủ yếu là du lịch tham quan, nghiên cứu; du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, vui chơi giải trí cuối tuần…

Căn cứ vào “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, cũng như căn cứ vào thực trạng phát triển của thị trường khách du lịch nội địa đến Ninh Bình và các tỉnh trong vùng…, tỉnh Ninh Bình sẽ đón được khoảng 6,3 - 7,5 triệu lượt khách du lịch nội địa vào năm 2020; năm 2025 là 8,1 - 10,0 triệu lượt và đến năm 2030 đón được 10,0 - 13,0 triệu lượt.

Cũng giống như khách du lịch quốc tế, trong tổng số khách du lịch nội địa đến Ninh Bình, khách lưu trú chiếm tỷ lệ còn thấp. Năm 2016, số khách lưu trú chỉ chiếm khoảng 7,7% trong tổng số khách du lịch nội địa. Trong giai đoạn tới, các cơ sở dịch vụ được đầu tư xây dựng, các sản phẩm và dịch vụ du lịch được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng…, chắc chắn số khách có lưu trú qua đêm sẽ tăng lên, dự kiến đến năm 2020 số khách du lịch nội địa có lưu trú sẽ chiếm khoảng 15%; đến năm 2025 là 25%; và đến năm 2030 là 35%.

Bảng 11: Dự báo khách du lịch đến tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

 

Phương án

Loại khách

Hạng mục

2020

2025

2030

Phương án 1

Khách quốc tế

Tổng số lượt khách đến (nghìn)

900

1.300

1.900

Khách không lưu trú (nghìn)

720

900

1.100

Khách có lưu trú (nghìn)

180

400

800

   Ngày lưu trú trung bình (ngày)

1,6

2,0

2,5

   Tổng số ngày khách (nghìn)

290

800

2.000

Khách

nội địa

Tổng số lượt khách đến (nghìn)

6.300

8.100

10.000

Khách không lưu trú (nghìn)

5.300

6.100

7.000

Khách có lưu trú (nghìn)

1.000

2.000

3.000

   Ngày lưu trú trung bình (ngày)

1,4

1,8

2,2

   Tổng số ngày khách (nghìn)

1.400

3.600

6.600

Phương án 2

Khách quốc tế

Tổng số lượt khách đến (nghìn)

1.000

1.500

2.100

Khách không lưu trú (nghìn)

800

1.000

1.200

Khách có lưu trú (nghìn)

200

500

900

   Ngày lưu trú trung bình (ngày)

1,6

2,0

2,5

   Tổng số ngày khách (nghìn)

320

1.000

2.250

Khách

nội địa

Tổng số lượt khách đến (nghìn)

7.000

9.000

11.200

Khách không lưu trú (nghìn)

5.950

6.750

7.300

Khách có lưu trú (nghìn)

1.050

2.250

3.900

   Ngày lưu trú trung bình (ngày)

1,4

1,8

2,2

  Tổng số ngày khách (nghìn)

1.470

4.050

8.580

Phương án 3

Khách quốc tế

Tổng số lượt khách đến (nghìn)

1.100

1.800

2.600

Khách không lưu trú (nghìn)

880

1.250

1.300

Khách có lưu trú (nghìn)

220

550

1.300

   Ngày lưu trú trung bình (ngày)

1,6

2,0

2,5

   Tổng số ngày khách (ngàn)

350

1.100

3.250

Khách

nội địa

Tổng số lượt khách đến (nghìn)

7.500

10.000

13.000

Khách không lưu trú (nghìn)

6.350

7.500

8.500

Khách có lưu trú (nghìn)

1.150

2.500

4.500

   Ngày lưu trú trung bình (ngày)

1,4

1,8

2,2

   Tổng số ngày khách (nghìn)

1.600

4.500

9.900

Nguồn: Viện NCPT Du lịch.

3.2. Tổng thu từ du lịch, giá trị GRDP và nhu cầu vốn đầu tư du lịch

Tổng thu từ du lịch bao gồm các khoản thu từ lưu trú, ăn uống, lữ hành và vận chuyển (của các công ty lữ hành, dịch vụ taxi...); từ bán hàng lưu niệm và các dịch vụ bổ sung khác... Nói cách khác, tổng thu từ du lịch của một địa phương là nguồn thu từ tất cả các khoản chi của khách du lịch khi tham quan ở địa phương đó. Tổng thu từ du lịch được tính dựa trên tổng số lượt khách du lịch, số ngày lưu trú trung bình và mức chi tiêu bình quân của mỗi khách trong một ngày.

Hiện nay (năm 2016), trung bình một khách du lịch quốc tế đến tỉnh Ninh Bình chi tiêu mỗi ngày khoảng 770.000 đồng (tương đương 35USD) đối với khách lưu trú và 400.000 đồng (tương đương 18USD) đối với khách không lưu trú; còn đối với khách nội địa, các chỉ tiêu tương ứng là 550.000 đồng (tương đương 25USD) và 210.000 đồng (tương đương 9,5USD). Trong những năm tới, khi các sản phẩm và dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng, chất lượng được nâng cao thì mức độ chi tiêu của khách du lịch (cả quốc tế và nội địa) cũng dần dần được tăng lên. Dự kiến mức chi tiêu trung bình một ngày của một khách du lịch đến tỉnh Ninh Bình như sau:

 

Khách quốc tế

Khách nội địa

+ Giai đoạn đến 2016:

 - Có lưu trú:

 - Không lưu trú:

35,0 USD

18,0 USD

25,0 USD

9,5 USD

+ Giai đoạn 2016 - 2020:

 - Có lưu trú:

 - Không lưu trú:

50,0 USD

30,0 USD

30,0 USD

18,0 USD

+ Giai đoạn 2021 - 2025:

 - Có lưu trú:

 - Không lưu trú:

80,0 USD

55,0 USD

50,0 USD

30,0 USD

+ Giai đoạn 2026 - 2030:

 - Có lưu trú:

 - Không lưu trú:

100,0 USD

70,0 USD

70,0 USD

45,0 USD

         

Căn cứ vào số lượt khách, ngày lưu trú trung bình và mức chi tiêu của khách, tổng thu từ du lịch của tỉnh Ninh Bình trong từng giai đoạn được tính toán và trình bày ở bảng sau:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bảng 12: Dự báo tổng thu từ du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Đơn vị tính: Tỷ đồng/Triệu USD

Phương án

Loại thu nhập

2020

2025

2030

Phương án 1

Thu từ du lịch quốc tế

   + Từ khách có lưu trú

   + Từ khách không lưu trú

794,0/36,1

319,0/14,5

475,2/21,6

2.497,0/113,5

1.408,0/64,0

1.089,0/49,5

6.094,0/277,0

4.400,0/200,0

1.694,0/77,0

Thu từ du lịch nội địa

   + Từ khách có lưu trú

   + Từ khách không lưu trú

3.022,8/137,4

924,0/42,0

2.098,8/95,4

7.986,0/363,0

3.960,0/180,0

4.026,0/183,0

17.094,0/777,0

10.164,0/462,0

6.930,0/315,0

Tổng cộng

3.817,0/173,5

10.483,0/476,5

23.188,0/1.054,0

Phương án 2

Thu từ du lịch quốc tế

   + Từ khách có lưu trú

   + Từ khách không lưu trú

880,0/40,0

352,0/16,0

528,0/24,0

2.970,0/135,0

1.760,0/80,0

1.210,0/55,0

6.798,0/309,0

4.950,0/225,0

1.848,0/84,0

Thu từ du lịch nội địa

   + Từ khách có lưu trú

   + Từ khách không lưu trú

3.326,4/151,2

970,2/44,1

2.356,2/107,1

8.910,0/405,0

4.455,0/202,5

4.455,0/202,5

20.440,2/929,1

13.213,2/600,6

7.227,0/328,5

Tổng cộng

4.206,4/191,2

11.880,0/540,0

27.238,2/1.238,1

Phương án 3

Thu từ du lịch quốc tế

   + Từ khách có lưu trú

   + Từ khách không lưu trú

965,8/43,9

385,0/17,5

580,8/26,4

3.449,6/156,8

1.936,0/88,0

1.513,6/68,8

9.152,0/416,0

7.150,0/325,0

2.002,0/91,0

Thu từ du lịch nội địa

   + Từ khách có lưu trú

   + Từ khách không lưu trú

3.570,6/162,3

1.056,0/48,0

2.514,6/114,3

9.900,0/450,0

4.950,0/225,0

4.950,0/225,0

23.661,0/1.075,5

15.246,0/693,0

8.415,0/382,5

Tổng cộng

4.536,4/206,2

13.349,6/606,8

32.813,0/1.491,5

Nguồn: Viện NCPT Du lịch.

Căn cứ trên các số liệu dự báo về khách du lịch (quốc tế và nội địa) cũng như tổng thu từ du lịch của tỉnh Ninh Bình như đã trình bày ở phần trên, sau khi trừ chi phí trung gian (dịch vụ lưu trú: 10 - 15%; dịch vụ ăn uống: 60 - 65%; dịch vụ vận chuyển du lịch: 20 - 25%; bán hàng hóa lưu niệm: 65 - 70%; các dịch vụ khác: 15 - 20%; tính trung bình khoảng 30 - 35% tổng thu nhập), khả năng đóng góp của ngành du lịch trong tổng GRDP của tỉnh Ninh Bình được trình bày ở bảng sau.

Bảng 13: Dự báo chỉ tiêu GRDP và nhu cầu vốn đầu tư cho du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

 (Tính theo giá quy đổi 1USD = 22.000 đồng)

Chỉ tiêu

Đơn vị  tính

2016 (*)

2020

2025

2030

1. Tổng thu từ du lịch tỉnh Ninh Bình

Phương án 1

Tỷ đồng

Triệu USD

1.795,0

80,2

3.817,0

173,5

10.483,0

476,5

23.188,0

1.054,0

Phương án 2

Tỷ đồng

Triệu USD

1.795,0

80,2

4.206,4

191,2

11.880,0

540,0

27.238,2

1.238,1

Phương án 3

Tỷ đồng

Triệu USD

1.795,0

80,2

4.536,4

206,2

13.349,6

606,8

32.813,0

1.491,5

2. Tổng giá trị GRDP du lịch tỉnh Ninh Bình

Phương án 1

Tỷ đồng

Triệu USD

1.232,0

56,0

2.860,0

130,0

6.820,0

310,0

13.860,0

630,0

Phương án 2

Tỷ đồng

Triệu USD

1.232,0

56,0

3.190,0

145,0

7.810,0

355,0

16.500,0

750,0

Phương án 3

Tỷ đồng

Triệu USD

1.232,0

56,0

3.245,0

147,5

8.140,0

370,0

19.800,0

900,0

3. Tốc độ tăng trưởng GRDP du lịch

 

 

 

 

Phương án 1

%/năm

22,0

18,4

19,0

15,3

Phương án 2

%/năm

22,0

21,0

19,6

16,1

Phương án 3

%/năm

22,0

21,4

20,2

19,5

4. Hệ số ICOR cho du lịch

-

3,5

3,0

2,5

5. Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho du lịch tỉnh Ninh Bình

Phương án 1

Tỷ đồng

Triệu USD

 

-

5.698,0

259,0

11.880,0

540,0

17.600,0

800,0

Phương án 2

Tỷ đồng

Triệu USD

 

-

6.853,0

311,5

13.860,0

630,0

21.736,0

988,0

Phương án 3

Tỷ đồng

Triệu USD

 

-

7.040,0

320,0

14.696,0

668,0

29.150,0

1.325,0

Nguồn: Viện NCPT Du lịch; (*) Số liệu hiện trạng

Để đạt được các chỉ tiêu cơ bản trong định hướng phát triển của ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, vấn đề đầu tư vào hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, các cơ sở vui chơi giải trí, thể thao, phương tiện vận chuyển khách, các cơ sở đào tạo, cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch... giữ vai trò hết sức quan trọng. Nếu không có đầu tư, hoặc đầu tư không đồng bộ thì việc thực hiện các định hướng sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc tính toán nhu cầu đầu tư trong từng thời kỳ được dựa trên tổng giá trị GRDP đầu và cuối kỳ, và hệ số ICOR là chỉ số xác định hiệu quả của việc đầu tư.

Hệ số ICOR chung cho các ngành kinh tế cả nước là 7,3 cho thời kỳ 2009 - 2011 (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Đối với ngành kinh tế du lịch nói chung, và đặc biệt Ninh Bình có vị trí thuận lợi…, hiệu quả đầu tư thường cao hơn, do đó hệ số ICOR du lịch sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của quy hoạch, việc đầu tư cho du lịch tỉnh Ninh Bình cần được tập trung cho hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch (đặc biệt là xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải), hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành…, nên giai đoạn này hệ số ICOR vẫn còn cao vì khả năng khai thác còn hạn chế, chưa tạo ra hiệu quả lớn (giá trị gia tăng GRDP còn thấp). Những giai đoạn tiếp theo, việc đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, cho hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật chuyên ngành dần được hoàn thiện và đi vào khai thác ổn định, hiệu quả đầu tư sẽ cao hơn, do đó hệ số ICOR sẽ giảm dần. Căn cứ vào các chỉ tiêu về đầu tư du lịch trong “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, dự kiến hệ số ICOR đầu tư cho du lịch tỉnh Ninh Bình là 3,0 cho thời kỳ đến năm 2020; 2,5 cho thời kỳ 2021- 2025; và 2,0 cho thời kỳ 2026 - 2030. Như vậy, theo cách tính trên thì nhu cầu về đầu tư cho ngành du lịch tỉnh Ninh Bình từ nay đến năm 2030 khoảng 38.760 tỷ đồng (tương đương 1.760 triệu USD) theo phương án 1; khoảng 41.590 tỷ đồng (tương đương 1.890 triệu USD) theo phương án 2 và khoảng 46.350 tỷ đồng (tương đương 2.100 triệu USD) theo phương án 3. Việc huy động vốn, tạo ra nguồn vốn là rất quan trọng để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Nguồn vốn ngân sách Nhà nước (cả trung ương và địa phương) chủ yếu chỉ tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, cho việc bảo tồn nâng cấp các di tích lịch sử văn hóa, bảo vệ môi trường, cho công tác tuyên truyền quảng bá du lịch... Còn vốn đầu tư cho việc xây dựng khách sạn, nhà hàng, các khu du lịch, các khu vui chơi giải trí, các cơ sở dịch vụ du lịch khác... thì phải huy động từ các nguồn xã hội hóa (vốn vay ngân hàng, vốn trong dân, vốn liên doanh liên kết...).

3.3. Dự báo về nhu cầu cơ sở lưu trú du lịch

Để đảm bảo cơ sở lưu trú cho khách du lịch đến tỉnh Ninh Bình từ nay đến năm 2030, vấn đề dự báo và đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch là một yêu cầu rất quan trọng. Việc dự báo nhu cầu cơ sở lưu trú du lịch có liên quan chặt chẽ với số lượng khách, với số ngày lưu trú của khách, với công suất sử dụng buồng trung bình. Số lượng buồng lưu trú du lịch được tính theo công thức sau:

                                                       (số lượt khách)   x   (số ngày lưu trú trung bình)

   Số buồng cần có  =       ________________________________________________________________________

                                           (365 ngày/năm) x (công suất sử dụng buồng trung bình năm)                                                x (số khách nghỉ trung bình trong một buồng)

Căn cứ vào các chỉ tiêu dự báo về khách du lịch (khách có lưu trú), ngày lưu trú trung bình… như trên, dự báo về nhu cầu cơ sở lưu trú du lịch của tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được trình bày ở bảng sau:

Bảng 14: Dự báo nhu cầu cơ sở lưu trú du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

                                                                             Đơn vị: Buồng

Phương án

Nhu cầu cho từng loại

khách du lịch

2020

2025

2030

Phương án 1

Nhu cầu cho khách quốc tế

1.300

2.100

4.300

Nhu cầu cho khách nội địa

5.200

8.300

16.200

Tổng cộng

 Trong đó đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao

6.500

1.000

10.400

2.100

20.500

6.300

Phương án 2

Nhu cầu cho khách quốc tế

1.500

2.300

4.800

Nhu cầu cho khách nội địa

5.500

9.200

18.000

Tổng cộng

 Trong đó đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao

7.000

1.100

11.500

2.300

22.800

7.000

 

Phương án 3

Nhu cầu cho khách quốc tế

1.700

2.500

6.800

Nhu cầu cho khách nội địa

5.800

10.200

20.800

Tổng cộng

 Trong đó đạt tiêu chuẩn 3 - 5 sao

7.500

1.200

12.700

2.500

27.600

8.300

Công suất sử dụng buồng trung bình năm (%)

50

60

65

Nguồn: Viện NCPT Du lịch.

 

          Ninh Bình có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch homestay, do vậy trong những năm tới, ngoài số lượng cơ sở lưu trú đã được dự báo ở trên, cần phát triển các cơ sở lưu trú dưới hình thức homestay để đáp ứng nhu cầu đa dạng cho khách du lịch.

3.4. Dự báo về nhu cầu lao động trong du lịch 

Số lao động bình quân trên một buồng lưu trú hiện nay ở tỉnh Ninh Bình còn rất thấp vì các dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, chưa đa dạng và phong phú, chất lượng còn thấp, nhiều cơ sở lưu trú dưới dạng homestay… Năm 2017, chỉ tiêu này chỉ đạt chỉ đạt 0,9 lao động trực tiếp/1 buồng lưu trú (5.350 lao động trực tiếp/5.999 buồng lưu trú). Trong những năm tới, với định hướng phát triển và đa dạng hóa các dịch vụ du lịch bổ sung, nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch…, nên số lượng lao động trực tiếp bình quân trên một buồng lưu trú sẽ tăng lên. Căn cứ vào nhu cầu lao động tính bình quân trên một buồng lưu trú của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc là 1,2 - 1,4 lao động trực tiếp/buồng lưu trú, và mỗi lao động trực tiếp tương ứng với 1,5 - 2,0 lao động gián tiếp ngoài xã hội. Như vậy, căn cứ vào các chỉ tiêu trên, các tính toán về nhu cầu lao động cho toàn ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo các phương án được trình bày trên bảng sau.

Bảng 15: Dự báo nhu cầu lao động trong du lịch Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Đơn vị tính: Người

Phương án

Loại lao động

2020

2025

2030

Phương án 1

Lao động trực tiếp trong du lịch

8.000

11.000

19.000

Lao động gián tiếp ngoài xã hội

13.000

17.600

38.000

Tổng cộng

21.000

28.600

57.000

Phương án 2

Lao động trực tiếp trong du lịch

8.600

12.000

20.000

Lao động gián tiếp ngoài xã hội

14.000

20.000

40.000

Tổng cộng

22.600

32.000

60.000

Phương án 3

Lao động trực tiếp trong du lịch

9.400

13.000

22.000

Lao động gián tiếp ngoài xã hội

15.100

22.000

44.000

Tổng cộng

24.500

35.000

66.000

Số lao động trung bình/buồng lưu trú

1,2

1,3

1,4

Nguồn: Viện NCPT Du lịch.

 

III. CÁC ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH CHỦ YẾU

1. Định hướng phát triển thị trường và sản phẩm du lịch

1.1. Định hướng phát triển thị trường

          Định hướng phát triển thị trường là việc xác định các thị trường mục tiêu trong tương lai, từ đó xây dựng các chiến lược về sản phẩm, cũng như các chính sách xúc tiến quảng bá phù hợp nhằm thu hút có hiệu quả khách du lịch từ các thị trường mục tiêu và thị trường tiềm năng đã được xác định.

Việc xác định các thị trường mục tiêu được căn cứ vào một số tiêu chí chính như xu hướng, dự báo dòng khách du lịch; tiềm năng du lịch của lãnh thổ; hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; các điểm du lịch tiêu biểu; các sản phẩm du lịch đặc thù; đặc điểm tâm lý xã hội, nhu cầu đi du lịch của từng thị trường khách; các kết quả điều tra về khách du lịch; các sự kiện lớn được tổ chức như các hội nghị đa quốc gia, đại hội thể thao quốc tế...; các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch...

Thị trường mục tiêu bao gồm thị trường quốc tế và thị trường nội địa. Đối với các thị trường quốc tế có thể là các thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng hoặc mới khai thác.

Thị trường là nhân tố quan trọng của sự phát triển du lịch Ninh Bình trong thời gian tới. Để đẩy nhanh tốc độ phát triển cần có những sản phẩm du lịch phù hợp với từng thị trường. Với đặc thù về tài nguyên du lịch trong mối quan hệ với khu vực phát triển năng động về du lịch là Ninh Bình - Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, Ninh Bình cần định hướng phát triển các thị trường khách du lịch sau:  

1.1.1. Thị trường khách du lịch quốc tế

1.1.1.1. Nhóm thị trường trọng điểm, ưu tiên phát triển trong giai đoạn đến năm 2020 và những năm tiếp theo (các thị trường gần: Đông Bắc Á và Đông Nam Á)

a. Khu vực Đông Bắc Á: Theo thứ tự ưu tiên bao gồm thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Đây là những thị trường nguồn gửi khách chiếm thị phần lớn của cả nước, của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung, trong đó có Ninh Bình. Đối với các thị trường này, cần tập trung thu hút những dòng khách có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày và sử dụng dịch vụ đa dạng, cao cấp.

+ Thị trường Nhật Bản: Người Nhật Bản trong những năm gần đây có nhu cầu đi du lịch rất cao, và là một trong những nước đi du lịch nhiều nhất trên thế giới. Khách Nhật Bản đi du lịch tới khu vực Đông Nam Á ngày càng nhiều, và đặc biệt đối với Việt Nam tăng nhanh đáng kể (Việt Nam là một trong số 12 nước trên thế giới được người Nhật Bản chọn là điểm đến du lịch). Thị trường Nhật Bản luôn là một trong những thị trường khách quốc tế hàng đầu của du lịch Việt Nam. Họ đến Việt Nam chủ yếu theo phương tiện hàng không, một số ít theo đường biển bằng tàu du lịch cao cấp, trong đó có khoảng 63,9% là để nghỉ dưỡng (chủ yếu là nghỉ dưỡng núi) và tham quan du lịch; 36,1% khách thương gia, công vụ và các mục đích khác.

