Thành phố Ninh Bình phấn đấu là đơn vị dẫn đầu về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số

Thứ Tư, 06/10/2021

Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, thành phố Ninh Bình quyết tâm vào cuộc với các giải pháp đồng bộ, mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01 và là đơn vị dẫn đầu về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Thành phố Ninh Bình phấn đấu là đơn vị dẫn đầu về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số

Trung tâm Một cửa liên thông thành phố Ninh Bình nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Ảnh: Trường Giang

Nền tảng thuận lợi

Qua thực tế tại Trung tâm Một cửa liên thông thành phố Ninh Bình cho thấy, Trung tâm đã và đang thực hiện nghiêm túc, công khai, niêm yết các thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân đến giao dịch. 100% thủ tục hành chính (TTHC) gắn trên bảng niêm yết được chia thành tập theo từng lĩnh vực tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức dễ tìm hiểu; công khai niêm yết đầy đủ các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết tại website dịch vụ công trực tuyến tỉnh Ninh Bình; trên Cổng thông tin điện tử thành phố và công bố thường xuyên trên Fanpage Trung tâm Một cửa liên thông thành phố. 

Người dân có thể tra cứu TTHC bằng nhiều phương thức như tra cứu trực tiếp tại bộ phận "một cửa" cơ quan, đơn vị hành chính cấp huyện hoặc tra cứu trên máy tính, laptop, điện thoại thông minh có kết nối Internet. Thay vì đến trụ sở trực tiếp tra cứu, tổ chức, cá nhân còn có thể ở bất cứ nơi đâu tra cứu qua máy tính, laptop, điện thoại di động có kết nối Internet tìm hiểu quy định TTHC. 

Qua trao đổi, Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND thành phố, Trưởng bộ phận Một cửa liên thông thành phố Hoàng Ngọc Khuyến cho biết: Việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử đã thành nền nếp và đang tiếp tục được nâng cấp. Hiện Trung tâm Một cửa liên thông thành phố sử dụng Hệ thống thông tin một cửa điện tử tập trung của tỉnh để giải quyết thủ tục hành chính, cập nhật trạng thái hồ sơ thủ tục và liên thông dữ liệu đảm bảo 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được theo dõi tình hình thực hiện thông qua Hệ thống thông tin một cửa điện tử. 

Bên cạnh đó, Trung tâm tiến hành song song quy trình chuyển đổi hồ sơ giải quyết TTHC bằng giấy thành hồ sơ điện tử qua hình thức nộp hồ sơ online và scan thành phần hồ sơ tại Bộ phận Một cửa; chuẩn hóa, sơ đồ hóa hệ thống quy trình nội bộ giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính liên thông, cải tiến để áp dụng thống nhất trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử. Đồng thời, triển khai sử sụng chữ ký số cá nhân trong công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC. 

Đến nay, tổng số TTHC qua dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND thành phố gồm có 268 thủ tục, trong đó: Dịch vụ công mức độ 2 có 63 thủ tục; dịch vụ công mức độ 3 có 122 thủ tục và dịch vụ công mức độ 4 có 83 thủ tục. Các thủ tục chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực như: Đăng ký kinh doanh; Tư pháp; Xây dựng và một số TTHC của lĩnh vực Văn hóa, lĩnh vực Thông tin và truyền thông, lĩnh vực Y tế. 

Nói về nền tảng đã có của thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ninh Bình Đinh Thị Mỹ Hạnh cho biết: ''Thành phố đã và đang thử nghiệm vận hành nhiều phần mềm ứng dụng khác vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực thi công vụ như: Phần mềm VNPT-iOffice; phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại, đơn thư tố cáo, quản lý ý kiến, kiến nghị cử tri; hoặc phần mềm chấm điểm các phường, xã. 100% TTHC thực hiện theo quy trình ISO. 

Đáng nói là, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT đã tạo ra môi trường liên thông công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố với các phường, xã, các tổ chức đoàn thể chuyên nghiệp hơn, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Để hiện thực hóa mục tiêu "dẫn đầu"

Theo Bí thư Thành ủy Ninh Bình Lê Hữu Quý, lãnh đạo thành phố ý thức rất rõ tầm quan trọng của việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đối với sự phát triển của thành phố và của tỉnh. 

Do đó, ngay sau khi Nghị quyết 01-NQ/TU ngày 20/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xác định quyết tâm huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện Nghị quyết với các giải pháp đồng bộ, mục tiêu rõ ràng, lộ trình cụ thể, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết 01 và là đơn vị dẫn đầu về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. 

Thành ủy đã xây dựng và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 01, tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 01.

Với quyết tâm chính trị và thực tế nền tảng thuận lợi, thành phố Ninh Bình phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành các nền tảng phát triển chính quyền điện tử; cơ bản hình thành chính quyền số; tập trung vào các nhóm nhiệm vụ chủ yếu như: Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, an toàn an ninh thông tin và các ứng dụng, dịch vụ; trong đó, xác định phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy phát triển chính quyền số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả... 

Đến năm 2030 thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn thành phố; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số ở các lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố nhanh và bền vững, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích, phục vụ tốt nhu cầu của người dân trên địa bàn thành phố.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, công tác chỉ đạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức được đặt lên hàng đầu; xác định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện theo giai đoạn và hàng năm, xác định rõ mục tiêu ưu tiên để tập trung chỉ đạo, huy động, tập trung các nguồn lực để triển khai thực hiện. 

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác tuyên truyền, vận động cho đoàn viên, hội viên và nhân dân trên địa bàn thành phố tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số.

Bên cạnh đó là hoàn thiện và phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của thành phố đảm bảo đáp ứng nhiệm vụ xây dựng chính phủ điện tử, chuyển đổi số; tích hợp và chia sẻ thông tin qua mạng rộng khắp các cơ quan, đơn vị. 

Từng bước xây dựng, phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số của thành phố trên 3 lĩnh vực trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó ưu tiên phát triển và hoàn thiện nền tảng chính quyền số, bao gồm phát triển nền tảng chính quyền điện tử, phát triển hạ tầng số, phát triển nền tảng số và phát triển dữ liệu số. 

Cùng với đó là phát triển chính quyền số, từng bước hình thành đô thị thông minh...

"Hiện thành phố đang chỉ đạo triển khai xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số tại xã Ninh Tiến; sẽ tiếp tục thí điểm ở một số phòng, ban, đơn vị thuộc Thành ủy và UBND thành phố như: Văn phòng Thành ủy, Văn phòng HĐND, UBND, các phòng: Nội vụ, Văn hóa và Thông tin, Giáo dục và Đào tạo; đồng thời thực hiện thí điểm chuyển đổi số trong quản lý và hoạt động tại một số trường học và cơ sở y tế trên địa bàn thành phố, lấy kết quả, kinh nghiệm nhân rộng triển khai".- Đồng chí Đinh Thị Mỹ Hạnh cho biết.

Nguồn: baoninhbinh.org.vn