Hội thảo trực tuyến "Định hướng và giải pháp phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025"

Thứ Năm, 15/07/2021

Dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình, có đại diện lãnh đạo Sở NN & PTNN; Sở Du lịch, Sở Văn hóa & Thể thao, Văn phòng điều phối NTM tỉnh.

Những năm qua, du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa, sinh thái nông nghiệp, nông thôn đã phát triển tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam, từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách.

 

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Các sản phẩm du lịch nông thôn hiện đang khai thác tập trung vào giá trị cảnh quan sinh thái nông thôn, hoạt động sản xuất nông nghiệp, giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, sản phẩm nghỉ dưỡng nông thôn chất lượng cao,…

Hiện cả nước có 73 tuyến du lịch có dẫn khách đến các điểm du lịch nông thôn, có 365 điểm du lịch nông thôn. Vai trò của du lịch nông thôn thể hiện rõ trên ba khía cạnh: góp phần đưa giá trị của nông nghiệp và nông thôn lên cao, phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP và phát huy giá trị văn hóa của các vùng miền.

Phát biểu tại hội thảo các đại biểu đều khẳng định: việc phát triển du lịch nông thôn vẫn tồn tại một số hạn chế như công tác quy hoạch cho du lịch cộng đồng, làng nghề, trang trại sinh thái gần như chưa có; du lịch nông thôn chủ yếu quy mô nhỏ, do các doanh nghiệp, hộ gia đình, tổ hợp tác cung cấp; chưa có chính sách tổng thể cho phát triển du lịch nông thôn ở cấp quốc gia. Các chính sách phát triển du lịch nông thôn hiện nay chủ yếu lồng ghép vào các chương trình phát triển và các chính sách đặc thù của từng địa phương…

Để du lịch nông thôn trở thành một trong những giải pháp căn cơ, tạo động lực thúc đẩy xây dựng NTM bền vững, đồng thời xây dựng NTM là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch, các đại biểu đề xuất các bộ, ngành cần sớm tham mưu, xây dựng báo cáo Đề án  nêu bật Giải pháp phát triển du lịch nông thôn phù hợp, gắn với định hướng xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Đối với Ninh Bình, loại hình du lịch nông thôn đã xuất hiện khá sớm. Ngay từ năm 2005 một số hộ dân xã Gia Vân (Gia Viễn) đã kết hợp với Doanh nghiệp tư nhân xây dựng mô hình du lịch dựa vào cộng đồng địa phương quanh Khu sinh thái đất ngập nước Vân Long.

Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh đã có 160 hộ kinh doanh homestay tại huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, Yên Mô và  2 thành phố Ninh Bình và Tam Điệp. Các mô hình kinh doanh homestay bước đầu đã tạo được ấn tượng và sự trải nghiệm của khách du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh Ninh Bình còn có 990 trang trại, gia trại, trong đó có 88 trang trại tổng hợp với diện tích đất bình quân 4,5 ha/trang trại. Với số lượng lớn các gia trại, trang trại cùng với tiềm năng phát triển du lịch sẵn có, các vùng nguyên liệu dứa của Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, vùng trồng hoa Ninh Phúc… Ninh Bình hiện có 7 sản phẩm OCOP được công nhận xếp hạng từ 3 đến 4 sao.

Thực tế phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn tỉnh Ninh Bình thời gian qua cho thấy còn nhiều khó khăn, hạn chế, như: nhiều xã, vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh có tiềm năng và ưu thế về du lịch nông thôn nhưng mức độ thu hút khách hiện vẫn còn thấp. Tuy đã có nhiều địa phương, nhiều công ty du lịch xây dựng một số chương trình, tuyến du lịch nông thôn, nhưng quy mô và hình thức còn đơn điệu, sản phẩm và đối tượng thị trường còn mờ nhạt. Mặt khác, việc đào tạo nghiệp vụ cho cấp quản lý từ tỉnh đến địa phương, cộng đồng dân cư chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch hiện hữu.

Để du lịch nông nghiệp phát triển bền vững, thời gian tới tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào một số vấn đề: Quy hoạch đầu tư phát triển sản phẩm du lịch nông thôn tại các địa phương, tránh việc tổ chức dàn trải, chồng chéo, phải có sản phẩm đặc thù, đặc hữu, tránh sản phẩm mang sự trùng lặp ở các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh lân cận.

 Nguồn:baoninhbinh.org.vn