Thị trường khách du lịch Nhật Bản là thị trường khách có chất lượng cao, năm 2016 thị trường khách du lich Nhật bản chiếm 7,3% tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; khách Nhật Bản có khả năng chi trả rất cao (năm 2016 chi tiêu trung bình khoảng 3.500.000 đồng/người/ngày) và vẫn có xu hướng tăng; ngày lưu trú trung bình tương đối cao, khoảng 6 - 7 ngày. Tuy nhiên, khách du lịch Nhật Bản có yêu cầu rất cao về vệ sinh môi trường, về chất lượng dịch vụ du lịch, đầy đủ tiện nghi, đặc biệt là chất lượng hướng dẫn viên du lịch và an ninh, an toàn trong suốt chuyến đi; họ thích đi tour trọn gói và thích tham quan nhiều điểm du lịch (các khu thiên nhiên sinh thái, nơi có phong cảnh đẹp, các khu di tích văn hóa lịch sử, văn hóa bản địa, các di sản thế giới, các cửa hàng bán đồ lưu niệm và đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống, các điểm đến người dân và cộng đồng địa phương thân thiện, mến khách có hệ thống giao thông thuận tiện…) trong một chuyến đi. Đối với thị trường khách Nhật Bản nên chú trọng tiếp thị vào các thị trường phụ nữ độc thân, gia đình đi tour trọn gói, các đôi vợ chồng mới cưới đi nghỉ tuần trăng mật. Người Nhật Bản thường đi du lịch vào các tháng 2, 3, 7 và 8.

Trong thời gian tới, khách du lịch Nhật Bản đến Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Ninh Bình sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với thị trường Nhật Bản bởi có tài nguyên du lịch đặc sắc, có nhiều sản phẩm du lịch phù hợp… Về phân đoạn thị trường theo lứa tuổi và giới tính, du lịch học đường, khách nữ (đặc biệt là thanh niên và trung niên làm việc văn phòng), người cao tuổi sẽ là các phân đoạn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới, hướng vào các sản phẩm, dịch vụ mang tính trải nghiệm cao.

Các sản phẩm du lịch chủ yếu của Ninh Bình có thể đáp ứng các nhu cầu du lịch của khách du lịch Nhật Bản bao gồm:

- Du lịch tham quan thắng cảnh, các di tích văn hóa lịch sử, các di sản (quần thể di tích, danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm…).

- Du lịch nghỉ dưỡng núi và hồ, du lịch chữa bệnh phục hồi sức khỏe (Đồng Chương, Đồng Thái, Kênh Gà...).

- Du lịch văn hóa, du khảo đồng quê, trải nghiệm cuộc sống cộng đồng.

- Du lịch nghiên cứu sinh thái ở các vườn quốc gia và các khu bảo tồn tự nhiên (Cúc Phương, Vân Long).

- Du lịch văn hóa làng nghề (thêu ren; gốm mỹ nghệ, đồ gỗ, mây tre đan...).

+ Thị trường Hàn Quốc: Thị trường khách du lịch Hàn Quốc chiếm tỷ trọng tương đối cao trong tổng sô khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung (năm 2010 chiếm 9,8%; đến năm 2016 tăng lên 15,4%). Khách Hàn Quốc thường lựa chọn các điểm đến an toàn, dễ tiếp cận; người dân hiếu khách; thích khám phá văn hóa bản địa, các di sản văn hóa, các điểm đến tâm linh; ưa thích đồ thủ công, mỹ nghệ truyền thống; thích thưởng thức ẩm thực điểm đến; lựa chọn các dịch vụ du lịch có chất lượng cao; thích nghỉ ở các resort cao cấp, chơi golf, mua sắm; thường mua đồ lưu niệm sau mỗi chuyến đi... Khách Hàn Quốc với mục đích thương mại, công vụ, các nhà đầu tư…, thường kết hợp với tham quan thắng cảnh, họ di chuyển chủ yếu bằng đường hàng không, có khả năng chi trả cao (khoảng 3.000.000 đồng/người/ngày), có thời gian lưu trú tương đối dài (5 - 6 ngày). Đây là thị trường tiềm năng đối với du lịch Ninh Bình trong những năm tới. Tuy nhiên, thị trường khách du lịch trẻ tuổi có xu hướng gia tăng, họ thích đi tự do, không mua tour trọn gói, thích khám phá các điểm đến mới lạ..., do vậy với lợi thế về tiềm năng, Ninh Bình có thể khai thác tốt phân đoạn thị trường này trong những năm tới.

Cũng như người Nhật Bản, người Hàn Quốc cũng có yêu cầu rất cao về chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ, vệ sinh môi trường và về an ninh... Các sản phẩm du lịch mà Ninh Bình có thể đáp ứng cho thị trường này bao gồm: du lịch tham quan thắng cảnh; du lịch sinh thái; du lịch nghiên cứu các giá trị văn hóa (các di tích lịch sử, lễ hội, làng nghề); du lịch tâm linh; du lịch thương mại; du lịch chơi golf; mua sắm; thưởng thức ẩm thực bản địa...       

+ Thị trường Trung Quốc (bao gồm cả Hồng Kông): Khách du lịch Trung Quốc đến Ninh Bình chủ yếu khai thác từ hành lang Móng Cái (Quảng Ninh) – Hải Phòng – Ninh Bình; Lạng Sơn – Hà Nội – Ninh Bình; và Lào Cai – Hà Nội – Ninh Bình. Người Trung Quốc thích tham quan những nơi có phong cảnh đẹp, địa danh nổi tiếng gắn với những sự kiện lịch sử, danh nhân thế giới; coi trọng văn hóa ẩm thực, số lượng thức ăn nhiều cho mỗi bữa ăn; thích gam màu đỏ và màu vàng; quan tâm đến các con số 6, 8, 9 được coi là may mắn trường thọ, phát tài, thuận lợi… Đây là thị trường có xu thế đi du lịch đến Việt Nam tăng nhanh trong những năm gần đây, và chiếm tỷ trọng cao nhất trong số khách quốc tế đến Việt Nam. Ninh Bình là một địa danh hấp dẫn mà khách du lịch Trung Quốc muốn khám phá bởi có nhiều tiềm năng du lịch độc đáo, hấp dẫn. Trong những năm tới, đây vẫn là thị trường quan trọng đối với du lịch Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng. Khách du lịch Trung Quốc đa số có khả năng chi trả trung bình và thấp, nên họ thường sử dụng các dịch vụ du lịch giá rẻ, lựa chọn các phương tiện đi lại bằng đường bộ (an toàn) và hàng không giá rẻ; một số ít khách thương mại Trung Quốc lựa chọn các dịch vụ du lịch cao cấp hơn và sử dụng phương tiện hàng không để đi lại. Trong cơ cấu chi tiêu của khách Trung Quốc, họ dành tới 56,7% cho lưu trú và ăn uống, số còn lại dành chủ yếu cho các dịch vụ bổ sung khác. Đối với khách du lịch Trung Quốc, cần tổ chức nhiều dịch vụ bổ sung, đặc biệt các dịch vụ bổ sung này phải gắn liền với các cơ sở lưu trú để thuận lợi cho việc sử dụng của họ.

Các sản phẩm du lịch của Ninh Bình phù hợp với thị trường này bao gồm:

- Du lịch tham quan thắng cảnh ; các di tích văn hóa lịch sử; quần thể di tích, danh thắng Tràng An (bao gồm cả Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư); Chùa Bái Đính; Nhà thờ đá Phát Diệm…

          - Du lịch vui chơi giải trí; du lịch kết hợp mua sắm, ẩm thực, đặc sản.

- Du lịch sinh thái (vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn Vân Long).

+ Thị trường Đài Loan: Những năm gần đây xu thế đi du lịch của người Đài Loan đến Việt Nam gia tăng nhanh, trong đó Ninh Bình nói riêng và vùng đồng bằng sông Hồng nói chung cũng là một điểm đến được khách du lịch Đài Loan ưa thích. Về đặc điểm chung của người Đài Loan cũng tương đồng với thị trường Trung Quốc, nhưng khách du lịch Đài Loan đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không với mục đích tham quan, sinh thái, nghỉ dưỡng, thương mại, và có khả năng chi trả cao. Trong những năm tiếp theo, Đài Loan vẫn tiếp tục là thị trường quan trọng của du lịch Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng. Đặc biệt, quần thể danh thắng Tràng An - nơi có nhiều cảnh quan hấp dẫn, nơi tham quan lý tưởng sẽ là trung tâm thu hút khách Đài Loan đến với Ninh Bình.

Đối với thị trường khách Đài Loan các sản phẩm du lịch phù hợp mà tỉnh Ninh Bình có thể đáp ứng bao gồm:

- Du lịch tham quan thắng cảnh, các di tích văn hóa lịch sử, các di sản (quần thể di tích, danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm…).

          - Du lịch nghỉ dưỡng hồ và núi (Đồng Chương, Đồng Thái, Cúc Phương...).

          - Du lịch chơi golf ở (sân golf Hoàng Gia, Tràng An).

- Du lịch thể thao mạo hiểm: leo núi, dù lượn, khinh khí cầu…

- Du lịch vui chơi giải trí, casino (nếu có điều kiện phát triển ở Ninh Bình).

          - Du lịch thương mại, hội nghị, hội thảo…

b. Khu vực Đông Nam Á (ASEAN): Thị trường các nước Đông Nam Á chiếm thị phần quan trọng đối với Vùng đồng bằng sông Hồng nói chung (trong đó có Ninh Bình), do đó cần đặc biệt quan tâm để phát triển và mở rộng. Các thị trường này đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt sau khi Cộng đồng chung ASEAN chính thức được thành lập, sự hợp tác khu vực được gia tăng, khả năng thu hút luồng khách này sang Việt Nam là rất lớn, đặc biệt theo hành lang Đông Tây. Luồng khách của các thị trường này theo tuyến đường không đến Hà Nội, hoặc thông qua hệ thống đường bộ sau đó đến Ninh Bình và lan tỏa ra các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng nói chung.

Mục đích chính của thị trường ASEAN là du lịch thương mại, thăm thân, tham quan du lịch..., với ngày lưu trú trung bình khoảng 3 - 4 ngày; phương tiện vận chuyển chính là máy bay và ôtô; mức chi tiêu trung bình khoảng 2.200.000 đồng/người/ngày (trong đó khách du lịch thương mại khoảng 3.300.000 đồng). Với thị trường này, Ninh Bình đáp ứng đầy đủ các sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái…

          Nhìn chung, thị trường ASEAN là thị trường đầy tiềm năng của du lịch Ninh Bình vì xu hướng khách đi lại trong vùng vẫn không thay đổi, giá cả hợp với mức thu nhập của người dân ở các nước này, điều kiện đi lại trong khu vực ngày một dễ hơn, dễ hội nhập với phong cách sống ở Việt Nam do có văn hóa, lịch sử tương đồng. Tuy nhiên, những thị trường này cũng có những đòi hỏi cao như giá rẻ, dịch vụ chất lượng, hiệu quả, mặt hàng phong phú phù hợp với ý thích mua sắm, đồng thời các sản phẩm du lịch phải khác biệt so với sản phẩm ở nước họ, tránh sự nhàm chán, lặp lại giữa các nước trong khu vực.

         Một số thị trường chính trong khu vực Đông Nam Á bao gồm:

+ Thị trường khách du lịch Thái Lan: Khách du lịch Thái Lan nói chung không có nhu cầu quá cao về chất lượng dịch vụ, nhưng coi trọng sự nhiệt tình, chu đáo, sạch sẽ trong phục vụ; thường lựa chọn khách sạn 3 - 4 sao (khách du lịch công vụ thường chọn khách sạn 5 sao); thích các điểm đến có phong cảnh đẹp, thích chụp ảnh và khoe ảnh chụp tại điểm đến với gia đình, bạn bè; thích mua đồ lưu niệm tại điểm đến; thích đến các trung tâm vui chơi giải trí, shoping, các hoạt động giải trí, lễ hội náo nhiệt, ít quan tâm đến tìm hiểu văn hóa bản địa. Hàng năm có hơn 6,2 triệu người dân Thái Lan đi du lịch nước ngoài, trong số đó có khoảng 77% hướng đi du lịch nội vùng các nước ASEAN. Mục đích chủ yếu của khách du lịch Thái Lan là tham quan, nghỉ dưỡng (chiếm khoảng 80 – 82%); và công vụ (chiếm khoảng 18 - 20%).

Hiện nay, khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam còn thấp hơn so với nhiều thị trường khác, nhưng Việt Nam nằm trong tốp 10 điểm đến hàng đầu của khách du lịch Thái Lan. Với việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và việc tự do đi lại trong các nước ASEAN được mở rộng, trong thời gian tới, khách du lịch Thái Lan đến Việt Nam sẽ gia tăng, và đây là có hội để Ninh Bình thu hút thị trường quan trọng này.

Các sản phẩm du lịch ở Ninh Bình phù hợp với khách Thái Lan bao gồm:

- Du lịch tham quan thắng cảnh, các di tích văn hóa lịch sử, các di sản (quần thể di tích, danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, chùa Bái Đính, Nhà thờ đá Phát Diệm…).

- Du lịch văn hóa – tâm linh (chùa Bái Đính, cố đô Hoa Lư…)

          - Du lịch thăm thân

          - Du lịch sinh thái

          - Du lịch biển

+ Thị trường khách du lịch Lào: Đối với Lào, hiện nay có hàng trăm ngàn Việt Kiều đang sinh sống làm ăn ở Lào có nhu cầu về thăm quê hương. Do vậy, hiện nay khách du lịch từ Lào đến Việt Nam đang gia tăng. Tuy Ninh Bình không tiếp giáp với Lào, nhưng kết nối Ninh Bình qua Thanh Hóa đến Lào (qua cửa khẩu Na Mèo) cũng tương đối dễ dàng. Đây là tuyến đường có thể kết nối và thu hút khách Lào hướng ra biển trong một lộ trình du lịch hấp dẫn Lào – Lam Kinh – Thành Nhà Hồ - Cúc Phương – Tràng An – Bái Đính – Phát Diệm – Cồn Nổi (trong tương lai Cồn Nổi sẽ được đầu tư phát triển). Do vậy, trong tương lai, Lào sẽ là thị trường tiềm năng lớn đối với du lịch Ninh Bình. Các sản phẩm du lịch ở Ninh Bình phù hợp với thị trường Lào (kể cả Việt Kiều) bao gồm: du lịch thăm thân; du lịch tham quan; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch biển; du lịch mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí…

+ Thị trường khách du lịch Malaysia: Người Malaysia thích đi du lịch, nhưng các điểm đến cần đáp ứng các dịch vụ theo tiêu chuẩn và quy định của Hồi giáo (lưu trú, ăn uống...). Khách du lịch Malaysia thích các hoạt động ngoài trời; thích mua sắm và đặc biệt bị lôi cuốn bởi các chương trình khuyến mại, giảm giá; đam mê ẩm thực, tìm hiểu các món ăn mới khi đi du lịch, tuy nhiên các món ăn này không được vi phạm quy tắc của Hồi giáo; thích đến các điểm đến an toàn, có sự giao thoa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại; thích sử dụng các hãng hàng không giá rẻ, chủ yếu đến các điểm du lịch nội vùng và ngắn ngày.

Khách du lịch Malaysia ra nước ngoài ngày càng tăng, đặc biệt đi nội vùng Đông Nam Á tăng đáng kể. Tuy nhiên số lượng tới Việt Nam, và đặc biệt là Ninh Bình còn hạn chế. Khách du lịch Malaysia đến Việt Nam thường đi bằng đường hàng không, có khả năng chi trả trung bình và cao, họ thường lựa chọn các điểm du lịch vùng núi và cao nguyên, ít lựa chọn các điểm du lịch biển. Do vậy, Ninh Bình (khu vực Tràng An, Cúc Phương…) cũng có khả năng hấp dẫn đối với thị trường này. Các sản phẩm du lịch chính của Ninh Bình có thể đáp ứng cho khách Malaysia bao gồm:

- Du lịch nghỉ dưỡng núi, hồ (Đồng Chương, Đồng Thái); tham quan thắng cảnh (Tràng An, Tam Cốc – Bích Động…).

- Du lịch văn hóa – tâm linh (Bái Đính, Phát Diệm…).

- Du lịch chơi golf (Hoàng Gia, Tràng An).

- Du lịch nghiên cứu, sinh thái, du lịch mạo hiểm ở vườn quốc gia, khu bảo tồn (Cúc Phương, Vân Long).

- Du lịch chữa bệnh bằng suối nước khoáng nóng (Kênh Gà, Cúc Phương).

+ Thị trường khách du lịch Singapore: Hàng năm số lượng khách du lịch Singapore đi ra nước ngoài khoảng trên 3 triệu người, phần lớn trong số họ là hướng tới các nước trong nội vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, hiện nay số khách Singapore đến Việt Nam nói chung và Ninh Bình nói riêng còn hạn chế. Nhưng theo nghiên cứu cho thấy, khách du lịch Singapore rất ưa thích các khu du lịch nghỉ dưỡng núi. Trong tương lai, Ninh Bình có điều kiện để xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng núi (khu du lịch tổng hợp Kênh Gà - Vân Trình), do vậy đây sẽ là cơ hội để hấp dẫn khách du lịch Singapore khi họ đến Việt Nam. Khách Singapore thường đi bằng phương tiện hàng không, có khả năng chi trả cao, thích mua sắm, thích tham quan thắng cảnh thiên nhiên, phù hợp với các sản phẩm du lịch ở Tràng An, Tam Cốc – Bích Động, Vân Long… Các sản phẩm du lịch chính đáp ứng cho thị trường này gồm:

          - Du lịch nghỉ dưỡng hồ và núi

- Du lịch tham quan thắng cảnh

          - Du lịch chơi golf

          - Du lịch dưỡng bệnh, tắm khoáng nóng

          - Du lịch sinh thái…

1.1.1.2. Nhóm thị trường duy trì phát triển trước mắt đến năm 2020 và lâu dài đến năm 2030 (Châu Âu, Bắc Mỹ, Úc)

a. Khu vực Châu Âu

+ Thị trường khách du lịch Pháp: Người Pháp được coi là lịch sự, thông minh, khéo léo và thích đi du lịch. Khi đi du lịch, người Pháp luôn đòi hỏi phải được phục vụ tận tình, chu đáo; thường chọn những khách sạn 3 - 4 sao hoặc các kiểu nhà nghỉ giải trí để lưu trú; coi trọng sự riêng tư, thường thích phục vụ ăn uống ngay tại phòng. Khách du lịch Pháp thường tính toán kỹ lưỡng và chi tiết chi phí cho chuyến đi du lịch, thường dành 50% chi phí cho các dịch vụ vật chất và 50% còn lại cho mua sắm. Khách du lịch Pháp thích tìm hiểu, khám phá văn hóa bản địa, các công trình kiến trúc, nghệ thuật, các di sản thế giới, các danh lam thắng cảnh và đặc biệt là thích tìm hiểu văn hóa ẩm thực của điểm đến. Ngoài ra, khách Pháp còn thích khám phá và tham gia vào các tour du lịch sinh thái mạo hiểm, do vậy Ninh Bình rất có tiềm năng để thu hút các đối tượng khách này. Khách Pháp đến Việt Nam bằng đường hàng không, có khả năng chi trả trung bình và cao.

Pháp là thị trường chính, chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng số khách Châu Âu đến Ninh Bình. Các điểm thu hút khách Pháp là Quần thể danh thắng Tràng An, Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, những homestay cộng đồng… Đây là những điểm tham quan hấp dẫn trong các tour du lịch của khách Pháp khi đến Ninh Bình. Các đối tượng của thị trường Pháp rất đa dạng và thuộc nhiều tầng lớp xã hội khác nhau (thương nhân, nhà nghiên cứu, sinh viên, người già, người trẻ...). Khách Pháp đòi hỏi chất lượng các dịch vụ du lịch cao, có khả năng chi trả cao, thích những sản phẩm và dịch vụ mang phong cách Pháp... Tuy nhiên họ rất thực dụng, chỉ chấp nhận giá cả phải tương xứng với chất lượng dịch vụ. Các sản phẩm du lịch của Ninh Bình có thể đáp ứng cho thị trường Pháp bao gồm: Du lịch văn hóa, du lịch tham quan thắng cảnh, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đồng quê, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lịch sử, du lịch làng nghề…

+ Thị trường khách du lịch Nga: Khách du lịch Nga được đánh giá là thị trường khách có khả năng chi trả tương đối cao, xếp thứ 9 trên thế giới về mức tiêu dùng. Chi tiêu bình quân của một khách du lịch Nga vào khoảng 1.500 USD/1 chuyến đi, trong đó có khoảng 610 USD chi cho ngoài tour, cao hơn 40% mức chi tiêu trung bình của các du khách nước khác. Khách du lịch Nga có thói quen đi du lịch nước ngoài cùng với gia đình, ít khi đi riêng lẻ. Gần đây, họ cũng đã bắt đầu có sở thích đi du lịch liền 2 nước ở cùng khu vực trong một chuyến đi. Mục đích của khách du lịch Nga khi đi du lịch nước ngoài nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng chủ yếu là nghỉ dưỡng, tránh đông, nghỉ mát, tắm biển, tham quan và mua sắm. Khi đi du lịch, khách Nga thường lựa chọn các tour trọn gói tại các điểm đến có nhiều khu resort, các khách sạn chất lượng cao để nghỉ dưỡng; thích xem các chương trình biểu diễn opera, âm nhạc, ba lê hoặc kịch ở nhà hát lớn; thích ăn các loại súp có lẫn thịt, các món quay nhừ, cá hun khói, các loại rau, hải sản; thích dùng nhiều bơ, uống sữa tươi và đặc biệt thích uống rượu vodka; thích mua đồ lưu niệm (lụa, mật ong, nữ trang vàng...).          

          Hiện nay, khách du lịch Nga đến Ninh Bình còn hạn chế. Tuy nhiên, khách du lịch Nga đến Việt Nam có thời gian lưu trú tương đối dài và chủ yếu đến vùng duyên hải Nam trung Bộ (nơi có những bãi biển và resort nghỉ dưỡng hấp dẫn). Nhưng hiện nay, khách du lịch Nga thường có xu hướng kết hợp đi nghỉ dưỡng biển với tham quan các di sản trong cùng một chuyến đi. Do vậy, Ninh Bình với di sản thế giới Tràng An và nhiều danh lam thắng cảnh khác, lại cách Hà Nội không xa sẽ là điểm đến cho khách du lịch Nga trong những năm tới.

+ Các thị trường Châu Âu khác: Sau thị trường Pháp, các thị trường Tây Âu có nhiều khách đến Ninh Bình là Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch... Cũng như khách Pháp, các thị trường này có những tâm lý, sở thích, những đòi hỏi rất cao về chất lượng các dịch vụ và sản phẩm du lịch... Các thị trường Đông Âu bắt đầu phát triển trở lại và đây sẽ là những thị trường tiềm năng của Ninh Bình (thị trường này đã từng là thị trường truyền thống của du lịch Việt Nam nói chung và của Ninh Bình nói riêng). Các sản phẩm ưa thích của thị trường Đông Âu là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tham quan hang động ở Ninh Bình, tham quan Quần thể danh thắng Tràng An, khu vực Tam Cốc - Bích Động... Những sản phẩm lưu niệm thị trường khách này ưa thích là hàng thêu: tranh, quần áo, ga, gối...và hàng mỹ nghệ.

