Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình

Thứ Hai, 06/07/2020
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

Từ năm 2017 đến nay, CƠ SỞ BẢO TỒN GẤU Ninh Bình đã trở thành mái nhà cho gần 40 cá thể gấu là nạn nhân của nạn nuôi nhốt gấu lấy mật. Không chỉ là trung tâm chăm sóc và duy trì phúc lợi cho gấu, CƠ SỞ BẢO TỒN GẤU Ninh Bình còn tổ chức cho du khách nhiều hoạt động tham quan thực tế cuộc sống của gấu trong khu vực bán hoang dã, nơi du khách có thể tận mắt nhìn thấy gấu ăn uống, chơi đùa thâm chí là thả mình trong hồ bơi. 

Cơ sở bảo tồn Gấu Ninh Bình nằm trong phân khu cây xanh sinh thái của Dự án Công viên động vật hoang dã quốc gia tại tỉnh Ninh Bình, thuộc xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, trên trục đường Cúc Phương - Bái Đính, cách cổng Vườn Quốc gia Cúc Phương khoảng 8km. Khởi công xây dựng từ năm 2016 và chính thức khánh thành giai đoạn 1 vào tháng 3 năm 2019. 

 

Gấu trong hồ bơi khu bán hoang dã 1. Ảnh: Hoàng Lê @ FOUR PAWS

FOUR PAWS Việt là tổ chức phi lợi nhuận vì phúc lợi động vật được tài trợ bởi FOUR PAWS International - tổ chức quốc tế về phúc lợi động vật có trụ sở tại thủ đô Viên, Áo với 15 cơ sở bảo tồn và văn phòng trên toàn tế giới. Four Paws Việt hỗ trợ Chính phủ tăng cường công tác thực thi các quy định pháp luật trong việc ngăn chặn lạm dụng chích hút mật gấu bằng việc tiếp nhận và chăm sóc trọn đời những cá thể gấu từ các trại nuôi tư nhân được tự nguyện chuyển giao hoặc bị tịch thu từ các bụ buôn bán động vật hoang dã trái phép. Four Paws Việt đồng thời triển khai nhiều chương trình giáo dục nâng cao nhân thức về bảo tồn đa dạng sinh thái và phúc lợi động vật cùng các hoạt động tham quan CƠ SỞ BẢO TỒN GẤU Ninh Bình như một ví dụ của mô hình bảo tồn kết hợp du lịch bền vững.

CƠ SỞ BẢO TỒN GẤU Ninh Bình đón những cá thể gấu đầu tiên vào tháng 11/2017; hiện nay (tháng 09/2020) cơ sở đang chăm sóc 32 cá thể gấu. Với 4 khu bán hoang dã có tổng diện tích lên đến 22.000 m2 (và trong năm 2021 dự kiến mở rộng lên tới tổng số 13 khu bán hoang dã) được thiết kế phù hợp với đặc điểm loài, các cá thể gấu ở đây có thể dần dần phục hồi lại bản năng tự nhiên. Được tự do hoạt động ngoài trời và trong nhà 24 giờ/ngày, gấu có thể lựa chọn bơi lội trong hồ, leo trèo lên các bậc sàn cao, tắm nắng ngoài bãi cỏ, chơi đùa cùng nhau, tìm kiếm thức ăn, hay trốn vào những nơi khuất để thư giãn. Các nhân viên chăm sóc gấu đều là người dân địa phương tại huyện Nho Quan dưới sự hướng dẫn và quản lý bởi đội ngũ chuyên gia về phúc lợi động vật và thú y trong và ngoài nước.

Khu vực du khách bao gồm nhà quan sát cho khách tham quan từ 9h sáng đến 5h chiều tất cả các ngày trong tuần. Từ nhà quan sát, du khách có thể tận mắt nhìnt hấy gấu ở khu bán hoang dã 1.

 

Khách có thể tham quan miễn phí và ngắm nhìn gấu tại nhà quan sát. Ảnh: FOUR PAWS Việt

Chương trình tham quan có hướng dẫn được mở tất cả các ngày trong tuần theo 2 khung giờ chính: Buổi sáng từ 9.00-10.30 và buổi chiều từ 13.00-15.30. Thời gian tham quan từ 45-60 phút, hướng dẫn bằng tiếng Anh hoặc Tiếng Việt.

 

Hoạt động tham quan và giáo dục dành cho trẻ em. Ảnh: @FOUR PAWS Việt

Tham gia chương trình tham quan có hướng dẫn, du khách sẽ được tìm hiểu về tình trạng gấu tại các trại nuôi nhốt gấu lấy mật tại Việt Nam, thiết kế và hoạt động của Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình trong các công tác giải cứu và chăm sóc gấu, tham quan khu vực kĩ thuật và nhà bếp gấu và trực tiếp ngắm nhìn những cá thể gấu chơi đùa tự do trong khu bán hoang dã.

 

 

Gấu trong khu vực bán hoang dã 3. Ảnh FOUR PAWS Việt

Ngoài các chương trình tham quan có hướng dẫn, các hoạt động trải nghiệm kết hợp với giáo dục được thiết kế chuyên biệt cho từng nhóm du khách quan tâm tới vấn đề bảo tồn động vật hoang dã và phúc lợi động vật cũng là một thế mạnh của Cơ sở Bảo tồn Gấu Ninh Bình. Người tham gia có thể được thực hành làm đồ làm giàu và thức ăn cho gấu, chơi các trò chơi tập thể và hoạt động thủ công với đề tài đa dạng sinh học, bảo vệ động vật hoang dã và phúc lợi động vật.

 

LIÊN HỆ

CƠ SỞ BẢO TỒN GẤU NINH BÌNH
Xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình 
(+84)-2293 666 388 
facebook.com/BearSanctuaryNinhBinh