Mô hình bảo vệ, khai thác du lịch tại di sản thế giới Tràng An

Thứ Tư, 25/09/2024
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

UNESCO đánh giá việc doanh nghiệp và người dân được tham gia bảo vệ, khai thác du lịch tại di sản thế giới Tràng An (tỉnh Ninh Bình) là một mô hình mẫu mực, cần nhân rộng, tỉnh Ninh Bình đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc vận dụng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân cùng tham gia bảo vệ, khai thác thế mạnh của di sản thế giới này. Qua đó, người dân có thu nhập bền vững ngay giữa lòng di sản.

Quần thể danh thắng Tràng An tỉnh Ninh Bình đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới vào tháng 6 năm 2014, là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á. Từ bao đời nay cộng đồng dân cư trong khu Di sản vẫn quen với sinh kế truyền thống là trồng trọt, chăn nuôi và làm nghề thủ công. Tuy nhiên, trước tác động của phát triển du lịch từ năm 1992 tới nay, đặc biệt khi Tràng An được công nhận là di sản thế giới sinh kế của cư dân tại Quần thể danh thắng Tràng An đã có nhiều sự thay đổi, theo hướng tích cực là chủ đạo.

Quần thể danh thắng Tràng có diện tích 12.252 ha, trong đó khu di sản là 6.226 ha, vùng đệm 6.026 ha. Quần thể danh thắng Tràng An nằm trên địa bàn của 20 xã/phường thuộc các huyện Hoa lư, Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp, thành phố Ninh Bình. Hiện trong vùng lõi của khu di sản có hơn 20.000 dân sinh sống, tập trung chủ yếu ở các xã Trường Yên, Ninh Xuân và Ninh Hải, huyện Hoa Lư.

Tràng An là thành viên thứ 8 trong Mạng lưới các Di sản Thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận và là Di sản hỗn hợp duy nhất của Việt Nam cho đến thời điểm hiện tại theo các tiêu chí (v, vii, viii). Việc Quần thể danh thắng Tràng An được ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã tác động tích cực theo hướng tỷ lệ thuận tới sự gia tăng và phát triển du lịch của tỉnh. Lượng du khách tới Ninh Bình đã tăng mạnh trong những năm gần đây, năm 2023 và tính đến tháng 9 năm 2024, Ninh Bình đón hơn 13.85 triệu lượt khách du lịch (trong đó có trên 1.800.000 khách quốc tế). Sau hơn 10 năm được công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, nhiều tác động tích cực từ bảo tồn và quảng bá cho di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã được ghi nhận bởi cả khu vực “Công và Tư”. Những tác động tích cực đáng kể đã được kiểm chứng thông qua sự gia tăng việc làm tại địa phương, hoạt động du lịch đã tạo việc làm cho trên 4.000 lao động trực tiếp và 10.000 lao động gián tiếp tại các điểm tham quan Di sản, trong đó phần lớn là lao động tại địa phương tham gia phục vụ khách du lịch như chèo thuyền, hướng dẫn viên và dịch vụ; việc cải thiện rõ rệt chất lượng nguồn nước và cảnh quan môi trường, hệ sinh thái tại các điểm du lịch trong khu Di sản, việc đầu tư nguồn lực và những kết quả trong việc phát hiện, nghiên cứu khảo cổ học và tu bổ các di tích lịch sử văn hóa.

Nhờ có những chính sách phù hợp, cộng với việc thực hiện nghiêm Luật Di sản, kiên trì thực hiện Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước 1972); kết hợp xây dựng các chương trình, đề án phát triển du lịch bền vững, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, làm chủ thể của di sản nên nhiều năm qua, Tràng An luôn là điểm đến được nhiều người ưa thích, nhất là du khách nước ngoài. Từ đó, di sản này ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới. Lượng khách đến Quần thể chiếm từ 80-85% lượng khách chung của toàn tỉnh.

Có được thành công này phải kể đến việc tỉnh Ninh Bình tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân đầu tư hàng ngàn tỉ đồng xây dựng các khu, điểm du lịch thu hút khách như: khu du lịch sinh thái Tràng An, Tam Cốc, hang Múa, vườn chim Thung Nham, động Thiên Hà, Thung Nắng, quần thể chùa Bái Đính… và nhiều công trình lớn, tráng lệ mang đậm nét văn hóa Việt. Những công trình này đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm ổn định cho hàng ngàn người dân địa phương. Nhờ sự đầu tư này cộng với vẻ đẹp thiên nhiên sẵn có nên ngành du lịch Ninh Bình đã có bước tiến mạnh mẽ, nhất là từ khi Tràng An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa - thiên nhiên thế giới (di sản kép) vào năm 2014.

Cùng với đó, Ninh Bình còn hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân sống ở Tràng An được đầu tư cơ sở vật chất (nhưng phải phù hợp thiên nhiên và quy định của Luật Di sản), tạo sự liên kết, cùng nhau bảo vệ, khai thác lợi ích kinh tế từ di sản. Sự tăng trưởng du lịch với tốc độ nhanh trong vòng 5 năm qua tại Quần thể Danh thắng Tràng An đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ như công ty lữ hành, tổ chức tour du lịch, dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống, trong đó có cả nhiều mô hình lưu trú nhà dân (homestay). Điều này đã tác động không nhỏ tới sự biến đổi sinh kế, việc làm và cuộc sống của người dân địa phương, nhất là trong khu vực vùng lõi của di sản, nhiều hoạt động sinh kế mới xuất hiện thay thế các hoạt động sinh kế truyền thống. Trước đây cộng đồng dân cư trong Quần thể từ bao đời nay vẫn quen với sinh kế truyền thống là trồng trọt, chăn nuôi và làm nghề thủ công, đến nay rất nhiều người chuyển sang làm nghề dịch vụ du lịch như chèo đò, bán hàng, chụp ảnh, nhân viên nhà hàng, khách sạn, bảo vệ, lái xe…

Tại lễ kỷ niệm 50 năm Công ước 1972 mới đây, Tổng Giám đốc UNESCO Audrey Azoulay khẳng định di sản Tràng An đã kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững. Đây chính là lý do UNESCO chọn Tràng An cùng với 3 di sản khác trên thế giới để thí điểm dự án về du lịch bền vững, nhằm tăng cường lợi ích cho cộng đồng ở địa phương, nhất là cho phụ nữ.