Trong điều kiện khi Ninh Bình xây dựng được các khu nghỉ dưỡng cao cấp thì khả năng thu hút khách châu Âu đến nghỉ dài ngày sẽ rất lớn.

b. Khu vực Bắc Mỹ

+ Thị trường khách du lịch Mỹ: Người Mỹ có tính cách phóng khoáng, tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, thích tự do. Khi đi du lịch, đặc biệt quan tâm đến điều kiện an ninh ở điểm đến; thích tham gia các hội hè, có nhiều dịch vụ vui chơi giải trí; thích trải nghiệm các điểm đến mới, các nền văn hóa mới. Khách du lịch Mỹ thích du lịch thiên nhiên (các điểm đến hoang sơ), du lịch sinh thái, du lịch chuyên đề, nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật hay các lễ hội cổ truyền dân tộc; thăm lại chiến trường xưa; thích tham quan nhiều quốc gia trong một chuyến đi, thường lưu trú tại các khách sạn cao cấp.

Khách du lịch Mỹ đến Việt Nam bằng đường hàng không, chủ yếu với mục đích tham quan, tìm hiểu văn hóa của một dân tộc đã từng chiến thắng chính họ trong cuộc kháng chiến; các nhà đầu tư Mỹ thì quan tâm đến một đất nước đang có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao và bền vững, đây là cơ hội để họ hợp tác và đầu tư; các cựu chiến binh Mỹ lại quan tâm đến những nơi mà họ đã từng tham chiến, đã từng vào sinh ra tử để tưởng nhớ lại những hồi niệm trong quá khứ; một số khác mong muốn được khám phá những miền đất mới… Với những mục đích đó thì Ninh Bình là một trong những điểm đến du lịch mà nhiều du khách Mỹ đang quan tâm.

Khách du lịch Mỹ là thị trường có khả năng thanh toán cao, đòi hỏi chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch rất cao... Hiện nay, thị trường này đến Ninh Bình còn khá khiêm tốn, tuy nhiên mối quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Mỹ ngày càng được củng cố và phát triển; quan hệ chính trị, ngoại giao, kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ ngày càng được cải thiện; Việt Nam và Mỹ đã trở thành đối tác toàn diện, cùng tham gia nhiều hiệp định quốc tế..., sẽ góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế, du lịch giữa hai nước. Do đó, lượng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam sẽ tăng mạnh, cộng đồng người Mỹ gốc Việt sẽ tiếp tục đóng góp vào sự tăng trưởng chung dòng khách du lịch Mỹ đến Việt Nam trong thời gian tới. Đây sẽ là cơ hội cho du lịch Ninh Bình khai thác tốt thị trường này trong những năm tới.

Với thị trường khách du lịch Mỹ, du lịch Ninh Bình có thể đáp ứng những sản phẩm du lịch chủ yếu sau:

- Du lịch tham quan thắng cảnh Tràng An, Tam Cốc – Bích Động…

- Du lịch nghiên cứu văn hóa; du lịch cộng đồng.

- Du lịch thăm lại chiến trường xưa

- Du lịch thương mại, tìm kiếm các cơ hội đầu tư

- Du lịch sinh thái

- Du lịch thăm thân, kết hợp mua sắm sản phẩm lưu niệm (tranh thêu, đồ gốm, gỗ mỹ nghệ...).

+ Thị trường Canada: Cũng như thị trường Mỹ, đây là một trong những thị trường tiềm năng của Ninh Bình, có khả năng chi tiêu tương đối lớn, các đối tượng cần khai thác chủ yếu là những nhóm khách thuộc các tầng lớp thanh niên, trung niên với các sản phẩm du lịch chính là du lịch sinh thái, mạo hiểm, du lịch tham quan nghiên cứu...

c. Khu vực Châu Úc (Úc và Newziland)

Đối với hai nhóm thị trường này, phân đoạn thị trường mà du lịch Ninh Bình cần ưu tiên khai thác, gồm:

- Gia đình trẻ có con cái: Có khả năng chi tiêu trung bình, thích khám phá, tìm hiểu thiên nhiên, cuộc sống bản địa, du lịch cộng đồng.

- Đôi vợ chồng trẻ: Ưa thích tìm hiểu các điểm đến mới, giao lưu và tìm hiểu văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái…

- Độc thân, đi tự do: Thích khám phá những điểm đến có tài nguyên phong phú, tham gia du lịch sinh thái, mạo hiểm, tìm hiểu lối sống, văn hóa địa phương.

- Trung niên: Có thời gian, tham gia du lịch nhiều, thích tìm hiểu văn hóa, lối sống bản địa, có khả năng tham gia du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.

1.1.1.3. Nhóm thị trường tiềm năng phát triển sau năm 2025 (Ấn Độ, các nước Trung Đông)

Đây là nhóm thị trường mới, có tiềm năng lớn, du lịch Ninh Bình cần nghiên cứu, xây dựng chiến lược phát triển thị trường, chiến lược xúc tiến quảng bá để thâm nhập và thu hút nhóm thị trường này.

+ Ấn Độ: Phân đoạn thị trường ưu tiên khai thác, gồm:

- Đôi vợ chồng không con cái: Trẻ tuổi, có thu nhập cao, thích khám phá miền đất mới, tìm hiểu văn hóa lịch sử, tham quan thiên nhiên, nghỉ dưỡng, ẩm thực theo phong cách Ấn Độ.

- Gia đình có con cái: Trẻ và trung niên, có thu nhập cao, thích tham quan tìm hiểu văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, tham quan thiên nhiên, ẩm thực theo phong cách Ấn Độ, du lịch tâm linh.

+ Các nước Trung Đông: Phân đoạn thị trường ưu tiên khai thác, gồm:

- Thanh niên trẻ: Khám phá thiên nhiên miền đất mới, du lịch đô thị, tìm hiểu văn hóa lịch sử, nghỉ dưỡng và mua sắm.

- Các nhóm quan tâm đặc biệt: Có thu nhập cao, thường đi đơn lẻ, có khả năng chi trả cao và thường sử dụng các loại hình dịch vụ du lịch cao cấp. Phân khúc hẹp với các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, làm đẹp, thể thao, spa và mua sắm.

1.1.2. Thị trường khách du lịch nội địa

Khách du lịch nội địa đến Ninh Bình từ khắp mọi miền đất nước, nhưng phần lớn đến từ Hà Nội; các tỉnh, thành phố phía Bắc; các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, thành phố Hồ Chí Minh... Thành phần khách du lịch nội địa rất đa dạng, thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần nghề nghiệp khác nhau, có thể đi lẻ, theo nhóm bạn bè, gia đình, hoặc đi theo đoàn..., với nhiều mục đích khác nhau như tham quan nghiên cứu di sản, sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa tâm linh, vui chơi giải trí cuối tuần, mua sắm... Những thị trường du lịch chính của tỉnh như sau:

- Khách du lịch tham quan, nghiên cứu, sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng: Tài nguyên du lịch ở Ninh Bình rất đa dạng và phong phú, phù hợp cho loại hình du lịch tham quan thắng cảnh, nghiên cứu, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…, điển hình là Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản Thế giới (bao gồm cả Tam Cốc - Bích Động, Thung Nắng, Thung Nham; Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính…), vườn quốc gia Cúc Phương, khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long, suối khoáng nóng Kênh Gà, Nhà thờ Phát Diệm... Ở khu vực vườn quốc gia và khu bảo tồn tự nhiên có giá trị đa dạng sinh học cao, có khí hậu trong lành và mát mẻ, rất thích hợp cho các hoạt động nghiên cứu gắn với các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng... Các đối tượng chính của loại hình du lịch nghiên cứu sinh thái thường có trình độ học vấn cao như các nhà nghiên cứu, học sinh, sinh viên..., thích khám phá, thích trải nghiệm thiên nhiên, ưa mạo hiểm.

- Khách du lịch văn hóa lễ hội - tín ngưỡng: Trong những năm gần đây du lịch văn hóa lễ hội - tín ngưỡng ở Ninh Bình phát triển khá nhanh, đặc biệt kể từ khi Chùa Bái Đính hoàn thiện đồng bộ và Ninh Bình tổ chức thành công Lễ hội Phật Đản…, số lượng khách du lịch nội địa đến Ninh Bình tăng nhanh. Đối tượng chính của loại hình du lịch này là những người lớn tuổi, những người buôn bán kinh doanh đến từ khắp nơi trên cả nước. Các địa bàn chủ yếu thu hút khách du lịch loại này tập trung ở nơi có đình, đền, chùa, nhà thờ gắn với các lễ hội (tiêu biểu như: lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Hoa Lư, lễ hội Tràng An, lễ Noel…) và các lễ hội truyền thống của địa phương, của làng nghề. Ninh Bình hiện được coi là một trong những trung tâm Phật giáo và Thiên chúa giáo lớn của cả nước. Chính vì thế, trong những năm tới, du lịch văn hóa - tâm linh ở Ninh Bình sẽ tiếp tục phát triển, thu hút khách du lịch nội địa từ khắp mọi miền đất nước.

- Khách du lịch cuối tuần kết hợp vui chơi giải trí: Hiện nay loại hình du lịch này đang phát triển rất nhanh, nhất là ở các thành phố lớn - nơi mà áp lực của cuộc sống, áp lực của công việc rất lớn, ảnh hưởng đến cường độ và chất lượng lao động của người dân. Do vậy, vào những ngày nghỉ cuối tuần, các tầng lớp lao động thường tập trung vào những điểm du lịch tham quan, nghỉ dưỡng, nghỉ cuối tuần, picnic, thể thao, kết hợp vui chơi giải trí như khu vực sân golf Tràng An, sân golf Hoàng Gia, hồ Đồng Thái, các điểm vui chơi giải trí ở thành phố Ninh Bình, Chùa Bái Đính (thư giãn tĩnh tâm về đêm)... để thư giãn, tìm cảm giác thoải mái sau mỗi tuần lao động và tái phục hồi sức lao động.

- Khách du lịch thương mại, du lịch hội nghị, hội thảo: Đối tượng chính của loại hình du lịch này là cán bộ công nhân viên trong các cơ quan Nhà nước, các doanh nghiệp... thường kết hợp giữa công tác và du lịch. Khả năng chi tiêu của các đối tượng du lịch này khá cao, nên họ thường sử dụng các dịch vụ du lịch cao cấp hơn. Loại hình du lịch này thường diễn ra quanh năm, ít chịu ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên và thường tập trung chủ yếu ở thành phố Ninh Bình.

1.2. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch

1.2.1. Quan điểm chung về phát triển các sản phẩm du lịch

          - Tập trung đầu tư phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch Ninh Bình dựa trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh đặc biệt (quần thể danh thắng Tràng An gắn với Tam Cốc – Bích động, Cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính).

- Đầu tư, xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch Ninh Bình phải đảm bảo tính bền vững, ổn định và lâu dài.

          - Các sản phẩm du lịch Ninh Bình phải có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh; đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển của các thị trường trong nước và quốc tế.

          - Chú trọng phát triển đồng bộ các sản phẩm du lịch để kéo dài gian lưu trú và tăng khả năng chi tiêu của khách; hạn chế ảnh hưởng bởi mùa vụ du lịch.

- Đầu tư xây dựng một số sản phẩm du lịch hấp dẫn đặc biệt, mang thương hiệu du lịch Ninh Bình-Tràng An, có thể đại diện cho thương hiệu du lịch quốc gia (vùng và cả nước), mang hình ảnh Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến.

1.2.2. Định hướng phát triển các sản phẩm du lịch cụ thể

          Căn cứ vào vị trí, đặc điểm của tài nguyên du lịch và các điều kiện khác liên quan, có thể định hướng phát triển các nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của Ninh Bình như sau:

a. Các sản phẩm du lịch chủ đạo

+ Nhóm các sản phẩm du lịch tham quan danh lam thắng cảnh

- Tham quan, nghiên cứu Quần thể danh thắng Tràng An (chèo thuyền ngắm cảnh quan, hang động, sông, núi, tham quan phim trường “Làng Thổ dân”, đền Suối Tiên, đền Trần...).

- Tham quan, nghiên cứu Cố đô Hoa Lư, khu Tam Cốc - Bích Động, Thạch Bích, Thung Nắng, Thung Nham, hang Chùa, hang Bụt.

- Tham quan, nghiên cứu khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long; khu vực suối khoáng nóng Kênh Gà.

- Tham quan cảnh quan khu vực Phòng tuyến Tam Điệp Biện Sơn và phụ cận (nông trường Đồng Giao, Phòng tuyến Tam Điệp); cảnh quan các hồ Yên Thắng, Đồng Thái, động Mã Tiên, cửa Thần Phù…

+ Nhóm các sản phẩm du lịch văn hóa – tâm linh

- Tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (Nhà nước phong kiến tập quyên đầu tiên của Việt Nam tồn tại 42 năm qua 3 triều đại: nhà Đinh, tiền Lê và mở đầu nhà Lý; và là nơi phát tích của 3 vị Đế Vương).

- Tham quan, nghiên cứu các di tích lịch sử văn hóa khu vực Tam Cốc - Bích Động gắn liền với cuộc đời sự nghiệp vua Trần Thái Tông.

- Tham quan, nghiên cứu các công trình văn hóa tâm linh tôn giáo, mà tiêu biểu là Chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm; và hệ thống các đình, đền, chùa khác (Đền Vua Đinh, Đền Thái Vy, Đền Trương Hán Siêu, Chùa Bích Động, Chùa Địch Lộng, Chùa Non Nước, Chùa Nhất Trụ…).

- Tham quan, nghiên cứu, hành lễ tâm linh… ở các đình, đền, chùa gắn với các lễ hội văn hóa tâm linh (lễ hội động Hoa Lư, lễ hội Thung Lá, lễ hội Tràng An, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội phật Đản, lễ hội đền Thái Vy, lễ hội chùa Địch Lộng, lễ hội đền Nguyễn Công Trứ, lễ hội đến Dâu, đền Quán Cháo...).

+ Nhóm các sản phẩm du lịch sinh thái

- Du lịch nghiên cứu các hệ sinh thái ở khu di tích danh thắng Tràng An.

- Du lịch nghiên cứu sinh thái ở vườn quốc gia Cúc Phương; tham quan công viên động vật hoang dã.

- Du lịch nghiên cứu sinh thái ở khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long.

- Du lịch nghiên cứu sinh thái vùng ngập nước ven biển Kim Sơn…

+ Nhóm các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng

- Du lịch nghỉ dưỡng vùng sinh thái Vân Long.

- Du lịch nghỉ dưỡng vườn quốc gia Cúc Phương (vùng đệm)

- Du lịch nghỉ dưỡng hồ (Đồng Chương, Yên Thắng, Đồng Thái).

- Du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe suối khoáng nóng Kênh Gà, nước khoáng Cúc Phương; Du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh bằng thảo dược Ninh Bình (gắn với lịch sử nghề trồng cây thuốc chữa bệnh tại Gia Sinh, Gia viễn của Quốc Sư Nguyễn Minh Không thời Lý); du lịch thẩm mỹ chăm sóc sắc đẹp.

- Du lịch nghỉ dưỡng biển Cồn Nổi.

- Du lịch nghỉ dưỡng nhà vườn…

+ Nhóm các sản phẩm du lịch vui chơi giải trí, thể thao cuối tuần

- Du lịch chơi golf (Tràng An, Hoàng Gia…).

- Du lịch thủy phi cơ, khinh khí cầu (Tràng An, hồ Đồng Thái…)

- Du lịch vui chơi giải trí, thể thao cuối tuần (hồ Yên Thắng, Đồng Thái).

- Du lịch cuối tuần Thung Nắng, Thiên Hà, Thung Nham, Vân Long, Cúc Phương…

- Du lịch picnic, cắm trại cuối tuần (nông trường Đồng Giao…).

+ Nhóm sản phẩm du lịch biển, sinh thái biển

- Du lịch tắm, nghỉ dưỡng biển (Cồn Nổi).

- Du lịch tham quan rừng ngập mặn Kim Sơn.

- Du lịch tham quan khu vực nuôi ngao, cua; thưởng thức đặc sản biển Kim Sơn…

b. Các sản phẩm du lịch bổ trợ

+ Du lịch hội nghị, hội thảo, triển lãm; các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch… (du lịch MICE).

+ Du lịch đô thị gắn với các trung tâm thương mại, mua sắm; vui chơi giải trí; các khu dịch vụ du lịch; khu vực chợ đêm; phố đi bộ… (TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp).

+ Du lịch tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm làng nghề (cói, rượu Kim Sơn; thêu ren Ninh Hải, chạm khắc đá Ninh Vân, gốm sứ Bồ Bát…) .

+ Du lịch cộng đồng; du lịch tham quan, trải nghiệm các làng Việt cổ tiêu biểu cho văn minh lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng ở Gia Viễn, Kim Sơn, Hoa Lư.

+ Du lịch nghiên cứu, trải nghiệm các giá trị văn hóa Mường.

 

 

Bảng 16: Định hướng phát triển các thị trường và sản phẩm du lịch tỉnh Ninh Bình

Sản phẩm du lịch

 

 

 

Thị trường chính

Du lịch tham quan thắng cảnh

Du lịch văn hóa - tâm linh

Du lịch sinh thái

Du lịch

nghỉ dưỡng

núi, hồ

 

Du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe

Du lịch vui chơi, giải trí, thể thao, chơi golf

Du lịch biển

Du lịch MICE, du lịch đô thị

Du lịch cộng đồng, làng cổ, làng nghề, sinh thái nông nghiệp

Thị trường khách quốc tế

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thị trường Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan)

●●●●

●●●

●●●

●●

●●●

●●●

●●

●●●

Thị trường ASEAN (Thái Lan, Lào, Campuchia, Malaysia, Singapore…)

●●●●

●●●

●●●

●●

●●●

●●●

●●

●●●

Thị trường Tây Âu (Pháp, Anh, Đức, Bỉ, Hà Lan, Đan Mạch…)

●●●●

●●

●●●

●●●

●●

●●

●●●

Thị trường Đông Âu (Nga…)

●●●●

Thị trường Bắc Mỹ (Mỹ, Canada)

●●●●

●●

●●

●●

●●

●●●

Thị trường Úc

●●●●

●●●

●●

●●

●●●

Thị trường Ấn Độ, Trung Đông

●●●●

●●●

Thị trường khách nội địa

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hà Nội và các tỉnh, thành phố phía Bắc

●●●●

●●●

●●●

●●

●●●

●●

●●

●●●

Các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ

●●●●

●●●

●●●

●●

●●●

●●

●●●

Khách nội tỉnh Ninh Bình

●●

●●●

●●

●●●

●●

●●●

●●●●

●●

●●

Miền Trung, Tây Nguyên

●●●●

●●

●●

●●

TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam

●●●●

●●

●●

●●

Ghi chú: ●●●● - ● Ưu tiên từ cao đến thấp

 

2. Định hướng không gian phát triển du lịch 

          Định hướng phát triển du lịch theo lãnh thổ thực chất là vấn đề tổ chức không gian du lịch dựa trên những giá trị và sự phân bố của các nguồn tài nguyên du lịch, của hệ thống kết cấu hạ tầng và nhu cầu của khách du lịch. Tổ chức lãnh thổ du lịch phải được lồng ghép trong không gian kinh tế - xã hội của lãnh thổ vùng nghiên cứu và mối quan hệ về du lịch với các lãnh thổ lân cận cũng như trong toàn khu vực để có các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp. Trên cơ sở định hướng không gian phát triển du lịch theo lãnh thổ, du lịch Ninh Bình sẽ tạo ra được những sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng. Định hướng phát triển du lịch theo lãnh thổ chính là việc hình thành các không gian phát triển du lịch; các khu, điểm, tuyến du lịch...

          Phụ thuộc vào tính chất độc đáo, hấp dẫn của nguồn tài nguyên du lịch, sự đồng bộ về cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và chất lượng dịch vụ, Ninh Bình có thể tạo ra được một số sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao, có thương hiệu, mang ý nghĩa quốc gia, có khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế. Đồng thời, phát triển một số sản phẩm du lịch có ý nghĩa địa phương, làm phong phú hơn, đa dạng hơn các sản phẩm du lịch, góp phần kéo dài thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách du lịch đến Ninh Bình.

2.1. Các phân khu chức năng phát triển du lịch

2.1.1. Các yếu tố ảnh hưởng đến phân khu chức năng phát triển du lịch

- Tính chất, đặc điểm, vị trí, sự phân bố và khả năng khai thác tài nguyên du lịch.

- Sự phân bố mạng lưới giao thông, quy hoạch chung các đô thị, các khu dân cư tập trung trên địa bàn. 

- Tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Bình và quy hoạch các ngành liên quan trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội và du lịch vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

- Thực trạng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình theo không gian lãnh thổ.

2.1.2. Các phân khu chức năng phát triển du lịch chính

Việc định hướng các phân khu chức năng phát triển du lịch dựa trên sự phân bố tài nguyên du lịch, hệ thống kết cấu hạ tầng (chủ yếu là giao thông và khu đô thị tập trung dân cư). Ngày nay, do sự phát triển mạnh của hệ thống giao thông, bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình có diện tích tự nhiên không lớn nên việc định hướng các phân khu chức năng phát triển du lịch với các chức năng hoạt động du lịch đặc trưng chỉ mang ý nghĩa tương đối, làm cơ sở định hướng phát triển chức năng du lịch chính cho từng khu vực.

