Khai mạc Lễ hội truyền thống đền Thánh Nguyễn năm 2024

Thứ Tư, 17/04/2024

Tối 16/4 (tức 8/3 âm lịch), tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đền Thánh Nguyễn (xã Gia Tiến, Gia Thắng, huyện Gia Viễn), Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Viễn đã tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống đền Thánh Nguyễn năm 2024.

Dự khai mạc lễ hội có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện một số sở, ngành của tỉnh; các huyện, thành phố; Hiệp hội Du lịch tỉnh; Hội Đông y tỉnh; lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện; đông đảo người dân địa phương, du khách thập phương….

Thay mặt lãnh đạo huyện Gia Viễn, đồng chí Phạm Văn Tam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đã phát biểu khai mạc lễ hội.

Diễn văn nêu rõ: Thiền sư Nguyễn Minh Không, tên húy Nguyễn Chí Thành, là người làng Đàm Xá, tổng Đại Hữu, phủ Trường Yên (nay thuộc xã Gia Thắng và xã Gia Tiến, huyện Gia Viễn). Là một vị Thiền sư tài năng, có nhiều công lao đóng góp đối với đời sống chính trị, tư tưởng văn hóa Đại Việt thời Lý. Ông là một trong số ít các thiền sư được Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại các sự kiện liên quan. Việc Thiền sư được phong làm Quốc sư, chức vị cao nhất trong hệ thống Tăng quan nhà Lý thể hiện rõ tầm quan trọng của ông trong lịch sử Phật giáo thời Lý nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung.

Thiền sư Nguyễn Minh Không từ đời thực đã bước vào đời sống dân gian đậm màu truyền thuyết và huyền thoại với rất nhiều quyền năng, có phép thuật tài ba và được coi là ông tổ y dược và ông tổ nghề đúc đồng. Xung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không là một không gian văn hóa đậm chất lịch sử và huyền tích. Ông là một trong số rất ít những nhân vật lịch sử được dân gian phong Thánh (cùng với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn) và có vị trí đặc biệt trong lòng người dân cũng như văn hóa Việt Nam.

Sau khi Thiền sư mất, để tưởng nhớ công ơn, Vua Lý đã ban sắc thần dân thiên hạ, gia thần trong ấp, tất cả dân Đàm Xá hành lễ ở nơi Minh Không hóa, rước thần hiệu của ngài về lập thần miếu để thờ phụng … từ trên Sơn Tây đến Ái Châu đều thờ phụng ngài, lấy Đàm Xá làm nơi thờ chính. Đến nay có trên 570 nơi phụng thờ tại các địa phương trong cả nước. 

Đền thờ Thánh Nguyễn ở Đàm Xá từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng trên vùng đất Gia Viễn, được xưng tụng là một trong "Hoa Lư Tứ trấn". Tổng thể công trình nằm trên mảnh đất hơn 4000 m2 được xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc", "Tiền nhất hậu cung" với kiến trúc rất độc đáo và cổ kính thời Hậu Lê. Di tích lịch sử văn hóa đền Thánh Nguyễn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1989.

Để thể hiện lòng tôn kính đối với vị Lý triều Quốc sư-thành thông lệ tại đền Thánh Nguyễn nhân dân tổ chức lễ hội trong các ngày từ ngày mùng 8-10/3 âm lịch. Thời gian mở hội không gắn liền với ngày sinh, ngày hóa của Đức Thánh Nguyễn; không gắn với mùa vụ mà được tổ chức vào mùa xuân với quan niệm dân gian mùa xuân là mùa của vạn vật sinh sôi nảy nở, con người như được tiếp thêm sức mạnh, bừng bừng sức xuân trong cuộc sống mới.

Lễ hội truyền thống đền Thánh Nguyễn mang đậm tính lễ hội lịch sử, văn hóa gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về Thiền sư Nguyễn Minh Không; giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng, là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng. 

Những năm gần đây, với sự tôn kính của nhân dân với Đức Thánh Nguyễn, để gìn giữ di tích, gìn giữ nét văn hóa độc đáo, phát huy giá trị lịch sử truyền thống, lễ hội đền Thánh Nguyễn đã được tổ chức hàng năm và được nâng tầm về quy mô và nội dung, không gian tổ chức.

Vinh dự, tự hào là quê hương Đức Thánh Nguyễn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Viễn đã, đang nỗ lực xây dựng Gia Viễn ngày càng phát triển, đặc biệt là tiếp tục phát huy, khai thác các giá trị di sản văn hóa, nhất là di sản văn hóa liên quan tới Thiền sư Nguyễn Minh Không, góp phần phát triển văn hóa, kinh tế trên địa bàn huyện.

Sau phát biểu khai mạc lễ hội, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn đã khởi trống; đồng chí Bí thư Huyện ủy Gia Viễn Hoàng Mạnh Hùng đã khởi chiêng khai mạc lễ hội.

Tiếp theo là chương trình nghệ thuật mang đậm màu sắc sử thi với nội dung "Theo dấu chân Đức Thánh Nguyễn" do đoàn nghệ thuật quần chúng huyện Gia Viễn và con em quê hương biểu diễn.

*Trước lễ khai mạc, tại Khu di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đã diễn ra các nghi lễ truyền thống như: Lễ mở cửa đền, lễ mộc dục, tế cáo yết, lễ rước bách thần, dâng hương… nhằm thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của Quốc sư Nguyễn Minh Không trong tiến trình lịch sử dân tộc. 

Dự lễ dâng hương có đồng chí Bùi Mai Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Gia Viễn; đại diện các ban, ngành, đoàn thể của huyện; xã Gia Tiến, Gia Thắng và người dân địa phương.

Phần hội gồm các hoạt động văn hóa độc đáo, mang đậm dấu ấn gắn liền với những đóng góp to lớn của Thiền sư Nguyễn Minh Không trong sự nghiệp y học của dân tộc như: phiên chợ làng Điềm, biểu diễn nghệ thuật Yoga, trải nghiệm tour du lịch "Tìm về cội nguồn Đức Thánh Nguyễn", chung kết cuộc thi "Ươm mầm tài năng hướng dẫn viên du lịch" năm 2024, đua thuyền, các trò chơi dân gian... 

Thông qua việc tổ chức các hoạt động lễ hội góp phần khơi dậy truyền thống yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ và nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia bảo tồn, phát huy, khai thác giá trị di sản văn hóa.

Nguồn:baoninhbinh.org.vn