Đền thờ vua Lê Đại Hành - xã Trường Yên, huyện Hoa Lư

Thứ Ba, 27/12/2016

Vua Lê Đại Hành là bậc anh hùng dân tộc, danh tướng lẫy lừng, là cánh tay đắc lực của vua Đinh Tiên Hoàng trong công cuộc dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Khi ở ngôi vua, ông đã có công giữ vững độc lập, chủ quyền đất nước, mở đầu công cuộc nam tiến, mở mang bờ cõi, củng cố nội trị, ngoại giao, đưa vị thế Đại Cồ Việt phát triển lên một bước mới.

Phan Huy Chú, một sứ giả lỗi lạc thời Nguyễn, trong tác phẩm “Lịch triều hiến chương loại chí” đã đánh giá Lê Hoàn như sau: "Vua phá Tống, bình Chiêm khiến cho cả Hoa Hạ và Man Di đều sợ hãi. Trung Quốc đã mấy lần sắc phong khen ngợi vua. Khiến cho tiếng tăm của vua trở nên lừng lẫy. Nói về việc trị nước thì nhà vua luôn chăm lo đến những điều cần của dân, dốc lòng lo cho chính sự, trọng nông nghiệp, cẩn trọng với biên cương, quy định pháp chế, tuyển dân làm lính, lại còn đổi chia các trấn...”.
Đền thờ vua Lê có kiến trúc theo kiểu "nội công ngoại quốc", lối vào hình chữ "Vương" như đền vua Đinh, nhưng có khác về chi tiết. Ngoài cùng là sập đá, rồi đến nghi môn ngoại; bên trong theo đường chính, phía bên trái là Từ Vũ thờ Khổng Tử. Qua hai cột trụ là sân Rồng, giữa sân rồng có một Long Sàng bằng đá, tượng trưng cho nơi vua ngự triều. Xung quanh có các cột cắm cờ, bát bửu, tự khí trong các ngày hội, tượng trưng cho thứ bậc của các quan văn võ, biểu trựng nghi lễ thiết triều.
 


tượng vua Lê Đại Hành, ảnh: Xuân Lâm

Đền có ba tòa: Bái đường, thiêu hương, chính cung. Ở bái đường có đôi "Xà ngà voi" giống như đôi "Xà cổ ngỗng" ở bên đền vua Đinh; chính đường có bức hoành phi "Trường Xuân linh tích" (Dấu tích thiêng liêng của điện Trường Xuân), bức hoàng phi bên trái đề chữ "Xuất thánh minh" (Xuất hiện bậc thánh minh), bên phải có bức hoành phi "Dương thần vũ" (Dấy lên uy vũ như thần). Tòa thiêu hương thờ các quan và công thần nhà Lê. Chính cung thờ vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga và Ngọa triều hoàng đế Lê Long Đĩnh. Tượng vua Lê Đại Hành, đầu đội mũ bình thiên, có chữ "vương", mặc áo long cổn, dáng mạo tướng võ uy nghiêm. Tượng thái hậu Dương Vân Nga mặt ngọc sáng ngời, mang dáng dấp Phật bà quan âm. Các pho tượng trên tạc cùng thời với tượng vua Đinh Tiên Hoàng vào thời Hậu Lê, đều bằng gỗ, sơn son thếp bạc.

Về điêu khắc, đền vua Lê còn giữ được nhiều mảng điêu khắc thời Hậu Lê như: Long hổ hội ngộ, ao sen, cá hóa rồng, trúc hóa long, tiên cưỡi rồng, tiên đứng bên rồng… Cũng là đề tài "Cá hóa long", nhưng ở đây các chép đã được địa phương hóa thành cá rô. Đầu cá đã hóa đầu rồng, thân là thân cá, vảy lấp lánh, đuôi vắt lên. Có lẽ người nghệ sỹ dân gian đã chạm thân cá rõ hình cá rô để nhấn mạnh "đặc sản" địa phương ở đây. Xưa kia vùng đất Trường Yên là đồng chiêm trũng, lại là vùng núi đá vôi có nhiều hang động, nên có rất nhiều cá, nhất là cá rô rất to và béo.