Căn cứ vào tính chất đặc thù và sự phân bố của tài nguyên du lịch, vào hệ thống giao thông và các điều kiện kinh tế - xã hội khác, có thể định hướng các phân khu chức năng phát triển du lịch Ninh Bình từ nay đến năm 2030 như sau:

a. Phân khu chức năng du lịch đô thị: bao gồm các cơ sở dịch vụ du lịch gắn trực tiếp với tính chất đô thị trung tâm (thành phố Ninh Bình) của tỉnh Ninh Bình. Phân khu chức năng này bao gồm khu vực trung tâm đô thị hiện nay phát triển ra khu vực Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế. Ở đây phát triển chủ yếu các công trình cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đô thị và du lịch thương mại - công vụ như: hệ thống cơ sở lưu trú, trung tâm thi đấu thể thao, quảng trường, trung tâm thương mại, bảo tàng, nhà hát, các công trình văn hóa, khu phố đi bộ, chợ đêm... Đây là phân khu chức năng du lịch trung tâm, với vai trò điều phối các hoạt động du lịch chung toàn tỉnh. Ngoài chức năng điều phối, tại phân khu chức năng này, khách du lịch còn có thể tham quan các điểm du lịch trong nội thành Ninh Bình như sông Vân, núi Thúy, hồ Kỳ Lân, tham gia “city tour”...   

b. Phân khu chức năng du lịch Di sản thế giới Tràng An (bao gồm cả Tam Cốc - Bích Động, Cố đô Hoa Lư, Chùa Bái Đính): Quần thể danh thắng Tràng An được xác định là một khu du lịch quốc gia có quy mô lớn (Khu Di sản khoảng 6.226ha; và vùng đệm bao quanh khoảng 6.026ha), nằm trên địa bàn của nhiều đơn vị hành chính (Khu Di sản gồm 12 xã; và vùng đệm gồm 20 xã, phường của 5 huyện và thành phố là TP.Ninh Bình, TP.Tam Điệp, các huyện Gia Viễn, Hoa Lư và Nho Quan). Đây là phân khu chức năng du lịch quan trọng bậc nhất của Ninh Bình, với sự phong phú và đa dạng của tài nguyên du lịch, có nhiều điểm tham quan du lịch, với nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc (tham quan nghiên cứu, văn hóa tâm linh, sinh thái, nghỉ dưỡng…), hàng năm thu hút phần lớn khách du lịch đến Ninh Bình.  

c. Phân khu chức năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Cúc Phương – Kỳ Phú – hồ Đồng Chương: Vườn quốc gia Cúc Phương cùng với hồ Đồng Chương tạo thành một phân khu chức năng du lịch quan trọng của tỉnh Ninh Bình nói riêng và khu vực vùng đồng bằng sông Hồng nói chung với nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên đa dạng, phong phú; nổi bật là các hệ sinh thái rừng Cúc Phương, suối khoáng Cúc Phương, cảnh quan hồ Đồng Chương với các đồi thông. Chức năng chính là du lịch tham quan, nghiên cứu hệ sinh thái rừng nguyên sinh; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch vui chơi giải trí; thể thao mạo hiểm, leo núi, chơi golf; du lịch cộng đồng, nghiên cứu động vật hoang dã…  

d. Phân khu chức năng du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Kênh Gà - Vân Trình: Suối nước khoáng nóng Kênh Gà thuộc thôn Kênh Gà - xã Gia Thịnh - huyện Gia Viễn. Nước khoáng nóng Kênh Gà có hàm lượng cao các muối natriclorua, kaliclorua, canxiclorua, magieclorua và muối bicacbonat. Nước suối không màu, không mùi, vị hơi chat, có thể uống được ngay, có nhiệt độ ổn định là 53°C. Với trữ lượng khoảng 200m3/ngày, với hàm lượng các muối cao, với cảnh quan non nước hữu tình…, Kênh Gà thực sự là phân khu chức năng du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh đặc sắc của Ninh Bình và khu vực phía Bắc.

Hiện nay, khu vực Kênh Gà - Vân Trình đang được Tập đoàn Vissai lập quy hoạch xây dựng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng đa chức năng với quy mô 2.895 ha, tổng mức đầu tư khoảng 850 – 1.000 triệu USD với các chức năng chính: sân golf; khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng; khu nghỉ dưỡng, chữa bệnh khoáng nóng; khu vui chơi giải trí đa chức năng; hồ nước; thung lũng thiên nhiên; khu hội nghị, hội thảo, spa; khu mua sắm; trường đua… Nếu dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng, trong tương lai, đây sẽ là phân khu du lịch tổng hợp quan trọng, hấp dẫn của Ninh Bình.  

e. Phân khu chức năng du lịch sinh thái đất ngập nước Vân Long: Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long với các hệ sinh thái đa dạng, với cảnh quan đặc sắc… đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế. Cùng với vườn quốc gia Cúc Phương, Vân Long là phân khu chức năng du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất ở khu vực phía Bắc và cả nước. Các sản phẩm du lịch tiêu biểu của phân khu chức năng này là du lịch tham quan thắng cảnh; du lịch nghiên cứu cảnh quan núi, hệ sinh thái đất ngập nước…  

f. Phân khu chức năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển Kim Sơn - Cồn Nổi: Tài nguyên du lịch biển của Ninh Bình còn hạn chế và ít hấp dẫn hơn các nguồn tài nguyên du lịch khác. Tuy nhiên, để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, góp phần thu hút và tăng khả năng hấp dẫn khách du lịch…, du lịch Ninh Bình cần hướng ra biển. Dải rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn với nhiều loài loài chim, thú, thủy sản sinh sống…; cùng với Cồn Nổi nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới liên tỉnh Châu thổ Sông Hồng là tài nguyên du lịch biển có giá trị nhất của Ninh Bình.

Hiện nay, khu vực này chưa được đầu tư, còn hoang sơ nên khách du lịch đến Kim Sơn - Cồn Nổi còn hạn chế. Trong tương lai, nếu Cồn Nổi được đầu tư xây dựng trở thành một khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển chất lượng cao; kết hợp với khu vực nuôi trồng thủy sản, rừng ngập mặn và các làng nghề ở Kim Sơn…, chắc chắn phân khu chức năng du lịch này sẽ trở nên hấp dẫn đối với người dân Ninh Bình có nhu cầu nghỉ cuối tuần, và đối với du khách vùng phụ cận. Các sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch tắm và nghỉ dưỡng biển, du lịch tham quan nuôi trồng thủy sản, du lịch sinh thái rừng ngập mặn, du lịch làng nghề…

g. Phân khu chức năng du lịch thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng hồ Yên Thắng - hồ Đồng Thái: Đây là phân khu chức năng du lịch bổ trợ quan trọng đối với các sản phẩm du lịch truyền thống của Ninh Bình. Khu vực này có nhiều hồ nước đẹp như hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái với cảnh quan đẹp, tương đối khác biệt so với các khu vực khác của Ninh Bình, thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng ven hồ, vui chơi giải trí, thể thao nước, sân golf… nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh. Ngoài ra, phân khu chức năng du lịch này còn có các hang động (động Mã Tiên, động Thiên Cung, động Suối Lỗ), các di tích văn hóa lịch sử (đình, đền, chùa), các làng nghề (gốm Bồ Bát…) có thể khai thác phục vụ phát triển du lịch bổ sung thêm vào lộ trình tham quan của du khách. Các sản phẩm du lịch chủ yếu của phân khu chức năng du lịch này là: Du lịch nghỉ dưỡng ven hồ; du lịch vui chơi giải trí, thể thao nước, câu cá; du lịch tham quan thắng cảnh; du lịch văn hóa, làng nghề…  

h. Phân khu chức năng du lịch văn hóa, sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Đồng Giao - Tam Điệp: Đây là phân khu chức năng du lịch cần được đầu tư để phát triển nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Ninh Bình trong thời gian tới. Đặc điểm tài nguyên chủ yếu của phân khu chức năng du lịch này trước hết gắn với giá trị lịch sử oanh liệt thời Quang Trung - Nguyễn Huệ, với địa danh Phòng tuyến Tam Điệp Biện Sơn…; tiếp đến gắn với truyền thống của Nông trường Đồng Giao - nơi trồng, nhân giống, sản xuất nông sản nổi tiếng (đặc biệt là dứa và các loại cây trồng ăn trái khác); ngoài ra, ở đây còn có các di tích văn hóa lịch sử khác như Đền Dâu, Đền Quán Cháo, Chùa Quang Sơn, Động Tam giao, Động Bà Chúa Mát... Việc đầu tư phát triển du lịch ở phân khu chức năng du lịch này sẽ làm tăng thêm giá trị của hệ thống sản phẩm du lịch Ninh Bình. Các sản phẩm du lịch chủ yếu là du lịch tham quan di tích lịch sử - văn hóa, tín ngưỡng; du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao; du lịch vui chơi giải trí, thể thao, picnic, cắm trại…

2.2. Hệ thống các trung tâm, khu, tuyến, điểm du lịch

2.2.1. Phát triển các trung tâm du lịch

Trung tâm du lịch tỉnh Ninh Bình được xác định trên cơ sở phát triển các đô thị, các khu dân cư tập trung làm tiền đề phát triển các khu vực hỗ trợ về dịch vụ, các đầu mối phân phối khách du lịch cho các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

a. Trung tâm du lịch chính: Thành phố Ninh Bình là đô thị loại II, nằm cách thủ đô Hà Nội 93 km về phía Nam, tại đầu mối của 3 tuyến giao thông đường bộ quan trọng hiện nay là Hà Nội - Ninh Bình (theo cao tốc Bắc - Nam và quốc lộ 1A); Ninh Bình - Thanh Hóa - Vinh (theo quốc lộ 1A, và tương lai là cao tốc Bắc - Nam); và Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng - Hạ Long (theo quốc lộ 10). Ngoài ra, thành phố Ninh Bình còn nằm trên tuyến đường sắt xuyên Việt. Với vị trí quan trọng và thuận lợi như vậy…, trong mối liên kết vùng, Quy hoạch phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã định hướng thành phố Ninh Bình là một trong ba trung tâm du lịch của vùng, trọng điểm phát triển du lịch khu vực Nam Đồng bằng sông Hồng.

Đối với tỉnh Ninh Bình, thành phố Ninh Bình là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh. Với vị trí địa lý và các tiềm năng phát triển du lịch của mình, thành phố Ninh Bình được định hướng phát triển trở thành trung tâm dịch vụ du lịch, đầu mối phân phối khách du lịch cho toàn tỉnh để từng bước phát triển trở thành đô thị du lịch của quốc gia.

b. Các trung tâm phụ trợ: Thành phố Tam Điệp, các thị trấn huyện lỵ của các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô, Yên Khánh, Kim Sơn được định hướng phát triển là các trung tâm phụ trợ, với mục đích bổ trợ dịch vụ cho các khu, điểm du lịch phụ cận trên địa bàn theo từng địa phương.

2.2.2. Phát triển các khu, điểm du lịch

2.2.2.1. Các khu du lịch

Hệ thống các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình được định hướng phát triển thành hai cấp độ: Khu du lịch cấp quốc gia và khu du lịch cấp tỉnh tùy theo tính chất, đặc điểm, quy mô và khả năng khai thác tài nguyên du lịch.

a. Khu du lịch quốc gia: Trên cơ sở kết quả đánh giá đặc điểm tài nguyên du lịch tỉnh Ninh Bình và các điều kiện phát triển, căn cứ định hướng phát triển của Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030…, định hướng về phát triển các khu du lịch quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình là Khu du lịch quốc gia Tràng An. Tuy nhiên, căn cứ vào tiềm năng và các điều kiện phát triển, căn cứ vào chủ trương đầu tư phát triển khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình trở thành khu du lịch tổng hợp…, kiến nghị đưa vào danh mục các khu du lịch quốc gia đối với Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình (khi dự án đầu tư được phê duyệt và tổ chức thực hiện).

+ Khu du lịch quốc gia Tràng An

- Vị trí: Khu du lịch quốc gia Tràng An nằm trong Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản thiên nhiên và văn hóa Thế giới, cách thành phố Ninh Bình gần 10km về phía Đông.

- Quy mô phát triển: Khoảng 2.168 ha (là quy mô quản lý khai thác tài nguyên)

- Tính chất: Du lịch tham quan thắng cảnh; du lịch nghiên cứu, sinh thái kết hợp văn hóa dựa trên các giá trị di sản văn hóa và thiên nhiên đã được UNESCO công nhận.

- Hướng khai thác sản phẩm du lịch: Tham quan, nghiên cứu, giáo dục, vui chơi giải trí, thể thao, khám phá hang động, ẩm thực…

- Các điểm tham quan chính: Đền Trình, Hang Địa Linh, Hang Tối, Thung Tối ngoài, Hang Sáng, Hang Nấu Rượu, Đền Trần, Hang Sính, Hang Si, Hang Ba Giọt, Phủ Khống, Hang Khống, Đền Suối Tiên, Hành cung Vũ Lâm, Làng Thổ dân phim "Kong - đảo Đầu lâu"…

Trong phạm vi khu du lịch có thể khai thác các tuyến du lịch thuyền, tuyến đi bộ leo núi, khám phá.

Khu du lịch quốc gia Tràng An, kết hợp các điểm tham quan du lịch phụ cận như Bái Đính, Tam Cốc - Bích Động… là trọng tâm phát triển du lịch của tỉnh và điểm đến quan trọng trong các chương trình du lịch của vùng và quốc gia.

+ Khu du lịch quốc gia Kênh Gà - Vân Trình

- Vị trí: Khu du lịch quốc gia Kênh Gà - Vân Trình thuộc các xã Gia Thịnh, Gia Minh, Gia Lạc, Gia Vượng (huyện Gia Viễn); và Thượng Hòa, Đức Long, Lạc Vân (huyện Nho Quan).

- Quy mô phát triển: Khoảng 2.895 ha: Trong đó có 1.900ha đất ngoài đê thuộc vùng tràn lũ và 995ha đất trong đê thuộc vùng xả lũ của sông Hoàng Long.

- Tính chất: Là khu du lịch tổng hợp đa chức năng: Du lịch sinh thái nông nghiệp; du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch khám phá, trải nghiệm; du lịch tham quan nghiên cứu; du lịch MICE…

- Hướng khai thác sản phẩm du lịch: Tham quan, nghiên cứu; nghỉ dưỡng, chữa bệnh; sinh thái nông nghiệp; thể thao, vui chơi giải trí; văn hóa tâm linh…

b. Khu du lịch cấp tỉnh

+ Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động

- Vị trí: Thuộc địa bàn xã Ninh Hải (huyện Hoa Lư), cách quốc lộ 1A khoảng 2km, thành phố Ninh Bình 7km, thành phố Tam Điệp 9km.

- Quy mô phát triển: Khoảng 350 ha

- Tính chất: Du lịch tham quan; nghiên cứu; văn hóa tâm linh; sinh thái…

- Hướng khai thác sản phẩm du lịch: Tham quan cảnh quan, du thuyền, vui chơi giải trí, ẩm thực, thể thao xe đạp, đi bộ, homestay, mua sắm…

- Các điểm tham quan chính: Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động gồm nhiều tuyến tham quan du thuyền, đi xe đạp và đi bộ nối khoảng gần 20 điểm du lịch. Các tuyến chính của khu du lịch gồm: Tuyến Bến Cây Đa - Bến Thánh - Hang Cả - Hang Hai - Hang Ba - Suối Tiên; Tuyến Xuyên thủy động (xuyên dưới Bích Động); Tuyến Hang Chùa – Hang Ghé - Hang Bụt – động Thiên Hà ; Tuyến Thạch Bích - thung Nắng; Tuyến thung Nham - vườn chim; Tuyến Tam Cốc - Đền Thái Vi - Động Thiên Hương; Bích Động - Xuyên Thủy Động; Động Tiên - Chùa Linh Cốc…

Các điểm du lịch đi bộ, xe đạp và leo núi: Núi và chùa Bích Động; động Tiên; hang Múa; khu nhà cổ Cố Viên Lầu; đền Thái Vi, động Thiên Hương...

Trong phạm vi khu du lịch Tam Cốc – Bích Động đã hình thành và phát triển một khu du lịch riêng biệt với cảnh quan, vườn chim, hồ nước… với quy mô khoảng 40 – 50ha, đó là Khu du lịch Thung Nham.

- Tính chất của khu du lịch Thung Nham là: Du lịch sinh thái, vui chơi giải trí cuối tuần, ẩm thực...

- Hướng phát triển sản phẩm du lịch: Tham quan cảnh quan, xem vườn chim, nghiên cứu, giáo dục, vui chơi giải trí du thuyền, thể thao leo núi, ẩm thực.

- Các điểm tham quan: Động Vái Giời, Hang Bụt, Cây đa di chuyển, Miệt vườn, Cây duối nghìn năm, Động Ba Cô, Động Tiên Cá, Vườn chim, Thung lũng tình yêu, rừng nguyên sinh…

Trong khu du lịch có thể phát triển các tuyến đường bộ; tuyến du thuyền kết hợp leo núi thể thao.

+ Khu du lịch Cúc phương

 - Vị trí: Khu du lịch Cúc Phương, thuộc địa phận huyện Nho Quan, cách thủ đô Hà Nội hơn 100km về phía Tây Nam, cách thành phố Ninh Bình 60km về phía Tây.

- Quy mô phát triển: Khoảng 500 ha

- Tính chất: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu động vật hoang dã…

- Hướng phát triển sản phẩm: Phát triển du lịch sinh thái kết hợp văn hóa với các hoạt động: Tham quan, nghiên cứu, giáo dục, khảo cổ học, thể thao khám phá, chinh phục đỉnh núi cao, nghiên cứu động vật hoang dã…

- Các điểm tham quan chính: Vườn thực vật Cúc Phương; Trung tâm du khách Cúc Phương; Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật; Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng Cúc Phương; Bảo tàng Cúc Phương; các hang động tiền sử (Động Người Xưa, Hang Mang Chiêng, Động Trăng Khuyết, Động Sơn Cung, Động Phò Mã, Động Thủy Tiên…); các cây cổ thụ (Cây đăng cổ thụ, Cây sấu cổ thụ,…); các bản dân tộc Mường; Công viên động vật hoang dã; khu du lịch nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Cúc Phương; khu du lịch tắm ngâm nước khoáng nóng Cúc Phương…

+ Khu du lịch sinh thái Vân Long

- Vị trí: Khu du lịch sinh thái Vân Long thuộc huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội 90km về phía Nam, cách thành phố Ninh Bình 20km về phía Tây Bắc.

- Quy mô phát triển: Khoảng 3.710 ha

- Tính chất: Du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng; nghiên cứu các hệ sinh thái đất ngập nước; tham quan di tích, thắng cảnh…

- Hướng phát triển sản phẩm: Phát triển du lịch sinh thái kết hợp văn hóa với các hoạt động: Tham quan các di tích lịch sử văn hóa, tham quan nghiên cứu hệ động thực vật, cảnh quan; giáo dục; du thuyền thư giãn, ẩm thực…

- Các điểm tham quan chính: Toàn cảnh khu đất ngập nước theo du thuyền, các hang động: Kẽm Trăm, hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh...; các dãy núi Mèo Cào, Mâm Xôi, Hòm Sách, Đá Bàn; tham quan các di tích Thung Lau, Thung Lá, chùa và động Địch Lộng...

Trong phạm vi khu du lịch có thể khai thác phát triển các tuyến tham quan thuyền, đi bộ, leo núi dã ngoại.

+ Khu du lịch hồ Đồng Thái

- Vị trí: Thuộc địa bàn xã Yên Đồng và Yên Thái, huyện Yên Mô, cách thành phố Ninh Bình khoảng 30km.

- Quy mô: Khoảng 400 - 500 ha, trong đó diện tích mặt nước khoảng 380ha

- Tính chất: Du lịch sinh thái; nghỉ dưỡng hồ; vui chơi giải trí cuối tuần, thể thao nước, câu cá, ẩm thực...

- Hướng phát triển sản phẩm du lịch: Du lịch tham quan cảnh quan, hang động; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi giải trí du thuyền, thể thao nước, câu cá….

- Các điểm tham quan: Động Mã Tiên, động Thiên Cung, động Suối Lỗ, Cửa Thần Phù, rừng nguyên sinh, làng gốm Bồ Bát…

Trong khu du lịch có thể phát triển các tuyến đường bộ ven theo hồ; tuyến du thuyền kết hợp leo núi thể thao.

+ Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển Cồn Nổi

- Vị trí: Thuộc huyện Kim Sơn, cách thành phố Ninh Bình khoảng 50km và cách thị trấn Bình Minh khoảng 5km.

- Quy mô: Khoảng 700 ha

- Tính chất: Du lịch tham quan, nghiên cứu sinh thái; du lịch nghỉ dưỡng và tắm biển; du lịch sinh thái đồng quê; ẩm thực...

- Hướng phát triển sản phẩm du lịch: Du lịch biển, du lịch nghiên cứu các loài chim nước di cư, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng…

- Các điểm tham quan: Rừng ngập mặn ven biển với các hệ sinh thái đa dạng; các bãi nuôi ngao, cua; kết hợp tham quan các điểm phụ cận như Nhà thờ Phát Diệm, Cầu Ngói Kim Sơn, làng nghề chiếu cói, rượu Kim Sơn…

2.2.2.2. Các điểm du lịch

+ Điểm du lịch thuộc thành phố Ninh Bình: Thành phố Ninh Bình vừa là trung tâm du lịch của tỉnh vừa là khu vực tập trung tài nguyên có thể định hướng phát triển các điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố, gồm:

- Các điểm tham quan cảnh quan: Núi Non Nước (gồm vọng cảnh đỉnh núi, tham quan chùa Non Nước và đền thờ danh sĩ Trương Hán Siêu); Núi Kỳ Lân; Núi Ngọc Mỹ Nhân (Lâm viên núi Cánh Diều); Hồ Cá Voi, công viên văn hóa Tràng An...

- Các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa: Chùa Đẩu Long (Tân Thành), chùa A Nậu (Ninh Khánh).

- Các điểm tham quan công trình kiến trúc, kinh tế - xã hội: Bảo tàng Ninh Bình, Chợ Rồng, Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, Nhà thi đấu Ninh Bình, Cầu Non Nước…

- Các làng nghề: Làng hoa Ninh Phúc; Làng nghề trồng rau sạch Ninh Sơn; Làng mộc Phúc Lộc.

Trong phạm vi thành phố, trên cơ sở các điểm du lịch có thể khai thác phát triển tuyến du lịch nội thành (city tour).

+ Điểm du lịch thuộc huyện Hoa Lư: Ngoài các điểm tham quan du lịch trong Khu du lịch quốc gia Tràng An, Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, khu du lịch Thung Nham, các điểm du lịch gồm:

- Quần thể di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư: Tham quan, nghiên cứu lịch sử, tâm linh, vãn cảnh.

- Thạch Bích - Thung Nắng: Tham quan, văn hóa tâm linh, vãn cảnh…

- Các làng nghề: Tham quan các làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân, thêu ren Ninh Hải, đồ gỗ Ninh Phong…

+ Điểm du lịch thuộc huyện Gia Viễn: Ngoài các điểm du lịch thuộc khu du lịch Vân Long, định hướng phát triển các điểm du lịch ở Gia Viễn gồm:

- Động Hoa Lư: Tham quan cảnh quan, tìm hiểu văn hóa.

- Thung Lá: tham quan cảnh quan, tâm linh.

- Động và chùa Địch Lộng: Tham quan cảnh quan, tâm linh.

- Chùa Bái Đính: Trung tâm du lịch tâm linh, tham quan, vãn cảnh.

- Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng: Tham quan, nghiên cứu lịch sử, tâm linh.

- Đền Đức Thánh Nguyễn: Tham quan, tâm linh.

- Suối khoáng nóng Kênh Gà: Phát triển du lịch giải trí, chữa bệnh

+ Điểm du lịch thuộc huyện Nho Quan

- Hồ Đồng Chương: Du lịch sinh thái hồ, tham quan cảnh quan.

- Hồ Yên Quang: Du lịch sinh thái hồ, tham quan cảnh quan.

- Hồ Thường Xung: Du lịch sinh thái hồ, quan quan cảnh quan.

