Rực rỡ sắc màu văn hóa các dân tộc huyện Nho Quan

Thứ Hai, 02/05/2022

Những ngày này giữa cánh rừng nguyên sinh ngàn năm tuổi - Vườn Quốc gia Cúc Phương đang vang tiếng cồng chiêng, tiếng hát đúm, giao duyên... của những người con xứ Mường. Bản, làng của các xã vùng cao huyện Nho Quan rộn rã tiếng nói cười, í ới rủ nhau đi hội, trên gương mặt mỗi người là niềm hân hoan, tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc mình được nối tiếp, tôn vinh.

Rực rỡ sắc màu văn hóa các dân tộc huyện Nho Quan

Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Quảng Lạc biểu diễn tại lễ hội.

Bỏ lại phía sau những ồn ào, lo toan của cuộc sống thường ngày, những người con của xứ Mường trong Câu lạc bộ Cồng chiêng xã Quảng Lạc về lễ hội với nhiều cung bậc cảm xúc. Trong không gian rộng lớn của đại ngàn Cúc Phương tiếng cồng chiêng vang lên trầm hùng, linh thiêng. Từ xa xưa, cồng chiêng được coi là tinh hoa trong văn hóa của tộc người Mường. Từ khi sinh ra, tới khi về với đất mẹ, người Mường coi cồng chiêng là báu vật của mình và gìn giữ qua các thế hệ và cũng là thứ không thể thiếu trong tất cả các hoạt động diễn ra trong đời sống. Bao đời nay, người Mường đã thổi hồn cho cồng chiêng và sáng tác những giai điệu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình. 

Theo các cụ cao niên kể lại: Cồng chiêng chỉ được biểu diễn trong những ngày lễ, hội và những dịp trọng đại của bản, làng. Một bộ cồng chiêng Mường có 12 chiếc, chia làm 3 loại, gồm chiêng Dàm, chiêng Bồng, và chiêng Tlé. Ngoài ý nghĩa âm nhạc, bộ cồng chiêng còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm. 

Cùng tham gia vào lễ biểu diễn cồng chiêng, ông Bùi Hồng Y, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hồ hởi nói: "Là những người cao niên thấy văn hóa dân tộc Mường được Nhà nước quan tâm bảo tồn, lớp lớp con cháu lưu giữ, chúng tôi vui lắm. Tôi cố gắng truyền lại cho thế hệ sau những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp và mong rằng Nhà nước quan tâm bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng của người Mường trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia trong tương lai gần". 

Không gian xinh đẹp của Hồ Mạc giữa đại ngàn Cúc Phương hôm nay được khoác lên mình tấm áo mới với đa dạng sắc màu, những người con gái mường xúng xính trong trang phục cổ truyền, những người con trai áo nâu sòng, dắt dao quắm ngang hông... họ hồ hởi tham gia vào hội trại; biểu diễn cồng chiêng, múa sạp và giao lưu nghệ thuật quần chúng; các trò chơi dân gian như: Đẩy gậy, ném còn, đi cà kheo, đánh mảng, bắn nỏ. Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan nhiều năm nay đã trở thành một lễ hội nhằm tôn vinh và bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc huyện Nho Quan. 

Rực rỡ sắc màu văn hóa các dân tộc huyện Nho Quan

Các trò chơi dân gian tại lễ hội luôn hấp dẫn du khách.

Chị Bùi Thị Thu, người dân xã Cúc Phương trong trang phục của người Mường say sưa cùng chị em trong xã hát giao duyên mỗi khi có du khách đến thăm trại. "Chúng tôi đã đem những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới ngôi nhà Mường thân yêu, đó là những sản vật của người Mường như cồng chiêng, các loại thổ cẩm, những trò chơi dân gian và đặc biệt là ẩm thực của dân tộc chúng tôi được du khách rất thích. Lễ hội đã kéo chúng tôi lại gần nhau hơn, các thế hệ con cháu hiểu được bản sắc của dân tộc mình và cũng tăng thêm tình đoàn kết các dân tộc gắn bó, để xây dựng quê hương của mình ngày một tiên tiến đậm đà bản sắc"- Chị Thu cho biết.

Điểm nhấn xuyên suốt của những ngày diễn ra lễ hội là tái hiện lại không gian văn hóa như nhà sàn, món ăn dân tộc, sản vật địa phương và nghi lễ văn hóa dân gian... Du khách Trần Bích Ngọc, thành phố Ninh Bình chia sẻ: "Chúng tôi đến xem và biết được những giá trị đặc sắc nhất mà người Mường ở Nho Quan đã giới thiệu tại ngày hội. Qua đó cũng mong muốn các dân tộc giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình để giới thiệu đến tất cả bạn bè trong nước và quốc tế".

Đồng chí Hoàng Khắc Tiệp, Chủ tịch UBND huyện Nho Quan nhấn mạnh: Nho Quan là huyện miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm trên 17% dân số toàn huyện, trong đó người Mường ở Nho Quan chiếm trên 15% dân số, hòa nhịp sống cùng các dân tộc thiểu số khác như: Tày, Thái, Nùng, Dao, Mông, Ê đê, M'Nông, Cao Lan… tạo nên một bức tranh phong phú, đa dạng về văn hóa, phong tục, tập quán. 

Để những nét đẹp văn hóa của các dân tộc không bị mai một theo thời gian, bên cạnh việc phát triển kinh tế, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân huyện Nho Quan luôn quan tâm làm tốt công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tuần lễ Cúc Phương đại ngàn và Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc huyện Nho Quan là dịp để các diễn viên, vận động viên và nhân dân các dân tộc trong huyện được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng sự phát triển bền vững của đất nước; đồng thời là dịp giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trong huyện tới bạn bè, du khách trong nước và quốc tế…

Nguồn: baoninhbinh.org.vn