Tháng Giêng trảy hội Ninh Bình

Thứ Hai, 23/01/2023

Vùng đất Ninh Bình được coi là cái nôi của nhiều lễ hội dân gian đặc sắc. Hiện trên địa bàn tỉnh có 228 lễ hội lớn, nhỏ ở 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong số đó, có hai lễ hội được tổ chức với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư và Lễ hội làng Bình Hải, xã Yên Nhân, huyện Yên Mô) và nhiều lễ hội được tổ chức theo quy mô cấp tỉnh, cấp huyện, không chỉ thu hút sự tham gia của người dân mà còn hấp dẫn với khách du lịch trong nước và quốc tế.

Tháng Giêng trảy hội Ninh Bình

Rước Rồng tại Lễ hội chùa Bái Đính. Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Tháng Giêng về - mùa Xuân rõ nét hơn. Miền Bắc sang Xuân như khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu. Vào thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình diễn ra một số lễ hội cấp tỉnh và hội làng độc đáo, thú vị. Những lễ hội này như mở ra cánh cửa để mỗi người ngược dòng thời gian, trở về những ngày xưa cũ, với những câu chuyện, giai thoại lịch sử hay những truyền thuyết từ thuở lập đất Ninh Bình.

Đây cũng là thời điểm để mỗi người tham gia lễ hội được hòa mình vào đời sống văn hóa tinh thần phong phú của người dân bản địa, được trải nghiệm những phong tục, tập quán đặc sắc của làng quê Bắc Bộ ở thời điểm rực rỡ và tươi đẹp nhất. 

Lễ hội chùa Bái Đính Diễn ra tại chùa Bái Đính, xã Gia Sinh (huyện Gia Viễn), từ ngày mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Chùa Bái Đính bao gồm khu chùa cổ và khu chùa mới xây, tổng diện tích lên tới 539 ha. Với ưu thế của một quần thể chùa rộng, Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội lớn, thu hút đông du khách tham gia. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ công lao của các vị Anh hùng đã có công với quê hương, đất nước. 

Đây cũng là dịp để du khách thập phương du xuân, vãn cảnh chùa, dâng hương lễ Phật, cầu cho quốc thái dân an, gia đình an khang, thịnh vượng. Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. 

Các đại biểu và tăng ni, phật tử cùng du khách tham gia nghi lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, đất nước phồn vinh, no ấm. Phần hội gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô... Lễ hội Báo Bản Nộn Khê Lễ hội diễn ra tại Đình làng Nộn Khê, xã Yên Từ (huyện Yên Mô). 

Thời gian diễn ra Lễ hội vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch. Sở dĩ có cái tên Báo Bản vì Lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn của những vị tiền nhân dựng làng, giữ nước từ hơn 500 năm trước. "Báo" ở đây là báo công, "bản" là gốc gác và nguồn cội. 

Lễ hội được tổ chức mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn, báo đáp công ơn những bậc tiền nhân đã khai phá, lập làng. Đây cũng là dịp con cháu của làng dù ở đâu xa cũng cố gắng trở về thăm quê, dự hội làng. Lễ hội gồm phần lễ dâng hương suy tôn công đức của các bậc tiền bối đã lập ra làng xã và kính báo lên Thành Hoàng, tổ tiên về sự thành đạt, hiếu học của con em các họ trong làng, thành tích của làng đã làm được trong năm qua. 

Sau phần lễ là phần hội với các trò chơi như: đấu vật, đánh cờ, múa lân và các hoạt động thể dục thể thao phong phú, sôi động. Điểm đặc biệt nhất, được nhiều du khách yêu thích tại Lễ hội là những món ăn dân dã, đậm chất quê hương, mang đậm phong vị nông thôn Bắc Bộ, như các loại bánh gai, bánh đúc, bánh rán, bánh đa; các loại bún ốc, bún cá, riêu cua... 

Lễ hội đền La Diễn ra tại thôn La Phù, xã Yên Thành (huyện Yên Mô), trong thời gian từ ngày 13-15 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội có từ lâu đời, được tổ chức nhằm tưởng nhớ đến hai vị vua thời hậu Trần là Giản Định Đế và Trùng Quang Đế. 

Phần lễ gồm có lễ rước đi vòng quanh đền La, sau đó là lễ dâng hương và đọc văn tế trong không khí trang nghiêm, thành kính. Phần hội vui nhất và được mong chờ nhất bởi có những trò vui dân gian như đánh đu, đánh cờ, múa hát, kéo chữ..., được trai gái trong làng thi nhau trổ tài. 

Có một điểm đặc biệt là tại Lễ hội đền La là tục lệ dâng "xôi Vựng". Xôi Vựng là thứ quà dâng lên thánh thần nên phải chọn được loại gạo nếp thơm ngon nhất, được vo và đồ bằng nước giếng của thôn Thượng Phường (người dân gọi là giếng Me). 

Người dân nơi đây cho rằng, giếng Me trong suốt và tinh khiết, nấu xôi rất dẻo và thơm để tế thánh, thể hiện tấm lòng thành kính của người dân trong làng. Lễ hội làng Yên Vệ Diễn ra tại làng Yên Vệ, xã Khánh Phú (huyện Yên Khánh), vào ngày mùng 4 tháng Giêng Âm lịch hàng năm, để tưởng nhớ đến Giác Hải thiền sư vào ngày giỗ của ông. 

Khoảng sân trước cửa Đền Thượng là nơi diễn ra các hoạt động tế lễ. Phần hội nổi bật là màn đấu vật, thể hiện tinh thần trượng võ oai hùng của các chàng trai trong làng, trong xã. Ngoài phần lễ và phần hội, khung cảnh tại làng Yên Vệ với chùa Phúc Long và Đền Thượng cũng sẽ gây ấn tượng với du khách nhờ quy mô của quần thể kiến trúc này. 

Hơn nữa, phong cảnh một làng quê Bắc Bộ yên bình chắc chắn sẽ đem lại cảm giác mới lạ cho những lữ khách phương xa khi về dự hội này.

Cùng với các lễ hội diễn ra trong tháng Giêng, những tháng mùa Xuân (tháng 2, tháng 3, tháng 4 âm lịch), hàng chục lễ hội nổi tiếng của Ninh Bình cũng được tổ chức, trở thành truyền thống và níu giữu bước chân nhiều người con quê hương cũng như du khách đã từng một lần về dự hội. Trong đó phải kể đến các lễ hội như: Lễ hội Hoa Lư (8-10/3 âm lịch); Lễ hội chùa Địch Lộng (6-7/3 âm lịch); Lễ hội Đức Thánh Nguyễn, xã Gia Thắng (huyện Gia Viễn) diễn ra cùng thời điểm với Lễ hội Hoa Lư (8-10/3 âm lịch); Lễ hội đền Thái Vi, Thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư (14/3 âm lịch); Lễ hội Đức Thánh Quý Minh Đại Vương (trong khu du lịch sinh thái Tràng An), diễn ra vào ngày 18/3 âm lịch và nhiều lễ hội lớn, nhỏ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh...

Nguồn: baoninhbinh.org.vn