- Hang động Vân Trình: Tham quan hang động, tâm linh.

- Hang Bụt, động Thiên Hà: Tham quan hang động, tâm linh.

- Khu du lịch Phủ Đồi Ngang: Du lịch tâm linh. 

- Công viên động vật hoang dã quốc gia, tham quan, trải nghiệm

- Sân Golf Tràng An, tham quan, vui chơi thể thao cao cấp

- Làng gốm Gia Thủy

- Chiến khu Quỳnh Lưu: Tham quan tìm hiểu di tích lịch sử cách mạng.

+ Điểm du lịch thuộc huyện Yên Mô

- Hồ Đồng Thái: Du lịch sinh thái hồ kết hợp tham quan hang động, cảnh quan.

- Hồ Yên Thắng: Du lịch tham quan, sinh thái.

- Cửa biển Thần Phù: Tham quan di tích lịch sử - văn hóa.

- Làng gốm Bồ Bát…

- Khu di tích lịch sử, nhà bia tưởng niệm đồng chí Tạ Uyên – Bí thư xứ ủy Nam Kỳ (thôn Côi Trì, xã Yên Mỹ)

- Chùa Hang, Núi Bảng xã Yên Mạc (du lịch sinh thái, tâm linh và tham quan, trải nghiệm)

- Khu văn chỉ trên đá của Ninh Tốn (Đồi Vải, xã Yên Đồng)

- Đền Thượng – Bình Hải, xã Yên Nhân (du lịch tâm linh, thăm quan, trải nghiệm)

+ Điểm du lịch thuộc huyện Yên Khánh

- Các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa: Đền Lưu Mỹ, Đền Văn Giáp, Đền Thượng, Đền thôn Đỗ, Đền chùa thôn Năm, Đền Kiến Ốc, Đền Tiên Yên, Đền Tam Thánh, Đền thờ Triệu Việt Vương, Đình Yên Phú, Nhà thờ và mộ Vũ Duy Thanh, Chùa Phúc Long, Chùa Dầu, Chùa Kim Rong, Chùa Phúc Nhạc, Chùa Yên Lữ…

- Các điểm tham quan thắng cảnh: Thắng cảnh đồng quê ven sông Đáy.

+ Điểm du lịch thuộc huyện Kim Sơn

- Các điểm tham quan di tích lịch sử - văn hóa: Tham quan, nghiên cứu Nhà thờ đá Phát Diệm, Đền thờ Nguyễn Công Trứ, Cầu ngói Kim Sơn.

- Các điểm tham quan cảnh quan: Tham quan Bãi Ngang, rừng ngập mặn cửa sông Đáy; nghỉ mát, tắm biển Cồn Nổi.

- Các điểm tham quan làng nghề: Tham quan làng nghề chiếu cói, rượu.

+ Điểm du lịch thuộc thành phố Tam Điệp

- Phòng tuyến Tam Điệp: Tham quan, nghiên cứu lịch sử.

- Sân golf Hoàng Gia: Vui chơi giải trí thể thao cao cấp.

- Các điểm tham quan di tích lịch sử văn hóa: Đền Dâu, đền Quán Cháo, đền thờ Vua Quang Trung…

- Nông trường Đồng Giao: Du lịch tham quan, trải nghiệm, sinh thái nông nghiệp công nghệ cao…

- Làng nghề trồng đào phai Đông Sơn

2.2.3. Phát triển tuyến du lịch

Hệ thống tuyến du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được định hướng phát triển gồm: Tuyến du lịch nội tỉnh và tuyến du lịch liên tỉnh (bao gồm tuyến liên vùng, quốc gia và quốc tế).

a. Tuyến du lịch nội tỉnh

+ Thành phố Ninh Bình - Tràng An – Cố đô Hoa Lư - chùa Bái Đính

+ Thành phố Ninh Bình - cố đô Hoa Lư - chùa Bái Đính

+ Thành phố Ninh Bình - Tam Cốc Bích Động - Linh Cốc - Hải Nham

+ Thành phố Ninh Bình - Địch Lộng - Vân Long - Động Hoa Lư - Kênh Gà

+ Thành phố Ninh Bình - Cúc Phương - hồ Đồng Chương - Kỳ Phú - căn cứ Cách mạng Quỳnh Lưu - Thành phố Tam Điệp

+ Thành phố Ninh Bình - vùng ven biển huyện Kim Sơn (tham quan nhà thờ đá Phát Diệm, rừng ngập mặn, nuôi trồng thủy sản, các làng nghề...)

+ Thành phố Ninh Bình - Thành phố Tam Điệp - Phòng tuyến Tam Điệp - Biện Sơn - Nông trường Đồng Giao

+ Thành phố Ninh Bình - hồ Yên Thắng - hồ Đồng Thái - động Mã Tiên

+ Núi chùa Non nước - Núi chùa Bái Đính - Kênh Gà - Vân Trình (tour du lịch đường thủy trên sông Đáy và sông Hoàng Long)

Các tuyến du lịch trên cũng có thể kếp hợp, hoặc nhóm lại thành các tuyến tổng hợp hoặc các tuyến du lịch chuyên đề như tuyến du lịch sinh thái, tuyến du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng, tuyến du lịch lịch sử, tuyến du lịch làng nghề, tuyến du lịch đường sông theo sông Đáy, sông Vân...

b. Các tuyến du lịch liên tỉnh và quốc tế

Ninh Bình nằm trên tuyến quốc lộ quan trọng là quốc lộ 1A, quốc lộ 10 chạy qua các tỉnh duyên hải Bắc Bộ, quốc lộ 12B đi Hòa Bình, quốc lộ 45 đi Thanh Hóa... Đây là điều kiện thuận lợi phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh đối với du lịch Ninh Bình. Trong thời gian tới, trên cơ sở phát triển hệ thống giao thông quốc gia, du lịch Ninh Bình cần chú trọng phát triển các tuyến du lịch liên tỉnh kết nối Ninh Bình với Thủ đô Hà Nội theo quốc lộ 1A, hoặc đường cao tốc Bắc Nam; với các trung tâm du lịch Hải Phòng, Hạ Long theo tuyến quốc lộ 10; và tuyến du lịch nối Ninh Bình với Hòa Bình theo cả đường bộ và đường sông. Các tuyến du lịch điển hình bao gồm:

+ Tuyến du lịch văn hóa tâm linh thành phố Ninh Bình - Chùa Bái Đính - Chùa Tam Chúc (Hà Nam) - Chùa Hương (Hà Nội) - Chùa Núi Cốc (Thái Nguyên).

+ Ninh Bình - Hà Nội: Kết nối du lịch văn hóa, lịch sử Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội theo quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam.

+ Ninh Bình - Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái - Đông Hưng (Trung Quốc)  theo quốc lộ 10 và quốc lộ 18.

+ Ninh Bình - Hà Nội - Lạng Sơn - các tỉnh vùng Đông Bắc theo quốc lộ 1A.

+ Ninh Bình - Hà Nội - Lạng Sơn - Bằng Tường (Trung Quốc).

+ Ninh Bình - Lào Cai - Sa Pa - các tỉnh vùng Tây Bắc theo quốc lộ 1A và cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

+ Ninh Bình - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc).

+ Ninh Bình - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên - các tỉnh Tây Bắc theo quốc lộ 12B, quốc lộ 6, quốc lộ 279.

+ Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình (theo quốc lộ 10).

+ Ninh Bình - Hòa Bình (đường sông và đường bộ): Bổ sung các sản phẩm du lịch lễ hội và văn hóa các dân tộc miền núi.

+ Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - các tỉnh phía Nam theo quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt, đường bộ cao tốc Bắc - Nam: Bổ sung sản phẩm du lịch biển (Sầm Sơn, Cửa Lò) và hành trình tham quan các kinh đô cổ.

Với việc cải tạo, nâng cấp trục đường sắt quốc gia và phát triển các đoàn tàu du lịch, tuyến du lịch đường sắt chạy qua Ninh Bình cũng được định hướng sẽ là một loại hình tuyến du lịch hấp dẫn trong tương lai.

2.3. Nhu cầu sử dụng đất phát triển du lịch

Để phát triển hệ thống các khu, điểm du lịch cần thiết phải dành một số quỹ đất hợp lý theo từng giai đoạn và từng khu vực dựa trên đặc điểm tài nguyên và tiêu chí khu du lịch của Luật du lịch.

Căn cứ định hướng phát triển không gian du lịch toàn tỉnh gồm 2 khu du lịch quốc gia và một số khu du lịch cấp tỉnh, nhu cầu diện tích sử dụng đất quản lý tài nguyên phát triển du lịch Ninh Bình bao gồm:

- Nhu cầu cho khu du lịch quốc gia Tràng An khoảng: 2.168 ha.

- Nhu cầu cho khu du lịch quốc gia Kênh Gà - Vân Trình khoảng: 2.895 ha.

- Nhu cầu cho các khu du lịch Cúc Phương và khu du lịch Vân Long khoảng: 1.000 ha.

- Nhu cầu đất để phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật trong các khu du lịch khác khoảng: 2.500 ha.

- Đất phát triển các điểm tham quan và mục đích khác cho du lịch. Loại đất này được tính trong đất chuyên dùng dành cho các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Nhu cầu trên được định hướng để quản lý tài nguyên phục vụ phát triển du lịch, làm cơ sở xác định quy mô, phạm vi ranh giới cho các quy hoạch tiếp theo. Tuy nhiên, quỹ đất dành để phát triển các công trình du lịch sẽ chiếm tỷ trọng nhỏ, được tính toán cân đối trong định hướng quy hoạch sử dụng đất toàn tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến 2030.

3. Định hướng đầu tư phát triển du lịch 

3.1. Các khu vực ưu tiên đầu tư

Căn cứ định hướng phát triển không gian du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, các khu vực cần ưu tiên đầu tư phát triển là những khu vực có tiềm năng du lịch và các điều kiện khác để phát triển; có hệ thống các khu, điểm du lịch để hình thành nên các sản phẩm du lịch đa dạng. Các khu vực này bao gồm:

- Thành phố Ninh Bình và phụ cận (chức năng du lịch đô thị)

- Khu du lịch quốc gia Tràng An (chức năng du lịch Di sản Thế giới)

- Khu du lịch quốc gia Kênh Gà - Vân Trình (chức năng du lịch tổng hợp)

- Khu du lịch Vân Long (chức năng du lịch sinh thái)

- Khu vực Kim Sơn - Cồn Nổi (chức năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển)

- Khu du lịch vườn quốc gia Cúc Phương - hồ Đồng Chương (chức năng du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu động vật hoang dã…)

- Hồ Yên Thắng, hồ Đồng Thái (chức năng du lịch thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng)

- Khu vực Đồng Giao - Tam Điệp (chức năng du lịch văn hóa, sinh thái nông nghiệp công nghệ cao)

3.2. Các lĩnh vực ưu tiên đầu tư

          - Đầu tư xây dựng các khu du lịch quốc gia (Tràng An, Kênh Gà - Vân Trình); các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng (Cúc Phương - hồ Đồng Chương, Vân Long, hồ Yên Thắng - Đồng Thái, Cồn Nổi); các điểm du lịch… một cách đồng bộ, có chất lượng cao, với các sản phẩm du lịch đa dạng mang thương hiệu Ninh Bình – Tràng An – Bái Đính để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và đủ khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

- Đầu tư tăng cường hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch chất lượng cao (chủ yếu là khách sạn nghỉ dưỡng 4 - 5 sao, các phương tiện vận chuyển chuyên dùng, các hình thức và phương tiện vui chơi giải trí hiện đại, các dịch vụ bổ sung…); đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nhân viên du lịch; đầu tư cho công tác xúc tiến quảng bá du lịch…

          - Đầu tư cho các ngành dịch vụ có liên quan đến tổ chức hoạt động du lịch (sản xuất các hàng thủ công mỹ nghệ; trung tâm thương mại, hội chợ, chợ đêm…), đầu tư khôi phục các lễ hội, làng nghề và các giá trị văn hóa truyền thống…

          - Đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng du lịch (chủ yếu là giao thông, bến thuyền, cấp nước, cấp năng lượng, hệ thống xử lý chất thải... ở các khu, điểm du lịch).

- Đầu tư cho công tác bảo tồn và tôn tạo làm tăng giá trị môi trường sinh thái, tăng giá trị tài nguyên cho các khu, điểm du lịch.

3.3. Các dự án ưu tiên đầu tư

          Các khu du lịch quốc gia; các khu du lịch sinh thái, nghiên cứu, nghỉ dưỡng; các khu du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh; các khu vui chơi giải trí, thể thao… đóng một vai trò rất quan trọng đối với việc thu hút và đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách du lịch, vì vậy cần được ưu tiên đầu tư phát triển. Các khu du lịch này cần được ưu tiên đầu tư phát triển đồng bộ để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, có chất lượng cao, mang thương hiệu du lịch Ninh Bình để hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế. Các khu du lịch này bao gồm (bảng 17):

Bảng 17: Danh mục một số dự án ưu tiên đầu tư phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2030

 

Số TT

Tên dự án

Tính chất, nội dung (các hạng mục đầu tư), sản phẩm du lịch điển hình

Quy mô (ha)

Nguồn kinh phí

 

Giai đoạn đầu tư

(hoàn thành)

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

1

Dự án xây dựng khu du lịch quốc gia Tràng An

- Xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom và xử lý nước thải, rác thải.

- Hoàn thiện hệ thống biển báo, chỉ dẫn, giáo dục môi trường…

- Nâng cấp hệ thống chiếu sáng trong các hang động; trang bị hệ thống âm thanh dọc suốt các tuyến du lịch.

- Nâng cấp, tân trang đồng bộ hệ thống thuyền du lịch đạt chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường (màu sơn, biển hiệu, logo Tràng An, trang phục).

- Phòng y tế, cứu hộ cứu nạn tại bến Tràng An.

- Quầy thông tin, tư vấn; phòng chiếu phim 3D; sa bàn, bản đồ nổi… (khu vực bãi đỗ xe).

- Phòng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ du lịch; các dự án đầu tư; các tài liệu, các hoạt động về giáo dục môi trường… (khu vực bãi đỗ xe).

- Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch: (khinh khí cầu, thủy phi cơ…).

- Mở rộng bãi đỗ xe.

- Mua sắm bổ sung thêm cano tuần tra, cứu hộ, cứu nạn trên sông.

- Nạo vét, kè và khơi thông tuyến du lịch đường thủy Tràng An - Núi Kỳ Lân - Núi Non Nước. Trồng cây xanh cảnh quan hai bên.

- Mua sắm thuyền Rồng phục vụ tuyến du lịch Tràng An - Núi Kỳ Lân - Núi Non Nước.

2.168

250 triệu USD

(vốn ngân sách cho hạ tầng du lịch; còn lại xã hội hóa)

 

Giai đoạn 2017 - 2020

 

 

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

2

Dự án xây dựng khu du lịch quốc gia Kênh Gà - Vân Trình

- Sân golf và hệ thống căn hộ, biệt thự.

- Khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng.

- Khu nghỉ dưỡng, chữa bệnh khoáng nóng Kênh Gà.

- Khu vui chơi giải trí đa chức năng.

- Hồ nước với các biệt thự nghỉ dưỡng xung quanh.

- Thung lũng thiên nhiên, công viên.

- Khu hội nghị, hội thảo, spa, casino...

- Khu mua sắm hiện đại.

- Trường đua…

2.895

1.000 triệu USD

(xã hội hóa)

 

2018 - 2025

3

Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng hồ Đồng Thái

- Trung tâm thông tin, giao dịch, đón tiếp, giới thiệu sản phẩm…

- Bến thuyền du lịch

- Mua sắm hệ thống thuyền du lịch

- Biệt thự nghỉ dưỡng ven hồ

- Các chòi câu cá

- Khu vườn sinh vật cảnh, vườn thú bán hoang dã (tham quan, nghiên cứu)

- Khu bãi tắm nhân tạo, máng trượt nước

- Khu thể dục thẩm mỹ, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng…

- Khu hội thảo, dịch vụ ăn uống, hàng lưu niệm…

- Đường đi bộ dạo xung quanh lòng hồ.

- Bãi đỗ xe…

500

200 triệu USD

(xã hội hóa)

 

 

2020 - 2030

 

 

 

 

 

 

4

Dự án xây dựng khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển Cồn Nổi

- Khu trung tâm thông tin, hướng dẫn, giao dịch, điều hành hoạt động DL

- Khu biệt thự sinh thái, nghỉ dưỡng

- Khu dịch vụ (hội nghị, ăn uống)

- Khu sinh vật cảnh, cây xanh

- Sân golf mini

- Khu vui chơi giải trí tổng hợp

200

200 triệu USD

(vốn xã hội hóa)

 

 

2020 - 2025

 

 

5

Dự án xây dựng Công viên động vật hoang dã Quốc gia tại tỉnh Ninh Bình

- Phân khu động vật hoang dã

- Phân khu trung tâm dịch vụ

- Phân khu vui chơi giải trí theo các chủ đề

- Phân khu tái định cư và nhà công vụ

- Phân khu chăm sóc , nghiên cứu và phát triển

415

103

173

 

44

 

43

250 triệu USD

(vốn ngân sách và xã hội hóa)

 

 

2020 - 2030

 

 

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

6

Chương trình quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình

- Giới thiệu hình ảnh du lịch Ninh Bình trong và ngoài nước (tạp chí, tập gấp, website, truyền hình…)

- Tham gia hội chợ về du lịch

- Tham gia các đoàn Famtrip…

 

5 triệu USD

(vốn ngân sách)

 

 

2018 - 2030

7

Hỗ trợ công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch

- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tỉnh Ninh Bình

 

 

5 triệu USD

(vốn ngân sách và xã hội hóa)

 

 

2018 - 2030

8

Bảo tồn tài nguyên và môi trường du lịch

- Bảo tồn, nâng cấp các giá trị tài nguyên du lịch

- Bảo vệ môi trường du lịch

 

20 triệu USD

(vốn ngân sách)

 

 

2018 - 2030

Tổng cộng

 

1.930 triệu USD

 

Nguồn: Viện NCPT Du lịch.

 

4. Định hướng bảo vệ môi trường du lịch

4.1. Đánh giá những ảnh hưởng của các điều kiện tự nhiên, môi trường đến hoạt động du lịch và ngược lại

+ Những ảnh hưởng của tự nhiên, môi trường đến hoạt động du lịch

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu nên hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngày càng nhiều, diễn biến phức tạp hơn, tầm ảnh hưởng cũng rộng hơn… gây khó khăn cho công tác dự báo.

Tỉnh Ninh Bình là một trong những nơi chịu tác động ca thiên tai như lũ lụt, trượt lở đất, biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, những diễn biến thất thường của khí hậu, những hiện tượng thời tiết bất lợi… Những yếu tố tự nhiên này có tác động nhất định đến hoạt động du lịch. Du lịch văn hóa - lễ hội - tâm linh thường diễn ra vào đầu năm, trùng với thời kỳ mưa ẩm…, nên đã tác động rất lớn đến các hoạt động tham quan, lễ hội của khách du lịch. Các hiện tượng thời tiết bất lợi khác như sương mù, mưa bão, gió mùa đông bắc… theo các mùa trong năm cũng hạn chế đến việc đi lại và các hoạt động của khách du lịch.

Nằm ở khu vực hạ lưu của nhiều con sông, tỉnh Ninh Bình đã, đang và sẽ chịu tác động trực tiếp của lũ lụt, trượt lở đất ở đầu nguồn (do rừng bị chặt phá…). Thực tế nhiều năm qua cho thấy, mặc dù tỉnh Ninh Bình ít bị thiệt hại về con người, tài sản, hoa màu… do các sự cố thiên tai, nhưng ít nhiều có ảnh trực tiếp đến môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Nước lũ, nước mưa cuốn theo và hòa tan nhiều chất bẩn tích tụ trong suốt mùa khô (từ các bãi thu gom, tập kết rác thải; công trình xử lý nước thải; hệ thống thoát nước thải; từ các kho chứa thuốc bảo vệ thực vật…) được nước mưa, lũ lan truyền trên diện rộng.

+ Tác động của hoạt động du lịch tới tài nguyên và môi trường

Tài nguyên và môi trường du lịch nói riêng và tài nguyên - môi trường nói chung luôn chịu những tác động của hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm cả hoạt động phát triển du lịch. Những tác động này có thể là tích cực, song cũng có thể là tiêu cực đến trạng thái tài nguyên, môi trường.

- Tác động đến tài nguyên và môi trường thiên nhiên: Phát triển du lịch, nếu không có những biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường thì sẽ làm cho các nguồn tài nguyên thiên nhiên bị suy thoái, môi trường bị xuống cấp. Đó là hậu quả của việc sử dụng đất đai, xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch không theo quy hoạch.

Trước hết, phát triển du lịch sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên nước, nguồn nước bị ô nhiễm do các nguyên nhân khác nhau như do hoạt động của du khách (vứt rác bừa bãi); do nước thải từ các khách sạn, nhà hàng, các cơ sở dịch vụ du lịch… không được xử lý mà thải trực tiếp ra các ao, hồ, sông, suối… Đối với tỉnh Ninh Bình, mà đặc biệt là ở các khu, điểm du lịch (nơi diễn ra nhiều hoạt động du lịch), nếu các cơ sở dịch vụ du lịch không có hoặc không đủ thiết bị xử lý nước thải, rác thải thì sẽ tác động lâu dài đến chất lượng các nguồn nước, đến chất lượng đất.

Việc phát triển du lịch, việc xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch đồng nghĩa với việc san ủi mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch khác. Điều này tất yếu sẽ dẫn đến việc sử dụng nhiều quỹ đất trước đây vốn là những cảnh quan thiên nhiên, những khu đất trồng trọt và chăn nuôi… Do vậy, các hoạt động này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất, môi trường cảnh quan. Điển hình của việc san lấp mặt bằng để xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch làm ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường, đến cảnh quan… đã từng diễn ra ở một số nơi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

Các hoạt động du lịch sẽ làm gia tăng nguồn khí thải thông qua việc sử dụng các phương tiện vận chuyển, hệ thống điều hòa không khí…, do vậy có nguy cơ làm ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm đất do dầu thải… ở khu vực có các hoạt động du lịch.

- Tác động tới cảnh quan và di tích lịch sử: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở dịch vụ du lịch hiện đại làm cho cảnh quan tự nhiên hoặc thắng cảnh bị xuống cấp về mặt thẩm mỹ do thiếu sự kết hợp hài hòa trong thiết kế xây dựng. Cảnh quan và các di tích lịch sử thường bị xuống cấp về mặt thẩm mỹ do việc xây dựng các công trình du lịch hiện đại và các cơ sở dịch vụ du lịch. Trong nhiều trường hợp, kiến trúc của những tòa nhà mới thường thiếu sự hài hòa với những kiến trúc truyền thống. Hơn nữa, việc xây dựng các công trình du lịch không có quy hoạch sẽ làm cho cảnh quan bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Lượng du khách quá đông đến tham quan các danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử cũng có thể làm cho các công trình này bị xuống cấp (viết bẩn lên tường, đục đẽo vách đá, lấy cắp hiện vật…).

