Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021

Thứ Sáu, 15/01/2021

Sáng 12/1, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 đến 63 điểm cầu trong cả nước.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Ninh Bình.

Dự tại điểm cầu Hà Nội có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các đồng chí lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông và một số bộ, ban, ngành Trung ương...

Tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh dự và phát biểu tham luận tại hội nghị trực tuyến. Cùng dự có đồng chí Tống Quang Thìn, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo một số đơn vị, địa phương và doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh...

Tham gia phát biểu tại điểm cầu Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, UVT.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đánh giá khái quát kết quả bước đầu triển khai công tác chuyển đổi số ở xã Yên Hòa (huyện Yên Mô), khẳng định sự cần thiết phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thời kỳ hiện nay. 

Đồng thời nhấn mạnh, chuyển đổi số là việc mới, việc khó, nên cần làm thí điểm cụ thể, trong một diện hẹp, trực tiếp, nhưng phải toàn diện, hướng đến người dân. Với xã Yên Hòa, là xã nông thôn mới, có hơn 2.300 hộ dân với trên 7.500 nhân khẩu. Tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh chiếm khoảng 70%, cơ bản đáp ứng yêu cầu cho việc thí điểm và sau này nhân rộng.

Tại đây, đa số người dân đã cài đặt ứng dụng Bluzone trên điện thoại để phòng, chống dịch COVID-19; ứng dụng phần mềm khám chữa bệnh từ xa; triển khai sổ liên lạc điện tử; phần mềm quản lý thư viện, tuyển sinh đầu cấp và hệ thống thanh toán không tiền mặt... 

Hỗ trợ người dân tiếp cận thương mại điện tử thông qua việc đưa một số sản phẩm như cá chạch sụn kho, chuối tây sấy dẻo… lên trên sàn để giao dịch. Mặt khác, thông qua ứng dụng "Công dân số", người dân được phổ biến giáo dục pháp luật, tra cứu thủ tục hành chính, nộp hồ sơ, phản ánh những kiến nghị, góp ý, tố giác tội phạm… 100% cán bộ, công chức xã được cấp chứng thư số và ký văn bản điện tử theo quy định. Đã triển khai phần mềm truyền thanh thông minh, sử dụng trí tuệ nhân tạo AI…

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho biết, từ kết quả đạt được trong chuyển đổi số tại xã Yên Hòa, đến nay, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Ninh Bình đã xác định xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số là 1 trong 3 khâu đột phá của nhiệm kỳ mới. 

Theo đó, Ninh Bình đang tập trung chỉ đạo: Xây dựng và hoàn thiện nền tảng chính quyền điện tử; thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh; xây dựng xã hội số trên cơ sở ứng dụng tại 3 ngành y tế, giáo dục và giao thông; kinh tế số tại ngành du lịch, nông nghiệp và công thương… 

Đến hết năm 2020, 80% hồ sơ, văn bản được ký số trong các cơ quan, đơn vị; 85% dịch vụ công đủ điều kiện ở mức độ 4. Năm 2021, Ninh Bình đã dành tỷ lệ 1,5% ngân sách tỉnh để thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, gấp khoảng 10 lần so với những năm trước đây...

 

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại hội nghị.

  Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hà cũng đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cần có chiến lược, chương trình đào tạo, bồi dưỡng về nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số; nghiên cứu khung tiêu chí chuyển đổi số cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh, qua đó triển khai sâu rộng trên địa bàn toàn quốc...

Phát biểu kết luận hội nghị trực tuyến, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, năm 2020, cùng với những kết quả đáng kể trong công tác thông tin, truyền thông, năm 2020 cũng là năm mà lĩnh vực ứng dụng CNTT được áp dụng sâu rộng, toàn diện, góp phần quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát, phòng chống và duy trì cuộc sống của người dân, xã hội trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Trong đó có sự góp sức của hàng chục doanh nghiệp công nghệ, hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, tình nguyện viên, đã phát triển hơn 20 ứng dụng phục vụ phòng, chống COVID-19. Điển hình như các ứng dụng Bluezone - Ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần, NCOVI - Khai báo y tế tự nguyện dành cho người dân... Đến tháng 12/2020, đã có 38 nền tảng công nghệ số được ra mắt phục vụ công cuộc Chuyển đổi số quốc gia. 

Phó Thủ tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, năm 2021 là năm đầu tiên của một năm mới, giai đoạn mới, với những thách thức và cơ hội mới, sẽ tạo ra sứ mệnh mới, không gian mới, từ đó sẽ tạo ra năng lượng mới, cách tiếp cận mới, và đây sẽ là nguồn lực để chúng ta bứt phá vươn lên. 

Bộ Thông tin và Truyền thông cần rà soát, hoàn thiện lại các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ theo thẩm quyền được phân công trên cơ sở các chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, trên cơ sở kết quả chuyển đổi số đạt được ở một số địa phương như Ninh Bình, Bến Tre..., nhân rộng mô hình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử từ cơ sở, lấy người dân là trung tâm. 

Thúc đẩy sử dụng điện thoại thông minh 4G/5G, đảm bảo sẵn sàng cho cho việc triển khai mạng 5G. Mong muốn các doanh nghiệp CNTT hưởng ứng và chung tay cùng Bộ TT&TT trong các chương trình hoạt động, tiến tới xây dựng Chính phủ số bắt kịp sự phát triển của công nghệ.

Tại hội nghị, Bộ TT&TT đã công bố Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; Công bố nền tảng hỗ trợ chuyển đổi số cho các cơ quan báo chí và Khai trương Cổng thông tin tiếp nhận phản ánh, công bố tin giả và ra mắt đầu số tiếp nhận phản ánh tin giả là: 18008108. 

Nguồn: tttt.ninhbinh.gov.vn