Chùa và động Địch Lộng   

Thứ Tư, 03/05/2017

Chùa và động Địch Lộng thuộc xã Gia Thanh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Địch Lộng có nghĩa là tiếng sáo thổi. Chùa còn có tên là chùa Hang hay Nham Sơn động hoặc Đô Am tự có nghĩa là chùa Đô Am ở động Nham Sơn.


Chùa và động Địch Lộng, ảnh: Xuân Lâm

Chùa và động Địch Lộng  nằm gần Quốc lộ 1A. Di tích được vua Minh Mạng ban tặng là “Nam thiên đệ tam động”. Tương truyền vào khoảng năm 1739, một tiều phu lên núi đốn củi đã phát hiện hang động này và thấy có nhũ đá giống tượng Phật nên lập ban thờ ở đó. Đến năm 1740 thì hình thành chùa.

Động và chùa Địch Lộng là quần thể di tích danh thắng gồm có hình đá (có 16 cột đá nguyên khối), đền thờ Lý Quốc Sư, hồ bán nguyệt, 5 tháp, ba gian chùa Hạ…Hiện  nay, tại di tích còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý.

Động và chùa Địch Lộng đẹp và tiện đường giao thông nên thường được du khách viếng thăm. Tương truyền một lần trên đường trở về kinh đô Huế, vua Minh Mạng ghé thăm nơi đây, lúc thuyền sắp qua Kẽm Trống, nhà vua được viên quan thân cận đọc cho nghe bài thơ Kẽm Trống của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Cho là quá dung tục, ngài bắt dân địa phương đào một con sông khác để thuyền không phải “chui” quan Kẽm Trống.

Hiện nay, chùa là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân trong xã và du khách thập phương, là nơi diễn ra những lễ tiết mang đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Với những giá trị đó, chùa và động Địch Lộng đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia năm 1990.