- Tác động tới chất lượng cuộc sống và văn hóa - xã hội: Du lịch không phải là một hiện tượng kinh tế thuần túy mà còn bao gồm cả khía cạnh chính trị, văn hóa, xã hội.

Việc phát triển các hoạt động du lịch có thể làm cho điều kiện vệ sinh môi trường trở nên ô nhiễm do chất thải, trong khi đó chưa có đủ khả năng để xử lý. Việc tích tụ rác thải, đặc biệt là ở các khu, điểm du lịch, sẽ thu hút nhiều loại côn trùng và các loại gặm nhấm đến sinh sôi nảy nở, làm cho dịch bệnh bùng phát gây nguy hại cho sức khỏe của du khách cũng như cộng đồng địa phương.

Những tác động của du lịch đến văn hóa và xã hội được thể hiện trong việc góp phần thay đổi các hệ thống giá trị, tư cách cá nhân, quan hệ gia đình, lối sống tập thể, hành vi đạo đức, những lễ nghi truyền thống và các tổ chức cộng đồng. Hoạt động du lịch còn tác động đến người dân địa phương trong quá trình giao tiếp với du khách.

Hoạt động du lịch tác động đến văn hóa xã hội theo hai hướng: du lịch có thể là phương tiện bảo tồn nền văn hóa, truyền thống, trong khi hướng thứ hai là tác động ngược lại. Du lịch đảm bảo cho khách du lịch có cơ hội tốt để gặp gỡ và tiếp xúc với người dân địa phương, những người có tiếng nói và nếp sống khác hẳn với họ. Tuy nhiên, du lịch cũng có thể ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống bản địa, thương mại hóa các hoạt động văn hóa truyền thống, làm mất lễ nghi đối với các nghi thức tôn giáo, làm ảnh hưởng đến bầu không khí thiêng liêng truyền thống trong các lễ hội…

4.2. Định hướng một số hoạt động nhằm bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch

+ Đầu tư xây dựng các cơ sở thu gom rác thải đồng bộ; hệ thống thu gom và xử lý nước thải đạt QCVN cho phép.

Hiện nay, ở Ninh Bình còn thiếu các cơ sở thu gom và xử lý chất thải đồng bộ, sử dụng công nghệ cao. Ở các khu du lịch, hầu hết chưa có các cơ sở thu gom và xử lý rác thải tại chỗ. Do vậy, trước mắt từ nay đến năm 2020, cần tập trung đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại Khu du lịch quốc gia Tràng An theo quy hoạch. Trong giai đoạn tiếp theo, đối với các khu du lịch khác, song song với việc đầu tư xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, cần đầu tư xây dựng hệ thống xử ký chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần làm gia tăng giá trị tài nguyên du lịch và phát triển bền vững.

+ Xây dựng các cơ chế chính sách trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường du lịch

- Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở hoạt động du lịch sử dụng năng lượng sạch, tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió, sử dụng công nghệ sạch…) để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

- Có cơ chế khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch thu gom, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải và phục hồi môi trường.

- Có chính sách thu thuế, thu phí, xử phạt… đối với các loại chất thải gây ô nhiễm môi trường ở các cơ sở dịch vụ du lịch; có quy định bắt buộc đối với các cơ sở dịch vụ du lịch báo cáo định kỳ về kết quả bảo vệ môi trường (từng tháng, từng quý, hàng năm) với cơ quan có thẩm quyền (Sở Tài nguyên Môi trường).

+ Nâng cao nhận thức cộng đồng, doanh nghiệp và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường

     Trong những năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về phát triển du lịch, về bảo vệ tài nguyên môi trường du lịch đến cộng đồng dân cư - nơi có tài nguyên du lịch, đến các doanh nghiệp du lịch… đã được ngành du lịch phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai. Tuy nhiên tại một số khu, điểm du lịch, hoạt động bảo vệ môi trường du lịch của cộng đồng và các doanh nghiệp đạt hiệu quả chưa cao.       

Trước thực tế đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, đào tạo phát triển nguồn nhân lực để phục công tác điều tra, nghiên cứu và quản lý tài nguyên, môi trường du lịch. Tuyên truyền, giáo dục, đào tạo về bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hiểu biết cho cộng đồng và doanh nghiệp du lịch về mối quan hệ tương hỗ giữa môi trường, du lịch và con người. Bên cạnh đó, việc giáo dục, đào tạo về môi trường còn có mục tiêu xây dựng một đội ngũ, một nguồn nhân lực (từ chính quyền các cấp, quản lý nhà nước về môi trường đến doanh nghiệp, người dân, khách du lịch) có kiến thức, kỹ năng, khả năng tư duy để quản lý, sử dụng bền vững, khai thác hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch góp phần vào sự phát triển bền vững ở địa phương.

Để nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cần tăng cường giáo dục pháp luật (Luật bảo vệ Môi trường; Luật Di sản Văn hóa; Luật Du lịch sửa đổi; Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn bảo vệ môi trường trong các hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội và phát huy giá trị di tích; Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 27/11/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về tăng cường công tác quản lý môi trường văn hóa, đảm bảo an ninh, an toàn tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình…), đẩy mạnh giáo dục pháp luật trong các trường học để học sinh các cấp, sinh viên trở thành lực lượng nòng cốt tuyên truyền, phổ biến về pháp luật cho gia đình và cộng đồng.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư phát triển du lịch

Cơ chế chính sách thông thoáng, cởi mở là chìa khóa thành công trong việc thu hút đầu tư nói chung và đầu tư du lịch nói riêng. Kinh nghiệm của nhiều địa phương cho thấy tính hiệu quả của việc “Chỉ xin cơ chế, không xin tiền” trong thu hút đầu tư. Đối với tỉnh Ninh Bình, việc vận dụng để nghiên cứu xây dựng và ban hành những cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù đối với các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch là rất quan trọng. Để thực hiện tốt giải pháp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình kiến nghị Chính Phủ chỉ đạo các Bộ liên quan xây dựng cơ chế chính sách ­đặc thù về việc ưu đãi thuế; ưu tiên, miễn giảm thuế; cho chậm tiền thuế có thời hạn; giảm tiền thuế đất; cho vay với lãi suất ­ưu đãi… đối với các dự án đầu tư­ mới, đồng bộ vào du lịch có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn; các dự án đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh du lịch mới có khả năng tạo nên thương hiệu du lịch Ninh Bình là Ninh Bình – Tràng An – Bái Đính, có khả năng thu hút và tăng thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của khách du lịch. Đây là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc hấp dẫn các nhà đầu tư vào các dự án du lịch ở Ninh Bình. Để thực hiện tốt giải pháp này, dựa trên các cơ chế chính sách hiện hành của Nhà nước (đặc biệt là Luật Đầu tư), cần nghiên cứu đề xuất, sửa đổi và bổ sung một số cơ chế chính sách đặc thù về một số loại thuế liên quan đến du lịch như sau:

+ Thuế thu nhập doanh nghiệp: Để tạo điều kiện thuận lợi và hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư phát triển các dự án về du lịch, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ du lịch… trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, cần có một số đổi mới cụ thể về cơ chế chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp như sau:

- Cần có chính sách miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm đầu (kể từ khi doanh nghiệp phải chịu loại thuế này) đối với các dự án đầu tư xây dựng mới và đồng bộ các khu du lịch trọng điểm (Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…) có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch mới đặc thù, tạo nên thương hiệu cho du lịch tỉnh Ninh Bình…

- Trong hoạt động kinh doanh du lịch với nhiều dịch vụ khác nhau, phục vụ nhiều đối tượng khách du lịch khác nhau…, trong đó kinh doanh dịch vụ đối với khách du lịch quốc tế có thể coi là ngành xuất khẩu tại chỗ thông qua việc bán các sản phẩm và dịch vụ du lịch để thu ngoại tệ. Do vậy, để thúc đẩy phát triển du lịch quốc tế, để hấp dẫn các nhà đầu tư…, cần có cơ chế chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các hoạt động du lịch phục vụ khách quốc tế ở các khu du lịch trọng điểm như đối với các ngành nghề sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu (mà không phải là dịch vụ đơn thuần).

- Trong quy định về các khoản chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế, cần có chính sách cho phép các doanh nghiệp được đưa vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp những khoản chi về tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; chi phí cho đào tạo nguồn nhân lực; chi phí tham gia các hội chợ, triển lãm, hội nghị, hội thảo du lịch quốc tế ở trong nước và nước ngoài... theo chi phí thực tế bỏ ra tương ứng với kết quả kinh doanh mang lại.

- Rà soát và quy định thống nhất về ưu đãi thuế; chuyển ưu đãi thuế theo hướng ưu đãi sau đầu tư (ưu đãi về thuế suất, miễn, giảm thuế) sang hướng ưu đãi trực tiếp cho nhà đầu tư du lịch.

+ Thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu

- Đối với các trang thiết bị chuyên dùng, các vật tư xây dựng, các phương tiện vận chuyển khách du lịch công nghệ cao trong các dự án phát triển du lịch mà trong nước chưa sản xuất được phải nhập khẩu (ôtô điện, tàu điện monorail, cầu trượt, máng trượt, canô, dù lượn, khinh khí cầu…) thì cần coi đó là các phương tiện sản xuất chuyên dùng (chứ không phải là hàng tiêu dùng) để kiến nghị được miễn thuế nhập khẩu, tạo tài sản cố định của dự án khuyến khích đầu tư (như tại khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 đã quy định).

- Đối với các loại hàng hóa là trang thiết bị của dự án đầu tư xây dựng khách sạn 3 - 5 sao trong các khu du lịch trọng điểm của tỉnh (Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…) mà phải nhập khẩu, được kiến nghị cho phép miễn thuế nhập khẩu lần đầu đối với mọi hàng hóa là trang thiết bị phục vụ cho các dự án này (các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế, mọi nguồn vốn) mà không chỉ áp dụng đối với dự án khuyến khích đầu tư, dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA.

- Đối với các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, hàng giả cổ, hàng lưu niệm và các loại hàng hóa khác được sản xuất tại địa phương (các sản phẩm lưu niệm được chế tác từ đá, gỗ, đồng, gốm sứ, mây tre…) mà khách du lịch quốc tế có nhu cầu mang theo, cần được kiến nghị để tạo mọi điều kiện về mặt thủ tục hải quan và miễn thuế xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu tại chỗ (cơ sở bán xác nhận nguồn gốc hàng hóa).

+ Thuế sử dụng đất, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thuê mặt nước

- Đối với các nhà đầu tư vào các khu, điểm du lịch sinh thái; khu công viên văn hóa có các hoạt động thể thao, vui chơi giải trí... (Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…) được thực hiện theo Nghị định số 118/2015/NĐ - CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ. Tại Nghị định này đã quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào một số lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực liên quan đến du lịch như sử dụng năng lượng sạch, sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao…

Ngoài ra, các Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long… là những dự án du lịch trọng điểm của Ninh Bình trong giai đoạn đến năm 2030, khi được đầu tư xây dựng đồng bộ sẽ có tác động lớn đến kinh tế - xã hội, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy các ngành khác phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho xã hội, tạo ra những sản phẩm du lịch mới, đặc thù hấp dẫn khách du lịch… Do vậy, cần kiến nghị Chính phủ hỗ trợ đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch, tạo cơ chế cho các nhà đầu tư vay vốn ưu đãi thông qua hệ thống Ngân hàng Phát triển Việt Nam…

- Thống nhất áp dụng chính sách một giá đối với các nhà đầu tư thuê đất, thuê mặt nước ở các khu, điểm du lịch mà không phân biệt nhà đầu tư trong nước hay nước ngoài.

- Trong thời hạn thuê đất, đất có mặt nước, nhà đầu tư được thế chấp giá trị quyền sử dụng đất, đất có mặt nước và tài sản gắn liền với đất trong thời hạn thuê tại các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam để vay vốn thực hiện dự án theo quy định của pháp luật.

- Đối với các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng tại các khu, điểm du lịch được quyền chuyển nhượng lại quyền sử dụng đất, cho thuê lại đất có kết cấu hạ tầng cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để đầu tư, kinh doanh tại khu, điểm du lịch; được quyền định giá thuê đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và các công trình dịch vụ...

          + Thuế tiêu thụ đặc biệt

- Theo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật thuế giá trị gia tăng hiện hành, thì các dịch vụ như vũ trường, xông hơi massage, karaoke... phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, để khuyến khích và hấp dẫn các nhà đầu tư vào các khu du lịch trọng điểm ở Ninh Bình (đối với các khu xây dựng mới: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…), đồng thời để đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ..., những loại dịch vụ trên cần được kiến nghị để được hưởng mức ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 20%.

- Đối với các phương tiện vận chuyển chuyên dùng như ôtô điện, tàu điện monorail, canô, tàu thuyền du lịch... cần có chính sách kiến nghị để không đánh thuế hoặc giảm thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt nếu được đăng ký hoạt động trong phạm vi các khu du lịch trọng điểm (Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…) trên địa bàn tỉnh Ninh Bình (hoặc phương tiện vận chuyển giữa các khu, điểm du lịch).

+ Thuế giá trị gia tăng

- Áp dụng hình thức bán hàng miễn thuế cho khách du lịch quốc tế khi họ lưu trú và sử dụng các dịch vụ ở các khu du lịch trọng điểm (Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…) giống như ở các nhà ga, sân bay, cửa khẩu quốc tế; hoặc có cơ chế hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch quốc tế khi mua hàng tại các khu du lịch này và mang theo khi xuất cảnh trên nguyên tắc bình đẳng giữa các quốc gia và theo thông lệ quốc tế. Về cách thức thực hiện, cơ quan thuế có thể ủy nhiệm cho một số cửa hàng trong phạm vi các khu du lịch trên được bán cho khách du lịch quốc tế theo giá không có thuế giá trị gia tăng; hoặc tổ chức các điểm hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch tại các cửa khẩu quốc tế, nhà ga, sân bay quốc tế (có chứng nhận được mua tại các Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…).

 - Có cơ chế khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với những hàng hóa, dịch vụ mà các cơ sở kinh doanh du lịch tại các khu du lịch nêu trên đã sử dụng để cung cấp cho khách hàng mà nhà cung cấp không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng hoặc có hóa đơn thuế giá trị gia tăng trực tiếp...

2. Giải pháp về tổ chức quản lý

          +  Nâng cao năng lực của các phòng chuyên môn, các đơn vị trực thuộc Sở Du lịch để tăng cường công tác tham mưu, quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh, đặc biệt trong quản lý quy hoạch, quản lý bảo tồn di sản, quản lý đầu tư, công tác xúc tiến quảng bá, đào tạo bồi dưỡng, quản lý môi trường du lịch…; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xét duyệt các quy hoạch phát triển du lịch, các dự án đầu tư phát triển du lịch thuộc thẩm quyền.

+ Tăng cường công tác quản lý chặt chẽ các nhà hàng du lịch đạt chất lượng, quản lý tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo trình độ nghiệp vụ cao phục vụ du lịch.

+  Nghiên cứu xây dựng hoàn thiện các quy chế quản lý ở các khu, điểm du lịch; các khu di tích… nhằm tạo hành lang pháp lý thuận lợi để quản lý, đầu tư, khai thác và phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

+ Tăng cường cơ chế liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động du lịch giữa các ngành; giữa các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó mới tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng, độc đáo, hấp dẫn và có sức cạnh tranh, tạo ra sự thúc đẩy tương hỗ nhằm phát triển du lịch có hiệu quả.

+ Về quản lý và thực hiện quy hoạch, cần thực hiện những nội dung cụ thể sau:

          - Xác định ranh giới quy hoạch du lịch trên địa bàn các phân khu chức năng; các khu, điểm du lịch đã được xác định…, để làm căn cứ quản lý và đầu tư khai thác phục vụ phát triển du lịch.

- Từng bước lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch.

          - Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện quản lý chặt chẽ lãnh thổ được quy hoạch trên địa bàn. Trước mắt quản lý chặt chẽ việc mua bán, xây mới hoặc cơi nới cải tạo các công trình trên phạm vi lãnh thổ được quy hoạch để phát triển du lịch.

          - Tập trung đầu tư hoàn chỉnh, đồng bộ khu du lịch quốc gia Tràng An theo quy hoạch để tạo thành một quần thể du lịch chất lượng cao, có thương hiệu và có khả năng cạnh tranh.

          - Quan tâm chỉ đạo để xúc tiến, quảng bá thu hút đầu tư phát triển các Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…

          - Các địa phương trong tỉnh, các doanh nghiệp du lịch, các nhà đầu tư… cần phối hợp và liên kết hợp tác để xây dựng các sản phẩm du lịch mới, có chất lượng, tránh trùng lặp để tăng sức hấp dẫn đối với du khách, tạo ra sự thúc đẩy tương hỗ nhằm phát triển du lịch ở từng khu, điểm du lịch nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

          - Có chính sách đầu tư thỏa đáng từ ngân sách địa phương kết hợp với sự hỗ trợ của ngân sách trung ương nhằm hoàn thiện việc nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội.

3. Giải pháp về đầu tư phát triển du lịch

          Đầu tư phát triển du lịch là hướng đầu tư có hiệu quả không những về mặt kinh tế mà còn về mặt môi trường và xã hội. Đối với tỉnh Ninh Bình, việc đầu tư phát triển du lịch cần có trọng điểm, chú trọng đối với những khu vực có khả năng phát triển các sản phẩm đặc thù, có sức cạnh tranh, tạo nên thương hiệu cho du lịch Ninh Bình. Căn cứ vào tính đặc thù riêng của ngành du lịch cũng như trong điều kiện cụ thể của tỉnh, hoạt động đầu tư phát triển du lịch cần tập trung vào các lĩnh vực sau:

          - Đầu tư xây dựng đồng bộ các khu du lịch trọng điểm: Đây là một hướng đầu tư hết sức quan trọng, sẽ tạo nên sự thay đổi về chất trong hoạt động phát triển du lịch ở Ninh Bình. Hiện nay, ở Ninh Bình đã và đang hình thành (đang phát triển và theo quy hoạch) tương đối rõ các khu du lịch (Khu du lịch sinh thái Tràng An; Khu du lịch Tam Cốc – Bích Động; Khu du lịch Cúc Phương…). Tuy nhiên, ở đây chưa có những khu du lịch có các sản phẩm đặc sắc, có sức hấp dẫn cao, có các điều kiện tốt về cơ sở vật chất kỹ thuật và các dịch vụ bổ sung thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu của khách du lịch; chưa có những chính sách, mô hình tổ chức quản lý và đội ngũ lao động có chất lượng… Ngoài ra, một số khu du lịch trọng điểm khác có tiềm năng, nhưng chưa có điều kiện để đầu tư phát triển như Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long… Chính vì vậy, việc tập trung đầu tư xây dựng và phát triển đồng bộ các khu du lịch này là một hướng ưu tiên đầu tư và là yêu cầu bức xúc đối với sự phát triển du lịch của Ninh Bình trong giai đoạn tới.

- Đầu tư phát triển hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ du lịch chất lượng cao: Trong tiến trình hội nhập của du lịch cả nước với khu vực và thế giới, các tiêu chuẩn về dịch vụ du lịch phải được nâng cao phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Chính vì vậy việc đầu tư nâng cấp và xây dựng mới hệ thống khách sạn và các công trình dịch vụ (tổ hợp thể thao, khu hội chợ, hội nghị, hội thảo, các nhà hàng…) ở Ninh Bình là hết sức quan trọng.

          Hiện nay, ở Ninh Bình còn thiếu các khách sạn cao cấp 5 sao. Vì vậy, hướng đầu tư phát triển hệ thống khách sạn cần ưu tiên các dự án xây dựng khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn thương mại cao cấp ở thành phố Ninh Bình và các khu du lịch trọng điểm (Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…); đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án khu dịch vụ khách sạn cao cấp tại phường Ninh Khánh, TP.Ninh Bình. Ở các không gian du lịch khác chỉ nên đầu tư xây dựng các khách sạn với quy mô và tiêu chuẩn trung bình để đảm bảo tính hiệu quả trong kinh doanh. Đối với các khu, điểm du lịch mà sản phẩm chủ yếu là du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng hoặc du lịch dựa vào tự nhiên, cần chú trọng phát triển hệ thống lưu trú sinh thái, hệ thống lưu trú trong dân (homestay)...

- Đầu tư phát triển hệ thống các công trình vui chơi giải trí, thể thao; các dịch vụ bổ trợ khác: Hiện nay, các hoạt động vui chơi giải trí, thể thao, cũng như các dịch vụ bổ trợ khác (dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe; dịch vụ mua sắm…) cho các hoạt động của khách du lịch khi đến Ninh Bình còn rất hạn chế. Điều này đã hạn chế đáng kể thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh du lịch. Để khắc phục tình trạng này cần ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình vui chơi giải trí, thể thao tổng hợp; các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe hiện đại, chất lượng cao… để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là thị trường khách có nhu cầu cao về các dịch vụ vui chơi giải trí, thể thao; dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe.

- Đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử và phát triển các lễ hội, làng nghề truyền thống phục vụ du lịch: Một trong những mục đích của khách du lịch đến đến Ninh Bình là để tham quan, nghiên cứu tìm hiểu về nền văn hóa bản địa, đặc biệt là nền văn hóa sông Hồng; nghiên cứu về làng quê Việt Nam gắn với văn minh lúa nước; nghiên cứu về truyền thống cách mạng của người dân Ninh Bình gắn với Cố đô Hoa Lư; nghiên cứu về văn hóa tâm linh gắn với Chùa Bái Đính, Nhà thờ Phát Diệm… Do vậy, việc đầu tư bảo tồn, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử và các lễ hội, làng nghề truyền thống ở Ninh Bình, một mặt có ý nghĩa giáo dục các thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa lịch sử của dân tộc, về những hy sinh và kỳ tích của các thế hệ cha ông đi trước trong các cuộc chiến tranh giữ nước, mặt khác có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động phát triển du lịch.

- Đầu tư cho công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao: Đây là một lĩnh vực đầu tư rất quan trọng, đảm bảo cho việc nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch, đặc biệt trong bối cảnh du lịch Ninh Bình đang phát triển hội nhập với hoạt động phát triển du lịch của cả nước, khu vực và thế giới. Chính vì vậy, việc đầu tư để xây dựng một chương trình đào tạo toàn diện và đồng bộ từ cán bộ quản lý đến đội ngũ nhân viên phục vụ có chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu hiện nay là rất quan trọng đối với sự phát triển của du lịch ở Ninh Bình.

          Về việc huy động các nguồn vốn đầu t­ư phát triển du lịch ở Ninh Bình cần quan tâm thu hút các nguồn vốn sau:

          - Tập trung đầu tư­ từ nguồn vốn ngân sách Nhà nư­ớc (cả trung ương và địa phương) theo hư­ớng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm làm cơ sở kích thích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh; ưu tiên đầu tư­ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm (Khu du lịch quốc gia Tràng An, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Cồn Nổi; Khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí hồ Đồng Thái; Khu du lịch Kênh Gà - Vân Trình; Khu du lịch sinh thái Vân Long…). Đối với nguồn ngân sách trung ương, cần tranh thủ sự hỗ trợ kinh phí trong Chương trình hành động quốc gia về du lịch, nguồn vốn ODA (kinh phí hỗ trợ của ADB…) để đầu tư vào hạ tầng du lịch, bảo tồn các di tích cấp quốc gia… Nguồn ngân sách địa phương tập trung cho công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch; tổ chức các sự kiện; bảo vệ môi trường… Đây là nguồn vốn không lớn (dự kiến khoảng 10% trong tổng nhu cầu vốn đầu tư), nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc kích thích thu hút các nguồn vốn khác đầu tư cho phát triển du lịch ở Ninh Bình trong giai đoạn tới.

          - Thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dư­ới các hình thức khác nhau, đặc biệt có cơ chế thích hợp để thu hút nguồn vốn đầu tư dưới dạng liên doanh liên kết trong nước và quốc tế đầu tư vào các dự án lớn, cần nhiều vốn; tranh thủ thu hút nguồn vốn trong dân để đầu tư phát triển du lịch đối với các dự án nhỏ, cần ít vốn; thực hiện xã hội hóa trong công tác đầu tư bảo tồn, tôn tạo di tích, thắng cảnh, các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề… phục vụ phát triển du lịch.

          - Coi trọng nguồn vốn tích lũy của các doanh nghiệp du lịch; vốn vay ngân hàng với tỷ lệ lãi xuất ưu đãi; thành lập Quỹ phát triển du lịch nhằm thu hút vốn nhàn rỗi trong dân qua hệ thống ngân hàng; thu hút vốn đầu t­ư trong nước, trong dân thông qua Luật Đầu tư­; vốn thông qua cổ phần hóa các doanh nghiệp; dùng quỹ đất để tạo nguồn vốn thông qua hình thức cho thuê đất trả tiền trư­ớc, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng có giới hạn thời gian...

4. Giải pháp về phát triển thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch

- Đối với công tác phát triển thị trường du lịch: Căn cứ định hướng phát triển các nhóm thị trường được đưa ra ở phần trên, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cần chú trọng xây dựng kế hoạch thu hút các thị trường mục tiêu với mức độ khác nhau theo thời gian tùy thuộc khả năng của mình, đảm bảo hiệu quả kinh doanh trước mắt, song cũng không làm mất cơ hội kinh doanh trong tương lai.

          Trước mắt, tiếp tục tập trung khai thác thị trường nội địa (các tỉnh phía Bắc và cả nước) với mục đích tham quan thắng cảnh Tràng An, Tam Cốc – Bích Động; du lịch văn hóa - tâm linh Chùa Bái Đính, Nhà thờ Phát Diệm; du lịch sinh thái Cúc Phương, Vân Long; du lịch thương mại - công vụ kết hợp du lịch… Trong những năm tiếp theo, chú trọng khai thác thị trường với đích chính là nghỉ dưỡng, du lịch biển, du lịch thể thao nước, vui chơi giải trí, mua sắm, chăm sóc sức khỏe… Đối với thị trường quốc tế, trước mắt tiếp tục tập trung khai thác các thị trường truyền thống Tây Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á, Đông Nam Á… Những năm tiếp theo (khi đã có đầu tư phát triển) tập trung khai thác các thị trường tiềm năng như Nga, Đông Âu, Ấn Độ, Trung  Đông…

          Để làm tốt công tác nghiên cứu, khai thác các thị trường quốc tế một cách hiệu quả, cần nâng cao năng lực (về con người, về cơ sở vật chất, về cơ chế chính sách…) cho các công ty du lịch lữ hành quốc tế trên địa bàn tỉnh để các công ty này một mặt phối hợp với các công ty lữ hành lớn trong nước tổ chức các tour đưa khách đến Ninh Bình, mặt khác có đủ điều kiện khai thác trực tiếp các thị trường mục tiêu đến Ninh Bình.

          Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng cần chủ động mở rộng hành lang liên kết du lịch với các thị trường du lịch trong và ngoài nước, với các đơn vị tổ chức du lịch trong và ngoài nước để tăng hiệu quả kinh doanh du lịch. Trong một số trường hợp cần thiết, có thể mở văn phòng đại diện tại các thị trường du lịch lớn ở trong nước (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh…) và ngoài nước (Trung Quốc, Nhật Bản…).

- Đối với công tác phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Trên cơ sở định hướng các thị trường mục tiêu của Ninh Bình, căn cứ định hướng tổ chức không gian du lịch dựa trên các nguồn tài nguyên du lịch đặc thù…, các ngành chức năng cũng như các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn nghiên cứu các thị trường một cách kỹ lưỡng, toàn diện (mục đích, tâm lý, sở thích, điều kiện kinh tế…), xác định xu hướng phát triển du lịch trên thế giới, trong khu vực, trong nước, xác định các thị trường mục tiêu, thị trường trọng điểm với các đặc điểm, nhu cầu cụ thể... để trên cơ sở đó xây dựng được hệ thống sản phẩm du lịch phù hợp cho từng thị trường, có chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh nhằm thu hút khách du lịch và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch là nhiệm vụ trọng tâm của du lịch Ninh Bình hiện nay. Trước mắt tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch truyền thống như tham quan thắng cảnh Tràng An, Tam Cốc - Bích Động; du lịch văn hóa tâm linh Chùa Bái Đính; du lịch sinh thái Cúc Phương, Vân Long; du lịch homestay, trải nghiệm đồng quê… Trong những năm tiếp theo cần đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng; du lịch biển; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng hồ; du lịch chữa bệnh; du lịch thể thao nước, vui chơi giải trí cao cấp; du lịch MICE…

5. Giải pháp về đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch

Du lịch là một ngành kinh tế dịch vụ, nên để nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch, đảm bảo các hoạt động kinh doanh du lịch có mức tăng trưởng ổn định, góp phần cho sự phát triển du lịch bền vững…, yếu tố con người là rất quan trọng, đặc biệt là các nhà quản lý, các nhà hoạch định chiến lược phát triển…

Xuất phát từ đặc điểm của ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng là ngành kinh tế tổng hợp, phát triển trong bối cảnh điểm xuất phát thấp, đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ quản trị doanh nghiệp… còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập hiện nay rất cần có một nguồn nhân lực chất lượng cao, năng động, đủ năng lực trong công tác quản lý, xây dựng chiến lược phát triển, điều hành các hoạt động kinh doanh du lịch với hiểu biết rộng về thị trường, về các điều luật trong kinh doanh du lịch quốc tế… để hạn chế các rủi ro cho các doanh nghiệp du lịch trên thị trường trong nước, khu vực và thế giới. Do vậy, để đào tạo được nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu phát triển du lịch trong xu thế hội nhập quốc tế, Ninh Bình cần phải có những chính sách phù hợp. Trước mắt, có thể xem xét một số chính sách về đào tạo nâng cao trình độ quản lý và nghiệp vụ của nguồn nhân lực du lịch như sau:

- Chính sách đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chuyên môn (đặc biệt là về quản lý quy hoạch, quản lý và thẩm định các dự án du lịch, quản lý và bảo vệ môi trường, về xúc tiến quảng bá du lịch…) đối với các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch (thuộc Sở Du lịch và các Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện); có chính sách hỗ trợ cán bộ nâng cao trình độ đào tạo (trên đại học về chuyên ngành du lịch) cả ở trong và ngoài nước để đáp ứng yêu cầu trước mắt và chuẩn bị cho lâu dài trong công tác quản lý phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trong xu thế hội nhập toàn cầu.

- Đối với các cơ sở kinh doanh du lịch (ở các khu du lịch, khách sạn, công ty lữ hành…), có chính sách ưu tiên và lựa chọn những cán bộ có nhiều sáng kiến phát minh, có năng lực trong lĩnh vực quản lý kinh doanh du lịch… đi đào tạo ở các địa phương có ngành du lịch phát triển (kể cả ở nước ngoài) để tiếp thu những kinh nghiệm trong tổ chức, quản lý các hoạt động du lịch, đáp ứng cho mục tiêu phát triển trước mắt và lâu dài.

- Đối với các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch trên địa bàn tỉnh (Đại học Hoa Lư…) cần tập trung nâng cao năng lực về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên trong công tác đào tạo mới, đào tạo lại và bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch; Tăng cường công tác liên kết, hợp tác trong đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch với các cơ sở đào tạo khác ở Hà Nội, Thanh Hóa, Hải Phòng… nhằm phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng để đáp ứng cho nhu cầu phát triển du lịch Ninh Bình trong thời gian tới.

- Chính sách ưu đãi, chú trọng đào tạo, sử dụng và đãi ngộ trí thức, trọng dụng và tôn vinh nhân tài, chuyên gia và nghệ nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch… để thu hút đội ngũ này cho mục tiêu phát triển du lịch.

- Hiện nay, nhận thức xã hội về ngành kinh tế du lịch còn hạn chế, do vậy cần xây dựng những chương trình tuyên truyền giáo dục đến mọi tầng lớp trong xã hội (đặc biệt là đến cộng đồng dân cư) về vai trò và ý nghĩa của ngành du lịch đối với nền kinh tế, môi trường - xã hội, đến đời sống của cộng đồng dân cư, đến công tác bảo tồn các giá trị tài nguyên... Những chương trình này có thể được lồng ghép trong các khóa học ở các trường phổ thông, các buổi tập huấn về giáo dục môi trường và nâng cao nghiệp vụ du lịch cho cộng đồng...

6. Giải pháp về tăng cư­ờng xúc tiến đầu tư, xúc tiến quảng bá thu hút khách du lịch

+ Chủ động tổ chức các chương trình giới thiệu về du lịch Ninh Bình ở nước ngoài, đặc biệt là ở những thị trường mục tiêu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp…; và ở trong nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh…: Hàng năm, Sở Du lịch Ninh Bình chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan (Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Bình; Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành, Tạp chí Du lịch Việt Nam…) tổ chức giới thiệu các cơ hội, các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch; giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ du lịch, các điểm đến du lịch ở địa phương; tổ chức các đoàn famtrips cho các doanh nghiệp du lịch khám phá các giá trị văn hóa, các danh lam thắng cảnh… ở địa phương để xây dựng các chương trình, tour du lịch… Các chương trình xúc tiến này có thể được tổ chức dưới hình thức “Tuần Văn hóa - Du lịch Ninh Bình”, “Về với Tràng An – Di sản hỗn hợp Thế giới”…, hoặc dưới dạng các tập gấp để cung cấp cho khách du lịch, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp du lịch tại các triển lãm, hội chợ du lịch, các hội nghị, hội thảo… trong nước và nước ngoài.

+ Tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch ở trong nước và quốc tế: Trung tâm Xúc tiến du lịch (trực thuộc Sở Du lịch) làm đầu mối liên kết các doanh nghiệp du lịch (các công ty lữ hành, khách sạn, khu du lịch…) trên địa bàn thống nhất lựa chọn và tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch được tổ chức hàng năm trong nước và nước ngoài để giới thiệu chung về du lịch Ninh Bình một cách có hiệu quả.

+ Quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình trên các phương tiện thông tin đại chúng: Với hoạt động này, cần có sự phối hợp lồng ghép với hoạt động tuyên truyền quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình với vùng đồng bằng sông Hồng hoặc du lịch cả nước (nếu được tổ chức ở nước ngoài). Cụ thể như sau:

- Xây dựng chương trình giới thiệu về Tiềm năng, Điểm đến, Cơ hội đầu tư và Con người Ninh Bình để phát trên Truyền hình Việt Nam và Đài Phát thanh Truyền hình Ninh Bình (trên hệ thống Cáp truyền hình) để đến các địa phương trong cả nước và quốc tế. Phối hợp với một số Tạp chí chuyên ngành như Tạp chí Du lịch Việt Nam, Báo Du lịch... để thường xuyên giới thiệu bài và ảnh về du lịch Ninh Bình đến với khách du lịch.

- Tổ chức, giới thiệu dưới nhiều hình thức để cung cấp thông tin về du lịch Ninh Bình tại các đầu mối giao thông (sân bay, nhà ga, bến xe), tại các khu, điểm du lịch, tại các khách sạn… để giới thiệu cho khách du lịch các thông tin cần thiết về du lịch Ninh Bình.

- Xây dựng chương trình truyền thông và giáo dục văn hóa ứng xử của cộng đồng dân cư đối với khách du lịch và tài nguyên môi trường du lịch. Thông tin tới người dân những lợi ích trước mắt và lâu dài của sự nghiệp phát triển du lịch, những ví dụ điển hình của Việt Nam và các nước trong việc phát triển du lịch nhằm tăng cường ý thức bảo vệ môi trường, tài nguyên du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

+ Xây dựng, thuê các biển quảng cáo tấm lớn, biển điện tử để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình: Tại các khu, điểm du lịch; các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường không; các điểm dừng chân dọc quốc lộ; cửa ngõ vào Ninh Bình; các nút giao thông quan trọng…, tùy theo điều kiện cụ thể sẽ xây dựng hoặc thuê các biển quảng cáo tấm lớn để quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình đến với du khách thập phương (cần nhấn mạnh đến nội dung “Ninh Bình – Tràng An – Bái Đính”; “Sông Vân – Núi Thúy”).

7. Giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch

Đây là một giải pháp quan trọng nhằm đưa du lịch Ninh Bình phát triển theo cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, và phát triển theo hướng nền kinh tế dựa vào tri thức, đồng thời sử dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào công tác quản lý và kinh doanh du lịch để nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ du lịch phù hợp với Chiến lược phát triển du lịch của cả nước cũng như của vùng đồng bằng sông Hồng và duyên hải Đông Bắc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

7.1. Những hướng nghiên cứu phục vụ phát triển du lịch Ninh Bình

- Nghiên cứu quản lý và khai thác có hiệu quả các dạng tài nguyên du lịch đặc biệt (Quần thể Danh thắng Tràng An, tính đa dạng sinh học ở vườn quốc gia và khu bảo tồn, lịch sử Ninh Bình gắn với Cố đô Hoa Lư...).

          - Nghiên cứu, đánh giá các tác động tương hỗ giữa các điều kiện môi trường cho phát triển du lịch và ngược lại tác động của du lịch đến môi trường tự nhiên và văn hóa xã hội. Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong phát triển du lịch và giảm thiểu tác động của du lịch đến môi trường, đảm bảo cho phát triển bền vững.

          - Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm đồng quê, du lịch homestay, du lịch sinh thái…, đảm bảo hiệu quả trong công tác vừa bảo tồn, vừa phát triển.

- Nghiên cứu phát triển các sản phẩm du lịch mới như du lịch trải nghiệm nông thôn; các sản phẩm du lịch gắn với các vùng nông nghiệp công nghệ cao (các vườn cây ăn trái, rau củ quả, vườn hoa...). Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp; đầu tư, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao kết hợp tham quan, du lịch và dịch vụ.

- Nghiên cứu ứng dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước; sử dụng năng lượng sạch, tái tạo; công nghệ xử lý rác thải… trong hoạt động du lịch; tăng cường sử dụng tái chế các chất thải để có thể tiếp tục sử dụng… nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

7.2. Những ứng dụng chủ yếu trong phát triển du lịch

          - Ứng dụng công nghệ xanh, công nghệ sạch trong các khách sạn, khu du lịch nhằm góp phần bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững.

- Sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường trong xây dựng các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đảm bảo hạn chế việc thay đổi môi trường cảnh quan trong xây dựng…Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu tre luồng và các vật liệu khác thân thiện môi trường trong các công trình du lịch.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tài nguyên du lịch, các khu, điểm du lịch.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành, trong kinh doanh du lịch (tham gia hội nghị trực tuyến, bán sản phẩm du lịch qua mạng, E.Marketing, nối mạng toàn hệ thống khách sạn trên địa bàn để quản lý và thống kê khách du lịch một cách hiệu quả…).

8. Giải pháp liên kết và hợp tác trong phát triển du lịch

Trong xu thế phát triển hiện nay, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã là thành viên đầy đủ của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tham gia nhiều hiệp định quốc tế…, vấn đề "Liên kết, Hợp tác và Hội nhập" có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự phát triển của cả quốc gia, của mỗi vùng và của mỗi địa phương. Đối với sự phát triển của du lịch tỉnh Ninh Bình cũng không nằm ngoài xu thế chung đó. Trước hết, phát triển du lịch Ninh Bình trong mối liên kết hợp tác quốc tế và khu vực phải nằm trong chiến lược liên kết, hợp tác chung của du lịch cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng. Thành phố Ninh Bình có vị trí chiến lược quan trọng, có mối quan hệ chặt chẽ với các vùng khác như vùng Bắc Trung Bộ, vùng duyên hải Đông Bắc và xa hơn với tuyến du lịch “Con đường di sản thế giới của Việt Nam”, với tuyến du lịch Xuyên Á nối Việt Nam với các nước trong khối ASEAN và quốc tế... Do vậy, "Liên kết, Hợp tác và Hội nhập" là chiến lược rất quan trọng đối với sự phát triển du lịch của Ninh Bình hiện nay.

Muốn liên kết, hợp tác có hiệu quả trong phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, thì trước hết việc liên kết và hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh, với các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng … có ý nghĩa quan trọng hàng đầu. Việc liên kết, hợp tác này trước hết nhằm phát huy được các lợi thế so sánh của mỗi địa phương về tiềm năng và các nguồn lực phát triển du lịch, đồng thời bổ sung khắc phục cho nhau những hạn chế trong phát triển… Thông qua việc liên kết, hợp tác sẽ làm phong phú và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, có chất lượng cao…, từ đó tăng cường khả năng cạnh tranh và những lợi thế trong phát triển du lịch của Ninh Bình.

          Việc liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình phải đảm bảo những nguyên tắc cơ bản sau:

- Liên kết và hợp tác phát triển du lịch trên tinh thần tự nguyện, bình đẳng, mang lại hiệu quả và cùng có lợi giữa các doanh nghiệp, giữa các ngành trên địa bàn, giữa các địa phương trong tỉnh, giữa tỉnh Ninh Bình với các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng như trong khu vực và quốc tế.

- Liên kết và hợp tác phát triển du lịch phải bổ sung khắc phục những hạn chế, phát huy những thế mạnh về du lịch của mỗi địa phương nhằm tạo được sức cạnh tranh chung về du lịch của Ninh Bình so với các địa bàn khác.

8.1. Liên kết, hợp tác giữa các địa phương; giữa các khu, điểm du lịch; giữa các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh Ninh Bình

Liên kết, hợp tác về du lịch giữa các địa phương (huyện, thành phố); giữa các khu, điểm du lịch; giữa các doanh nghiệp du lịch trong tỉnh cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

+ Liên kết, hợp tác trong xây dựng các chương trình du lịch (tour du lịch), các sản phẩm du lịch chung của toàn tỉnh: Bên cạnh việc chủ động xây dựng và phát triển các chương trình, sản phẩm du lịch riêng mang tính đặc thù…, mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cần liên kết hợp tác với nhau để xây dựng các chương trình du lịch, sản phẩm chung của toàn tỉnh trên cơ sở những định hướng đã được xác định trong nội dung về định hướng phát triển sản phẩm du lịch. Việc hợp tác này sẽ làm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và tăng thêm khả năng cạnh tranh của du lịch Ninh Bình trên thị trường trong nước và quốc tế.

+ Liên kết, hợp tác trong xây dựng một chương trình quảng bá xúc tiến, xây dựng thương hiệu để giới thiệu hình ảnh du lịch Ninh Bình như một điểm đến hấp dẫn: Đây là một nội dung liên kết, hợp tác quan trọng cần sớm được triển khai trong thực tế bởi kết quả của sự liên kết, hợp tác này sẽ đem lại nhiều lợi ích chung, đồng thời giảm được chi phí cho công tác quảng bá xúc tiến của mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp. Với nội dung này sẽ xây dựng một chương trình quảng bá xúc tiến hình ảnh du lịch Ninh Bình gắn với “Tràng An – Di sản Thế giới”;“Chùa Bái Đính – ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á”, “Cố đô Hoa Lư – Kinh đô của ba Triều đại”, “Nhà thờ đá Phát Diệm – Độc nhất vô nhị”…

8.2. Liên kết, hợp tác giữa Ninh Bình với các tỉnh, thành phố phụ cận

+ Liên kết hợp tác trong việc xây dựng kết nối các tuyến du lịch, xây dựng các tour du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch: Sự phát triển của du lịch Ninh Bình không thể tách rời với sự phát triển của du lịch các tỉnh, thành phố phụ cận. Trong nội dung liên kết này, Ninh Bình có thể liên hết, hợp tác xây dựng một số sản phẩm du lịch tiêu biểu sau:

- Du lịch Di sản Thế giới: Trong khuôn khổ liên kết, hợp tác du lịch giữa Ninh Bình với các tỉnh, thành phố vùng phụ cận cần quan tâm đến việc kết nối “Con đường di sản Thế giới của Việt Nam”. Đây là tuyến du lịch hết sức đặc sắc, được nối hầu hết các di sản thế giới của Việt Nam trên một tuyến du lịch thống nhất: Vịnh Hạ Long - Hoàng thành Thăng Long - Tràng An - Thành Nhà Hồ - Phong Nha Kẻ Bàng - Cố Đô Huế - Phố cổ Hội An - Thánh địa Mỹ Sơn. Trong mối liên kết và hợp tác này, “Con đường di sản Thế giới của Việt Nam” sẽ được kết nối với “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” tạo thành một tuyến du lịch đặc sắc nhất Việt Nam, có sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch trong nước và nước ngoài.

- Du lịch nghỉ dưỡng biển: Để bổ sung và làm phong phú thêm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, thành phố Ninh Bình sẽ là trung tâm kết nối đưa khách du lịch  đến với các điểm du lịch nghỉ dưỡng biển nổi tiếng ở vùng phụ cận như Sầm Sơn, Đồ Sơn… Với sự liên kết này sẽ đa dạng hóa các sản phâm du lịch biển, kéo dài thời gian lưu trú và chi tiêu của khách du lịch khi đến Ninh Bình.

- Du lịch tham quan nghiên cứu: Trong các tour du lịch tham quan nghiên cứu, cần kết nối từ Ninh Bình đến các điểm du lịch hấp dẫn sau: Đền Trần (Nam Định); Thành Nhà Hồ, Lam Kinh (Thanh Hóa); Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội); Tam Chúc (Hà Nam)…

- Du lịch MICE: Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long… là những trung tâm du lịch lớn, thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch, cũng như tổ chức các hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế…, do vậy Ninh Bình cần liên kết, hợp tác với các thành phố trên trong việc phối hợp, tổ chức các tour du lịch, tiến tới phối hợp tổ chức các sự kiện lớn trên địa bàn thành phố Ninh Bình.

+ Liên kết, hợp tác trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao: Nguồn nhân lực du lịch của tỉnh hiện nay nói chung còn thiếu về số lượng, yếu kém về chất lượng, do vậy liên kết, hợp tác trong đào tạo là rất quan trọng. Đây là một nội dung hợp tác nhằm nâng cao năng lực làm việc của đội ngũ cán bộ quản lý, của các nhân viên phục vụ du lịch. Thông qua sự hợp tác này sẽ góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm và dịch vụ du lịch, và tạo ra được một mặt bằng chung về chất lượng sản phẩm du lịch Ninh Bình và các địa phương khác trong vùng phụ cận, qua đó nâng cao được năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Các đối tác cần liên kết hợp tác trong đào tạo giữa các cơ sở đào tạo ở Ninh Bình với các cơ sở đào tạo khác bao gồm: các trường đại học có Khoa du lịch, các trường đào tạo nghiệp vụ du lịch… ở Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa…

8.3. Liên kết, hợp tác quốc tế

          Chương trình phát triển du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) là một chương trình phát triển ưu tiên nằm trong khuôn khổ hợp tác chung của các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông từ Vân Nam (Trung Quốc) đến đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). Chương trình này nhận được sự quan tâm của chính phủ các nước trong khu vực cũng như của các tổ chức quốc tế. Đây là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh hoạt động du lịch ở các vùng lãnh thổ có liên quan, trong đó tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương nằm trong trung tâm của toàn Tiểu vùng GMS.

          Căn cứ vào định hướng phát triển du lịch của Tiểu vùng GMS, một số hoạt động liên kết, hợp tác của Ninh Bình cần quan tâm trước mắt bao gồm:

- Phát triển và kết nối các tuyến du lịch đường bộ theo hướng Bắc - Nam và Đông - Tây. Theo hướng Bắc - Nam kết nối Ninh Bình với hệ thống tuyến du lịch quốc gia (theo quốc lộ 1A, đường cao tốc Bắc Nam, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc Nam, quốc lộ 10) và từ đó đi đến các nước trong khu vực Tiểu vùng GMS. Theo hướng Đông - Tây, kết nối Đông Bắc Thái Lan và Lào qua cửa khẩu Na Mèo đến Thanh Hóa theo quốc lộ 45 đến Nho Quan, thành phố Ninh Bình và biển Kim Sơn.

- Lồng ghép các nội dung xúc tiến du lịch vào các chương trình làm việc, chuyến công tác của lãnh đạo UBND tỉnh với các cơ quan tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, đối tác nước ngoài.

9. Giải pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu và mục nước biển dâng

9.1. Về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch

Đối với bất kỳ ngành kinh tế nào, sự phát triển bền vững cũng gắn liền với vấn đề tài nguyên và môi trường. Điều này càng quan trọng hơn đối với sự phát triển của ngành du lịch, nơi mà tài nguyên và môi trường được xem là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại của các hoạt động du lịch. Thực trạng môi trường du lịch hiện nay ở Ninh Bình bắt đầu đã bị ảnh hưởng và suy giảm do các hoạt động kinh tế và du lịch gây ra (khai thác, chế tác đá; khai thác cát; khai thác cạn kiệt nguồn thủy sản; san lấp trong xây dựng; khí thải, chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt, chất thải từ hoạt động du lịch…). Mặt khác môi trường văn hóa xã hội cũng bắt đầu bị tác động tiêu cực trên nhiều khía cạnh do các hoạt động du lịch gây ra như: làm thay đổi các hệ thống giá trị, tư cách cá nhân, quan hệ gia đình, lối sống tập thể, hành vi đạo đức, những lễ nghi truyền thống và các tổ chức cộng đồng; thương mại hóa các hoạt động văn hóa truyền thống, làm mất sự lễ nghi đối với các nghi thức tôn giáo, làm ảnh hưởng đến bầu không khí thiêng liêng truyền thống trong các lễ hội… Chính vì vậy, để giảm thiểu sự suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của du lịch ở Ninh Bình, cần thực hiện một số giải pháp sau:

+ Để tránh sự chồng chéo trong khai thác, sử dụng tài nguyên giữa các ngành kinh tế trên địa bàn tỉnh, dẫn đến tình trạng cạn kiệt tài nguyên và suy thoái môi trường, cần triệt để tuân thủ Quy hoạch về sử dụng đất trên quan điểm khai thác hợp lý và có hiệu quả những tiềm năng về tài nguyên, đồng thời phải đảm bảo sự phát triển bền vững của môi trường sinh thái. Mọi phương án khai thác tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đều phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở những luận cứ khoa học có tính đến mối quan hệ với các ngành kinh tế có liên quan và các tác động đến môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội của địa phương.

+ Các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng tài nguyên phải thực hiện nghiêm túc Luật bảo vệ Môi trường; Luật Di sản văn hóa; bảo vệ nghiêm ngặt môi trường du lịch ở những khu vực nhạy cảm như các khu danh thắng, các di tích lịch sử văn hóa, các khu bảo tồn đa dạng sinh học... Tuy nhiên, để thực hiện có hiệu quả các điều khoản của luật và căn cứ vào các đặc thù của từng địa điểm, cần thiết phải xây dựng hệ thống các quy định và chính sách cụ thể về thưởng - phạt. Mọi hành vi vi phạm các điều khoản đã được quy định đều phải được xử lý hành chính và có các hình phạt tương ứng từ phạt kinh tế đến truy tố trước pháp luật đối với những hành động phá hoại tài nguyên và môi trường.

+ Tuyên truyền, giáo dục đến cộng đồng, đến các doanh nghiệp và khách du lịch về bảo vệ tài nguyên, môi trường du lịch (cả môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa xã hội), qua đó nhằm nâng cao ý thức của người dân, của doanh nghiệp và khách du lịch trong việc bảo vệ tài nguyên và môi trường. Việc tuyên truyền có thể được thông qua các phương tiện thông tin đại chúng (đài, báo, truyền hình, pano...) giúp người dân có những hiểu biết về lợi ích của việc bảo vệ môi trường đối với đời sống của chính họ. Những hành động cụ thể này sẽ nâng cao ý thức của người dân về môi trường và góp phần quan trọng để bảo vệ môi trường bền vững.

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường tại các cơ sở lưu trú du lịch, tại các khu điểm du lịch…. Xây dựng bổ sung nhà vệ sinh công cộng đạt chuẩn tại các điểm du lịch.

+ Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động du lịch cần thực hiện nghiêm túc Thông tư liên tịch số 19/2013/TTLT-BVHTTDL-BTNMT ngày 30 tháng 12 năm 2013của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, tổ chức lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

9.2. Về ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng

Biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng có ảnh hưởng sâu sắc đến phát triển du lịch, đặc biệt là khu vực ven biển. Vì vậy để góp phần thực hiện quy hoạch, cần thiết phải có các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Cụ thể cần thực hiện tốt những giải pháp sau:

+ Nâng cao nhận thức về tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng: Cần nâng cao nhận thức toàn xã hội về tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đối với hoạt động phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch biển. Việc nâng cao nhận thức thể hiện bằng nhiều hình thức như tuyên truyền trên truyền hình; qua phim ảnh, pano; giáo dục trong các trường học; tổ chức hội nghị, hội thảo; tập huấn cộng đồng…

+ Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực du lịch

- Xây dựng kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng trong lĩnh vực du lịch (trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu); lồng ghép các phương án thích ứng với biến đổi khí hậu trong các quy hoạch và các dự án đầu tư du lịch (đặc biệt là các dự án ven biển).

- Tích cực tham gia các hoạt động trồng rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ, rừng ngập mặn ven biển Kim Sơn, trên Cồn Nổi nơi có hoạt động du lịch nhằm hạn chế tác động trực tiếp của các hiện tượng thời tiết cực đoan (bão, lốc, nước biển dâng do bão và gió mùa, xói lở đường bờ do mực nước biển dâng...).

- Trong những trường hợp đặc biệt, cần có phương án xây dựng đê, kè chắn sóng để bảo vệ những đối tượng tài nguyên du lịch, hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Những phương án này cần được tính toán thận trọng, có cơ sở khoa học với sự hỗ trợ của các chuyên gia từ các ngành khoa học có liên quan như địa lý, địa chất, hải dương học, xây dựng công trình...

- Việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch ở những khu vực được dự báo sẽ chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng theo kịch bản do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cần được tính toán kỹ lưỡng để hạn chế tới mức thấp nhất tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở vùng ven biển Kim Sơn và Cồn Nổi.

+ Tăng cường năng lực giảm nhẹ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng trong lĩnh vực du lịch

- Khuyến khích phát triển du lịch sinh thái và các loại hình du lịch thân thiện với môi trường phù hợp với thực tiễn ở Ninh Bình.

- Khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng góp phần tích cực vào nỗ lực giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng đến phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.

- Khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng (thủy triều); khuyến khích áp dụng mô hình “3R” trong các cơ sở dịch vụ du lịch. Đây được coi là các tiêu chí xếp hạng về “Thân thiện với môi trường”, về “Nhãn sinh thái” cho các cơ sở dịch vụ du lịch.

10. Giải pháp khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng tham gia hoạt động du lịch

Là một ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành và xã hội hóa cao, hoạt động phát triển du lịch ở Ninh Bình cần phải gắn liền với sự tham gia của cộng đồng dân cư - nơi có tài nguyên du lịch. Do vậy, vai trò của cộng đồng trong hoạt động du lịch là rất quan trọng, luôn đảm bảo cho sự tăng trưởng và phát triển bền vững của du lịch về mặt văn hóa xã hội, mặt khác tạo công ăn việc làm cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho cộng đồng và thực hiện chính sách phát triển Nông dân - Nông nghiệp - Nông thôn của Đảng và Nhà nước. Trong việc thực hiện giải pháp này, cần quan tâm đến một số vấn đề sau:

          - Chú trọng nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư và tạo điều kiện để cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch. Cần có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia đầu tư phát triển du lịch ở chính nơi họ sinh sống (đặc biệt là người dân ở làng nghề…). Chính sách này rất quan trọng, một mặt vừa thu hút được các nguồn vốn đầu tư trong dân; mặt khác tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo cho người dân, giúp họ trực tiếp tham gia vào việc bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường, cùng chia sẻ lợi ích và trách nhiệm trong việc khai thác tài nguyên phục vụ phát triển du lịch.

- Có cơ chế chính sách khuyến khích và hỗ trợ ban đầu tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia vào các hoạt động du lịch (cả trực tiếp và gián tiếp) nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực (vốn đầu tư, lao động và kinh nghiệm...) trong cộng đồng dân cư để đa dạng hóa các dịch vụ du lịch như dịch vụ homestay, dịch vụ chuyên chở khách, hướng dẫn du lịch, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cung cấp lương thực, thực phẩm...

- Chú trọng phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch sinh thái…, coi đó là phương thức tiếp cận quan trọng để phát triển du lịch Ninh Bình bởi một mặt sẽ tạo ra được những sản phẩm du lịch hấp dẫn như “home stay” trên cơ sở khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của người dân nông thôn vùng Bắc Bộ, mặt khác sẽ tạo điều kiện để người dân trực tiếp tham gia, điều hành du lịch, qua đó nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và góp phần bảo vệ các nguồn tài nguyên và môi trường du lịch, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.

- Có chính sách khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo tồn và phát triển các làng nghề thủ công truyền thống, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp…, một mặt tạo điểm tham quan cho khách du lịch, mặt khác đa dạng hóa các sản phẩm lưu niệm bán cho khách du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

 

KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. KẾT LUẬN

          Qua quá trình nghiên cứu và đánh giá các nguồn lực và thực trạng phát triển du lịch, cũng như xây dựng những định hướng phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, có thể rút ra một số kết luận cơ bản như sau:

1. Tỉnh Ninh Bình có vị trí địa lý, kinh tế, chính trị và an ninh quốc phòng quan trọng, là điểm kết nối giữa hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ (theo hướng Bắc - Nam), đồng thời là cửa ngõ nối các tỉnh vùng Tây Bắc với các tỉnh vùng duyên hải Đông Bắc để thông ra biển theo hành trình ngắn nhất qua quốc lộ 12B.  

2. Tỉnh Ninh Bình là đầu mối của các tuyến giao thông lớn, có vai trò kết nối và chi phối sự phát triển kinh tế - xã hội và du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước.

3. Tỉnh Ninh Bình có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng và phong phú, có khả năng tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc thù với chất lượng cao, đủ năng lực cạnh tranh với các tỉnh, thành phố trong cả nước. Tiêu biểu là các sản phẩm du lịch tham quan di tích, danh thắng Tràng An, Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động; du lịch văn hóa tâm linh gắn với Chùa Bái Đính, Nhà thờ Phát Diệm; du lịch sinh thái gắn với Cúc Phương, Vân Long, rừng ngập mặn Kim Sơn; du lịch nghỉ dưỡng; du lịch chơi golf (Tràng An, Hoàng Gia); du lịch vui chơi giải trí, mua sắm; du lịch MICE…

4. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch tương đối tốt và thuận lợi, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, cho phép Ninh Bình kết nối được với tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước và quốc tế một cách thuận lợi, dễ dàng.

5. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đặc biệt là hệ thống cơ sở lưu trú phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển hiện nay. Tuy nhiên, tính chất mùa vụ có ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh doanh. Các cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch khác còn kém phát triển, nhất là các cơ sở vui chơi giải trí và các cơ sở dịch vụ du lịch bổ trợ; điều này đã ảnh hưởng và hạn chế lớn đến thời gian lưu trú và khả năng chi tiêu của khách du lịch.

          6. Phát triển du lịch trong thời gian qua đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế - xã hội của tỉnh; tạo ra nhiều việc làm cho xã hội; thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển; góp phần hỗ trợ công tác bảo tồn tài nguyên và môi trường du lịch…

7. Mặc dù đã có những đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua, nhưng nhìn chung, du lịch Ninh Bình phát triển chưa tương xứng với vị trí và tiềm năng. Vị trí của du lịch Ninh Bình trong tổng thể du lịch vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước còn hạn chế; các sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng không cao; các dịch vụ du lịch bổ sung còn nghèo nàn…, sức hấp dẫn đối với khách du lịch còn hạn chế.

8. Việc phát triển du lịch trong thời gian tới để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển du lịch sẽ tạo nên một diện mạo mới, một vị thế mới trong cơ cấu kinh tế của địa phương, một điểm đến du lịch hấp dẫn trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.

9. Đầu tư phát triển du lịch cần đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù có chất lượng cao, mang thương hiệu đặc trưng của Ninh Bình gắn với Tràng An – Bái Đính. Đẩy mạnh phát triển du lịch tham quan danh thắng; du lịch văn hóa tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng (biển và hồ); du lịch sinh thái; du lịch vui chơi giải trí hiện đại, du lịch chữa bệnh chăm sóc sức khỏe, du lịch MICE...

II. KIẾN NGHỊ

1. Kiến nghị với Chính phủ

1. Đồng ý và chỉ đạo các Bộ liên quan: Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… cho phép Ninh Bình áp dụng một số cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù trong thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.

2. Chỉ đạo, bố trí vốn ngân sách Trung ương, vốn ODA, BT, BOT... để sớm thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm trên địa bàn Ninh Bình (dự án đường cao tốc Bắc Nam đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa; tuyến đường Bái Đính - Tam Chúc - Chùa Hương - Mỹ Đình Hà Nội; dự án xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý chất thải theo quy hoạch bảo tồn tại Quần thể danh thắng Tràng An...).

2. Kiến nghị với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng cục Du lịch

1. Hỗ trợ Ninh Bình các nguồn kinh phí trong Chương trình hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch để xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch ở các khu du lịch Vân Long, hồ Đồng Thái, Kênh Gà - Kỳ Phú...; kinh phí đầu tư bảo tồn các di tích văn hóa cấp quốc gia trên địa bàn…

2. Trong các chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch Việt Nam ở trong nước và quốc tế, lồng ghép các nội dung về du lịch (tiềm năng, cơ hội đầu tư, sản phẩm du lịch…) của Ninh Bình trong tổng thể du lịch cả nước, của vùng đồng bằng sông Hồng (nhấn mạnh đến Tràng An, Bái Đính, Vân Long, Cúc Phương...).

3. Quan tâm và hỗ trợ cho Ninh Bình nguồn kinh phí và các chỉ tiêu trong công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, trong nghiên cứu phát triển thị trường và sản phẩm du lịch, trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch… Dành những xuất học bổng, các chỉ tiêu đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài về du lịch cho Ninh Bình để nâng cao năng lực quản lý trong hoạt động du lịch ở địa phương.

4. Trong các chương trình khảo sát, tổ chức các đoàn famtrips cho các doanh nghiệp du lịch lớn trong cả nước tìm kiếm cơ hội đầu tư phát triển du lịch, đề nghị đưa Ninh Bình thành một điểm đến du lịch hấp dẫn trong tổng thể các điểm du lịch trọng điểm của quốc gia.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Trên cơ sở những nội dung quy hoạch đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, các địa phương có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm xây dựng kế hoạch để triển khai quy hoạch. Cụ thể như sau:

1. Sở Du lịch

- Tổ chức hội nghị công bố “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

- Là cơ quan đầu mối theo dõi, đôn đốc, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai quy hoạch du lịch có hiệu quả. Xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai quy hoạch, trong đó xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong quy hoạch. Định kỳ hàng năm, tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện quy hoạch, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan xây dựng các chương trình liên ngành tổ chức thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch.

          - Chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan điều chỉnh các quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư­ phát triển du lịch trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với nội dung Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc nghiên cứu, xây dựng hệ thống chính sách; quy chế quản lý các hoạt động du lịch; quy chế quản lý các khu du lịch trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với các điều kiện, đặc thù của địa phương để trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét ban hành. Đây là những công cụ quản lý có hiệu quả đối với các hoạt động phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh du lịch Ninh Bình, đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch, tham gia thẩm định các dự án đầu tư du lịch, tổ chức và tham gia các sự kiện trong nước và quốc tế về du lịch…

           - Xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác, trao đổi kinh nghiệm trong phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố phụ cận. Trước mắt xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác cụ thể với Hà Nội trong việc thu hút khách đến Ninh Bình; với Hải Phòng, Quảng Ninh trong việc xây dựng các chương trình du lịch liên vùng để khai thác giá trị sản phẩm du lịch biển để bổ sung cho sản phẩm du lịch Ninh Bình…

- Xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, khả năng giao tiếp cho nguồn nhân lực du lịch và cộng đồng dân cư tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Văn hóa và Thể thao

- Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp và Sở Du lịch trong việc xây dựng quy chế quản lý và khai thác các khu di tích văn hóa lịch sử, danh thắng phục vụ cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích và phát triển du lịch.

- Chủ trì và phối hợp với Sở Du lịch xây dựng quy chế quản lý và khai thác các khu di tích danh thắng, các di tích văn hóa lịch sử phục vụ phát triển du lịch.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Có trách nhiệm phối hợp với Sở Du lịch, các sở, ban, ngành có liên quan và chính quyền các cấp trong việc quản lý Nhà nước về đất đai, giao đất cho các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh; trong việc xây dựng quy chế về bảo vệ tài nguyên và môi trường trong các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan lập danh sách các công trình, dự án đầu tư cho lĩnh vực du lịch có sử dụng đến đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tổng hợp, trình duyệt đảm bảo triển khai các dự án được thuận lợi, đúng quy định.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch và các đơn vị liên quan tham mưu xây dựng danh mục các dự án ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ du lịch. Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước đối với các khu du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình trình cấp có thẩm quyề phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Du lịch tham mưu xây dựng các đề án, dự án nhằm thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, báo cáo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc thẩm định các dự án trong lĩnh vực du lịch, sử dụng nguồn vốn trong và ngoài ngân sách.

5. Sở Xây dựng

- Căn cứ chức năng và nhiệm vụ, phối hợp với Sở Du lịch; với chính quyền địa phương các cấp và các đơn vị liên quan tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định, xét duyệt các dự án, đề án về quy hoạch phát triển du lịch; trong hoạt động đầu tư xây dựng các dự án về du lịch trên địa bàn tỉnh…

- Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường trong các công trình du lịch và các công trình công cộng trong các khu, điểm du lịch.

6. Sở Giao thông vận tải

- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Du lịch, chính quyền địa phương các cấp xây dựng và triển khai đề án phân luồng, tuyến giao thông ưu tiên cho các phương tiện vận chuyển khách du lịch vào các khu, điểm du lịch trong mùa du lịch cao điểm, mùa lễ hội... trên địa bàn toàn tỉnh. Kiểm tra, xử lý các phương tiện vận tải không đủ tiêu chuẩn phục vụ, đảm bảo an toàn cho khách du lịch; xây dựng đề án lắp đặt hệ thống biển báo, biển hướng dẫn tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn toàn tỉnh.

- Đối với các tuyến giao thông đang được xây dựng, nâng cấp, mở rộng do Sở Giao thông vận tải là chủ đầu tư, cần tập trung hoàn thiện đúng tiến độ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.

7. Sở Tài chính

Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí phục vụ phát triển du lịch.

8. Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn

Sở Công thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có trách nhiệm trong việc phát triển các làng nghề truyền thống, các sản phẩm và hàng hóa, dịch vụ đặc trưng của tỉnh để phục vụ phát triển du lịch.

9. Các sở, ban, ngành liên quan

Các sở, ban, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Sở Du lịch tổ chức thực hiện các nội dung quy hoạch; xây dựng chính sách, giải pháp và biện pháp tổ chức thực hiện quy hoạch theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

10. UBND các huyện, thành phố

          Căn cứ vào không gian phát triển du lịch, UBND các huyện, thành phố nơi có nguồn tài nguyên du lịch đã được xác định trong quy hoạch, có các biện pháp bảo tồn, tôn tạo tài nguyên du lịch, cảnh quan, môi trường tự nhiên và xã hội; thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về du lịch có trách nhiệm, thực hiện nếp sống văn minh du lịch; có trách nhiệm phối kết hợp với các ngành chức năng trong việc triển khai thực hiện các nội dung dự án tại địa phương…

Tin cùng chuyên mục